Phần mở đầu, tôi trình bày khái quát về lịch sử ngôn ngữ của bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh giới thiệu về chữ Hangeul, chữ viết chính của bán đảo Triều Tiên hiện nay. Sau đó, tôi lần lượt đi vào giải thích về lý do lựa chọn đề tài. Tôi đưa ra bốn lý do chính đó là: tiếng hàn đang trở thành một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới. Thứ hai là vì nhu cầu, thị hiếu của nhiều người muốn tìm hiểu về ngôn ngữ Hàn Quốc. Thứ ba, chính là do nhiệm vụ của bản thân tôi, một người đang trực tiếp học tập về tiếng Hàn, và cuối cùng là do tính cấp thiết, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu sâu sắc về lịch sử các loại chữ viết trên bán đảo Triều Tiên, nên tôi đã quyết định lựa chọn đề tài nghiên cứu này.
Tiếp đó, bài viết nói về lịch sử nghiên cứu đề tài, đã có nhiều báo cáo và nghiên cứu liên quan tới chủ đề tiếng Hàn, và tôi đã giới thiệu nội dung các bài viết đó một cách sơ lược. Sau đó là trình bày mục đích nghiên cứu, qua bài viết này mong muốn lớn nhất của tôi là đưa đến cho người đọc cái nhìn tổng quan nhất về lịch sử hình thành và phát triển của các loại chữ viết trên bán đảo Triều Tiên. Đi sâu vào nghiên cứu cụ thể một số loại chữ viết chính về nguồn gốc ra đời, đặc điểm cấu tạo, những ưu và nhược điểm của loại chữ đó như chữ Hán, ký tự Hyang Chal, Chữ Hangeul... Tiếp theo, tôi đưa ra phương pháp nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu để mọi người hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện bài viết.
Sang phần chính của bài, phần nội dung, tôi chia thành hai chương nhỏ. Chương I: Khái quát chung về ngôn ngữ trên bán đảo Triều Tiên. Tôi tiếp tục chia ra ba ý nhỏ hơn. Một là, trình bày các khái niệm cơ bản về ngôn ngữ là gì, chữ viết là gì, phân biệt giữa hai khái niệm này. Hai là trình bày về lịch sử ngôn ngữ Hàn Quốc, khái quát lịch sử tiếng Hàn qua bốn thời kỳ: thời cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ý thứ ba, trình bày về các loại chữ viết hình thành trên bán đảo Triều Tiên, đầu tiên đó là việc vay mượn chữ Hán, sau đó là các chữ viết riêng như Hyang Chal, Ku Koyl, hệ thống chữ Idu và không thể không nhắc tới chữ Hangeul.
Chương II: Lịch sử các loại chữ viết chính trên bán đảo Triều Tiên qua các thời kỳ. Trong chương II, tôi chia thành hai giai đoạn chính của lịch sử chữ viết là: Chữ viết giai đoạn trước khi hình thành chữ Hanguel và chữ viết giai đoạn sau khi hình thành chữ Hangeul. Giai đoạn một, do nghiên cứu trên quy mô nhỏ, và tài liệu hạn hẹp, tôi chỉ trình bày về nguồn gốc ra đời, đặc điểm và quá trình sử dụng của một số loại chữ viết: chữ Hán, ký tự Hyang Chal, Ku Kyol và chữ Idu. Và nội dung trọng tâm của bài nghiên cứu là phần hai, tôi trình bày về sự ra đời của chữ Hangeul – Huấn Dân Chính Âm.
Tiếp theo, là cấu tạo và nguyên lý hình thành chữ Hanguel. Bảng chữ cái tiếng Hàn được vua Sejong sáng tạo dựa trên nguyên lý được giải thích ở cả hai góc độ ngôn ngữ học và triết học. Sau khi trình bày nguyên lý sáng tạo, tôi nói về lịch sử phát triển của chữ Hangeul – Huấn Dân Chính Âm. Từ lúc đầu được tạo thành với 28 chữ cái, trải qua nhiều thời kỳ tiếng Hàn được cải tiến dần, lược bỏ đi nhiều phần như về một số ký tự và thanh điệu, cho tới bảng chữ cái hiện đại đang được sử dụng như hiện nay với 21 nguyên âm và 19 phụ âm cơ bản.
Phần tiếp nữa, tôi có nêu ra những biến động lịch sử và vai trò của đạo Công giáo, Tin Lành trong quá trình phát triển của chữ Hangeul. Chữ Hangeul ngay từ khi ra đời đã vấp phải sự phản đối của nhiều tầng lớp quan lại trong xã hội, cho rằng đây là chữ “nhà sau”, chỉ dùng cho phụ nữ, không đáng để học… Vì vậy, mà từ khi ra đời cho đến nay, chữ Hanguel đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Cùng với đó, vào khoảng thế kỷ XVII, khi đạo Công giáo và sau đó là đạo Tin Lành được truyền bá vào bán đảo Triều Tiên, đã tác động mạnh mẽ, xã hội có nhiều thay đổi tích cực. Đặc biệt trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên bị Nhật Bản xâm chiếm, Nhật thực hiện nhiều chính sách đồng hóa người Triều Tiên, trong đó có việc cấm sử dụng chữ viết Hangeul. Chính hai tôn giáo ngoại lai này đã có nhiều hoạt động đấu tranh chính trị, khẳng định tính ưu việt của chữ Hangeul cũng như gia sức phổ cập rộng rãi cho người dân Hàn biết đọc, sử dụng tiếng Hàn.
Và sau đó, tôi khẳng định vai trò của chữ Hanguel đối với nền giáo dục, xã hội của Hàn Quốc. Chữ Hangeul đóng vai trò to lớn trong nhiều lĩnh vực, trước hết là một hệ thống chữ rất khoa học, thông dụng, dễ hiểu và dễ học và dễ dàng áp dụng trong các ngành công nghiệp, công nghệ thông tin, là cầu nối và phương tiện giao tiếp rất hiệu quả.
Vua Sejong đã sáng chế ra chữ Hangeul cách đây 500 năm và giá trị thực sự của nó đã trở thành hiện thực và vẫn tiếp tục được duy trì. Cuốn “Huấn Dân Chính Âm” đã được chỉ định là Quốc bảo số 70 của Hàn Quốc. Giá trị sáng tạo chữ Hangeul và Huấn Dân Chính Âm thật xứng đáng để Tổ chức Văn hóa Giáo dục của Liên Hợp Quốc UNESCO lập ra giải thưởng vua Sejong vào năm 1989 và công nhận là Di sản tư liệu văn tự thế giới năm 1997.
Phần kết luận của bài, tôi khái quát lại một lần nữa quá trình lịch sử của các loại chữ viết trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời đưa ra một số nhận xét, so sánh quá trình lịch sử hình thành chữ viết giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Trong những nghiên cứu tiếp theo của mình tôi sẽ tìm hiểu sâu thêm về nhiều loại chữ viết khác, để có những hiểu biết toàn diện về lịch sử chữ viết của Hàn Quốc.
SV. Hoàng Thị Na
K57 Bộ môn Hàn Quốc học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn