Khoa Đông phương họchttps://fos.ussh.vnu.edu.vn/uploads/fos/dph-5.png
Thứ tư - 15/05/2024 07:14
Ngày 09/05/2024, Ngài Ali Akbar Nazari - Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam đã có buổi thăm và làm việc tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Tại đây, ngài đã giảng dạy và giao lưu về chủ đề “Thành tựu và bí quyết thành công của Iran trong khoa học công nghệ” với các cán bộ giảng viên và các sinh viên lớp học phần Văn minh – Văn hóa phương Đông.
Về phía trường ĐH KHXH&NV có PGS.TS. Đỗ Thu Hà, TS. Lê Thị Thu Giang – Trưởng Khoa Đông phương học , TS. Phạm T.Thanh Huyền - Giảng viên BM Ấn Độ học và ThS. Phạm Ngọc Thúy – Giảng viên bộ môn Ấn Độ học.
Về phía Đại sứ quán Iran có sự tham dự của Ngài Ali Akbar Nazari - Đại sứ nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam và tùy viên ĐSQ.
Đại sứ Ali Akbar Nazari chia sẻ: Đại sứ quán Iran luôn coi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là đối tác quan trọng tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá giữa hai quốc gia. Ngài cảm thấy rất vinh dự và phấn khởi khi được đến giảng dạy và giao lưu cùng sinh viên. Đồng thời ngài cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến PGS.TS. Đỗ Thu Hà (Giảng viên khoa Đông phương học), khoa Đông phương học nói riêng và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) nói chung vì đã tạo điều kiện tổ chức buổi học này. Ngài Đại sứ cũng gửi lời cảm ơn Ban lãnh đạo Khoa Đông phương học đã tạo điều kiện để Phòng Iran luôn được khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu của các học giả và các sinh viên yêu thích ngôn ngữ Ba Tư.
Buổi học trên lớp sau đó đã diễn ra sôi nổi xoay quanh những nội dung như: thành tựu của Iran trong nghiên cứu khoa học; các thành tựu trong lĩnh vực công nghệ Nano, hàng không vũ trụ, y tế, nghiên cứu tế bào gốc, hạt nhân và robot.
Những thành tựu khoa học công nghệ Iran đạt được hiện nay không phải là ngẫu nhiên. Nó là một quá trình xuất phát từ tình yêu và truyền thống của người Iran trong nghiên cứu Khoa học với các phát minh quan trọng của nền Văn minh Ba Tư cổ đại, cùng việc định hướng, xây dựng chính sách của nhà nước để thúc đầy phát triển khoa học công nghệ trong hiện tại. Iran là một quốc gia mà các yếu tố văn hóa, truyền thống nghiên cứu khoa học công nghệ của Iran từ thời cổ đại đến nay luôn được giữ gìn, ươm mầm và đẩy mạnh. Những trường đại học nổi tiếng nhất Iran có thể kể đến Đại học Bách Khoa San’at Sarif, Đại học Tehran, Đại học Shahid Beheshti (tiền thân là Đại học Quốc Gia Iran).
Ngài đại sứ cũng nhấn mạnh rằng: “Iran luôn chủ động mở rộng và tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ với các quốc gia và tổ chức quốc tế, chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và nguồn lực với cộng đồng quốc tế. Iran sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ và nhiều lĩnh vực khác cũng như đánh giá cao tiềm năng hợp tác hai nhà nước ở lĩnh vực này trong tương lai dựa vào các thành tựu hợp tác những năm gần đây”.
Với tinh thần ham học hỏi, nhiều sinh viên hăng hái tham gia xây dựng bài và đưa ra nhiều câu hỏi thảo thuận. Ngài Đại sứ đã dành nhiều lời khen và đánh giá cao thái độ học tập của các bạn sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Trong một cuộc gặp gỡ, Đại sứ Iran đã bày tỏ sự ấn tượng đặc biệt đối với khả năng nói tiếng Ba Tư của sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giáo dục và văn hóa giữa hai quốc gia, mở ra những cánh cửa mới cho sự trao đổi tri thức và kinh nghiệm giữa sinh viên Việt Nam và Iran. Được biết, Đại Sứ quán nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ký thỏa thuận hợp tác về giáo dục, đào tạo và phát triển ngành nghiên cứu Iran tại Việt Nam vào năm 2011. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức thành công nhiều khóa đào tạo tiếng Ba Tư với sự tham gia giảng dạy trực tiếp của các giáo sư người Iran và các giảng viên Khoa Đông phương học, cũng như các chương trình học bổng toàn phần từ ngắn hạn tới dài hạn đối với sinh viên trường KHXH&NV nói riêng và những học giả yêu thích tiếng Ba Tư nói chung. Ngài Đại sứ Ali Akbar Nazari mới đây cũng đã nhận lời mời trở thành giảng viên thỉnh giảng tại khoa Đông phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, kéo dài hơn nữa những đóng ghóp thiết thực cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nhà nước mà theo như chia sẻ của Ngài Đại Sứ là đã tròn 50 năm mới đây.
Buổi học đã kết thúc trong niềm hân hoan của mọi người. Khoa Đông phương học cũng gửi làm cảm ơn sâu sắc và chân thành nhất đến ngài Đại sứ Iran vì đã có dành thời gian để đồng hành cùng các giảng viên và sinh viên.