A. PHẦN MỞ ĐẦU
Lý do chọn đề tài: Đạo gia là một trường phái triết học, hình thành từ thời Xuân Thu chiến quốc và được xem là một trong những hệ tư tưởng lớn lâu đời của văn hóa Trung Hoa. Người mở đầu cho học phái Đạo gia là Lão Tử. Ông có nhiều ý kiến rất mới mẻ, sâu sắc, cùng với Khổng Tử và Mặc Tử giữ thế chân vạc trong lịch sử triết học Trung Hoa thời đó. Kế thừa tư tưởng của Lão Tử: Trang Tử được xem là một nhân vật xuất chúng. Ông là người có công phát triển học thuyết của Đạo gia thêm nhiều ý nghĩa sâu sắc. Quan niệm vô vi là tư tưởng độc đáo trong triết học Đạo gia. Vô vi không có nghĩa là không hoạt động mà là thái độ hoàn toàn theo tự nhiên, ngược lại với sửa đổi và chế ngự thiên nhiên, đưa con người quay trở lại quy luật của Đạo. Tuy chỉ được thịnh hành trong một thời nhưng do có ý nghĩa thiết thực mà nó đã tạo thành dòng chảy xuyên suốt lịch sử, đến nay vẫn còn nhiều giá trị quý báu. “Tư tưởng Vô vi của Đạo gia và ứng dụng trong cuộc sống” – đề tài niên luận sẽ đi sâu vào tìm hiểu những ứng dụng của thuyết Vô vi trong cuộc sống.
Mục tiêu nghiên cứu:Tìm hiểu rõ nguồn gốc, các tư tưởng chính của Đạo gia đặc biệt là các quan niệm về vô vi qua từng thời kỳ, ý nghĩa, ảnh hưởng cũng như ứng dụng của tư tưởng vô vi trong cuộc sống hiện tại.
Phạm vi nghiên cứu: Các khái niệm nền tảng của Đạo gia, thuyết vô vi và ứng dụng thuyết vô vi thể hiện trong các mặt cuộc sống hiện nay.
Lịch sử nghiên cứu: Tư tưởng Đạo gia đã được các học giả nghiên cứu văn hóa Trung Quốc nghiên cứu kỹ càng trong suốt từ thời cổ trung đại. Song tại Việt Nam, những công trình nghiên cứu về Đạo giáo phần lớn chỉ là những nghiên cứu lịch sử tôn giáo thuần túy, hay những ứng dụng của đạo Vô vi trong cuộc sống hiện nay chỉ bó gọn trong việc dưỡng sinh hay thái độ sống được nhắc đến lẻ tẻ trên vài trang báo, chưa hề có những công trình nghiên cứu lớn về vấn đề này.
Phương phápnghiêncứu:Bài nghiên cứu dùng các biện pháp phân tích giải thích, chứng minh, so sánh.
B. NỘI DUNG
Quan điểm triết học của Đạo gia tựu trung lại đềutập trung vào vấn đề con người trong mối tương quan và thống nhất với tự nhiên, trực giác tâm linh và phi lý tính. Điều này được thể hiện qua các tác phẩm “Đạo Đức kinh” của Lão Tử, “Nam Hoa kinh” của Trang Tử và một số tư tưởng của Dương Chu. Mặc dù có những luận điểm khác nhau, song về cơ bản, những tư tưởng triết học chính yếu của phái Đạo gia đều thống nhất trên nền tảng các quan điểm về Đạo, tư tưởng biện chứng và những vấn đề về đạo đức nhân sinh, chính trị xã hội .
Vô vi là một trong những tư tưởng quan trọng, chi phối toàn bộ nền triết học Đạo gia. Một cách khái quát “Vô vi”, theo Đạo gia, không có nghĩa là không làm gì, không có hoạt động gì, mà là phương pháp sống một cách tự nhiên, thuần phác, hòa hợp với thiên nhiên, không làm trái với Đạo, không cố gắng hoạt động mang tính giả tạo, gượng ép, thái quá, bất cập…
Tư tưởng vô vi giúp con người có thái độ sống hòa hợp với thiên nhiên. Vô vi còn hướng con người đến lối sống đạm bạc không ham giàu sang phú quý, tự tu dưỡng bản thân mình.
Lão Tử chủ trương trị nước theo đường lối vô vi mới có thể an bang tế thế. Có nghĩa là người cai trị muốn đứng trước dân phải “lấy mình để ra sau” như vậy lãnh đạo ở phía trên dân nhưng dân không thấy nặng, ở trước dân mà dân không thấy thiệt.
Trị nước theo đường lối vô vi nghĩa là quốc gia phải chủ trương ôn hòa nhu nhược để tránh sảy ra chiến tranh thương vong.
Cần phải để cho kinh tế phát triển tự nhiên theo quy luật cung cầu, nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào sự phát triển kinh tế. Nên chú trọng phát triển đồng đều phù hợp với từng hoàn cảnh, khu vực.
Các nước lớn phải biết dùng sức mạnh mềm để thu phục nước nhỏ hơn. Như vậy những nước nhỏ sẽ bị lệ thuộc dần vào nước lớn, lâu dần sẽ buộc phải đi theo và quy phục, hợp tác hai bên cùng có lợi .
Tư tưởng Lão Trang vốn quan tâm chú trọng đến tự nhiên: tự nhiên ở môi trường sống, phương pháp sống, không cưỡng ép gò bó tự nhiên thuận theo ý con người.
Tư tưởng văn nghệ dùng phương pháp hư cấu tượng trưng để biểu hiện cảnh giới này. Biểu hiện của nó gần gũi với chủ nghĩa lãng mạng, siêu thực trong văn hóa Tây Âu.Về hội họa, tranh sơn thủy cũng thể hiện tư tưởng vô vi của Đạo gia.
Tư tưởng vô vi thể hiện ở sự cân bằng hợp lí dinh dưỡng. Thái cực quyền không chỉ giúp nâng cao sức khỏe, đó còn là tiêu biểu cho thuyết “lấy nhu khắc cương”, “lấy chậm chế nhanh”.
C. KẾT LUẬN
Tư tưởng vô vi của Đạo gia không chỉ là lối thoát cho những kẻ bất mãn thế cuộc nhiễu nhương, đầy cạm bẫy như thời Xuân Thu Chiến Quốc, mà còn là triết lý sống của con người hiện đại- những người đang luẩn quẩn trong vòng danh lợi muốn tìm cho mình lối thoát để về với cái đạo của tự nhiên.
SV. Đoàn Phượng Mai
K57 Bộ môn Trung Quốc học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn