I. MỞ ĐẦU :
1. Lí do chọn đề tài :
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn tồn tại và giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam và Hàn Quốc. Khi đối chiếu nghi lễ thờ cúng tổ tiên hai nước thấy có nhiều điểm tương đồng và khác biệt, tạo nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc.
2. Mục tiêu nghiên cứu :
Người viết muốn tổng hợp lại một cách có hệ thống những điểm giống và khác nhau trong nghi lễ tục thờ cúng tổ tiên của hai quốc gia, lấy đó làm tài liệu phục vụ cho việc học tập và nguyên cứu về văn hóa Hàn Quốc.
3. Lịch sử nghiên cứu :
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một trong những đề tài thường được quan tâm nhất khi nghiên cứu về văn hóa dân gian. Tuy nhiên, những nghiên cứu, bài viết về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Hàn Quốc vẫn còn khá ít ỏi. Trong một số cuốn sách về văn hóa Hàn Quốc như: Tra cứu văn hóa Hàn Quốc (Hwang Gwi Yeon, Trịnh Cẩm Lan, NXB ĐHQGHN), Tìm hiểu Hàn Quốc (Nguyễn Vĩnh Sơn, NXB Viện Nghiên cứu và phổ biến tri thức bách khoa)…đã có những giới thiệu cơ bản, hay trong bài viết “Vài phương diện trong tục cúng tế tổ tiên ở người Hàn (qua đối sánh với tục thờ phụng tổ tiên ở người Việt)” của Cao Thế Trình (tạp chí Dân tộc học số 5 – năm 2008) đã có những so sánh với văn hóa Việt ở một số phương diện như đối tượng thờ phụng, nguyên tắc bài trì bàn thờ và lễ vật...Tuy nhiên, dưới góc độ là một sinh viên ngành Hàn Quốc học, đang học tập và nghiên cứu về văn hóa Hàn Quốc, người viết thấy cần hơn nữa những bài nghiên cứu về đề tài này.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu :
Ở cả Việt Nam và Hàn Quốc, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đều tồn tại ở ba cấp độ: gia đình – làng xã – quốc gia nhưng ở bài viết này, người viết chỉ xin đề cấp tới tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong phạm vi gia đình bằng việc so sánh, đối chiếu các nghi lễ thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt (dân tộc Kinh) với các nghi lễ của dân tộc Hàn.
5. Phương pháp nghiên cứu :
Người viết sử dụng các phương pháp : Thu thập thông tin thứ cấp, Tổng hợp tài liệu, So sánh - đối chiếu.
II. NỘI DUNG :
Chương 1: Tìm hiểu chung về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Việt Nam và Hàn Quốc
1. Khái niệm :
Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập "mối liên hệ" giữa người sống với người chết, giữa người ở thế giới hiện tại và thế giới tâm linh. Đó có thể là những người có cùng huyết thống hay là những người có công tạo dựng, những người có công, có đức với làng xã (thành hoàng làng, tổ nghề…), hoặc những người có công khai sinh ra đất nước như Vua Hùng (Việt Nam), Tangun (Hàn Quốc)...
2. Lịch sử hình thành :
Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên là loại hình tồn tại phổ biến và lâu bền nhất. Tại Hàn Quốc, ngay từ thời kì đá mới, cư dân ở đây cũng sớm có những quan niệm về thể xác và linh hồn. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thực sự có sự biến đổi mạnh mẽ sau khi triều đại Koryo sụp đổ và triều đại Choseon lên thay thế vào năm 1392. Lối sinh hoạt của người dân Hàn Quốc đã chịu ảnh hưởng ít nhiều từ các tư tưởng, nguyên tắc của Tống Nho.
Đối với dân tộc Việt, thờ cúng tổ tiên từ lâu đã trở thành một tập tục truyền thống, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngay từ thuở sơ khai, con người đã nhận thức rằng “vạn vật hữu linh” – mọi vật đều có linh hồn. Dưới thời kỳ Bắc thuộc, văn hóa Việt chịu không ít ảnh hưởng của văn hóa Hán. Các nghi lễ thờ cúng tổ tiên như ngày nay đều bắt nguồn từ đấy.
3. Những nghi lễ thờ cúng tổ tiên :
3.1 Ở Hàn Quốc :
Những hình thức thờ cúng thể hiện sự tưởng nhớ, tôn kính đối với tổ tiên được người Hàn gọi là Chesa, gồm 8 lễ : Sasije, Seonjoje, Yije, Ch’arye, Kiilje, Sakmangje, Sokjeolje, Myoje. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã rút gọn lại chỉ làm 3 lễ chính : Ch’arye (lễ tưởng nhớ tổ tiên ở bốn thế hệ gần nhất), Kije (lễ giỗ tổ tiên), Myoje (lễ tưởng nhớ bên mộ).
3.2. Ở Việt Nam:
Việc thờ cúng tổ tiên của người Việt được diễn ra quanh năm. Bàn thờ tổ tiên thường được lập cố định và hướng đặt bàn thờ cũng thường được xem xét kĩ lưỡng ngay khi xây nhà hoặc dọn sang nhà mới.
Chương 2: Một số nét tương đồng và khác biệt trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên của Việt Nam và Hàn Quốc
1. Nét tương đồng :
a) Bản chất - Ý nghĩa :
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được bắt nguồn từ lòng hiếu thảo của con cháu. Do cùng nằm trong khu vực ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong các nghi lễ nhưng vẫn có những nét khác biệt tạo nên bản sắc mỗi dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang nội dung giản dị, ý nghĩa sâu sắc, giàu tính nhân văn, không cực đoan như nhiều tôn giáo khác nên dễ dàng trở thành nếp sống, phong tục phổ biến và tồn tại lâu bền.
b) Đối tượng thờ cúng :
Việc thờ cúng gia tiên của hai dân tộc đều dừng ở phạm vi 4 thế hệ gần nhất : Cao tổ (Kỵ)Tằng tổ (Cụ)Tổ (Ông/Bà)Khảo/Tỷ (Cha/mẹ) .
c) Đối tượng thực hiện :
Thường do con trai trưởng hoặc cháu trai đích tôn đảm nhận. Thậm chí ở Hàn Quốc, nếu nhà vợ không có con trai/cháu trai, con rể có thể đứng ra cúng tế cho nhà vợ.
2. Nét dị biệt :
a) Thời điểm thờ cúng tổ tiên:
Việc cúng tế tổ tiên ở Hàn Quốc chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ nhiều hơn nên nó không thường xuyên diễn ra mà chỉ được thực hiện ở một số dịp nhất định trong năm như: Ngày giỗ (Kiil), Tết truyền thống (Seolnal), Tết Hàn thực (Hansik), Tết Vu Lan (Baekjoongnal), Rằm tháng tám (Chuseok). Trong khi đó, việc thờ cúng tổ tiên của người Việt thường được diễn ra quanh năm, đều đặn vào các ngày giỗ, ngày mồng một, ngày rằm, các dịp lễ Tết như: Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Hàn thực, Tết Trung thu,... Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, mừng thọ, làm nhà, đi xa, thi cử…
b) Cách bài trí bàn thờ :
Bàn thờ tổ tiên của người Hàn rất đơn giản, có tính tạm thời. Mỗi khi tới dịp cúng tế họ kê ra một bàn gỗ, sau khi tế lễ xong lại dọn dẹp, cất đi. Vật thờ cúng chủ đạo là bài vị gỗ gọi là Thần chủ. Nhưng ngày nay, người ta thường thay bằng một tờ giấy gọi là Chibang – ghi họ tên, chức vụ, vị trí của người được cúng tổ tiên, được dán lên tường hoặc bài vị gỗ phía sau ban thờ và sẽ được hóa vào cuối buổi lễ. Ngược lại, bàn thờ tổ tiên là một thành phần không thể thiếu trong các gia đình Việt. Bàn thờ có thể lớn/ nhỏ, đơn sơ/trang trọng tùy hoàn cảnh, điều kiện mỗi gia đình nhưng nó luôn luôn được đặt ở ví trí trang trọng nhất của ngôi nhà. Theo truyền thống, người ta chia gian thờ làm ba lớp. Trường hợp các gia đình khá giả có thể trang trí thêm đồ vật như hoành phi, câu đối bằng gỗ sơn son, khắc chữ vàng...
c) Lễ vật thờ cúng :
Lễ vật trong thờ cúng tổ tiên người Hàn Quốc chuẩn bị rất thịnh soạn và bài trí thành 5 hàng theo trật tự trái-phải, trước-sau rất nghiêm ngặt như: màu đỏ phía đông-màu trắng phía tây, cá phía đông–thịt phía tây, đầu cá phía đông–đuôi cá phía tây, món tươi phía đông–món chín phía tây, bánh phái đông–miến/súp phía tây, đồ uống phía đông–đồ ăn phía tây, đĩa phía đông–bát phía tây…Bốn loại quả bắt buộc phải có là lê, hồng, hạt dẻ, chà là. Tùy từng dịp tổ chức sẽ dâng lên những món ăn đặc trưng, chẳng hạn: canh bánh gạo (Tết truyền thống), Songpyeon (Tết Trung Thu). Lễ vật cúng gia tiên của người Việt cũng được chuẩn bị rất chu đáo. Các lễ vật không thể thiếu gồm có trầu cau, rượu, nước trắng, hoa quả, xôi chè, cỗ mặn,…Tuy không chú trọng bày biện lễ vật theo một nguyên tắc cụ thể nào nhưng mỗi lễ vật đều thể hiện rất rõ triết lý Âm–Dương, Ngũ Hành tùy theo tính chất hay màu sắc.
d) Nghi lễ :
Con cháu người Hàn khi tham gia cúng tế đều phải thực hiện nghiêm túc hai lần đại lễ (quỳ, dập đầu xuống đất). Trong khi đó ở người Việt, nghi thức này thường do chủ tế đảm nhiệm, những người khác có thể không thực hiện (đa phần thường đứng vái).
3. Tổng kết :
Có thể nhận thấy, người Hàn Quốc rất coi trọng hình thức, quan tâm đến cách bố trí đồ cúng trên bàn thờ, và thực hiện nghiêm túc các nghi lễ. Song nhìn chung, thờ cúng tổ tiên Quốc chỉ mang tính chất tưởng niệm, chỉ thực hiện vào một số dịp nhất định trong năm. Còn đối với người Việt, việc thờ cúng tổ tiên vô cùng quan trọng, được diễn ra quanh năm. Các lễ vật không quá coi trọng về cách bố trí nhưng thể hiện rõ triết lý Âm-Dương, Ngũ hành.
III. KẾT LUẬN :
Về mặt tư tưởng, thờ cúng tổ tiên không chỉ thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau đối với thế hệ trước, nó còn nhắc thế hệ những người đang sống phải nhớ đến nguồn, biết kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc sinh thời và thờ phụng khi mất. Do vậy, thờ cúng tổ tiên đã trở thành đạo lý, trở thành nét đẹp đáng trân trọng giữ gìn trong truyền thống văn hoá của hai dân tộc. Về mặt nghi lễ, Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Việt Nam do cùng nằm trong khu vực ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên cả người Việt Nam và người Hàn Quốc đều giữ được những yếu tố văn hóa bản địa, tạo ra những bản sắc dân tộc rất đáng trân trọng và gìn giữ.
SV.Trần Thị Thanh Tâm
K57 Bộ môn Hàn Quốc học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn