Thái Lan là một trong số các quốc gia có đạo Phật là quốc giáo. Đối với người Thái, đạo Phật đã trở thành một di sản tinh thần thiêng liêng mà họ phải có bổn phận phát triển và duy trì.
Đã có rất nhiều cuốn sách cũng như các đề tài nghiên cứu về mối gắn kết mật thiết giữa đất nước và con người Thái Lan với đạo Phật nhưng nghiên cứu này tập trung khái thác đề tài “Việc tích bun, bỏ bạp của người Thái Lan theo đạo Phật” nhằm làm sâu hơn và rõ hơn nữa ảnh hưởng của đạo Phật ở Thái Lan.
1. Định nghĩa bun và bạp
Bun là phúc, đức, là những việc thiện nghĩa.
Bạp là những điều xấu, việc xấu, là thứ con người cần tránh và hạn chế mắc phải.
Bun và bạp là hai phạm trù đối lập nhưng luôn xuất hiện cùng nhau, tồn tại trong cuộc sống của người dân Thái Lan.
Người dân Thái Lan coi việc tích bun, bỏ bạp là điều đương nhiên và họ luôn cố gắng làm thật nhiều việc tốt và tránh xa mọi cám dỗ, tội lỗi, tránh những thứ xấu xa trong kiếp này để kiếp sau có thể sống an nhàn và hạnh phúc.
2. Cơ sở giáo lý Phật giáo trong việc hình thành tinh thần tích “bun” bỏ “bạp” của người Thái Lan
2.1. Cơ sở giáo lý Phật giáo
2.1.1. Quan niệm về luân hồi
“Luân” là bánh xe, “Hồi” là trở lại. Theo Phật Giáo, sự hiện hữu của mỗi người là một cuộc sống dài vô tận gồm nhiều kiếp liên tiếp nhau. Kiếp này kết thúc bằng cái chết để khởi đầu kiếp sau bằng việc sinh ra.
Thuyết luân hồi của Phật giáo lấy luật nhân quả làm nền tảng. Kiếp này sướng hay khổ đều có nguyên nhân từ trong kiếp trước và chính kiếp này lại là nguyên nhân quyết định những yếu tố cấu tạo nên kiếp sau.
2.1.2. Quan niệm về “nghiệp” và “nghiệp báo”
Thông thường, nói đến nghiệp là nói đến vấn đề thiện, ác trong vòng sinh diệt và tương tục của đời sống con người. Thông qua việc tạo nghiệp (thiện hay ác) mà con người tự xây dựng cho mình một định nghiệp - một đời sống khổ đau hay hạnh phúc.
Theo lời Phật dạy, chính con người chứ không phải ai khác có thể quyết định hạnh phúc hay khổ đau của mình.
2.1.3. Quan hệ về nhân quả - Luật nhân quả
“Người ta gieo nhân nào thì hưởng quả ấy: làm lành được quả tốt, làm ác chịu quả xấu, người trồng thì người hưởng” - đó là pháp tắc nhân quả của nghiệp.
Trong một đời người cũng tạo thành vô số nghiệp, rồi cùng kết hợp với những cái đã tạo ở kiếp trước, lấy đấy làm cơ sở để tạo thành vận mệnh của chính mình.
2.2. Ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo với việc “tích bun bỏ bạp” của người Thái Lan
Sự sùng bái đối với đạo Phật đã trở thành một tập quán nổi bật trong việc phấn đấu và bảo vệ luân lý đạo đức của người dân Thái Lan. Các quan niệm về Luân hồi, Nghiệp, Nghiệp báo hay Nhân quả đều là những triết lý đầy ý nghĩa được người Thái tiếp thu. Họ học theo những lời đức Phật dạy, cố gắng “tích bun bỏ bạp”, làm nhiều việc tốt, tránh việc bất thiện để tích phúc cho bản thân và con cháu.
2.2.1. Làm phúc, dâng cơm cho các nhà sư vào sáng sớm
Việc làm phúc “Tặc bạt” là một phong tục mà người Phật tử đã làm từ thời đức Phật. Các nhà sư sẽ đi khất thực để cho người dân được dâng cơm làm phúc. Các nhà sư sẽ cầu nguyện, cho lời chúc, cầu mong cuộc sống của người dân luôn tốt lành, gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.
2.2.2. Thả cá xuống sông, thả chim khỏi lồng trong ngày Tết
Vào ngày Tết Songkran, mọi người đến những địa điểm quan trọng liên quan đến tôn giáo, là những nơi có bán vật nuôi như chim, cá, rùa, ốc cho người khác mang đi phóng sinh làm phúc.
Ngày nay, người ta lại cho rằng việc phóng sinh các con vật trong các ngày lễ (đặc biệt là Tết Songkran) ở Thái Lan lại gây ra tội lỗi nhiều hơn là phúc đức nhưng dù thế nào đây vẫn là một nét đẹp văn hóa, xuất phát từ tâm ý muốn làm điều thiện của người dân Thái Lan.
2.2.3. Thường xuyên đi lễ chùa
Hầu hết, người dân Thái đến chùa đều cầu mong được ấm no, hạnh phúc, xin những điều tốt lành cho bản thân và gia đình của mình. Chùa cũng là nơi để những người mắc phải lỗi lầm đến để cầu mong Phật sự tha thứ và cho họ cơ hội để trở lại cuộc sống lương thiện.
2.3.4. Tích cực làm nhiều điều thiện và tránh những điều ác
Người Thái rất coi trọng việc tu thân tích đức, họ luôn luôn nhìn vào đức Phật để lấy đó làm tấm gương soi dẫn dắt mọi hành động và suy nghĩ.
Người Thái Lan vào chùa học giáo lý đạo Phật ngay từ khi còn nhỏ và những kiến thức về nghiệp, nghiệp báo hay nhân quả đều được họ hiểu rõ để định hướng các hành vi trong cuộc sống nhằm tránh không gây ra những tội lỗi và không bị trừng phạt ở kiếp sau.
Kết luận
Đã từng có ý kiến cho rằng “nếu không có đạo Phật thì Thái Lan sẽ không còn là Thái Lan nữa”. Những việc làm của người Thái để “tích bun bỏ bạp” đều là những việc làm hết sức đời thường và giản dị, việc “tích bun bỏ bạp” ấy bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất trong xã hội. Thái độ sống “tích bun bỏ bạp” đã trở thành triết lý sống quý giá theo suốt chặng đường phát triển của người dân và đất nước Thái Lan.
SV. Bùi Thị Xuân
K57 Bộ môn Đông Nam Á học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn