Trong khuôn khổ chương trình, các vị khách mời cùng các thành viên CLB đã có một môi trường học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lý thú, liên quan đến các vấn đề: lợi ích của việc nghiên cứu khoa học sinh viên, cách chọn một đề tài nghiên cứu và các vấn đề liên quan đến tài liệu tham khảo. Nội dung chương trình diễn ra theo hình thức, các bạn sinh viên đặt câu hỏi và các vị khách mời cũng như tất cả mọi người cùng giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn thông tin chi tiết.
1. Về vấn đề lợi ích của việc nghiên cứu khoa học sinh viên
Đối với vấn đề này, BTC đã nhận được đóng góp, chia sẻ của thầy Phạm Lê Huy, chị Đặng Thùy Ninh và bạn Nguyễn Thị Tuyết Vân (K59 Hàn Quốc học)
MC - Chủ nhiệm CLB Trần Tùng Ngọc giới thiệu nội dung chính của chương trình
Các lợi ích của việc nghiên cứu khoa học sinh viên bao gồm:
(1) Tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên tức là bạn tham gia “kể một câu chuyện” để từ đó giải đáp những thắc mắc của bản thân bằng cách giải quyết, lý giải vấn đề, giúp hiểu thêm về mình và hiểu thêm về cuộc sống. Giá trị thực sự của nghiên cứu là góp phần giải đáp những mảng trống của tri thức, thúc đẩy con người tìm hiểu, làm rõ những bí ẩn của nhân loại. Nghiên cứu khoa học sinh viên là bước đầu để tham gia vào hành trình ấy.
(2) Nghiên cứu khoa học sinh viên giúp các bạn tăng cơ hội được nhận học bổng. Có ba yếu tố quan trọng khi xét chọn học bổng đó là: Thành tích học tập, hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động công tác xã hội, tình nguyện vì cộng đồng. Tham gia nghiên cứu khoa học là một ưu tiên lớn trong việc xét chọn học bổng mỗi năm.
(3) Tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên giúp bổ sung kiến thức cho mình và truyền bá kiến thức mới cho mọi người. Từ đó, ta có thêm tình yêu, lòng tự hào đối với ngành học mà mình đang theo đuổi.
(4) Nghiên cứu khoa học sinh viên cũng là cách để tích lũy kinh nghiệm, áp dụng những kiến thức đã được học, hoàn thiện bản thân về phương pháp làm việc, cách quan sát vấn đề, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống,…
(5) Đặc thù của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nói chung và khoa Đông phương học nói riêng là đào tạo theo định hướng nghiên cứu. Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học chính là góp phần giúp đỡ, thúc đẩy cho trường và cho khoa mình đang theo học hiện thực hóa định hướng đó.
2. Về vấn đề cách tìm kiếm một đề tài
a) Ba bước để xác định đề tài nghiên cứu (ThS. Phạm Lê Huy chia sẻ)
Bước 1: Xuất phát từ sở thích, niềm đam mê của cá nhân: Bạn thích tìm hiểu vấn đề gì, lĩnh vực gì? Để xác định được điều đó, chúng ta cần phải đọc thật rộng và trải nghiệm thật rộng, có thể bằng cách lên thư viện tìm đọc các tài liệu hoặc hỏi đáp với giảng viên trong quá trình học tập.
Bước 2: Sau khi xác định được một đề tài phù hợp, hãy liên hệ với giảng viên hướng dẫn để có được lời khuyên phù hợp.
Bước 3: Tìm hiểu lịch sử nghiên cứu vấn đề. Hãy tìm hiểu xem trước bạn đã có ai tìm hiểu về vấn đề, lĩnh vực này chưa, từ đó, hãy tìm cho mình một hướng đi phù hợp.
ThS. Phạm Lê Huy chia sẻ tại chương trình sinh hoạt chuyên đề
b) Tính mới, tính sáng tạo của nghiên cứu
Đối với câu hỏi về tính mới, tính sáng tạo của nghiên cứu (bạn Sử Thị Thanh Thúy K59 Thái Lan), anh Nguyễn Anh Tuấn đưa ra hai cách giải quyết: Thứ nhất, bạn hãy tìm hiểu vấn đề đó ở chuyên ngành/đất nước mình theo học sau đó soi chiếu và thử đặt trong mối tương quan so sánh mới Việt Nam để làm nổi bật vấn đề (dạng nghiên cứu so sánh). Cách thứ hai, đó là tìm kiếm những gì mà mình chưa được giải đáp qua các nghiên cứu đi trước, hoặc tiếp cận vấn đề đó dưới một góc nhìn mới, sáng tạo hơn.
c) Tính ứng dụng của nghiên cứu
Đối với câu hỏi về tính ứng dụng của nghiên cứu (bạn Phạm Vương Phượng K59 Hàn Quốc), thầy Phạm Lê Huy đã trình bày về tính ứng dụng của các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung. Từ những ví dụ của bộ môn khoa học lịch sử, thầy đã khái quát, đưa ra tính ứng dụng của một nghiên cứu về xã hội và nhân văn trong đó tập trung vào các vấn đề: Phục dựng đối tượng, khai phá những bí ẩn chưa được làm sáng tỏ, tìm kiếm những bài học, quy luật, áp dụng vào cuộc sống để có cách ứng xử phù hợp với môi trường xung quanh.
3. Vấn đề tìm kiếm tài liệu tham khảo
Tài liệu tham khảo hiểu theo nghĩa rộng là tất cả các nghiên cứu đi trước và các tư liệu được sử dụng, trích dẫn trong bài nghiên cứu khoa học.
Đối với câu hỏi về cách tìm kiếm tài liệu tham khảo, anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Để tìm tài liệu tham khảo, chúng ta cần xác định được đề tài mình làm là gì để từ đó tìm những văn bản liên quan bao gồm cả tài liệu sơ cấp (tài liệu gốc về vấn đề) và tài liệu thứ cấp về vấn đề đó. Đặc biệt đối với tài liệu thứ cấp phải kiểm tra về cách lập luận vấn đề xem có đủ logic không, kết luận đã đủ bằng chứng chưa, có tham khảo qua tài liệu sơ cấp (văn bản gốc) không?
Anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ tại chương trình sinh hoạt chuyên đề
Chị Đặng Thùy Ninh và bạn Trần Tùng Ngọc chia sẻ về kinh nghiệm chọn tài liệu tham khảo trên Internet đó là: lựa chọn website uy tín (có thể là cơ quan ngôn luận của các tổ chức nghiên cứu như Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Nam Á, Viện nghiên cứu Trung Quốc, Đông Nam Á,… hoặc website của các bộ, ban, ngành, tổng cục thống kê,…), bài viết trên internet phải có tên tác giả, có chú thích rõ ràng và đảm bảo các yêu cầu về trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo. Khi trích dẫn tài liệu tham khảo trên Internet, để đảm bảo tính chính xác, chúng ta phải ghi chú thêm thời gian truy cập.
Thầy Phạm Lê Huy hướng dẫn thêm về cách tìm kiếm, khai thác tài liệu từ các nghiên cứu đi trước, xem những người nghiên cứu trước đó họ đã sử dụng tư liệu gì sau đó truy nguyên về tư liệu gốc, sắp xếp tài liệu tham khảo theo thứ tự về độ tin cậy. Hãy bắt đầu từ nghiên cứu ở thời gian gần nhất và tham khảo tài liệu trích dẫn của họ. Có thể tham khảo tài liệu từ các cơ sở dữ liệu điện tử như CNKI (Trung Quốc), CINII (Nhật Bản), website của các cơ quan chính phủ, cục thống kê,…
Với câu hỏi về giải pháp cho trường hợp không tìm được tài liệu liên quan (chị Đặng Thùy Ninh K58 Thái Lan), thầy Phạm Lê Huy chia sẻ: Đa số sinh viên bắt tay vào làm nghiên cứu khoa học đều đi ngược quy trình, tức là xác định tên đề tài trước khi tìm tài liệu tham khảo, do đó sẽ bị rơi vào lúng túng. Thứ tự đúng là cần phải tìm các tài liệu về lĩnh vực có liên quan trước sau đó mới là xác định tên đề tài. Trong trường hợp cần thiết, hãy liên hệ để nhận được sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn.
Với câu hỏi về sử dụng tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài (Trần Tùng Ngọc K59 Hàn Quốc), anh Nguyễn Anh Tuấn nhận định việc sử dụng tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài trong nghiên cứu Đông phương học là điều đặc biệt cần thiết để biết được tình hình nghiên cứu tại nước sở tại, xác định tài liệu gốc của vấn đề mà mình đang nghiên cứu.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn