Du lịch sinh thái (DLST) là một loại hình du lịch mới và đang là xu hướng chung của ngành du lịch trên thế giới. Những năm gần đây loại hình DLST ở Vân Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ và gặt hái được nhiều thành công, bên cạnh đó còn có những thách thức lớn về vấn đề môi trường, cơ sở, tài nguyên du lịch,.... DLST thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các các nhân, tổ chức trên thế giới như tại Hội nghị môi trường thế giới tại Mê-xi-cô (1986) thảo luận những vấn đề chuyên môn liên quan đến phát triển du lịch sinh thái. Năm 1996, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã định ra Chương trình hội nghị thực tiễn phát triển du lịch bền vững thế kỷ 21. Ở Trung Quốc, từ đầu những năm 90, hoạt động nghiên cứu DLST bắt đầu diễn ra sôi nổi trong đó có vấn đề phát triển DLSTVân Nam. Tháng 10 năm 2007, Ủy ban du lịch sinh thái Hội sinh thái học Trung Quốc, Học viện Lâm nghiệp Tây Nam, Hội Liên hiệp bảo tồn thiên nhiên Mỹ, Cục du lịch tỉnh Vân Nam, Cục du lịch thành phố Côn Minh,... đã long trọng tổ chức Diễn đàn phát triển du lịch sinh thái Trung Quốc lần thứ tư và các diễn đàn quốc tế đầu tiên về du lịch sinh thái ở Côn Minh tại Côn Minh – Trung Quốc. Bài viết nêu ra vấn đề là Vân Nam có nhiều ưu thế về thiên nhiên và văn hóa xã hội, điều đó tạo thuận lợi để phát triển mạnh DLST. Tuy nhiên với những ưu thế đó thì hoạt động phát triển DLST vẫn chư thực sự hiệu quả và còn có nhiều yếu điểm, thách thức. Việc tìm ra những hạn chế đó góp phần rút ra kinh nghiệm để đi đúng hơn trong phát triển DLST Vân Nam. Và hi vọng sẽ là một tư liệu tham khảo hữu ích cho phát triển DLST Việt Nam nhất là các tỉnh phía Bắc. Bài viết sử dụng phương pháp thu thập, tổng hợp và phân tích tư liệu để làm rõ những vấn đề như ưu thế, thực trạng phát triển, khó khăn, thách thức sau đó tổng kết kinh nghiệm phát triển DLST của Vân Nam.
Phần nội dung
1. Khái niệm công cụ.
Khái niệm du lịch sinh thái:
Năm 1992, Hội Du lịch sinh thái Trung Quốc định nghĩa DLST là: “để hiểu hơn môi trường văn hóa địa phương và các kiến thức tự nhiên lịch sử, các hoạt động du lịch có mục đích hướng tới tự nhiên. Đồng thời đây là loại hình du lịch cố gắng không làm thay đổi hệ thống sinh thái của vùng đó, tạo cơ hội phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương”.
Năm 2003, Hiệp hội DLST Australia (EAE) cho rằng “DLST là một hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên và định hướng về môi trường tự nhiên và nhân văn, được quản lý một cách bền vững và có lợi cho sinh thái”.
Khái niệm phát triển bền vững: Du lịch sinh thái bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi đó vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên và phát triển du lịch trong tương lai”.
2. Kết quả nghiên cứu.
Vân Nam có ưu thế lớn về phát triển du lịch sinh thái. Vị trí địa lí thuận lợi nằm trong vùng kinh tế Tây Nam của Trung Quốc, nằm trong ba vành đai kinh tế khu vực lớn là vành đai kinh tế Trung Hoa, liên minh các nước Đông Nam Á, liên minh kinh tế 7 nước Nam Á. nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới, phong cảnh hữu tình, mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát mẻ, tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú. Vân Nam được mệnh danh là “vương quốc thực vật” có giá trị to lớn về mặt sinh thái và du lịch. Do đó Vân Nam có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng kể cả về mặt nhân văn như Đại Lý, Lệ Giang, Thạch Lâm, Ngọc Long Tuyết,..Là một tỉnh tập trung cư trú của nhiều dân tộc thiểu số như Nạp Xi, Thái, Lật Túc, Độc Long,..tạo nên nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc thu hút sự hiếu kỳ tìm hiểu khám phá của du khách thập phương. Bên cạnh đó Nhà nước và địa phương cũng đã ban bố các chính sách du lịch như Điều lệ du lịch Vân Nam (云南省旅游条例)( 2005), ngày 25 /4/2013 Ủy ban thường vụ Trung Quốc thông qua Luật du lịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (中华人民共和国旅游法) góp phần định hướng, thúc đẩy DLST phát triển. Hơn nữa Vân Nam cũng xây dựng được hệ thống giao thông chuyên dụng với các sân bay, ga tàu, đường cao tốc nối liền các điểm du lịch, các nhà hàng khách sạn cùng đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên nhiệt tình phục vụ du khách. Và có thị trường du lịch rộng mở nhất là trong điều kiện mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế.
Dù có nhiều ưu thế phát triển DLST nhưng Vân Nam vẫn chư hoàn toàn phát huy được những thế mạnh này. Còn khá nhiều hạn chế trên con đường phát triển DLST như: Ý thức bảo vệ thiên nhiên còn yếu kém đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chỉ chú trọng giới thiệu các sản phẩm du lịch mà xem nhẹ vai trò tuyên truyền bảo vệ môi trường trong DLST, quy hoạch không hợp lý do đó dẫn đến hiện tượng môi trường sinh thái bị suy giảm nặng như ở Hồ Lô Cô, Điền Trì; dù cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc được xây dựng khá nhiều nhưng chưa đồng bộ (ví dụ khu Độc Long Giang vẫn bị cô lập khá nhiều so với bên ngoài) và một số công trình phá vỡ kết cấu sinh thái tự nhiên (đường cao tốc chạy qua khu thắng cảnh); du lịch sinh thái đang dần bị thương mại hóa hiện rõ lên là các dịch vụ du lịch mọc lên san sát, xây dựng các khu dân cư mới bên Hồ Lô Cô, Điền Trì một cách hỗn loạn và têm nguy cơ đồng hóa, mai một văn hóa dân tộc bản địa; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường đại học cao đẳng trên địa bàn chưa chú trọng đào tạo nhân lực cho DLST, chưa có đội ngũ nhân lực chuyên môn thực hiện DLST bảo vệ môi trường; quy hoạch cũng chưa đồng bộ, quyền sở hữu chưa rõ ràng, quản lí hỗn loạn thêm vào đó là sức ép cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế ngày càng lớn đều gây khó khăn lớn cho Vân Nam phát triển ổn định, bền vững DLST.
Từ những phân tích trên ta có thể rút ra một số bài học đáng lưu ý trong thực hiện phát triển DLST. Trước hết phải có một khung pháp lý hiệu quả để đưa DLST phát triển theo định hướng của Nhà nước do đó phải cố gắng hoàn thiện các cơ chế chính sách, luật pháp của Nhà nước và địa phương góp phần thúc đẩy phát triển bền vững DLST. Tăng cường cơ sở du lịch trên cơ sở các chính sách quy hoạch, quản lý một cách khoa học giảm thiểu ít nhất tác động đến môi trường sinh thái và cuộc sống của các dân tộc bản địa. Phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch và tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá nhằm thu hút du lịch và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế để tìm đối tác, thị trường và tìm nguồn hỗ trợ đồng thời học hỏi kinh nghiệm tiên tiến của thế giới. Chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp phục vụ du lịch. Phát triển du lịch đồng thời phát triển kinh tế địa phương bên cạnh đó cũng chú trọng bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa. Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong DLST. Lấy phát triển bền vững làm mục tiêu lâu dài của phát triển DLST, đây là con đường tất yếu để phát triển hiệu, quả lâu dài DLST.
Phần kết luận
Có thể thấy DLST là một ngành có ưu thế trong tương lai, và ngày càng được con người chú trọng. Ngành du lịch Vân Nam đã tạo được những cơ sở tương đối cả về cơ sở hạ tầng, chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất đẩy mạnh phát triển DLST đưa Vân Nam trở thành một tỉnh du lịch. Dù còn nhiều yếu kém và thách thức trong quá trình phát triển nhưng những thành quả mà Vân Nam đạt được trong những năm gần đây chứng tỏ phần nào hướng đi đúng của ngành du lịch Vân Nam. Hi vọng bài viết có thể phần nào góp phần làm tăng thêm hiểu biết của mọi người về DLST ở Vân Nam. Những bài học rút ra trong phát triển DLST Vân Nam có thể phần nào cho chúng ta lưu tâm đến để tránh những bước đi sai và học hỏi kinh nghiệm phát triển DLST để phát triển đồng bộ du lịch, kinh tế địa phương và bảo vệ, phát triển môi trường. Để DLST thực hiện đúng bản chất, nhiệm vụ của nó là du lịch thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
SV. Lý Thị Hòa
K57 Bộ môn Trung Quốc Học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn