1. Sự ra đời của Phật giáo và sự truyền bá Phật giáo vào Thái Lan
Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ vào thế kỷ VI TCN trên vùng đất thuộc Nê pan ngày nay. Sự ra đời của Phật giáo gắn liền với tên tuổi của người sáng lập là Thái tử Cồ đàm Tất Đạt Đa, sinh năm 563 TCN nước Ca Tỳ La Vệ.
Cũng giống như hầu hết các nước Đông Nam Á, Phật giáo được truyền vào Thái Lan đầu tế kỷ thứ III TCN theo sau cuộc truyền bá đạo Phật quy mô của nhà vua Asoka. Tuy nhiên Phật giáo thực sự đặt nền móng, phát triển và ảnh hưởng sâu rộng vào Thái Lan từ triều đại Sụ khổ thay( 1237-1456). Thái Lan là nơi mộ đạo một cách nhiệt thành, tỷ lệ dân số Thái Lan theo đạo Phật lên tới con số 93%, cả nước ước tính tới hai vạn bảy nghìn ngôi chùa với hơn ba mươi vạn phật tử.
2. Ảnh hưởng của Phật giáo đến cuộc sống của người Thái Lan
Ở Thái Lan, Phật giáo đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội và tinh thần. Phật giáo Thái Lan nhấn mạnh cái “thiện” hay “ bun” tức là phúc, thiện, cái “ ác” hay “bạp” tức là tội, ác. Vấn đề đạo đức luân lý là vấn đề đạo đức cơ bản của Phật giáo Thái Lan. Tổ chức Phật giáo cũng có uy tín vô cùng lớn trong đời sống xã hội của nhân dân Thái Lan, về mặt tôn giáo đây là nơi giáo dục “đức tin”.
Người Thái Lan sống trong gia đình của mình với nếp sống, nếp nghĩ giản dị, nhân từ và khoan dung theo đúng lời dạy của Phật. Theo tục lệ ở Thái Lan thì bất cứ thanh niên nào 18 tuổi trở lên cũng đều phải vào chùa căt tóc đi tu để đáp lại công ơn sinh thành của cha mẹ và để tu dưỡng bản thân thành một người tốt. Thời gian đi tu ít nhất là 3 tháng.
Trung tâm của làng bản là ngôi chùa- nhân tố gắn kết các thành viên trong cộng đồng và cũng là hiện thân đời sống tinh thần làng bản.
Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội Thái Lan đặc biệt là trong cách chào của người Thái. Cách chào hỏi truyền thống của người Thái là “wai”( chắp tay vái): đó là hai tay chạm vào nhau, khẽ cúi đầu, hai tay nép sát vào lồng ngực thể hiện được tâm ý của người chào xuất phát từ tâm. Kèm theo hành động “wai” là lời chào “xa wat đi khà (với nữ), xa wat đi khrap (với nam)”. Tùy theo mối quan hệ vai vế và tuổi tác mà tầm đặt tay chào khác nhau. “Wai” không những dùng khi chào mà còn dùng cả khi tạm biệt, khi cảm ơn và khi xin lỗi.
Sự tôn kính cũng là một nét đẹp truyền thống của người Thái Lan. Không những các vị sư sãi là nhân vật trung tâm trong đời sống của nhân dân, được nhân dân tôn trọng và ngưỡng mộ nhất. Bên cạnh đó, qua bao thăng trầm lịch sử, trải qua các triều đại suy thịnh Hoàng gia Thái vẫn tồn tại cho đến ngày nay, điều đó thể hiện niềm tôn kính to lớn của người dân Thái với vị vua của mình và việc tôn trọng Hoàng gia đã trở thành luật bất thành văn ở Thái Lan.
Cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác theo đạo Phật, ở Thái Lan cũng có phong tục các nhà sư đi khất thực buổi sáng trên đường phố, người dân cúi chào và cúng tiến bất cứ thứ gì họ có bên mình - đây được xem như một lễ nghi, một cách hành xử cao đẹp đối với bậc tu hành.
Nói về đạo đức của người Thái Lan không thể không nhắc đến đạo đức trong kinh doanh của các doanh nghiệp nước này là ứng xử trong kinh doanh: tuân thủ tôn ti trật tự, tránh đối đầu, tính đúng giờ…
Ở Thái Lan, Phật giáo còn ảnh hưởng rất sâu sắc tới các phong tục tập quán khác nhau của người Thái. Trong cuộc sống gia đình, người Thái Lan thường tiến hành một số tục lệ cổ truyền về sinh đẻ, ma chay, cưới xin. Tất cả những tục lệ đó đều phản ánh ước muốn một cuộc sống tốt đẹp bình an cho tất cả mọi người trong gia đình.
Theo tục lệ khi một người phụ nữ có thai thì người đó phải thực hiện một loạt thủ tục với mục đích làm sao để “mẹ tròn con vuông”. Trước hoặc sau khi đứa trẻ ra đời cũng phải thực hiện một số tục lệ cổ truyền để cho đứa trẻ ra đời khỏe mạnh không gặp điều dữ như lễ cắt tóc, đặt tên,…
Trong lễ hỏi của người Thái đạo Phật cũng ảnh hưởng rất sâu sắc. Lễ hỏi của người Thái Lan còn được gọi là “lễ bỏ trầu”. Trước khi làm lễ cưới gia đình mời các vị sư sãi đến tụng kinh để cầu chúc hạnh phúc cho cô dâu chú rể và tưới nưới cầu chúc là một nghi lễ không thể thiếu trong cưới hỏi của người Thái.
Trong tục lệ ma chay: Nghi lễ cuối cùng trong một gia đình Thái Lan là nghi lễ hỏa táng. Vì theo đạo Phật nên ở Thái Lan người ta không chôn người chết mà thường là thiêu xác. Tục hỏa táng này đã có từ thế kỷ XIII, khi mà nhà nước Xụ Khổ Thay theo Phật giáo phái Tiểu thừa. Tuy nhiên ở miền Nam Thái Lan còn lác đác có hiện tượng chôn treo. Người Thái Lan coi chiếc vò đựng xương cốt của người chết là nơi mà vong hồn người chết trú ngụ. Hàng năm vào những dịp lễ tết người ta đem vò đó ra để ở chùa để các vị sư sãi cầu vong hồn người chết phù hộ cho người sống. Theo tục lệ của người Thái Lan sau khi bố mẹ chết thì con trai phải cắt tóc vào chùa làm lễ báo hiếu ít nhất một tuần. Sau tuần lễ báo hiếu đó thì không cần phải để tang và người con có quyền lấy vợ.
Ảnh hưởng của Phật giáo trong lễ hội: Lễ hội Loi kra – thoong diễn ra vào những ngày tháng Một. Lúc thả kra-thôông là lúc người thả cảm thấy tâm hồn thư thái nhất. Họ coi đây là hành vi tốt đẹp đầy lòng thành kính gửi về với sông nước. Họ hy vọng Kra-thoong trôi đi sẽ cuốn trôi theo những tội lỗi mà có thể trong năm họ đã vô tình hay hữu ý mắc phải cũng như cuốn đi những tai ương trong cuộc sống.
Lễ hội Phật giáo Khao Phansa: Phật giáo ngấm vào suy nghĩ và tiềm thức của người Thái cho nên ngay từ khi sinh ra vì thế lễ hội Khao Phansa được người Thái xem là lễ hội Phật giáo lớn nhất nước, là thời điểm tuyên bố bắt đầu mùa an cư của Phật Tử. Lễ Khao Phansa vào tháng 7 để tuyên bố bắt đầu mùa An cư của Phật tử. Mùa An cư sẽ chấm dứt ba tháng sau với kỳ Kathin, là lúc dân chúng dâng tặng áo cà sa mới cho các nhà sư.
Những điều lưu ý khi giao tiếp với người Thái Lan: Đối với người Thái, đầu là nơi thiêng liêng, vì vậy họ rất kiêng chạm vào đầu, khi bước chân vào nhà hoặc vào những nơi cóhình ảnh Đức Phật phải bỏ dép ra, không được giẫm lên đồng bath Thái, không nên cãi vã hoặc tức giận, giấu ngón chân, chỉ dùng ngón tay chỉ vào vật không có sự sống,…
3. Kết luận
Đạo Phật có thể nói là linh hồn của Thái Lan. Người dân Thái có tấm lòng từ bi, rộng lượng, thân thiện và mang tính cộng đồng cao. Tuy nhiên, người dân Thái còn là những người rất kính trọng truyền thống dân tộc, tự hào về đất nước. Vì vậy, trong giao tiếp không nên chạm tới những điều tối kị của họ.
Trong quan hệ kinh doanh cũng như trong cuộc sống, người Thái đánh giá cao tính kiên nhẫn và lòng kính trọng đối với người lớn tuổi, cấp trên. Điều đó đã ăn sâu vào văn hóa Thái Lan. Người Thái không thích gây tổn hại tới nhau, mất bình tĩnh, làm mất thể diện và lòng kính trọng.
Phật giáo đã đóng góp tích cực vào trong đời sống của người dân Thái không những về mặt vật chất, kinh tế mà còn đi sâu vào đời sống tinh thần. Người dân thấm nhuần giáo lý nhân quả nghiệp báo. Nhiều giáo lý cơ bản của Phật giáo đã giúp cho người dân Thái biết sống và sống theo khuôn khổ của luật pháp. Bản chất hiền hoà, từ ái, khiêm cung và nhã nhặn của người dân Thái thể hiện một phần nào đó từ sự thực hành đạo lý của họ.
SV. Nguyễn Thị Nội
K57 Bộ môn Đông Nam Á học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn