Trải qua quá trình phát triển tính đến thời điểm này, sự nghiệp đào tạo của khoa đã có những bước tiến dài đáng kể với 05 ngành đào tạo ở bậc cử nhân, 01 mã ngành đào tạo thạc sĩ châu Á học và 02 mã ngành đào tạo tiến sĩ Trung Quốc học và Đông Nam Á học. Có thể thấy, cùng với sự phát triển của Nhà trường, trải qua hơn thập kỷ, tuy chưa có bề dày truyền thống như một số khoa đàn anh khác trong trường, nhưng cùng với thời gian, với lợi thế của người đi sau và đặc biệt là sự vươn lên mạnh mẽ của một ngành khoa học trẻ trước xu thế hội nhập quốc tế, Khoa Đông phương học đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Nhân dịp 65 năm ngày thành lập Trường, trong phạm vi của một báo cáo khoa học, chúng tôi không thể nói hết được những thành tựu đã làm được, mà chỉ nêu và phân tích một số thành tựu cơ bản, góp phần làm sáng tỏ mục tiêu phát triển của một ngành khoa học trẻ dưới sự lãnh đạo của Nhà trường và sự nỗ lực phấn đấu của thày và trò Khoa Đông phương học trong chặng đường hơn thập kỷ qua. Nhìn tổng quát, những thành tựu của Khoa Đông phương học trong 15 năm qua được thể hiện qua một số nội dung sau:
1. Trước hết là công tác tổ chức và công tác cán bộ
Có thể thấy, để có được một cơ cấu tổ chức phù hợp và một đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, bộ phận văn phòng của Khoa như ngày nay, được sự giúp đỡ của Nhà trường, qua hơn thập kỷ, BCN khoa và tập thể cán bộ trong khoa luôn xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực, cố gắng trong đào tạo và tự đào tạo, tâm huyết với ngành, với nghề, tất cả vì sự nghiệp phát triển của khoa. Công tác tổ chức và cán bộ trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu sau đây:
1.1 Ban chủ nhiệm Khoa qua các thời kỳ
Nhiệm kỳ 1995-2000
Chủ nhiệm Khoa: GS Phan Huy Lê
Các phó chủ nhiệm Khoa: GS.TS Lê Quang Thiêm
PGS. TS Mai Ngọc Chừ
PGS Nguyễn Quôc Hùng
Nhiệm kỳ 2000-2005
Chủ nhiệm Khoa: PGS. TS Mai Ngọc Chừ
Các phó chủ nhiệm Khoa: Th.s Phạm Minh Tâm
Th.s Nguyễn Thị Vân
Nhiệm kỳ 2005-2010
Chủ nhiệm Khoa: GS. TS Mai Ngọc Chừ
Các phó chủ nhiệm Khoa: PGS. TS Nguyễn Tương Lai
TS. Trịnh Cẩm Lan
PGS. TS Lê Đình Chỉnh
Nhiệm kỳ 2010-2015
Chủ nhiệm Khoa: PGS. TS Lê Đình Chỉnh
Phó Chủ nhiệm Khoa: PGS.TS Đỗ Thu Hà
1.2 Các bộ môn thuộc Khoa
Khoa Đông phương học là một khoa đặc thù trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thời gian đầu khi còn là ngành Đông phương học thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 3 bộ môn chính thức được thành lập [2] là các ngành Trung Quốc học do PGS Nguyễn Văn Hồng làm chủ nhiệm; PGS Nguyễn Quốc Hùng chủ nhiệm ngành Nhật Bản học và GS. TS Lê Quang Thiêm chủ nhiệm ngành Hàn Quốc học. Sau khi có quyết định thành lập khoa, đáp ứng với nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, được sự đồng ý của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường ĐHKHXH&NV, khoa có thêm hai bộ môn được thành lập là Đông Nam Á học và Ấn Độ học. Như vậy, tính đến thời điểm này, Khoa Đông phương học có 5 bộ môn đào tạo với 5 ngành học khác nhau là Trung Quốc học, Nhật Bản học, Korea học, Đông Nam Á học và Ấn Độ học.
Về lãnh đạo các bộ môn qua các thời kỳ gồm có:
Nhiệm kỳ 1995-2000
Chủ nhiệm bộ môn Trung Quốc học: PGS Nguyễn Văn Hồng
Chủ nhiệm bộ môn Nhật Bản học: PGS Nguyễn Quốc Hùng
Chủ nhiệm bộ môn Korea học: GS. TS Lê Quang Thiêm
Chủ nhiệm bộ môn Đông Nam Á học: PGS. TS Mai Ngọc Chừ
Nhiệm kỳ 2000- 2005
Chủ nhiệm bộ môn Trung Quốc học: PGS Nguyễn Văn Hồng
Chủ nhiệm bộ môn Nhật Bản học: PGS Nguyễn Quốc Hùng
Phó Chủ nhiệm: Th.s Phan Hải Linh
Chủ nhiệm bộ môn Korea học: GS. TS Lê Quang Thiêm
Chủ nhiệm bộ môn Đông Nam Á học: PGS. TS Mai Ngọc Chừ
Chủ nhiệm bộ môn Ấn Độ học: GS Lương Ninh
Phó chủ nhiệm : TS Đỗ Thu Hà
Nhiệm kỳ 2005-2010
Chủ nhiệm bộ môn Trung Quốc học: GS. TS Nguyễn Văn Khang
Phó chủ nhiệm: TS. Đỗ Thuý Nhung
Chủ nhiệm bộ môn Nhật Bản học: TS Phan Hải Linh
Chủ nhiệm bộ môn Korea học: GS. TS Lê Quang Thiêm
Phó chủ nhiệm: Th.s Lê Thị Thu Giang
Chủ nhiệm bộ môn Đông Nam Á học: GS. TS Mai Ngọc Chừ
Chủ nhiệm bộ môn Ấn Độ học: TS Đỗ Thu Hà
Nhiệm kỳ 2010-2015
Chủ nhiệm bộ môn Trung Quốc học: TS Nghiêm Thuý Hằng
Chủ nhiệm bộ môn Nhật Bản học: TS Phan Hải Linh
Chủ nhiệm bộ môn Korea học: Th.s Lê Thị Thu Giang
Chủ nhiệm bộ môn Ấn Độ học: PGS. TS Đỗ Thu Hà
Chủ nhiệm bộ môn Đông Nam Á học: GS. TS Mai Ngọc Chừ
1.3 Đội ngũ cán bộ của Khoa
Hiện nay, đội ngũ cán bộ của Khoa gồm có 31 người được biên chế như sau:
Bộ môn Trung Quốc học : 8
Bộ môn Nhật Bản học: 6
Bộ môn Đông Nam Á học: 6
Bộ môn Korea học: 5
Bộ môn Ấn Độ học: 3
Bộ phận văn phòng Khoa: 3
Về chất lượng đội ngũ cán bộ, Khoa Đông phương học tuy là khoa mới thành lập, nhưng có một đội ngũ giảng viên cơ hữu, kiêm nhiệm, mời giảng gồm các nhà khoa học có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao, đa dạng về chuyên môn, phù hợp với yêu cầu đào tạo của một ngành học mới - khu vực học. Trải qua các thời kỳ, do nhu cầu công tác hoặc do tuổi tác, số lượng cán bộ cơ hữu trong khoa có nhiều thay đổi, (nhiều GS, PGS đến tuổi nghỉ hưu, một số cán bộ đã chuyển sang các đơn vị khác), nhưng do sự kiên trì về mục tiêu chiến lược trong đào tạo và nhất là sớm có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cho cán bộ trẻ nên số lượng cán bộ trong Khoa vẫn được duy trì ở mức ổn định. Hiện nay, tập thể cán bộ giảng viên trong Khoa không chỉ đáp ứng về số lượng [3], mà trình dộ chuyên môn của cán bộ ngày càng được khẳng định, hiện tại hầu hết giảng viên của khoa đều có học vị tiến sĩ và thạc sĩ, nhiều người được đào tạo từ nước ngoài. Theo thống kê, hiện tại học hàm, học vị của cán bộ trong khoa như sau:
Giáo sư: 01
Phó Giáo sư: 03
Tiến sĩ: 09
Thạc sĩ: 20
Để nâng cao trình độ của giảng viên, ngay từ những năm đầu, khoa đặc biệt coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài (như ở Hàn Quốc; Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan… ), Nhờ đó, tuy là khoa mới song có thể thấy, Khoa Đông phương học đã có một đội ngũ cán bộ được trẻ hoá, hầu hết đều có học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Một điều đáng mừng là hiện nay, sau khi có bằng thạc sĩ, nhiều giảng viên trẻ trong khoa tiếp tục phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các chương trình đào tạo nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước. Theo dự kiến của khoa đến năm 2015, hầu hết cán bộ trong Khoa sẽ có học vị tiến sĩ.
Bên cạnh các chương trình đào tạo trên, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, cũng trong nhiều năm qua, nhiều cán bộ giảng dạy trong khoa đã tham gia các chương trình đào tạo và tự đào tạo ở nước ngoài với nhiều hình thức khác nhau như nâng cao ngoại ngữ, trao đổi giảng viên, học giả, dự hội thảo quốc tế, nghiên cứu khoa học, viết giáo trình bài giảng… Vì vậy, hầu hết cán bộ giảng dạy của khoa đều được đi nước ngoài. Đây là thành tích đáng nghi nhận của giảng viên của khoa trong việc đào tạo và tự đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và nhất là giúp cho sự giao lưu học hỏi hội nhập với khu vực và quốc tế của khoa.
Một trong những điểm mạnh của các giảng viên trong khoa là mọi người đều thong thạo một ngoại ngữ chuyên ngành. Đây chính là một lợi thế của một khoa đặc thù mà không phải đơn vị nào cũng có được. Nhờ có trình độ ngoại ngữ mà trình độ chuyên môn của cán bộ trong khoa được nâng cao rõ rệt.
Công tác phát triển Đảng của khoa đến thời điểm này cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Thời gian đầu mới thành lập, do chưa đủ số đảng viên nên chưa thành lập được chi bộ và phải ghép với các chi bộ các khoa khác. Đến nay, chi bộ Khoa Đông phương học thường xuyên có 8 đảng viên sinh hoạt, hiện tại có 2 đảng viên đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Trong thời gian qua, chi bộ Khoa Đông phương học đã kết nạp được 10 đảng viên.
Nhìn chung, công tác tổ chức và công tác cán bộ của Khoa đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là công tác xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ thường xuyên được tăng cường trở thành lực lượng nòng cốt của khoa.
Một dấu hiệu đáng mừng là trong đào tạo, hầu hết các cán bộ trẻ của khoa đều sớm được đứng lớp khẳng định chuyên môn của mình, nhất là tham gia dạy các lớp tiếng chuyên ngành, tham gia công tác quản lý đoàn thể của khoa và chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường hoặc cấp Đại học Quốc gia. Trình độ ngoại ngữ của các cán bộ trẻ đều đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh công tác phát triển đảng, chi bộ khoa còn chú trọng đến công tác phát triển đảng viên trong sinh viên. Trong thời gian qua, nhiều sinh viên có thành tích cao trong học tập tu dưỡng và rèn luyện dều được kết nạp đảng và sau đó, hầu hết các sinh viên này sau tốt nghiệp đều được chuyển tiếp nghiên cứu sinh hoặc cao học, hoặc đi đào tạo tại nước ngoài. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, so với nhu cầu đào tạo hiện nay thì số cán bộ giảng dạy vẫn thiếu, Khoa phải mời thêm cán bộ kiêm nhiệm hoặc mời giảng viên thỉnh giảng bên ngoài. Một số bộ môn hiện nay thiếu giảng viên như bộ môn Ấn Độ (hiện tại bộ môn này còn 02 giảng viên), bộ môn Hàn Quốc có 03 giảng viên. Ngoài việc đảm nhiệm chuyên môn, nhiều giảng viên phải đảm nhiệm công việc hàng chính, quản lý của Khoa.
Hai là, công tác đào tạo
Nhìn tổng quát, công tác đào tạo của Khoa Đông phương học gồm có những nội dung chính sau:
Thứ nhất, đào tạo cử nhân hệ chính quy
5 bộ môn của khoa hiện nay thực chất là 5 chuyên ngành đào tạo những kiến thức về khu vực học gồm Trung Quốc học, Nhật Bản học, Korea học, Đông Nam Á học và Ấn Độ học. Nếu một trong ai đó cho rằng Khoa Đông phương là khoa ngoại ngữ như các trường đại học ngoại ngữ khác thì đó là một nhận thức hoàn toàn sai lầm về Khoa Đông phương học. Bởi lẽ, ngoài việc đào tạo tiếng chuyên ngành, sinh viên Khoa Đông phương học còn được trang bị một khối lượng kiến thức không nhỏ về khu vực học gốm các môn lịch sử, văn hoá, văn học, nghệ thuật, hệ thống chính trị pháp luật, kinh tế, ngôn ngữ và tộc người….
Nội dung đào tạo như đã đề cập gồm kiến thức chuyên ngành về khu vự học, nhưng muốn hiểu được nhóm kiến thức này thì người học không thể không có kiến thức ngoại ngữ như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Anh… bởi vì đó là chìa khoá quan trọng để tiếp thu các kiến thức chuyên ngành. Mặt khác cũng cần thấy rằng, tuy số tiết học ngoại ngữ có thể không bằng các trường chuyên ngữ, song lợi thế của người học tại Khoa Đông phương học lại có kiến thức chuyên ngành về khu vực học, nên khi tốt nghiệp ra trường, họ dễ dàng thích ứng với chuyên môn của mình và được các tổ chức quốc tế, các công ty nước ngoài tại Việt Nam dễ chấp nhận. Dưới con mắt của người nước ngoài, ngoài kiến thức về ngôn ngữ, kiến thức chuyên môn về khu vực học là điều đặc biệt quan trọng đối với họ, nhất là trong ứng xử cũng như trong giao tiếp truyền thống, phong tục tập quán của người phương Đông. Về điểm này, sinh viên Khoa Đông phương học có thế mạnh hơn so với sinh viên các trường chuyên ngữ. Điều đó giải thích tại sao, khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên Khoa Đông phương học hội nhập nhanh chóng với khu vực và quốc tế và cũng sớm nhận được việc làm với mức lương hợp lý. Qua khảo sát ở một số khoá tốt nghiệp gấn đây ( từ khoá 45 đến khoá 50) 100% sinh viên ra trường đều đã nhận được việc làm với mức lương bình quân khoảng 6-8 triệu / tháng.
Trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2007, thực hiện chương trình đào tạo của Nhà trường theo hình thức đào tạo niên chế, khối lượng kiến thức gồm 210 đơn vị học trình (đvht), ngoài khoá luận tốt nghiệp (10 đvht), thực tập thực tế (10 đvht), khối lượng kiến thức còn lại được phân bố như sau:
- Khối kiến thức giáo dục đại cương: 42 đvht ( 630 tiết)
Khối kiến thức này gồm những môn học bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được áp dụng chung cho các trường đại học trong cả nước. Chẳng hạn, như các môn Triết học Mác- Lênin, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh,…
- Kiến thức khối ngành và của ngành: 41 đvht ( 610 tiết)
Khối kiến thức này gồm các môn học sau: Nhập môn khu vực học; Xã hội học đại cương, Kinh tế học đại cương, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Thể chế chính trị thế giới, Địa lý thế giới; Lịch sử phương Đông; Văn hoá- văn minh phương Đông; Quan hệ quốc tế ở phương Đông; Tiếng Việt và ngôn ngữ phương Đông…
Ngoại ngữ chuyên ngành: 80 (đvht) 1200 tiết.
Các ngoại ngữ chuyên ngành này hiện nay đang được đào tạo tại khoa gồm các thứ tiếng: Trung, Nhật, Hàn, Anh, Malaysia, Inđônêsia, Thái Lan,.. Riêng bộ môn Đông Nam Á học người học ngoài việc học tiếng bản địa, tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc thứ 2 của ngành.
Kiến thức chuyên ngành: 27 đvht ( 405 tiết)
Chuyên ngành Trung Quốc học gồm các môn: Văn hoá Trung Quốc, Lịch sử Trung Quốc, Kinh tế Trung Quốc; Tôn giáo triết học Trung quốc; Nhà nước pháp luật Trung Quốc; Quan hệ Quốc tế Trung Quốc; Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; Kinh tế Đài Loan, Cải cách thể chế chính trị Trung Quốc; Văn học Trung Quốc.
Chuyên ngành Nhật Bản học gồm các môn: Văn hoá Nhật Bản; Lịch sử Nhật bản; Kinh tế Nhật bản; Địa lý cư dân môi trường Nhật bản, Hệ thống chính trị - pháp luật nhật Bản, Quan hệ quốc tế và dối ngoại của Nhật Bản; Quản trị kinh doanh Nhật Bản; Tôn giáo Nhật Bản, Xã hội và phong tục tập quán Nhật bản; Văn học Nhật bản, Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản; Phương pháp nghiên cứu Nhật Bản từ góc nhìn khu vực học.
Chuyên ngành Korea học gồm các môn: Lịch sử Kora; văn hoá Korea; Địa lí cư dân và môi trường Korea; Tôn giáo và phong tục tập quán Korea, Giao thoa ngôn ngữ Hán- Hàn- Việt; Kinh tế Hàn Quốc; Nhà nước và pháp luật Hàn Quốc, Xã hội Hàn Quốc, Các công ty tiêu biểu của Hàn Quốc; Quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc…
Chuyên ngành Đông Nam Á học gồm các môn: Lịch sử Đông Nam Á (ĐNA); Văn hoá ĐNA, Kinh tế ĐNA, Văn học ĐNA, Nghệ thuật ĐNA: Tổ chức ASEAN và quan hệ quốc tế ĐNA; Hệ thông chính trị - pháp luật các quốc gia ĐNA, Lịch sử văn hoá xã hội Lào; Lịch sử văn hoá xã hội Cămpuchia; Lịch sử văn hoá xã hội Thái Lan, Lịch sử văn hoá xã hội Inđônêsia, Lịch sử văn hoá xã hội Malaysia.
Chuyên ngành Ấn Độ học gồm các môn: Văn hoá Ấn Độ; Lịch sử Ấn Độ; Văn học Ấn Độ; Địa lý Ấn Độ; Tôn giáo và tư tưởng triết học Ấn Độ, Tộc người và ngôn ngữ Ấn Độ; Thể chế chính trị và quan hệ quốc tế của Ấn Độ; Xã hội và phong tục tạp quán Ấn Độ.
Từ năm 2007 đến nay, thực hiện chủ trương của Đại học Quốc gia và Nhà trường về việc chuyển đổi phương thức đào tạo từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, cũng như các khoa khác trong trường, Khoa Đông phương học đã sớm triển khai thực hiện phương thức đào tạo mới này và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Thành tựu quan trọng nhất của bước chuyển đổi này là khoa đã biên soạn được hệ thống đề cương môn học chung gồm các môn cơ sở và chuyên ngành của các ngành học trong khoa với thời lượng khối kiến thức cơ sở của ngành là 13 tín chỉ; khối kiến thức chuyên ngành và bổ trợ gồm 66 tín chỉ; khối kiến thức thực tập và tốt nghiệp gồm 8 tín chỉ.
Như vậy tính đến thời điểm này, chương trình đào tạo theo hình thức tín chỉ qua 4 năm thực hiện mặc dù còn chỉnh sửa theo quy định chung của Nhà trường, song về nội dung đào tạo cơ bản đã được biên soạn hoàn tất. Cùng với thời gian, qua thực tiễn trên giảng đường, phương pháp giảng dạy và học tập của thày và trò theo hình thức tín chỉ đã được triển khai thực hiện và mang lại những hiệu quả thiết thực trong đào tạo. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, là khoa đặc thù trong đào tạo theo 5 ngành học khác nhau, nhất là đào tạo tiến chuyên ngành bắt buộc phải đi theo các bước từ cơ bản đến nâng cao nên sinh viên buộc phải tuân theo một trật tự chung của chương trình đào tạo. Vì vậy, khác so với các khoa khác tron trường, sinh viên học ở Khoa Đông phương học học theo hình thức tí chỉ chỉ có thể áp dụng đối với các môn chuyên ngành, mà các môn ngoại ngữ chuyên ngành thì buộc người học phải qua 8 học kỳ mới có thể tích luỹ đủ tín chỉ (trừ khi người đã thông thạo tiếng chuyên ngành đó).
Về kết quả đào tạo
Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2010 (tức là khoá học K51 tốt nghiệp ra trường), Khoa Đông phương học đã cung cấp cho xã hội 1342 cử nhân Đông phương học gồm các chuyên ngành Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Ấn Độ học, Đông Nam Á, trong đó có khoảng (85 %) sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi và xuất sắc. Một ví dụ điển hình cho thấy, sinh viên K51 là khoá sinh viên khá ấn tượng của Khoa ( khoá đầu tiên đào tạo theo hình thức tín chỉ ra trường có tỉ lệ khá, giỏi và xuất sắc là 90 %, đặc biệt là, trong số 17 sinh viên toàn trường đạt danh hiệu xuất sắc thì sinh viên K51 Khoa Đông phương học chiếm số lượng là 5 người chiếm trên 29%. Vấn đề chuẩn đầu ra của sinh viên là vấn đề cực kỳ quan trọng, đồng thời cũng là mối quan tâm đặc biệt của khoa. Là một trong những khoa có tuổi đời còn non trẻ nhưng lại có lợi thế trong việc hội nhập và hợp tác quốc tế nên từ khi thành lập cho đến nay, cùng với sự hội nhập và phát triển chung của đất nước, sinh viên của khoa khi tốt nghiệp ra trường đã sớm tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Đặc biệt, có những chuyên ngành số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường không đủ đáp ứng với nhu cầu xã hội. Qua các kỳ thi tuyển cán bộ, công chức, của nhiều bộ, ngành trong nước cũng như các tổ chức, công ty nước ngoài, nhiều sinh viên của khoa dự thi đã vượt qua với số điểm cao nếu không muốn nói là cao nhất hội đồng thi tuyển. Thêm nữa, trong quá trình công tác, cùng với hiệu quả công việc và phẩm chất đạo đức tốt đã gây được tiếng vang lớn, góp phần khẳng định thương hiệu, uy tín cho khoa trong đào tạo và giáo dục. Tuy không phải là đơn vị đào tạo chuyên ngữ như các trường đại học ngoại ngữ khác, nhưng “ qua nhiều kỳ thi ngoại ngữ chuyên ngành, do các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội tổ chức, nhiều sinh viên của khoa đã đạt giải cao, trong đó có cả giải nhất [4].
Trải qua các kỳ thi như vậy, sinh viên Khoa Đông phương học không chỉ nâng cao được kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tế, mà còn tự mình khẳng định được uy tín chất lượng đào tạo của Khoa của Nhà trường, xứng tầm với một cái nôi học thuật, trường đại học nghiên cứu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ cao vươn tầm khu vực và chuẩn quốc tế.
Một điều đáng phấn khởi ở Khoa Đông phương học mà không phải khoa nào trong trường cũng có được là trong nhiều năm qua, nhiều sinh viên của khoa, trong đó đặc biệt phải nói đến sinh viên ngành Hàn Quốc học và Nhật Bản học là các ngành nhận được nhiều học bổng của các tổ chức kinh tế, giáo dục, xã hội, các quỹ giao lưu văn hoá, các công ty, ngân hàng Hàn Quốc, Nhật Bản, nhất là học bổng dành cho sinh viên của nhiều trường đại học Nhật Bản, Hàn Quốc …[5]
Ngoài việc sinh viên được nhận học bổng trong những năm học tại khoa, sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên của khoa đã tiếp tục đi làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc… bằng các nguồn học bổng của nước ngoài. Hiện tại số nghiên cứu sinh đang học tập tại nước ngoài là 8 người gồm: Lưu Tuấn Anh (HQ), Hà Minh Thành (HQ), Võ Minh Vũ (NB), Nguyễn Thọ Đức (TQ), Nhâm Thanh Lý (TQ), Nguyễn Thanh Hải (ĐNA), Nguyễn Trần Tiến (ÂĐ), Ngô Tuyết Lan (TQ). Số nghiên cứu sinh đang học trong nước gồm 5 người: Võ Thị Thu Nguyệt (ĐNA), Hồ Thị Thành (ĐNA), Lê Thị Thu Giang (HQ), Nguyễn Thị Thu Hường (HQ), Phạm Hoàng Hưng (NB). Theo kế hoạch của khoa, đến năm 2015 toàn thể giảng viên trong khoa sẽ có học vị tiến sĩ hoặc đang làm luận án tiến sĩ.
Thực hiện chủ trương học đi đôi với hành, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, BCN Khoa và lãnh đạo các bộ môn tích cực chủ động tìm các nguồn tài trợ để đưa sinh viên đi thực tập tại nước ngoài. Từ khi thành lập đến nay năm nào cũng vậy, khoa thường xuyên tổ chức cho các khoá sinh viên đi thực tập tại các di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới tại Việt Nam. Những năm gần đây, bên cạnh việc tổ chức cho sinh viên thực tập trong nước, bằng nguồn kinh phí khai thác được của nước ngoài, khoa đã tổ chức cho sinh viên đi thực tập tại một số trường đại học tại Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Trung Quốc và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Thông qua các chuyến thực tập này, sinh viên không chỉ được giao lưu, học hỏi nâng cao kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, hiểu biết về những giá trị văn hoá truyền thống của đất nước và khu vực, mà còn có tác dụng khuyến khích, động viên sinh viên tích cực rèn luyện, phấn đấu trong học tập, cũng như có ý thức cao hơn trong việc tuyên truyền, bảo vệ những giá trị tinh hoa văn hoá của nhân loại.
Cũng cấn thấy rằng, là một khoa mới, đội ngũ cán bộ trong khoa so với một số khoa khác trong trường tuy số lượng đông hơn, nhưng không đủ để đáp ứng với một khoa đặc thù có nhiều ngành đào tạo về khu vực học. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, khoa đặc biệt coi trọng sự hợp tác với các viện nghiên cứu và các trường đại học khác trong nước nhằm kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu như Viện nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Đông nam Á, Viện Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi, Viện Kinh tế Thế giới, Khoa Đông Phương học Trường ĐHKHXH& NV Tp. Hồ Chí Minh…. Thông qua việc hợp tác này, các nhà khoa học và các giảng viên mời ngoài đã gắn bó với khoa trong đào tạo góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển của khoa, trong những năm gần đây, sự hợp tác ấy ngày càng được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực đào tạo sau đại học.
Ngoài việc mời các nhà khoa học, các giảng viên đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước, trong nhiều năm qua, nhiều giảng viên nước ngoài cũng được mời đến khoa giảng dạy ngoại ngữ và các chuyên đề chuyên ngành cho sinh viên. Từ khi thành lập khoa đến nay, “trung bình hàng năm, khoa luôn có từ 5 đến 8 giáo viên nước ngoài giảng dạy cho các bộ môn Korea học, Nhật Bản học, Đông Nam Á học và Trung Quốc học” [6]. Những giáo viên nước ngoài đến giảng dạy tại khoa, nguồn kinh phí đều do các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế như KOICA, JICA… tài trợ. Có thể thấy, trong quá trình hình thành và phát triển, các giảng viên nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn cho sinh viên của khoa, đáp ứng nhu cầu của xã hội, cũng như sự hội nhập và phát triển khu vực và quốc tế.
Nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu đặt ra cho các cán bộ giảng dạy của khoa. Bên cạnh những phương pháp đổi mới được áp dụng chung trong toàn trường như giảng dạy bằng các thiết bị hiện đại, giảng viên hướng dẫn xêmina trên lớp, bồi dưỡng cho sinh viên nâng cao khả năng thuyết trình trên lớp, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá… cán bộ giảng dạy Khoa Đôngphương học thường áp dụng một số phương pháp riêng của mình như tổ chức cho sinh viên những năm cuối được nghe các chuyên đề bằng tiếng ngoại ngữ chuyên ngành do các giảng viên nước ngoài và giảng viên trong khoa kết hợp thực hiện, hoặc có những bộ môn như Trung Quốc học và Đông Nam Á học tổ chức cho sinh viên viết và bảo vệ khoá luận bằng tiếng chuyên ngành. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ sinh viên không chỉ nâng cao khả năng nghe hiểu mà còn rèn kỹ năng đọc, viết giúp cho sinh viên nâng cao được trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ.
Xây dựng các phòng học chuyên dụng cho các ngành học cũng là một thành tựu góp phần vào việc đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo của khoa trong nhiều năm qua. Được sự giúp đỡ của các Đại sứ quán, sự tài trợ của Quỹ Toshiba Nhật Bản và sự ủng hộ của Nhà trường, Khoa Đông phương học hiện có 5 phòng học chuyên dụng của 5 bộ môn đó là các phòng Trung Quốc học, Nhật bản học, Hàn Quốc học, Thái Lan học và phòng học Iran. Năm học vừa qua, các phòng học chuyên dụng này được Nhà trường trang bị thêm máy Projecter đáp ứng với nhu cầu nâng cao chất lượng trong đào tạo. Ngoài việc cung cấp trang thiết bị hiện đại cho phòng học, nhiều tổ chức quốc tế đã tặng cho các chuyên ngành của khoa số lượng sách khá lớn gồm hàng ngàn cuốn sách với các thứ tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Malaysia, tiếng Thái Lan và tiếng Anh, là những tư liệu có giá trị cho sinh viên và học viên cao học.
Trong nhiều năm qua, công tác biên soạn giáo trình, bài giảng, biên dịch tài liệu cũng được chú trọng. Hiện tại đã có khá nhiều giáo trình, bài giảng, tài liệu dịch được nghiệm thu đánh giá đạt kết quả tốt như ngành Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á và Hàn Quốc. Đặc biệt, sau khi chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, từ năm 2007 đến nay, cùng với các khoa khác trong trường, Khoa Đông phương đã cơ bản hoàn thành việc biên soạn hệ thống đề cương môn học trong khoa, trong đó có các môn thi tốt nghiệp nhằm đáp ứng với nhu cầu đào tạo mới và đồng thời còn tạo ra tính công bằng giữa người thi tốt nghiệp và người làm khoá luận tốt nghiệp.
Hai là, đào tạo sau đại học
Đào tạo sau đại học là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển mang tính chất bền vững của khoa. Từ năm 2000, được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa Đông phương chính thức mở mã ngành thạc sĩ châu Á học. Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, Khoa Đông phương học đã đào tạo được 72 thạc sĩ cung cấp cho xã hội số đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn khoa học đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Theo thống kê của chúng tôi, hiện tại Khoa có 5 NCS và 48 học viên cao học đang được đào tạo tại khoa (chưa tính số học viên cao học đề nghị chuyển tiếp năm 2010 (khoá 2010-2013) là 12 và 02 NCS).
Công tác đào tạo sau đại học của Khoa Đông phương học theo suy nghĩ của chúng tôi cần được đẩy mạnh hơn nữa và nên có một cơ chế cũng như chính sách phù hợp mở hơn cho ngành đào tạo đặc thù này. Ngoài mã ngành đào tạo thạc sĩ châu Á học, năm 2009, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định đồng ý cho Khoa lập thêm hai ngành đào tạo tiến sĩ là Trung Quốc học và Đông Nam Á học. Hiện nay, BCN Khoa và bộ môn Trung Quốc học đang tích cực đề nghị với Nhà trường và ĐHQG cho phép mở mã ngành thạc sĩ Trung Quốc học. Việc mở rộng thêm các mã ngành đào tạo cao học chuyên ngành sẽ giúp cho sinh viên các ngành học có cơ hội học chuyên sâu ngành học của mình từ bậc đào tạo cử nhân lên các bậc cao học và tiến sĩ tại khoa.
Ba là, nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế
Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tập thể giảng viên cán bộ trong khoa. Đối với người giảng viên, nếu không có kết quả nghiên cứu tốt các đề tài khoa học thì không thể có bài giảng tốt và phương pháp giảng dạy tốt trên giảng đường và không thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Mục tiêu đặt ra của khoa là trung bình mỗi năm học, ít nhất mỗi giảng viên phải có 01 bài đăng trên tạp chí chuyên ngành hoặc 01 báo cáo khoa học tại các kỷ yếu hội thảo khoa học. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, hầu hết cán bộ giảng viên của khoa không chỉ hoàn thành tốt chỉ tiêu, mà còn vượt so với chỉ tiêu đề ra. Tính đến nay, đã có khoảng 250 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành và hàng trăm báo cáo khoa học đăng trong các kỷ yếu hội thảo khoa học.
Thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học luôn là điểm mạnh của cán bộ giảng viên Khoa Đông phương học. Có thể thấy, là một khoa trẻ với số cán bộ giảng dạy chủ yếu mới chỉ dừng lại ở trình độ thạc sĩ nên chưa đủ sức thực hiện các đề tài lớn cấp nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết cán bộ giảng dạy của khoa đều tham gia nghiên cứu các đề tài cấp Trường, cấp Đại học Quốc gia gồm các loại đề tài QX, đề tài cơ bản cấp ĐHQG, đề tài đặc biệt. Nhìn chung, công tác nghiên cứu khoa học của Khoa Đông phương học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được Nhà trường ghi nhận. Điều quan trọng là từ nhiều năm qua, các đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ trong khoa đều bảo vệ đúng hạn và trước hạn, đến nay chưa có một đề tài nào quá hạn so với quy định của Nhà trường.
Trên cơ sở chất lượng của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đạt chất lượng tốt, nhiều đề tài khoa học đã được xuát bản dưới dạng sách chuyên khảo, giáo trình, bài giảng. Theo thống kê, cán bộ trong khoa đã công bố 90 đầu sách, số giáo trình, bài giảng biên soạn là 50, đây là con số không nhỏ thành tựu quan trọng, trong chặng đường của khoa sau 15 năm hình thành và phát triển.
Hội thảo khoa học cũng là một trong những thành tựu đáng tự hào của khoa Đông phương học. Trong nhiều năm qua, Khoa Đông phương học với sự tài trợ của các tổ chức như quỹ Toshiba (Nhật Bản), Japan Foundation, Korea Foundation,… nhiều hội thảo quốc tế và quốc gia đã được tổ chức tại trường ĐHKHXH&NV và thu hút được hàng trăm nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Có thể kể đến các hội thảo điển hình như: Đông phương học Việt Nam, Phương Đông hợp tác và phát triển; Quan hệ Việt nam- Nhật Bản: Những vấn đề lịch sử và hiện tại; Mười năm đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam, Nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam, Văn hoá phương Đông: Truyền thống và hội nhập; Quan hệ Việt nam- Iran; Thúc đẩy Nhật bản học ở Việt nam; Đông phương học Việt Nam lần thứ tư; Hàn Quốc và Hàn Quốc học từ góc nhìn châu Á. Các cuộc hội thảo trên không chỉ gây được tiếng vang lớn, mà còn nâng cao trình độ chuyên môn, khẳng định vị thế và uy tín của khoa mà còn mở rộng sự giao lưu, hội nhập với bạn bè trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh những thành tích nêu trên, công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng được Nhà trường và khoa chú trọng. Hàng năm, hội nghị khoa học sinh viên được tổ chức thường niên với lực lượng nòng cốt là sinh viên năm thứ 3 của khoa. Đã có 10 tập kỷ yếu hội nghị khoa học sinh viên được ấn hành. Theo thống kê, có 55 sinh viên của khoa đạt thành tích trong nghiên cứu khoa học được các giải cấp trường, cấp Đại học Quốc gia và cấp Bộ. Nhiều báo cáo khoa học của sinh viên đã được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.
Về quan hệ quốc tế
Như đã nêu trên, là một khoa đào tạo về khu vực học, quan hệ hợp tác đào tạo quốc tế luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của khoa. Cũng chính vì nhận thức được điều này mà nhiều năm qua, Khoa Đông phương học luôn coi trọng đẩy mạnh hợp tác quôc tế. Khi đề cập dến vấn đề này, GS. NGND Phan Huy Lê đã khẳng định: “Một trong ưu thế của nền Đông phương học là trong nghiên cứu và đào tạo, chúng ta dễ thiết lập sự hợp tác và tranh thủ sự trợ giúp của các nước phương Đông. Trong thời gian qua, các tổ chức Đông phương học của chúng ta đã khai thác khá thành công sự hợp tác và tài trợ này. Trong thời gian tới, chúng ta nên hướng sự hợp tác quốc tế này vào mục tiêu chủ yếu là mời chuyên gia thỉnh giảng, cung cấp sách báo, thông tin cập nhật và cấp học bổng cho thực tập sinh, nghiên cứu sinh để gửi cán bộ, sinh viên sang bồi dưỡng hay đào tạo cấp đại học và sau đại học ở nước ngoài” [7].
Nhìn tổng quát, quan hệ quốc tế của Khoa Đông phương học qua 15 năm đã đạt được những thành tựu sau:
1. Công tác trao đổi sinh viên giữa Khoa Đông phương học và các Trường đại học trong khu vực. Đây là hình thức quan trọng trong quan hệ quốc tế, bởi lẽ, sẽ có nhiều sinh viên của khoa được các tổ chức và các trường đại học nước ngoài cấp học bổng với nhiều hệ đào tạo khác nhau chủ yếu là các nước Nhật bản, Hàn Quốc và Thái Lan, gần đây có thêm Ấn Độ.
2. Bằng việc khai thác các nguồn tài trợ của các tổ chức tài trợ quốc tế, nhiều năm qua, sinh viên của khoa đã được đi thực tập ở nước ngoài. Cụ thể là bằng nguồn tài trợ của quỹ Toshiba Nhật bản, bộ môn Nhật bản đã tổ chức cho sinh viên đi thực tập tại một số trường đại học ở Nhật Bản. Các ngành khác như Đông Nam Á được sự giúp đỡ của phía Thái Lan, sinh viên của ngành đã được đi thực tập tại một số trường đại học ở Thái Lan như Đại học Rajabhat Phranakhon, Chulalongkon…Tương tự, bộ môn Trung Quốc học cũng đưa sinh viên đi thực tập tại Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh…Qua các chuyến thực tập trên, sinh viên của khoa đã tiếp thu và cập nhật nhiều kiến thức thực tế của ngành học.
3. Được sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, nhiều giáo viên tình nguyện đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành và kiến thức về khu vực học cho sinh viên của khoa trong nhiều năm qua.
4. Thông qua các quỹ tài trợ, nhất là quỹ Toshiba Nhật Bản (Toshiba International Foundation), Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundaytion), Quỹ nghiên cứu Hàn Quốc (Korea Resaerch Foundation)… nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế đã được tổ chức gây được tiếng vang lớn cho Nhà trường và khoa.
5. Thông qua các quỹ tài trợ quốc tế, khoa đã triển khai thực hiện việc dịch, viết và xuất bản sách gồm cả giáo trình và tài liệu tham khảo đã thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Hình thức này đã được thực hiện tại các bộ môn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc. Đặc biệt, dự án viết và xuất bản sách về Hàn Quốc của Đại học Quốc gia Seoul gồm các cuốn: Lịch sử Hàn Quốc, Xã hội Hàn Quốc hiện đại, Tiếng Hàn nâng cao không chỉ là nguồn tài liệu quan trọng cho sinh viên ngành Hàn Quốc học của khoa, mà còn cung cấp cho sinh viên ngành Hàn Quốc học trong cả nước.
6. Được sự giúp đỡ của các Đại sứ quán, các tổ chức công ty nước ngoài, cùng với sự ủng hộ của Nhà trường, trong nhiều năm qua Khoa Đông phương học đã xây dựng được hệ thống phòng học chuyên dụng với nhiều trang thiết bị hiện đại góp phần tốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của khoa. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, do điều kiện phòng học của Nhà trường còn hạn chế nên khoa khó có thể tiếp nhận sự giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế và các đại sứ quán các nước có lòng nhiệt tình tài trợ.
7. Thông qua hình thức tài trợ của các quỹ tài trợ và các công ty nước ngoài, trong nhiều năm qua Khoa Đông phương học không chỉ tiếp nhận cho sinh viên nhiều xuất học bổng, mà còn tạo điều kiện cho nhiều cán bộ của khoa đi học tập và nghiên cứu tại nhiều nước dưới nhiều hình thức khác nhau như đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, dự hội thảo khoa học quốc tế, trao đổi học giả, trao đổi giảng viên…
Tóm lại, sự thành công trong chặng đường 15 năm hình thành và phát triển của Khoa Đông phương học đã để lại nhỉều thành tựu ấn tượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Có được thành công ấy, không chỉ là sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ thày và trò trong Khoa, mà còn có sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của Nhà trường, của các đồng nghiệp, sự giúp đỡ của các nhà khoa học, của sự giao lưu và hội nhập quốc tế, nhất là sự giúp đỡ của các tổ chức tài trợ, các công ty, các trường đại học ở nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, những thành tựu trên mới chỉ là sự khởi đều của một chặng đường phát triển mới. Phía trước, sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của khoa còn nhiều khó khăn thử thách. Chúng tôi tin tưởng rằng, trên nền tảng của chặng đường 15 năm truyền thống của khoa, với mục tiêu đào tạo chuyên môn chất lượng cao, đạt chuẩn đầu ra đáp ứng với nhu cầu xã hội và hội nhập khu vực và quốc tế, sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của khoa sẽ tiếp tục phát triển, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của Nhà trường, của đất nước trong những chặng đường tiếp theo 2010-2015 và tầm nhìn 2030.
Chú thích
[1]: Từ năm 1993, Ngành Đông phương học thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã được thành lập với 3 ngành học ban đầu là Trung Quốc học, Nhật Bản học và Hàn Quốc học. Khoá sinh viên đầu tiên là Khoá 38 (1993-1997), sau đó là Khoá 39 gồm lớp 39 A và 39 B. Ngày 21.10.1995 Giám đốc ĐHQG Hà Nội ký quyết định thành lập Khoa Đông phương học. Từ đó đến nay, trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Khoa Đông phương học đã cói thêm 2 ngành học mới là Đông Nam Á học và Ấn Độ học.
[2]. Hiện tại, so với nhu cầu đào tạo, bộ môn Ấn Độ học còn thiếu cán bộ giảng dạy. Bộ môn Hàn Quốc học cũng có tình trạng tương tự…..
[3]. Thời gian đầu thành lập, số lượng giảng viên trong Khoa có học hàm học vị còn hạn chế, GS Phan Huy Lê làm chủ nhiệm Khoa, các PGS Nguyễn Quốc Hùng PCN Khoa, GS. TS Lê Quang Thiêm PCN Khoa, PGS Nguyễn Văn Hồng Chủ nhiệm Bộ môn Trung Quốc học; Đến năm 1997, bổ sung thêm PGS. TS Mai Ngọc Chừ, sau đó là PGS TS Nguyễn Tương Lai, GS Lương Ninh, GS.TS Nguyễn Văn Khang (Viên Ngôn Ngữ học kiêm nhiệm); Những năm gần đây, bổ sung thêm các PGS. TS Đỗ Thu Hà và PGS. TS Lê Đình Chỉnh. Ngoài 9 tiến sĩ, trong số 20 Th.s, hiện tại đã có 8 người đang làm NCS ở nước ngoài, 5 người làm NCS trong nước, 1 dự thi NCS.
[4]. Trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức kinh tế xã hội, ngân hàng, công ty, các trường đại học, các quỹ Japan Foundation, Korea Foundation, của Nhật Bản và Hàn Quốc đã trao tặng cho sinh viên Khoa Đông phương học nhiều xuất học bổng giá trị. Điển hình như Công ty Samsung ( Hàn Quốc), Công ty Dosan Hàn Quốc; Quỹ Toshiba Nhật bản, …
[5]: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 10 năm Khoa Đông phương học; tr: 13.
[6]: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 10 năm Khoa Đông phương học; Sdd tr 13
[7]. Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 10 năm Khoa Đông phương học; Sdd tr 29.
Theo ĐPH