A. PHẦN MỞ ĐẦU
Hình tượng bộ tam đa “Phúc Lộc Thọ” là 1 trong những biểu tượng may mắn truyền thống của văn hóa Trung Quốc, xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần của người Trung Quốc và được trí tuệ dân gian lưu truyền phổ biến nhất. Đây không chỉ là biểu tượng phản ánh quan niệm giá trị, lí tưởng thẩm mĩ, quan niệm về luân lí đạo đức, đặc biệt là quan niệm tạo hình của nhân dân Trung Quốc. Đồng thời còn cổ vũ, hướng con người đến sự lạc quan và lí tưởng của 1 cuộc sống viên mãn, qua đó thể hiện niềm yêu cuộc sống tha thiết, theo đuổi hạnh phúc và thế giới tình cảm phong phú của người Trung Quốc. Tôi rất hi vọng thông qua đề tài này có thể thỏa mãn phần nào niềm đam mê nghiên cứu và đặc biệt là niềm thích thú đối với những biểu tượng văn hóa Trung Quốc cũng như hiểu được những giá trị mà con người bày tỏ và gửi gắm qua những biểu tượng ấy.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là tìm hiểu nguồn gốc của bộ tam đa Phúc, Lộc, Thọ đồng thời đi sâu tìm hiểu ý nghĩa của bộ tam đa trong đời sống văn hóa của người Trung Quốc bao gồm ý nghĩa về mặt tạo hình và những quan niệm về Phúc, Lộc, Thọ theo quan niệm của người Trung Quốc. Từ đó nhận ra giá trị giáo dục sâu sắc mà trí tuệ dân gian thông qua bộ tam đa gửi gắm đến con người.
Sự xuất hiện rất sớm của tín ngưỡng thờ thần ở Trung Quốc cũng dẫn đến nhu cầu của con người tìm hiểu về chính những vị thần tiên mà con người hết mực sùng bái và tôn thờ. Những cuốn sách có nội dung liên quan đến hình tượng Phúc, Lộc, Thọ: Sách tiếng Việt bao gồm “Ngũ phúc: phúc- lộc- thọ- hỷ- tài” - Hoàng Toàn Tín, “Đồ giải- Đạo giáo triết lý nhân sinh: Mộng tượng thần mật Trung Hoa” - Nguyễn Xuân Huy, “Tìm hiểu phong tục dân gian- Dân gian sinh tử toàn thư” -Thái Kỳ Thư và "Nghi lễ truyền thống của người Trung Hoa”. Sách tiếng Trung Quốc: “中国民间诸神”- 马书田, “中国民间诸神” do Mã Thư Điền- 马书田.
Phạm vi của đề tài, bước đầu đi sâu nghiên cứu nguồn gốc và giá trị nội hàm của bộ tam đa Phúc, Lộc, Thọ.
Đề tài sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích và liên hệ
B: NỘI DUNG
Giải thích nguồn gốc của từ “tam đa”, cắt nghĩa chữ “đa” có nghĩa là nhiều, theo quan niệm của người xưa, tam đa chỉ ba cái nhiều: tài(tiền), lộc (ơn vua) và tử tôn (con cháu). Tuy nhiên một cách gọi khác phổ biến hơn của tam đa và được duy trì cho đến ngày nay là: Phúc, Lộc, Thọ. Xét theo thiên văn học, Tam đa là sự xuất hiện của ba ngôi sao: Phúc tinh, Lộc tinh và Thọ tinh. Cũng có truyền thuyết kể về ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ được nhân cách hóa trở thành nhân vật có thật trong dân gian được tôn lên làm thần và được người dân Trung Quốc hết sức tôn thờ.
Phúc thần là sao Mộc là 1 trong 9 hành tinh của hệ mặt trời, hay còn gọi là Tuế tinh. Ngoài ra có 2 truyền thuyết nói đến Phúc thần là nhân thần. Có truyền thuyết cho rằng Phúc thần là nhân vật có thật trong dân gian là Dương Thành, người đất Đạo Châu, thuộc Hồ Nam có công với dân chúng nên được tôn làm thần. Truyền thuyết về Tam quan đại đế của Đạo giáo thì Phúc thần chính là Thiên Quan trong Tam Quan Đại Đế.
Lộc thần là vì sao thứ 6 trong tinh toà Văn xương quan, chuyên quản về công danh lợi lộc. Đạo giáo đã sáng tạo ra Văn Thần tài và Võ Thần Tài, là một hình tượng khác của Lộc tinh, để phù hộ cho con người trên con đường cầu tìm tiền tài, danh lợi được thuận buồm xuôi gió.
Thọ thần chính là Nam cực tiên ông hay Thọ tinh là 2 ngôi sao Cang, Giác trong 28 chòm sao, là chùm Thương Long Đông Phương. Trong “Sử ký- Phong thiền thư”- sách dẫn của Tư Mã Trinh đã viết: “ Thọ tinh, cũng là Nam cực lão nhân tinh, thấy ông thì thiên hạ được bình an, cho nên mọi người thường hướng tới ông để cầu phúc cầu thọ”.
Nghệ thuật tạo hình Tam Đa khắc họa hình tượng Phúc thần, Lộc thần, Thọ thần mỗi người một vẻ. Phúc thần với dáng vẻ hoạt bát, nhanh nhẹn đồng thời thể hiện sự khỏe mạnh, thông minh, thanh cao, mãn nguyện và có hậu. Tranh hay tượng Tam đa đều khắc họa hình ảnh Phúc thần tay bồng một đứa trẻ tượng trưng cho phúc khí hay xuất hiện hình ảnh con dơi. Trong khi đó hình ảnh thường thấy của Lộc thần được khắc họa rõ nét với một chân dung đầy đặn, phương phi, hồng hào, quyền pháp đầy đủ. Hình ảnh con hươu đứng bên cạnh Lộc tinh làm nổi lên màu sắc may mắn, cát tường. Nhắc đến Thọ thần ta thấy hình tượng Thọ thần thường được miêu tả là tay cầm trượng linh chi, đầu dài, tai to và mình ngắn. Thọ thần gắn với hình ảnh hạc tiên, đào trường thọ và con hươu.
Phúc, Lộc, Thọ là 3 vị thần nổi tiếng nhất trong đời sống xã hội truyền thống Trung Quốc, trở thành một biểu tượng văn hóa biểu trưng cho ba hạnh phúc lớn nhất của đời người chính là những giá trị mà con người hướng đến: may mắn, tài lộc và sức khỏe. Từ xa xưa, người Trung Quốc cũng đã dần hình thành nên các quan niệm về Phúc, Lộc, Thọ và lấy đó làm đích đến trong cuộc đời.
Phúc là điều thường thấy nhất trong dân gian. Phúc có thể hiểu là hạnh phúc, phúc vận, phúc khí hay phúc cũng được hiểu là thuận lợi, hàm ý mọi việc đều như ý. Phúc là điều mong cầu lớn, do vậy Tết đến chữ “Phúc” xuất hiện ở khắp nơi. Phong tục dán chữ Phúc ngược của người Trung Quốc thể hiện sự cầu mong quan trọng vào dịp năm mới, cũng là một niềm mơ ước về những điều tốt lành trong dịp xuân về
Người xưa quan niệm lộc là tiền bạc, của cải, bất kể do con người làm ra hay được người khác ban tặng. Cho nên có thể thấy lộc là biểu trưng cho sự sung túc, giàu có. Thời phong kiến, lộc cũng được hiểu bổng lộc của vua ban hay thứ của dân kính biếu là hình thức thể hiện việc ban phát lộc, hưởng lộc. Như vậy lộc là biểu trưng cho sự sung túc, giàu có, là những gì con người đạt được như chức danh khoa bảng, địa vị xã hội, của cải, lương bổng.
Thọ chỉ niềm khát khao sự sống, khát khao trường thọ đều là mong ước chính đáng của con người. Theo quan niệm truyền thống, chữ “Thọ” là chữ đứng đầu trong Ngũ Phúc. Trong ngôn ngữ Hán, chữ Thọ cũng là một chủ đề chính để cấu tạo ra nhiều từ vựng khác, như hai chữ: Thọ an, Thọ khang, Thọ nguyên, Thọ khải, Thọ lạc… Người Trung Quốc vốn rất coi trọng sự trường thọ, điều này đã dẫn đến các hoạt động chúc thọ được diễn ra rất phổ biến.
Dù rằng khi tách riêng, Phúc, Lộc hay Thọ đều mang trong mình những ý nghĩa biểu trưng nhất định nhưng giữa ba yếu tố này luôn hỗ trợ lẫn nhau rất mật thiết. Ba chữ Phúc, Lộc, Thọ tạo thành một thể thống nhất, mỗi bộ phận của chữ này vừa có thể độc lập với nhau lại vừa có thể sử dụng phối hợp với nhau.
Từ ước mơ chân thực về một cuộc sống tốt đẹp với khát khao Phúc, Lộc, Thọ là được hưởng phúc lộc, sống lâu, người xưa đã cụ thể hóa ý tưởng trừu tượng đó thành những hoa văn, tranh vẽ, pho tượng cụ thể, hoặc để trang trí y phục hoặc nhà cửa, để làm quà chúc mừng nhau thay cho lời chúc ở cửa miệng hay trên tấm thiệp. Mỗi dịp tết đến, người ta thường cầu chúc cho nhau Phúc- Lộc- Thọ hay chính là thể hiện ba ước mơ lớn nhất của đời người: hạnh phúc, sung túc và trường thọ.
Ở đâu đâu cũng thấy sự xuất hiện hình tượng bộ ba vị thần này, phòng khách hay những nơi sang trọng, lịch sự trong gia đình, cửa tiệm được chọn là nơi trưng bày bộ tranh, tượng tam đa. Người Trung Quốc xem đó là vật đem lại may mắn, thịnh vượng đến cho gia đình của mình cho nên có thể nói bộ tam đa Phúc, Lộc, Thọ rất được ưa chuộng và phổ biến trong đời sống của họ.
Bộ tam đa “Phúc, Lộc, Thọ” cũng chính là bức thông điệp mà người đời trước gửi gắm và truyền lại cho người đời sau với ý nghĩa giáo dục sâu sắc và nhắc nhở những thế hệ sau: ai sống tâm phúc sẽ may mắn hái được nhiều lộc và hưởng tuổi thọ lâu dài.
C. KẾT LUẬN
Sự sáng tạo của dân gian đã khéo léo tạo lên hình tượng ba vị thần Phúc, Lộc, Thọ vừa chân thật lại vừa sinh động cho thấy nghệ thuật tạo hình và lí tưởng thẩm mĩ của dân gian đương thời hết sức tinh tế. Nội hàm ý nghĩa của bộ tam đa Phúc, Lộc, Thọ theo quan niệm của dân gian đã thể hiện một cách chân thực những khao khát, ước mơ cháy bỏng của con người về một cuộc sống tốt đẹp: hạnh phúc, tài lộc và trường thọ.
SV. Đào Thị Nhung
K57 Bộ môn Trung Quốc học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn