Tham dự Hội thảo “Việt Nam khôi phục đất nước và đồng nhất dân tộc sau thống nhất. Giải pháp cho thống nhất bán đảo Triều Tiên”

Thứ tư - 27/04/2016 00:00
Tham dự Hội thảo “Việt Nam khôi phục đất nước và đồng nhất dân tộc sau thống nhất. Giải pháp cho thống nhất bán đảo Triều Tiên”
Tham dự Hội thảo “Việt Nam khôi phục đất nước và đồng nhất dân tộc sau thống nhất. Giải pháp cho thống nhất bán đảo Triều Tiên”

Đây là chương trình lần thứ hai được tổ chức trong chuỗi hoạt động Diễn dần Hòa bình, Thống nhất Việt Nam - Hàn Quốc, kết quả hợp tác giữa Hội tư vấn thống nhất hòa bình và dân chủ Hàn Quốc với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đến dự với chương trình về phía đối tác Hàn Quốc có ông Hong Yang Ho - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, ông Jeon Dae Joo - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Bae Jeong Ho - Tổng thư ký Hội đồng tư vấn hòa bình thống nhất dân chủ Hàn Quốc, ông Yoo Myung Sik - Chủ tịch Hội đồng tư vấn hòa bình thống nhất dân chủ Hàn Quốc tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, đại diện Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có PGS.TS. Bùi Nhật Quang - Phó chủ tịch viện, TS. Trần Quang Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á.

Với đặc thù đào tạo về đất nước học và khu vực học, khoa Đông phương học với đại diện là PGS.TS. Lê Đình Chỉnh đã tham gia đóng góp ý kiến và phản biện trong phiên thảo luận của chương trình hội thảo. Các bạn sinh viên đến từ bộ môn Hàn Quốc học cũng nhiệt tình tham dự chương trình.

Sinh viên bộ môn Hàn Quốc học chụp ảnh lưu niệm của PGS.TS. Lê Đình Chỉnh và GS. Kang Dong Wan

Sau bài phát biểu “Hòa bình trong khu vực Đông Á và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên” của ông Bae Jeong Ho - Tổng thư ký Hội đồng tư vấn hòa bình thống nhất dân chủ Hàn Quốc , hội nghị bắt đầu đi vào các phiên làm việc cụ thể. Nội dung chính của chương trình được chia làm ba phiên thảo luận chính: Phiên 1 với chủ đề “Vai trò của Việt Nam đối với sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên”, phiên 2 có chủ đề “Phương án hợp tác Hàn Việt để ổn định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” và cuối cùng là phiên 3 “Sắp xếp tổng hợp và hỏi đáp”

Trong phiên làm việc thứ nhất, hội thảo đã lắng nghe hai phát biểu: “Ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc đến xã hội Triều Tiên” của GS. Kang Dong Wan (Đại học Dong A) và “Sự khác biệt về văn hóa - xã hội giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam trước năm 1975” của PGS.TS Phạm Duy Đức (Nguyên viện trưởng Viện văn hóa và phát triển). Điều hành phiên làm việc thứ nhất là ông Hong Yang Ho - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Tham gia đóng góp ý kiến cho phiên 1 có TS. Trần Quang Minh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á), PGS.TS. Lê Đình Chỉnh (Nguyên chủ nhiệm khoa Đông phương học - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), GS. Ko Seong Jun (Đại học Jeju) và ông Kim Jong Su (Ủy viên chuyên gia thống nhất Đảng Dân chủ Hàn Quốc).

Các chuyên gia trình bày ý kiến tham luận tại hội thảo

Nhận xét về bài phát biểu của GS. Kang Dong Wan, TS. Trần Quang Minh nhấn mạnh vai trò của quần chúng trong việc là lực lượng sáng tạo ra lịch sử và quyết định lịch sử. Theo đó, tiến trình cải cách, dân chủ hóa ở Bắc Triều Tiên phải phát triển thành phong trào mang tính quần chúng rộng khắp, do quần chúng làm chủ, các yếu tố bên ngoài chỉ mang tính hỗ trợ. Trong việc phát triển phong trào đó, ý thức giáo dục và việc truyền bá các tư tưởng tiến bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. TS. Trần Quang Minh cũng nêu ra điểm hạn chế trong việc lan truyền làn sóng Hallyu vào Triều Tiên đó là: chính sách quản lý văn hóa khép kín của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên) và do đó khiến cho mức độ ảnh hưởng của Hallyu còn chưa thể thâm nhập sâu vào trong lãnh thổ nước này, mới chủ yếu ở khu vực biên giới thông qua hoạt động buôn bán với các đầu mối Trung Quốc. Theo ông, GS. Kang Dong Wan nên đề ra thêm các giải quyết ở tầm vĩ mô để nghiên cứu có thêm các giá trị thực tiễn. Về phần trình bày của PGS.TS Phạm Duy Đức, TS. Trần Quang Minh nhận xét: bài phát biểu đã làm rõ khác biệt về văn hóa trên bề nổi giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam trước 1975 từ đó làm nổi bật ý nguyện sâu thẳm của người dân cả hai miền về một dân tộc thống nhất và một nền văn hóa thống nhất (Điều này có phần khác biệt với tình hình bán đảo Triều Tiên hiện tại khi hố sâu ngăn cách giữa nhân dân hai miền ngày càng gia tăng đặc biệt trong thế hệ trẻ). Cách văn hóa miền Bắc Việt Nam thâm nhập và truyền bá rộng rãi trong quần chúng miền Nam là một bài học kinh nghiệm có giá trị trong quá trình Hallyu thâm nhập vào CHDCND Triều Tiên.

PGS.TS Lê Đình Chỉnh nhận xét: Vấn đề hòa bình, thống nhất là nguyện vọng chính đáng, là mục tiêu phấn đấu của nhân dân cả hai miền bán đảo Triều Tiên. Trong đó, Hàn lưu (Hallyu) với vai trò sức mạnh mềm đặc trưng của Hàn Quốc có thể “sẽ phá vỡ ranh giới của người dân Nam Bắc Hàn”. PGS đồng tình với quan điểm của GS. Kang Dong Wan về việc thống nhất bán đảo Triều Tiên không chỉ dừng lại thảo luận ở các vấn đề kinh tế, chính trị mà còn là thống nhất văn hóa, nhận thức của nhân dân hai miền (vượt qua những nhu cầu trước đó đề ra như nhận thức về dân tộc Hàn thuần nhất hay dựa trên thành quả kinh tế hiện nay của Hàn Quốc).   Với chính sách độc tài và kiểm duyệt gắt gao về thông tin, văn hóa, miền Bắc Triều Tiên đang đi ngược lại quy luật phát triển chung của lịch sử nhân loại. Làn sóng Hallyu, theo PGS, cần phải tiếp cận được đến giới trẻ Bắc Triều Tiên - thế hệ đặc biệt với những đổi mới về tư tưởng. Trong quá trình thống nhất bán đảo Triều Tiên cũng cần đặt ra một vấn đề nữa đó là phải đáp ứng ý nguyện của nhân dân hai miền và nghiên cứu, có cách ứng xử phù hợp trước những động thái của các cường quốc.

Hội thảo khoa học “Việt Nam khôi phục đất nước và đồng nhất dân tộc sau thống nhất. Giải pháp cho thống nhất bán đảo Triều Tiên”

GS. Ko Seong Jun đề cao vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc động viên tinh thần dân tộc, ý thức thống nhất của người dân Việt Nam. Ông cũng đặt ra câu hỏi, với những khác biệt văn hóa do miền Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa Mỹ, với những biện pháp chính phủ Việt Nam đã thực hiện sau thống nhất thì Hàn Quốc có thể học tập được những gì? Chính sách văn hóa của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) khi đó đã gắn kết với truyền thống lịch sử như thế nào và người dân đã tiếp nhận nền văn hóa XHCN ra sao? Hàn Quốc có thể áp dụng những kinh nghiệm gì trong việc phát triển chính sách văn hóa góp phần làm thay đổi động thái của chính phủ CHDCND Triều Tiên? Tron khi đó, ông Kim Jong Su nhấn mạnh vai trò của nhận thức và văn hóa trong việc thống nhất bán đảo Triều Tiên, cần phải có sự tăng cường giao lưu, hòa giải giữa hai miền trên tất cả các phương diện. Đặc biệt, CHDCND Triều Tiên phải chấm dứt ngay việc phát triển vũ khí hạt nhân và thử tên lửa.

Trong phiên làm việc thứ hai, hội thảo lắng nghe hai bài phát biểu: “Những kinh nghiệm hòa giải, hòa hợp dân chủ tại Việt Nam sau khi thống nhất đất nước” của PGS.TS. Đinh Quang Hải (Viện trưởng Viện Sử học) và “Tầm nhìn và bước chuẩn bị cho thống nhất trên bán đảo Triều Tiên - Trọng tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc” của nhà báo Lee Yeong Jong (Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa thống nhất - Nhật báo Joong Ang). Điều hành phiên làm việc là TS. Trần Quang Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á. Tham gia góp ý cho phiên thảo luận là PGS.TS Lê Văn Sang (Giám đốc Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), PGS.TS. Phạm Hồng Thái (Viện phó viện nghiên cứu Đông Bắc Á), ông Hong Yang Ho (Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc) và ông Kim Jeong In (Trưởng đại diện Hội đồng tư vấn thống nhất hòa bình dân chủ Hàn Quốc tại Hà Nội).

Các bạn sinh viên chăm chú lắng nghe những ý kiến tham luận tại hội thảo

PGS.TS Lê Văn Sang nhấn mạnh lập trường của chính phủ Việt Nam là kiên quyết phản đối và không bao giờ tiếp tay cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Với quan hệ truyền thống Việt - Triều, Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp ngoại giao phù hợp để Triều Tiên sớm tiến hành cải cách mở cửa, ông cũng khẳng định quan hệ Việt - Triều hiện nay không phải xuất phát từ ý thức hệ. PGS.TS. Lê Văn Sang đánh giá cao nội dung bài phát biểu của PGS. TS. Đinh Quang Hải và cho rằng phía Hàn Quốc nên nghiên cứu kỹ và áp dụng những giải pháp phù hợp cho trường hợp cụ thể của mình. Ông cho rằng vấn đề mấu chốt trong chính sách văn hóa sau thống nhất là cần phải có sự tôn trọng con người, tôn trọng đối phương, những người của chế độ cũ, đồng thời đề cao sự thống nhất giáo dục (giáo dục đi đầu giải quyết các vấn đề văn hóa xã hội và tư tưởng). Ông cũng bổ sung thêm PGS. TS Đinh Quang Hải nên đề cập thêm đến những kinh nghiệm từ thất bại, những bài học xương máu của Việt Nam để bài viết thêm phần giá trị.

Ông Hong Yang Ho đặt câu hỏi quan tâm đến vấn đề sự chi phối về thể chế và ý niệm; sự mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới trong giai đoạn sau thống nhất tại Việt Nam. Việt Nam đã xử lý như thế nào với nền văn hóa cũ ở miền Nam đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa văn nghệ của chế độ cũ. Trong vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc Việt Nam đã gặp những khó khăn gì, đã giải quyết vấn đề gì thành công và chưa thành công? Ông cũng nhấn mạnh về phía bán đảo Triều Tiên, việc thống nhất sẽ là hoàn toàn không thể nếu phía CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Việt Nam với vai trò đặc biệt trong mối quan hệ với Triều Tiên cần có những chia sẻ, góp ý thúc đẩy Triều Tiên bắt tay vào cải cách, mở cửa.

PGS.TS. Phạm Hồng Thái khẳng định vấn đề trước tiên cần phải thực hiện là thống nhất về chính trị, tuy nhiên phía Hàn Quốc và Triều Tiên đang gặp những mâu thuẫn không thể dung hòa. Hàn Quốc yêu cầu CHDCND phải chấm dứt ngay chương trình hạt nhân còn CHDCND Triều Tiên cho rằng Hàn Quốc phải dừng việc liên minh và tập trận chung với Hoa Kỳ nếu muốn bắt đầu đàm phán. Vậy, phía Hàn Quốc có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Tại phiên làm việc cuối cùng “Sắp xếp tổng hợp và hỏi đáp” dưới sự điều hành của chủ tọa ông Bae Jeong Ho - Tổng thư ký Hội đồng tư vấn hòa bình thống nhất dân chủ Hàn Quốc, các nhà khoa học đã thẳng thắn chia sẻ về các vấn đề kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thống nhất văn hóa - xã hội - giáo dục - tinh thần sau thống nhất và bài học có thể áp dụng cho phía Hàn Quốc.

Tổng kết buổi hội thảo, các đại biểu đã rút ra được những kết luận quan trọng đó là việc thống nhất bán đảo Triều Tiên cần phải thực hiện bằng con đường hòa bình, với sự chủ động tự giải quyết giữa hai chính phủ hai miền, tránh sự tác động, can thiệp sâu của những thế lực bên ngoài. Trong đó, nhất thiết phải có một chương trình cụ thể và toàn diện từ phía chính phủ Hàn Quốc. Hàn Quốc cần phải quan tâm đến ý nguyện của quần chúng nhân dân, truyền cảm hứng về lịch sử, truyền thống dân tộc và tinh thần thống nhất cho nhân dân cả hai miền, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Các nhà khoa học Việt Nam cũng bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc và mong hai miền Nam Bắc Triều Tiên sớm đi đến thống nhất, đảm bảo cho hòa bình và an ninh khu vực.

Sinh viên bộ môn Hàn Quốc học - khoa Đông phương chụp ảnh lưu niệm cùng GS. Kang Dong Wan

Tác giả: Tùng Ngọc K59 Hàn Quốc học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây