Hình ảnh hoa mẫu đơn hội tụ đầy đủ phẩm chất và ước nguyện của người Trung Quốc, minh chứng cho sức sống và niềm tin mãnh liệt của con người Trung Quốc, xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử hoa mẫu đơn mang trong mình vẻ đẹp không gì sánh bằng. Hoa mẫu đơn trở thành đối tượng được đề cập nhiều trong văn học nghệ thuật, đặc biệt thơ ca. Cùng với các hình tượng khác như hoa mai, tùng, cúc, trúc…hoa mẫu đơn chiếm vị trí quan trọng trong thơ ca Trung Quốc nói chung và thơ ca thời Đường nói riêng. Thời Đường là thời kì hoa mẫu đơn có sức ảnh hưởng mạnh tới văn hóa, hoa mẫu đơn trở thành loài hoa cao quý được người đời ngưỡng mộ, tôn sùng, trở thành đề tài cảm hứng vô tận để thi nhân ca ngợi và bộc lộ nỗi lòng của mình.
Phần nội dung.
Mẫu đơn – loài hoa biểu trưng cho vẻ đẹp hơn 5000 năm văn hóa Trung Hoa đã có lịch sử xuất hiện lâu đời. Hoa mẫu đơn ( tên la tinh là Paeonia suffruticosa Andr) họ Mao Lương, chi Thược Dược.Mẫu đơn là loại hoa thân gỗ, sinh trưởng trong tự nhiên, lịch sử trồng đã có hơn 1500 năm. Qua các triều đại mẫu đơn đều được coi trọng, đặc biệt là thời Đường được tôn làm “Quốc hoa”.
Hoa mẫu đơn là quốc hoa của Trung Quốc, biểu tượng cho vẻ đẹp cao quý, phú quý, và là hình tượng may mắn, được tôn là loài hoa vương giả. Trong văn hóa Trung Quốc hoa mẫu đơn chiếm địa vị đặc biệt, mang nhiều ý nghĩa văn hóa, vẻ đẹp của nó khiến bao người ái mộ. Nó mang đến sự phú quý,mang ngụ ý về quốc gia phồn vinh, phát đạt thịnh vượng., mang tinh thần dân tộc Trung Hoa và phẩm chất ưu việt,là hóa thân của vẻ đẹp, sự hoàn mỹ, sự trong sáng thanh khiết. Từ hội họa, thơ ca Trung Quốc cổ đại đều có sự xuất hiện của loài hoa vương giả, cao quý này. Hoa mẫu đơn là loại hoa đã đi sâu vào trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, cùng với hoa mai tạo nên biểu trưng sâu đậm của văn hóa. Đến năm 1903, nhà Thanh chính thức lựa chọn hoa mẫu đơn trở thành quốc hoa của đất nước, biểu trưng cho văn hóa Trung Quốc.
Qua các triều đại Trung Quốc, các nhà thơ lấy hình tượng hoa mẫu đơn làm đề tài được thống kê có hơn bốn trăm tác phẩm, trong đó chiếm nhiều nhất là thời nhà Đường và nhà Tống, tổng cộng có 130 nhà thơ, viết hơn 270 bài thơ về mẫu đơn. Trong đó nổi bật có các thi nhân nổi tiếng như: Vương Duy, Lý Bạch, Lý Hạ, Hàn Dũ, Lưu Vũ Tích, Bạch Cư Dị, Ôn Đình Quân, Lý Thương Ẩn, Âu Dương Tu, Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Lục Du…
Để ca ngợi vẻ đẹp “quốc sắc thiên hương” của mẫu đơn các thi nhân đã dùng ngòi bút của mình vẽ nên những nét vẽ dịu dàng uyển chuyển về hoa mẫu đơn, góp phần đem vẻ đẹp từ tự nhiên đưa vào thơ ca cho người đời thưởng thức. Vẻ đẹp của hoa mẫu đơn hiện lên thật là rực rỡ, lung linh dưới những câu thơ được chau chuốt tỉ mỉ. Các thi nhân đã vẽ lên khung cảnh thành Trường An tràn ngập sắc hoa mẫu đơn, người dân nô nức thưởng hoa; thể hiện sự ngưỡng mộ của thi nhân với sắc đẹp không gì sánh bằng của mẫu đơn- loài hoa đáng để con người tôn sùng. Đồng thời thông qua hình ảnh hoa mẫu đơn thanh cao cũng ngầm cho thấy tâm trạng các nhà thơ không chút hứng thú với thế gian vẩn đục, hay là nỗi buồn về đời người ngắn ngủi, về tuổi thanh xuân một đi không trở lại.
Cái hay của thơ ca chính là có thể lấy vẻ đẹp của hoa để so sánh, ví von với vẻ đẹp của mỹ nhân. Hai vẻ đẹp vẹn toàn, say đắm lòng người, một của tự nhiên, một của con người hòa quyện vào nhau khiến cho mọi thứ trở nên hoàn mỹ. Lý Bạch đã có một sự kết hợp tài tình giữa hoa mẫu đơn và mỹ nhân như vậy trong “Thanh Bình Điệu”, cùng với cấu trúc tinh xảo, vịnh hoa vịnh người, kết hợp mật thiết khiến cho hoa và người trở lên rực rỡ, cùng tôn lên vẻ đẹp của nhau.
Mẫu đơn luôn được ca ngợi, nhưng bên cạnh đó không ít thi nhân lại có cái nhìn ngược lại có cái nhìn yêu ghét rõ ràng, lãnh dạm, thờ ơ và đôi khi cả sự oán hận loài hoa cao quý đó. Trong thời đại mọi người ưa chuộng và tán thành vẻ đẹp của hoa mẫu đơn và không ít nhà thơ đi theo con đường ca ngợi và tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa ấy thì không ít nhà thơ có cái nhìn ngược lại, không tích cực về hoa mẫu đơn. Đối với người phú quý khi mua sắm hoa mẫu đơn “Nhất bản vạn kim”, thì thi nhân lại nhìn thấy cảnh trăm họ khốn khổ, cơm ăn không đủ no, áo không đủ mặc, họ phát hiện ra được hiện thực của cuộc sống, đồng thời phê phán sự xa hoa của những kẻ giàu có. Tiếp theo, “Thế nhân thậm ái mẫu đơn”, họ cho rằng hương sắc của mẫu đơn quấy nhiễu người đời hướng về lí tưởng tích cực, khiến cho xã hội rối loạn, sản sinh ra sự xa hoa phú quý. Bạch Cư Dị đối với vẻ đẹp rực rỡ của hoa mẫu đơn đã có nhận thức tỉnh táo về mặt trái ảnh hưởng của loài hoa ấy. Nhà thơ không chỉ suy nghĩ từ góc độ của chủ nghĩa hiện thực mà còn thấy rằng mẫu đơn vì được quyền quý tôn sùng mà tổn thương đối với quần chúng bình dân, người dân say mê mẫu đơn tạo thành tầng nguy hại sâu.
Phần kết luận.
Hình ảnh hoa mẫu đơn chiếm vị trí quan trọng trong nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, nó biểu trưng cho viên mãn, phú quý, vẹn tròn. Hàng nhìn năm tồn tại và xuyên suốt chiều dài lịch sử nó luôn được ca ngợi là loài hoa đẹp nhất trong muôn vạn loài hoa. Những phẩm chất tốt đẹp của hoa được đưa vào thơ ca như một sự tất yếu. Với thơ ca Trung Quốc nói chung và Đường Thi nói riêng, hoa mẫu đơn là một đề tài khơi nguồn cảm hứng vô tận cho bao thi nhân, dù các nhà thơ có nhìn nó ở góc độ nào đi chăng nữa, tích cực hay tiêu cực nhưng tựu chung lại loài hoa đó vẫn luôn có một chỗ đứng cao nhất trong con mắt mọi người. Và đó cũng là lí do mà đến nay hoa mẫu đơn vẫn là biểu tượng văn hóa đặc sắc của Trung Quốc.
SV. Lý Thị Hoa
K57 Bộ môn Trung Quốc học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn