[Báo cáo] Nhận thức của sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội trước sự hình thành Cộng đồng ASEAN

Thứ năm - 07/04/2016 00:00
[Báo cáo] Nhận thức của sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội trước sự hình thành Cộng đồng ASEAN
[Báo cáo] Nhận thức của sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội trước sự hình thành Cộng đồng ASEAN

     Từ trước khi Cộng đồng ASEAN được hình thành, hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều quan tâm và có những hoạt động chuẩn bị để có thể hội nhập một cách thành công vào Cộng đồng này. Trong đó, một số trường đại học trong khu vực cũng tăng cường sự nhận thức và chuẩn bị cho sinh viên để đón nhận sự hình thành Cộng đồng ASEAN. Có thể thấy, sự chuẩn bị này là hết sức cần thiết bởi sinh viên đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển tương lai của mỗi nước. Họ sẽ trở thành lực lượng lao động có chất lượng cao, thường đóng vai trò dẫn dắt trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội... Vì thế, những tác động từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN đối với mỗi quốc gia thành viên cần được sinh viên các nước này nhận thức và chủ động đón nhận. Thực tế này đặt ra vấn đề cần phải có một nghiên cứu cụ thể về thực trạng nhận thức và chuẩn bị của sinh viên trước sự kiện này. Trong giới hạn một nghiên cứu nhỏ, tôi đã chọn nghiên cứu về nhận thức và chuẩn bị của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường sự hiểu biết và chuẩn bị của sinh viên trong trường. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng làm việc của sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp, đóng góp vào việc cải thiện chất lượng lao động ở Việt Nam cũng như góp phần để Việt Nam hội nhập một cách tích cực và thành công hơn trong Cộng đồng ASEAN.

          Sau chương mở đầu đề cập tới một số khái niệm và thông tin về Cộng đồng ASEAN và tác động đối với thị trường lao động Việt Nam, chương thứ hai và chương thứ ba của báo cáo trình bày những khảo sát về thực trạng nhận thức và chuẩn bị của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội trước sự kiện này. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 266 sinh viên (chủ yếu là sinh viên năm thứ 3 và thứ 4) trên tổng số 5696 sinh viên chính quy trong trường, song song với việc tiến hành phỏng vấn một số sinh viên trong số này, chẳng hạn như chỉ có 158/266 sinh viên gần đây đọc báo hay xem các tin tức về cộng đồng ASEAN (tương ứng với 59,4%), có 27/266 (10,2 %) sinh viên biết chính xác về ngày hình thành cộng đồng ASEAN là ngày 31/12/2015, có 70/266 sinh viên (chiếm 26,3%) biết về cấu trúc của Cộng đồng ASEAN bao gồm 3 trụ cột chính là Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Chính trị - An ninh và và Cộng đồng Văn hóa Xã hội. Kết quả này cho thấy nhận thức của sinh viên trong trường về Cộng đồng ASEAN còn thấp, đặc biệt là so với sinh viên một số trường đại học bên ngoài, chẳng hạn như Đại học Thammasat của Thái Lan. Đây có thể cũng là thực trạng chung của sinh viên Việt Nam.

        Nghiên cứu cũng có phần khảo sát bảng hỏi và phỏng vấn sinh viên trong trường về sự chuẩn bị kiến thức, ngoại ngữ và kỹ năng mềm để đáp ứng yêu cầu gia tăng chất lượng lao động trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN mới được hình thành. Kết quả cho thấy sinh viên Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội chưa có nhiều kiến thức về Cộng đồng ASEAN, chưa ý thức sâu sắc được những tác động của sự hình thành Cộng đồng này đối với lực lượng lao động  cũng như đất nước, chưa chuẩn bị tốt về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Như vậy sinh viên chưa có sự chuẩn bị tích cực trước sự hình thành của Cộng động ASEAN, do đó sẽ góp phần làm giảm đi khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động cũng như nội lực và uy tín của Việt Nam trong khu vực.

       Trước tình hình trên, nghiên cứu xin đề xuất một số hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và sự chuẩn bị của sinh viên trong trường về Cộng đồng ASEAN, góp phần nâng cao chất lượng lao động của đất nước như sau: 1. Tăng cường các môn học và các hoạt động liên quan đến Cộng đồng ASEAN; 2. Tổ chức các khóa học trang bị thêm kỹ năng mềm cho sinh viên; 3. Chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên. Đây chỉ là những đề xuất ban đầu cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội trên cơ sở sinh viên tiếp tục được đào tạo chuyên sâu về các ngành học. Những đề xuất này nếu được thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của sinh viên trong trường, giúp sinh viên ra trường làm việc tốt hơn và có khả năng đáp ứng yêu đang ngày càng cao về chất lượng lao động, từ đó góp phần giúp Việt Nam hội nhập thành công trong Cộng đồng ASEAN.

 

     

GS. TS Mai Ngọc Chừ trao giải Nhất báo cáo nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2016

Tác giả: Thùy Ninh K58 Thái Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây