Khoa Đông phương học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là cơ sở đào tạo và nghiên cứu về Đông phương học hàng đầu ở Việt Nam. Sau 2 năm đào tạo thí điểm, năm 1995, Khoa Đông phương học chính thức được thành lập, ghi dấu mốc quan trọng cho sự kiện lần đầu tiên đào tạo và nghiên cứu Đông phương học trên toàn quốc.
1. Quá trình tổ chức đào tạo
Khoa Đông phương học được thành lập vào năm 1995 (sau 2 năm đào tạo thí điểm) theo Quyết định số 436/TCCB ngày 21/10/1995 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội với mục đích là để phát triển nghiên cứu Khu vực học, cung cấp những tri thức và hiểu biết về các nước châu Á. Khoa Đông phương học đã trải qua những dấu mốc quan trọng chính trong đào tạo như sau:
- Năm 1993, ngành Đông phương học đã được thành lập thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và đã tuyển sinh 02 khóa K38 và K39;
- Năm 1995, Khoa Đông phương học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có 03 chuyên ngành hệ cử nhân là Trung Quốc học, Nhật Bản học và Korea học;
- Năm 2000, Khoa Đông phương học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã có mã ngành đào tạo Thạc sĩ Châu Á học và đến năm 2007, có thêm hai mã ngành đào tạo Tiến sĩ là Trung Quốc học và Đông Nam Á học.
+ Năm 2012, Khoa ĐPH thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đã có các CTĐT theo 5 hướng ngành: Nhật Bản học, Trung Quốc học, Korea học, Ấn Độ học và Thái Lan học, trong đó Thái Lan học được coi là tâm điểm trong nghiên cứu về Đông Nam Á học theo CĐR được ĐHQGHN ban hành tại Quyết định số 4118/QĐ-ĐT ngày 30/11/2012.
+ Năm 2018, Khoa Đông phương học thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN xây dựng và đào tạo thêm mã ngành Đông Nam Á học (mã ngành học độc lập bậc đại học).
+ Năm 2019, Khoa Đông phương học thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN xây dựng và đào tạo thêm mã ngành Nhật Bản học (mã ngành học độc lập bậc đại học).
+ Năm 2020: Khoa Đông phương học thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN xây dựng thêm mã ngành Hàn Quốc học (mã ngành học độc lập bậc đại học, đổi tên và phát triển từ Korea học) song song duy trì 3 mã ngành đào tạo bậc đại học là ĐPH, Đông Nam Á học, Nhật Bản học và 3 mã ngành sau đại học.
2. Sứ mệnh, tầm nhìn, Triết lý giáo dục và khẩu hiệu hành động
- Sứ mệnh: Phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về đất nước học, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay; phát triển nghiên cứu, cung cấp tri thức cần thiết, có trình độ chuyên môn cao về ĐPH cho NCKH trong và ngoài nước.
- Tầm nhìn: Nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo và NCKH phục vụ cho sự nghiệp đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và từng bước hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.
- Triết lý giáo dục và khẩu hiệu hành động
Dựa trên nền tảng triết lý "Giáo dục khai phóng" của Nhà trường, Khoa Đông phương học xác định triết lý và khẩu hiệu hành động là: “Nhân văn - Năng động - Sáng tạo - Hội nhập”.
Triết lý giáo dục hướng tới đào tạo các cán bộ nghiên cứu, các cán bộ chuyên trách về khu vực học/đất nước học liên quan đến Đông phương học có kiến thức, có sự hiểu biết toàn diện cùng với tác phong, kỹ năng nghiệp vụ chuyên nghiệp, chủ động, linh hoạt và sáng tạo, hỗ trợ hiệu quả cho yêu cầu phát triển quan hệ quốc tế, tăng cường hội nhập.
- Định hướng phát triển: Khoa Đông phương học tiếp tục phát huy nội lực và sức mạnh tập thể; tập thể cán bộ, giảng viên của Khoa không ngừng phấn đấu xây dựng phát triển về chiều sâu, nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH, phát triển đội ngũ cán bộ trình độ cao, hoàn thiện hệ thống giáo trình, chương trình đào tạo, với tầm nhìn mới để trở thành cơ sở kết hợp đào tạo và nghiên cứu tiệm cận với quy chuẩn của các đại học đẳng cấp cao trong khu vực.
3. Các thành tựu tiêu biểu
Từ 1995 đến nay, Khoa Đông phương học đã đào tạo hơn 2.000 cử nhân hệ chính quy, hàng trăm thạc sĩ và tiến sĩ, góp phần không nhỏ vào quá trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Số lượng sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm luôn đạt tỷ lệ hơn 90%. Nhiều cựu SV đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan giáo dục, cơ quan nghiên cứu nhà nước và các tổ chức quốc tế.
Khoa Đông phương học đã triển khai thành công nhiều chương trình nghiên cứu, nhiều đề tài Khoa học cấp Quốc gia, Bộ, Ngành; tổ chức nhiều hội thảo Khoa học quốc tế, triển khai nhiều dự án hợp tác trọng điểm. Với gần 30 năm xây dựng và phát triển, Khoa Đông phương học và các bộ môn trực thuộc đã nhiều lần nhận được danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc (2010, 2011, 2013, 2014,…); Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN (2010, 2014, 2015, 2019, 2020…); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (2019…);… Nhiều cán bộ, giảng viên của Khoa cũng đã được nhận các danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ Khoa được trao tặng các giải thưởng và danh hiệu cao quý của Nhà nước như:
+ 01 Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2016 cho công trình Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận của GS.NGND Phan Huy Lê;
+ 01 Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ cho công trình Tìm về cội nguồn, 2 tập của GS.NGND Phan Huy Lê;
+ 03 danh hiệu Nhà giáo Nhân dân: GS. Phan Huy Lê, GS.TS. Lê Quang Thiêm, PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng;
+ 02 Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú: GS.TS. Mai Ngọc Chừ. PGS. Nguyễn Văn Hồng;
+ 01 Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học - Công nghệ, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
+ 01 Giải Đồng “Sách hay” của Hội Xuất bản Việt Nam cho công trình Văn hóa và Ngôn ngữ Phương Đông: GS.TS. Mai Ngọc Chừ;
+ 01 Công trình Văn hóa và Ngôn ngữ Phương Đông được ĐHQGHN công nhận là Công trình Khoa học tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2010: GS.TS. Mai Ngọc Chừ;
+ 01 Giải thưởng Ananda Coomaraswamy dành cho học giả nước ngoài xuất sắc năm 2008 (người châu Á thứ ba, người Việt Nam đầu tiên), Viện Hàn Lâm Văn học Ấn Độ- Sahitya Akademi, trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Ấn Độ, 12/2008: PGS.TS. Đỗ Thu Hà;
+ 01 Kỷ niệm chương vì sự nghiệp GD&ĐT 5/2009: PGS.TS. Đỗ Thu Hà;
+ 01 Giải Nhất Giải thưởng Phạm Thận Duật dành cho luận án TS Sử học, Hội Khoa học Lịch sử và Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật, 2006: PGS.TS. Phan Hải Linh;
+ 01 Giải thưởng của UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho tập thể chuyên gia Dự án Bảo tồn làng cổ Đường Lâm, UNESCO, 2013: PGS.TS. Phan Hải Linh;
+ Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: PGS.TS. Đỗ Thu Hà.
- Tổ chức và cán bộ
4. Cơ cấu tổ chức của Khoa Đông phương học được thể hiện qua sơ đồ dưới đây:
Thế hệ giảng viên đầu tiên của Khoa là những nhà giáo, nhà nghiên cứu đầu ngành về lịch sử, ngôn ngữ học và là những chuyên gia về văn hóa phương Đông như 3 nhà giáo nhân dân (GS. Phan Huy Lê, GS.TS. Lê Quang Thiêm, PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng), 2 nhà giáo ưu tú (PGS.TS. Nguyễn Văn Hồng, GS.TS. Mai Ngọc Chừ).
Trải qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ đào tạo trong hơn 30 năm qua, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa Đông phương học đã không ngừng lớn mạnh cả về lượng và chất. Đó là những tiến sĩ, thạc sĩ vốn là cựu sinh viên của Khoa, được đào tạo ở nước ngoài rồi trở lại làm giảng viên nên là những người có chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Một trong những điểm mạnh của các giảng viên là mọi người đều thông thạo một ngoại ngữ chuyên ngành. Đây chính là một lợi thế của một đơn vị đào tạo đặc thù mà không phải đơn vị nào cũng có được. Nhờ có trình độ ngoại ngữ mà trình độ chuyên môn của cán bộ được nâng cao rõ rệt.
Ban Chủ nhiệm Khoa nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Trưởng Khoa: TS. Lê Thị Thu Giang
- Phó Trưởng Khoa: TS Nguyễn Trần Tiến, TS. Nguyễn Thị Thu Hường
Hiện nay, Khoa Đông phương học có 31 cán bộ, trong đó có 29 giảng viên, 2 chuyên viên, cụ thể gồm: 02 phó giáo sư (chiếm 6,5%), 22 tiến sĩ (chiếm 71%) và 01 cử nhân, 01 thạc sĩ và 05 nghiên cứu sinh (chiếm 22,6% GV cơ hữu). Phần lớn cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore,... và là các chuyên gia có uy tín trong giới học thuật, nghiên cứu khu vực học, đất nước học.
Các Bộ môn trực thuộc:
• Bộ môn Ấn Độ học: TS Phùng Thị Thảo - Trưởng Bộ môn
• Bộ môn Đông Nam Á học: TS Hồ Thị Thành - Trưởng Bộ môn
TS Nguyễn Thị Thuỳ Châu - Phó Trưởng Bộ môn
• Bộ môn Hàn Quốc học: TS. Lưu Tuấn Anh - Trưởng Bộ môn
• Bộ môn Nhật Bản học:TS Võ Minh Vũ - Trưởng Bộ môn
• Bộ môn Trung Quốc học: TS Nguyễn Ngọc Hoa - Trưởng Bộ môn
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Khoa còn có sự hợp tác giảng dạy của đông đảo các giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng trong và ngoài nước. Khoa đặc biệt coi trọng sự hợp tác với các viện nghiên cứu và các trường đại học khác trong nước nhằm kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu như Viện nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Đông nam Á, Viện Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi, Viện Kinh tế Thế giới, Khoa Đông phương học, Khoa Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh,…. Khoa cũng liên tục tiếp nhận những nhà Khoa học, giảng viên thỉnh giảng nước ngoài từ nhiều trường đại học uy tín của nước ngoài như Đại học Tokyo, Đại học Quốc gia Seoul,... hay được các Quỹ phái cử như Quỹ Nhật Bản (Japan Foundation), Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundation), Quỹ Toshiba, KOICA, JICA…. Thông qua việc hợp tác này, các nhà Khoa học và các giảng viên mời ngoài đã gắn bó với Khoa trong đào tạo góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển của Khoa Đông phương học. Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự hợp tác ấy ngày càng được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến, đào tạo sau đại học.
5. Đào tạo
Các ngành học của Khoa Đông phương học đã được xác định và triển khai theo hướng tiếp cận đa ngành và liên ngành. CTĐT được thiết kế cân đối giữa ngôn ngữ và kiến thức chuyên môn, giữa kiến thức chung về châu Á, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Nam Á với kiến thức chuyên sâu về một đất nước cụ thể. Sinh viên được học tập các kiến thức toàn diện bao gồm: lịch sử, văn hóa, văn học, địa lý, kinh tế, chính trị – ngoại giao… của các quốc gia theo các chuyên ngành Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Trung Quốc học, Ấn Độ học, Thái Lan học và Đông Nam Á học. Đây là cơ sở đào tạo các bậc từ cử nhân đến tiến sỹ trong lĩnh vực nghiên cứu khu vực học, đất nước học; đào tạo liên kết quốc tế ở bậc đại học và sau đại học; đào tạo các khóa học ngắn hạn, bồi dưỡng kiến thức và các hình thức đào tạo khác… theo quy định của pháp luật, của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN.
So với các cơ sở đào tạo khác, sinh viên Khoa Đông phương học không chỉ có những nền tảng vững chắc về kiến thức khu vực học mà còn được chú trọng đào tạo về ngoại ngữ. Mỗi sinh viên được đào tạo tại Khoa Đông phương học đều phải hoàn thành 140 tín chỉ, được chia làm 5 khối CTĐT. Các khối CTĐT này được ký hiệu từ M1 đến M5 gồm những môn chung của khối KHXH&NV cũng như các kiến thức khu vực học của ngành học, cụ thể:
+ Khối M1, M2 là những môn học đại cương do ĐHQGHN quy định cho khối KHXH&NV;
+ Khối M3 là những môn học cơ sở ngành đối với Khoa Đông phương học;
+ Khối M4 là những môn thuộc nhóm ngành về phương Đông – trang bị cho sinh viên cái nhìn tổng quan về khu vực Đông phương học;
+ Khối M5 là những môn chuyên ngành về khu vực học/đất nước học – trang bị cho sinh viên cái nhìn chuyên sâu về khu vực Đông Nam Á hay các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc.
Các CTĐT đang triển khai ở Khoa Đông phương học:
+ Bậc đại học: Đơn vị có bốn ngành đào tạo chính là: ĐPH, Đông Nam Á học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học;
+ Bậc sau đại học: Đơn vị có ba chuyên ngành đào tạo ThS và TS: ThS Châu Á học; TS Đông Nam Á học; TS Trung Quốc học.
Hiện tại, Khoa đang trong giai đoạn xây dựng CTĐT ThS và TS ngành Nhật Bản học.
Ngoài ra, Khoa còn đào tạo bằng kép cho sinh viên có thành tích học tập khá trở lên trong ĐHQGHN; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cấp chứng nhận theo hợp đồng ký kết với các cơ quan/doanh nghiệp; các khóa đào tạo chuyển đổi cho học viên theo yêu cầu.
Để đảm bảo phục vụ tốt công tác tổ chức đào tạo, Khoa đã đề xuất với Nhà trường hoặc phối hợp với các tổ chức bên ngoài xây dựng các phòng học chuyên dụng cho các ngành học. Được sự giúp đỡ của các Đại sứ quán, sự tài trợ của Quỹ Toshiba (Nhật Bản), Quỹ Hàn Quốc, Samsung, KOICA (Hàn Quốc) và sự ủng hộ của Nhà trường, Khoa Đông phương học hiện có 05 phòng học chuyên dụng của 05 bộ môn đó là các phòng Trung Quốc học, Nhật bản học, Hàn Quốc học, Thái Lan học, phòng học Iran và 04 phòng học trực tuyến, thông minh. Ngoài việc cung cấp trang thiết bị hiện đại cho phòng học, nhiều tổ chức quốc tế đã tặng cho các chuyên ngành số lượng sách khá lớn gồm hàng ngàn cuốn sách với các thứ tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Malaysia, tiếng Thái Lan và tiếng Anh, là những tư liệu có giá trị cho sinh viên và học viên cao học. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương học đi đôi với hành, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Ban lãnh đạo Khoa và lãnh đạo các bộ môn tích cực chủ động tìm các nguồn tài trợ để đưa sinh viên đi thực tập tại nước ngoài. Từ khi thành lập đến nay, Khoa thường xuyên tổ chức cho các khóa SV đi thực tập tại các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới tại Việt Nam. Những năm gần đây, bên cạnh việc tổ chức cho sinh viên thực tập trong nước, bằng nguồn kinh phí khai thác được của nước ngoài, Khoa đã tổ chức cho sinh viên đi thực tập tại một số trường đại học tại Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Trung Quốc và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Thông qua các chuyến thực tập này, sinh viên không chỉ được giao lưu, học hỏi nâng cao kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, hiểu biết về những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước và khu vực, mà còn có tác dụng khuyến khích, động viên sinh viên tích cực rèn luyện, phấn đấu trong học tập, cũng như có ý thức cao hơn trong việc tuyên truyền, bảo vệ những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại.
6. Nghiên cứu khoa học (NCKH):
Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, NCKH cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tập thể cán bộ, giảng viên trong Khoa. Đối với người giảng viên, nếu không có kết quả nghiên cứu tốt các đề tài Khoa học thì không thể có bài giảng tốt và phương pháp giảng dạy tốt trên giảng đường và không thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Mục tiêu đặt ra của Khoa là trung bình mỗi năm học, ít nhất mỗi giảng viên phải có 01 bài đăng trên tạp chí chuyên ngành hoặc 01 báo cáo khoa học tại các kỷ yếu hội thảo khoa học. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, hầu hết cán bộ giảng viên của Khoa không chỉ hoàn thành tốt chỉ tiêu, mà còn vượt so với chỉ tiêu đề ra. Tính đến nay, đã có khoảng hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành và hàng trăm báo cáo khoa học đăng trong các kỷ yếu hội thảo.
Thực hiện nghiên cứu các đề tài luôn là điểm mạnh của cán bộ, giảng viên Khoa Đông phương học. Hầu hết cán bộ giảng dạy của Khoa đều tham gia nghiên cứu các đề tài cấp cơ sở, cấp ĐHQGHN, cấp Bộ,... Nhìn chung, công tác NCKH của Khoa Đông phương học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được Nhà trường và xã hội ghi nhận.
Trên cơ sở chất lượng của nhiều đề tài NCKH đạt chất lượng tốt, nhiều đề tài đã được xuất bản dưới dạng sách chuyên khảo, giáo trình, bài giảng. Theo thống kê, cán bộ trong Khoa đã công bố hơn 100 đầu sách, số giáo trình, bài giảng biên soạn là gần 100, đây là con số không nhỏ thành tựu quan trọng, trong chặng đường của Khoa gần 30 năm hình thành và phát triển.
Hội thảo khoa học cũng là một trong những thành tựu đáng tự hào của Khoa Đông phương học. Trong nhiều năm qua, Khoa Đông phương học với sự tài trợ của các tổ chức như Quỹ Toshiba, Quỹ Nhật Bản (Japan Foundation), Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundation),… nhiều hội thảo quốc tế và quốc gia đã được tổ chức tại trường ĐHKHXH&NV và thu hút được hàng trăm nhà Khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Có thể kể đến các hội thảo điển hình như: Phương Đông hợp tác và phát triển; Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Những vấn đề lịch sử và hiện tại; Mười năm đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam, Nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam, Văn hóa Phương Đông: Truyền thống và hội nhập; Quan hệ Việt nam- Iran; Thúc đẩy Nhật bản học ở Việt nam; Đông phương học Việt Nam lần thứ tư; Hàn Quốc và Hàn Quốc học từ góc nhìn châu Á... Các cuộc hội thảo trên không chỉ gây được tiếng vang lớn, nâng cao trình độ chuyên môn, khẳng định vị thế và uy tín của Khoa mà còn mở rộng sự giao lưu, hội nhập với bạn bè trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh những thành tích nêu trên, công tác NCKH của sinh viên cũng được Nhà trường và Khoa chú trọng. Hằng năm, hội nghị NCKHSV được tổ chức thường niên với lực lượng nòng cốt là sinh viên năm thứ 3 của Khoa. Khoa đã có hàng chục tập kỷ yếu hội nghị được ấn hành; khoảng 200 sinh viên đạt thành tích trong NCKH được các giải cấp trường, cấp ĐHQGHN và cấp Bộ. Nhiều báo cáo NCKH của sinh viên đã được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.
7. Hợp tác và phát triển
Là một đơn vị đào tạo về khu vực học, quan hệ hợp tác đào tạo quốc tế luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Khoa. Không chỉ chú trọng mở rộng các bậc học và nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, Khoa Đông phương học còn là một đơn vị năng động, tích cực, luôn chủ động thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế. Học bổng trợ cấp, học bổng du học, các đợt thực tập nước ngoài là điểm hấp dẫn nổi bật của Khoa.
Về hợp tác phát triển đào tạo, Khoa có quan hệ hợp tác với hàng chục trường đại học cũng như tổ chức quốc tế trong khu vực (Đại học Bắc Kinh - Trung Quốc, Đại học Tokyo, Đại học Osaka, Đại học Meiji - Nhật Bản, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Ngoại ngữ Busan - Hàn Quốc, Đại học Chulalongkorn - Thái Lan, Đại học Jawaharlal Nehru, Đại học Delhi, Đại học Calcutta - Ấn Độ). Khoa đã liên tục nhận phối hợp với các cơ quan tổ chức nước ngoài thực hiện nhiều dự án đào tạo, ví dụ tiếp nhận giáo viên tình nguyện từ các tổ chức JICA, KOICA,... Ngành Korea học đã hợp tác với Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundation) và Đại học Seoul (Hàn Quốc) xây dựng một số bộ giáo trình chuẩn về Korea học. Ngành Nhật Bản học và Korea học phối hợp với giáo sư của Đại học Tokyo, Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Inha mở các lớp học trực tuyến. Ngoài ra, Khoa còn kết hợp với Đại sứ quán Iran tổ chức lớp học tiếng Ba Tư cho Sinh viên và những người có quan tâm tới ngôn ngữ này. Nhằm tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, Khoa cũng tổ chức giảng dạy tiếng Việt và lịch sử, văn hóa Việt Nam cho sinh viên người Thái Lan.
Thông qua hình thức tài trợ của các quỹ tài trợ và các công ty nước ngoài, trong nhiều năm qua Khoa khuyến khích, tạo điều kiện cho nhiều cán bộ của Khoa đi học tập và nghiên cứu tại nhiều nước dưới nhiều hình thức khác nhau như đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, dự hội thảo khoa học quốc tế, trao đổi học giả, trao đổi giảng viên,… Theo đó, hàng chục lượt cán bộ được cử tham dự các khóa đào tạo chuyên môn dài hạn và ngắn hạn ở Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… , giúp giảng viên có cơ hội tiếp cận với các kiến thức và thực tiễn quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyên môn. Nhiều dự án hợp tác với nước ngoài được triển khai, tiêu biểu là: Dự án "Chuỗi bài giảng chuyên đề nghiên cứu Nhật Bản" (Quỹ Toshiba Nhật Bản tài trợ), Dự án "Chuỗi tọa đàm khoa học dành cho các nhà Khoa học trẻ "Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á" (Quỹ Toshiba Nhật Bản tài trợ), Dự án "Trao học bổng Samsung-KF và nâng cấp phòng học trực tuyến" (KF - Samsung tài trợ),..... Sinh viên đều nhận được nhiều suất học bổng trợ cấp của các trường đối tác, các Đại sứ quán hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, các suất học bổng du học với thời gian đa dạng, với các cấp học từ trao đổi, học đại học, học thạc sĩ đến học tiến sĩ. Sinh viên được tham dự các hội thảo ở các trường đại học nước ngoài.
Trong phục vụ cộng đồng, đội ngũ giảng viên của Khoa Đông phương học đã có nhiều đóng góp như: tổ chức các buổi trải nghiệm văn hóa các nước phương Đông, tổ chức hỗ trợ cho sinh viên bị mắc Covid-19 trong giai đoạn giãn cách,... Các hoạt động phục vụ cộng đồng có tính hiệu quả cao và được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Thông tin liên hệ
- Địa chỉ: Tầng 2, nhà C, số 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội
- Điện thoại: 024.38584596; 024.35580208
- Fax: 024. 38583821
- Website: https://fos.ussh.vnu.edu.vn/vi/