[Báo cáo NCKHSV] Phật giáo Thái Lan thời kỳ vương triều Rama IV

Thứ tư - 17/06/2015 00:00
[Báo cáo NCKHSV] Phật giáo Thái Lan thời kỳ vương triều Rama IV
[Báo cáo NCKHSV] Phật giáo Thái Lan thời kỳ vương triều Rama IV

Phật giáo là tôn giáo có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội của Thái Lan. Đặc biệt, thời kì vua Ra-ma IV trị vì, ông đã triệt để áp dụng giáo lí Phật giáo để có được những chính sách ngoại giao mềm dẻo giúp đất nước phát triển và không trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây. Vậy vai trò của Phật giáo trong thời kì này là gì và vua Ra-ma IV đã dựa vào giáo lí Phật giáo như thế nào để cai trị và phát triển đất nước là những vấn đề mà nghiên cứu muốn tìm hiểu.
3.1. Lịch sử Phật giáo tại Thái Lan      
Phật giáo Nam truyền từ Ấn Độ vào Thái Lan từ thế kỉ III TCN. Đến những thế kỉ VIII – X, Phật giáo Đại thừa từ Malaysia và Campuchia đến Thái Lan và có ảnh hưởng mạnh. Sau đó, vào khoảng thế kỉ XI, Phật giáo từ vương triều Pagan Myanmar ảnh hưởng tới miền Bắc Thái Lan. Những kiến trúc và điêu khắc miền bắc Thái Lan đều mang dáng dấp Phật giáo Thượng tọa bộ Pa-gan.        
Tới thế kỉ XIII, với sự ra đời của nhà nước thống nhất đầu tiên Thái Lan Xụ-khổ-thay, Phật giáo Srilanka ở Thái Lan phát triển mạnh bên cạnh các dòng Phật giáo khác. Đặc biệt trong quá trình vua Ram-khăm-hẻng trị vì đã du nhập hình thức Phật giáo Thể-ra-wat, Thái Lan là quốc gia lấy Phật giáo Thể-ra-wat làm quốc giáo, luật pháp dựa vào giáo lí của nhà Phật.
3.2. Vài nét khái quát về Phật giáo Thể-ra-wat thời kì vua Rama IV
            Có ý kiến cho rằng “Chưa có một triều đại nào ở Thái Lan có được một điều kiện mở đầu tốt đẹp như vương triều Băng Cốc” . Vương triều Băng Cốc bắt đầu từ Ra-ma I là thời kì mà đạo Phật được thịnh hành và phát triển, các vị vua trị vì đất nước đều lấy đạo Phật làm gốc. Ra-ma IV (vương tử Mông- kụt) là nhân vật tiêu biểu, sáng chói trong lịch sử phát triển của Thái Lan. Năm 1829, vương tử Mông-kụt đã sáng lập ra phái Pháp tông của Phật giáo Thể-ra-wat Thái Lan, phái này tồn tại song song với phái Đại tông có từ khi lập quốc tới nay. Trong suốt 27 năm sống cuộc đời một tì khiêu tại chùa vương tử, Mông-kụt đã nghiên cứu rất kĩ về giáo lí Phật giáo và ông đã thấm nhuần tư tưởng của Đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Trước nguy cơ mất nước xảy ra Ra-ma IV là người đầu tiên của Thái Lan có tư tưởng và đường lối ngoại giao rõ ràng để Thái Lan tránh được họa xâm lược mà các nước trong khu vực Đông Nam Á không có nước nào làm được. 
3.3  Những ảnh hưởng của Phật giáo vào chính sách ngoại giao của vua Ra- ma IV
         Suốt 27 năm sống tại chùa Đại Xá-lị, Ra-ma IV đã có một quá trình tìm tòi và thấu hiểu giáo lí “Tứ diệu đế” cơ bản của nhà Phật. Đây là những chân lí lí giải về nỗi khổ và sự diệt khổ của con người để đến thế giới “Niết bàn”.
     Những chân lí và giáo luật ấy đã theo suốt con đường lãnh đạo đất nước của nhà vua kể từ khi lên trị vì đất nước. Ngay lễ đăng quang nhà vua đã phá chấp: mời người ngoại quốc dự lễ và không phải quỳ mọp như thần dân Thái. Đây chính là những nét mới trong suy nghĩ và hành động của Ra-ma IV: không bó chặt suy nghĩ của mình vào bên trong mà mở rộng tấm lòng để thấu hiểu đời cũng như người dân của Thái Lan.
           Bên cạnh đó ông cũng có một cái nhìn rộng mở về các nước phương Tây. Trong khi nhiều nước ở Đông Nam Á coi phương Tây là kẻ thù số một của mình và tìm cách đóng cửa đối với phương Tây để loại trừ ảnh hưởng của họ. Ngược lại Mong-kut lại cởi mở với phương Tây và các giáo sĩ Cơ Đốc, ông từng nói với một giáo sĩ Mỹ : ông có thể cải đạo toàn dân Thái nhưng còn một người ông không cải được là tôi.
3.4. Những ảnh hưởng của Phật giáo vào chính sách canh tân đất nước theo các nước phương Tây
         Là người am hiểu giáo lí nhà Phật và nghiên cứu sâu về các nước phương Tây, Ra-ma IV đã thực hiện việc canh tân đất nước theo phương Tây nhưng duy trì tinh thần văn hóa truyền thống Phật giáo của Thái Lan. Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật: “gieo nhân nào gặp quả ấy”, việc vua Ra-ma IV mở cửa đất nước là hạt giống ươm mầm cho sự phát triển của Thái Lan theo cách thức phương Tây, xóa bỏ sự tụt hậu của đất nước.  
            Thái Lan cải tổ về chính trị, thiết lập mô hình nhà nước quân chủ lập hiến theo kiểu phương Tây, trong đó giai cấp phong kiến quý tộc vẫn nắm quyền và duy trì quyền lực trong xã hội. Đây là điểm nổi bật của nhà nước Thái Lan.
          Ra-ma IV đã tận dụng một cách tài tình tư tưởng giáo lí Phật giáo, duy trì vai trò quan trọng của Phật giáo trên con đường thống nhất, giữ trật tự xã hội, mặc dù vẫn cho phép các giáo sĩ phương Tây vào Thái Lan truyền đạo. Nhà vua sáng lập ra phái Pháp Tông Thăm-ma-giút-ni-kai và đề ra những quy định trong việc học tập và tuân thủ các giới luật của sư tăng. Phái Pháp Tông này chính là trụ sở của Phật giáo lưu giữ các cuốn kinh Phật. 
3.5. Tác động của chính sách ngoại giao và canh tân đất nước của vua Ra-ma IV đối với sự phát triển của Thái Lan
          “Mọi hoạt động, mọi suy nghĩ, mọi cách ứng xử của người Thái Lan chung quy đều hướng về một mục đích cao cả nhất là tích lũy điều thiện và từ bỏ điều ác…” . Những chính sách ngoại giao và canh tân của vua Ra-ma IV đều dựa trên tinh thần Phật giáo này và giúp Thái Lan thay đổi theo hướng tích cực.
          Dựa trên những giáo lí nhà Phật, vua Ra-ma IV đã thực hiện những chính sách ngoại giao “lựa chiều” nhằm mở rộng mối quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây nhằm đẩy lùi nạn xâm lược. Sau khi lên ngôi nhà vua đã gửi thư mong muốn nối lại mối quan hệ với Anh đã tạo ra những thời cơ cho đất nước Thái, không chỉ tránh được nạn xâm lược mà còn mở rộng cơ hội đẩy mạnh kinh tế trong nước phát triển.
          Về giáo dục vua Ra-ma IV cũng rất quan tâm đến ngoại ngữ, ông đã tự học rất nhiều ngoại ngữ như tiếng Anh và tiếng Pháp. Thời kì này nhà vua cũng đặc biệt quan tâm tới Phật giáo, tăng cường giáo dục cho các sư tăng theo giới luật Phật giáo nghiêm ngặt.
          Về xã hội, Ra-ma IV là người đề xướng lễ hội “Kính Pháp tiết” của Phật giáo Thái Lan nhằm kỉ niệm và tỏ lòng biết ơn đối với đức Phật. Đây là những lễ hội lớn của Phật giáo Thái Lan được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng ba theo Phật lịch của Thái Lan.

SV. Tống Nguyên Tuệ
SV. Lê Thị Tươi
K57 Bộ môn Đông Nam Á học

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây