Phương Đông, nơi khởi nguồn của nhiều nền văn hóa - văn minh nhân loại ẩn chứa trong đó nhiều điều thú vị. Hệ thống kiến thức về lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị - ngoại giao, ngôn ngữ là phương tiện để bạn khám phá những nét đặc trưng về văn hoá của khu vực này. Ngày nay, do nhu cầu nhân lực cao, sinh viên tốt nghiệp ngành Đông phương học luôn có nhiều cơ hội lựa chọn những vị trí công tác tốt, phù hợp với chuyên môn.
Đào tạo theo hướng khu vực học
Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV có nhiệm vụ đào tạo các cử nhân thuộc 6 chuyên ngành: Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Ấn Độ học, Thái Lan học và Đông Nam Á học.
Sinh viên được đào tạo tại Khoa Đông phương học sẽ phải hoàn thành 14 tín chỉ tiếng Anh bắt buộc và 47 tín chỉ ngoại ngữ chuyên ngành phù hợp với hướng ngành đào tạo của từng sinh viên.
So với các cơ sở đào tạo khác, sinh viên Khoa Đông phương học không chỉ được đào tạo về ngoại ngữ mà còn có những nền tảng vững chắc về kiến thức khu vực học. Mỗi sinh viên được đào tạo tại Khoa Đông phương học đều phải hoàn thành 138 tín chỉ được chia làm 5 khối chương trình đào tạo. Các khối chương trình đào tạo này được ký hiệu từ M1 đến M5 gồm những môn chung của khối Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng như các kiến thức khu vực học của ngành học. Cụ thể:
- Khối M1, M2 là những môn học đại cương do Đại học Quốc gia Hà Nội quy định cho khối Khoa học Xã hội và Nhân văn;
- Khối M3 là những môn học cơ sở ngành đối với Khoa Đông phương học;
- Khối M4, M5 là những môn chuyên ngành về phương Đông – trang bị cho sinh viên cái nhìn tổng quan về khu vực phương Đông.
Với 5 khối kiến thức đó, sinh viên ra trường vừa có nền tảng kiến thức chung của đại học, vừa có kiến thức khu vực học. Đó là đặc trưng của Khoa Đông phương học.
Hiện đại, cập nhật, có tính hệ thống là những nét chính về chương trình đào tạo của Khoa. Không chỉ có giáo trình chuẩn, Khoa còn liên tục nhận được sự hỗ trợ về giáo trình, tài liệu nghiên cứu từ các trường đại học trong khu vực. Đội ngũ giảng viên của Khoa là những Tiến sĩ, Thạc sĩ vốn là cựu sinh viên của Khoa, được đào tạo ở nước ngoài rồi trở lại làm giảng viên, là những người có chuyên môn và giàu kinh nghiệm.
Cơ hội du học
Các học bổng trợ cấp, học bổng du học và những đợt thực tập nước ngoài là điểm hấp dẫn nổi bật của Khoa. Khoa Đông phương học là một trong những khoa đứng đầu về quan hệ hợp tác với các trường đại học danh tiếng trong khu vực và trên thế giới. Hàng năm, sinh viên của Khoa đều nhận được những suất học bổng trợ cấp của các trường đối tác, các Đại sứ quán hoặc doanh nghiệp nước ngoài như Japan Foudation, Korea Foudation, Toshiba Foudation…
Bên cạnh đó, sinh viên Khoa Đông phương học được tham gia các chương trình học tập trao đổi, học bổng du học, các đợt thực tập tại nhiều nước tiên tiến phù hợp với hướng ngành đào tạo. Trong chương trình đào tạo, Khoa thiết kế nhiều môn học tương thích với các chương trình đào tạo của các nước nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được tính điểm trong thời gian học tập trao đổi.
Cơ hội việc làm (dựa theo khảo sát việc làm hàng năm đối với cựu sinh viên)
- Tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu
- Làm việc tại các cơ quan ban ngành của Chính phủ, địa phương
- Làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Singapore... tại Việt Nam hoặc làm việc tại nước ngoài
- Làm việc tại các đại sứ quán và tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các dự án phát triển...
- Tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Châu Á, Châu Âu...;
- Khởi nghiệp trong các lĩnh vực sáng tạo và nghệ thuật, thương mại... (sáng tạo nội dung (content creator), thiết kế sản phẩm văn hóa hoặc phát triển các ứng dụng công nghệ liên quan đến văn hóa, ngôn ngữ Đông phương....)