Tuy nhiên trước đó, năm 1993 ngành Đông phương học đã được thành lập thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội và đã tuyển sinh 02 khóa K38 và K39. Tính cho đến nay, Khoa Đông phương học đã trải qua hơn 20 năm hình thành, phát triển và đã tuyển sinh được 23 khóa học (từ K38 đến K60) với hàng ngàn sinh viên hệ cử nhân đã tốt nghiệp ra trường.
Từ năm 1993 đến năm 2000, Khoa có 03 chuyên ngành hệ cử nhân là Trung Quốc học, Nhật Bản học, Korea học. Sau đó, do yêu cầu nhiệm vụ của Khoa cũng như đáp ứng với nhu cầu xã hội, Khoa thành lập thêm Bộ môn mới là Đông Nam Á và Ốtxtraylia học. Đến năm 2002 Khoa thành lập thêm Bộ môn Ấn Độ học.
Cũng năm 2000, do yêu cầu của xã hội, Khoa thành lập thêm mã ngành đào tạo thạc sĩ châu Á học và đến năm 2007, thành lập thêm hai ngành đào tạo tiến sĩ là Trung Quốc học và Đông Nam Á học.
Đến nay Khoa có 5 bộ môn là Trung Quốc học, Nhật Bản học, Korea học, Ấn Độ học và Đông Nam Á học. Hàng năm số lượng sinh viên đầu vào trung bình là 130 sv, sau khi học hết học kỳ I thì chia thành 05 chuyên ngành theo chương trình đào tạo 5 hướng chuyên ngành khác nhau. Điểm đầu vào của sinh viên Khoa Đông phương khá cao nếu không muốn nói là nằm trong Top cao nhất trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Tuy nhiên, trong Chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra mới được Đại học Quốc gia ban hành ngày 30 tháng 11 năm 2012 Quyết định số 4118/QĐ-ĐT, Khoa đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 5 hướng ngành Nhật Bản học, Trung Quốc học, Korea học, Ấn Độ học và Thái Lan học, trong đó Thái Lan học được coi là tâm điểm trong nghiên cứu về Đông Nam Á học. Chương trình đào tạo hiện nay của ngành Đông phương học mang tính hiện đại, cập nhật, có hệ thống. Không chỉ có giáo trình chuẩn, Khoa còn liên tục nhận được hỗ trợ về giáo trình, tài liệu nghiên cứu từ các trường ĐH trong khu vực. Ngành Korea học của Khoa đảm nhiệm việc phối hợp với Hàn Quốc xây dựng chương trình đào tạo chuẩn về Korea học tại Việt Nam. Sinh viên ngành Nhật Bản học được học trực tuyến (e-learning) với các Giáo sư của Đại học Tokyo…
Tại Khoa Đông phương học, sinh viên được học tập các kiến thức toàn diện bao gồm: lịch sử, văn hoá, văn học, địa lí, kinh tế, chính trị – ngoại giao… của các nước đó. Đặc biệt, sinh viên được học những ngoại ngữ độc đáo (tiếng Thái, tiếng Malayu, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Hindi và tiếng Ba Tư tại nước bản địa) để làm giàu hành trang lập nghiệp sau này.
Không chỉ chú trọng mở rộng các bậc học và nâng cao chất lượng đào tạo tại trường và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, Khoa Đông phương học còn là một đơn vị năng động, tích cực, luôn chủ động thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế. Học bổng trợ cấp, học bổng du học, các đợt thực tập nước ngoài là điểm hấp dẫn nổi bật của Khoa. Khoa có quan hệ hợp tác với hàng chục trường Đại học trong khu vực (ĐH Bắc Kinh- Trung Quốc, ĐH Tokyo, ĐH Osaka, ĐH Kobe…- Nhật Bản, ĐH Seoul, Yongnam, Pusan…- Hàn Quốc, ĐH Chulalonkon- Thái Lan, ĐH Jawaharlal Nehru, ĐH Delhi, ĐH Calcutta…Ấn Độ). Hàng năm, sinh viên của Khoa đều nhận được nhiều suất học bổng trợ cấp của các trường đối tác, các Đại sứ quán hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, các suất học bổng đi du học với thời gian rất đa dạng, với các cấp học từ trao đổi, học đại học, Thạc sĩ đến học nghiên cứu sinh.
Xem tiếp file đính kèm