Khoa Đông phương họchttps://fos.ussh.vnu.edu.vn/uploads/fos/dph-5.png
Thứ bảy - 13/04/2024 15:30
Ngày 10/04/2024, Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cùng với Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội (HAVIFA) phối hợp tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân - Kết nối giáo dục, đào tạo Việt Nam - Ấn Độ"
Mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và Ấn Độ có lịch sử từ rất lâu, theo các tuyến đường thương mại, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ là một trong những thành tố quan trọng và nổi bật trong bức tranh truyền thống của người Việt nói riêng, các nước Đông Nam Á nói chung. Theo thời gian, mối quan hệ song phương được thăng cấp lên “Đối tác Chiến lược toàn diện” vào năm 2016, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng – an ninh,... Một trong số những lĩnh vực mà hai nước nỗ lực đẩy mạnh là giao lưu nhân dân và hợp tác trên lĩnh vực giáo dục; kết nối và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Giáo dục được coi là một trong những yếu tố then chốt trong quan hệ ngoại giao Ấn Độ – Việt Nam. Hệ thống giáo dục của Ấn Độ luôn nằm trong top những hệ thống danh giá trên thế giới với những trường đại học, cao đẳng nổi tiếng. Tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã cấp cho sinh viên và học giả Việt Nam nhiều loại học bổng theo các chương trình khác nhau.
Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của giáo dục, vào sáng thứ Tư, ngày 10/04/2024, Bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cùng với Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội (HAVIFA) phối hợp tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân - Kết nối giáo dục, đào tạo Việt Nam - Ấn Độ" nhằm tăng cường hiểu biết hơn nữa giữa Ấn Độ - Việt Nam trên phương diện giáo dục. Phía khách mời có ngài S. P. Gupta – Phó đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam; TS. Monica Sharma - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekananda, thuộc Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam; Tôn Sinh Thành – Cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, TS Lê Thị Hằng Nga - Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, bà Phan Lan Tú - Chủ tịch HAVIFA và anh Nguyễn Mạnh Tùng – Cựu sinh viên chuyên ngành Ấn Độ học. Về phía Khoa Đông phương học có TS Nguyễn Trần Tiến – Phó Trưởng Khoa Đông phương học, TS. Phùng Thị Thảo – Trưởng Bộ môn Ấn Độ học, cùng các thầy cô và tập thể sinh viên Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Buổi talkshow là diễn đàn giao lưu, trao đổi và giải đáp thắc mắc liên quan tới giáo dục, đồng thời là nơi chia sẻ kinh nghiệm quý báu của khách mời, giảng viên chuyên ngành – những người đã có trải nghiệm thực tế ở đất nước Ấn Độ xinh đẹp nhưng cũng đầy vẻ kì bí, hấp dẫn.
Giao lưu nhân dân và trao đổi giáo dục giữa Ấn Độ và Việt Nam không chỉ là cách để tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa hai quốc gia mà còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ đa chiều sâu rộng. Trong thời hiện đại, việc giao lưu nhân dân giữa các quốc gia không chỉ giúp mở rộng tầm nhìn, mở cửa cho cơ hội kinh doanh, đầu tư mà còn tạo ra một không gian cho việc trao đổi văn hóa. Trong lĩnh vực giáo dục, việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy giữa hai quốc gia sẽ giúp cả hai bên nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thông qua các chương trình học bổng và các chương trình đào tạo Chính phủ Ấn Độ cấp cho Việt Nam, chúng ta có thể tận dụng các chính sách trao đổi cho sinh viên bậc đại học, sau đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ,...để thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức giáo dục của cả hai quốc gia.
Việc giao lưu và trao đổi giáo dục giữa Ấn Độ và Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới. Bằng cách hiểu và tôn trọng nhau, hai quốc gia có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề quốc tế và đối mặt với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh và phát triển. Đây là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác, hiểu biết và phát triển bền vững giữa hai quốc gia. Với sự phối hợp của Hội Hữu nghị Việt nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội (HAVIFA) và Bộ môn Ấn Độ học (Khoa Đông phương học), mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước và các chương trình kết nối giáo dục sẽ còn được thúc đẩy và phát triển ở một tầm cao mới.