[Báo cáo NCKHSV] Tìm hiểu về lễ hội Gion Nhật Bản

Chủ nhật - 19/07/2015 00:00
[Báo cáo NCKHSV] Tìm hiểu về lễ hội Gion Nhật Bản
[Báo cáo NCKHSV] Tìm hiểu về lễ hội Gion Nhật Bản

I. Khái quát chung về lễ hội Nhật Bản.
1.1. Khái niệm
- Lễ hội: Trong khái niệm lễ hội gồm hai yếu tố lễ và hội. Theo từ điển tiếng Việt, lễ là “những nghi thức tiến hành nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm một sự việc, sự kiện có ý nghĩa nào đó”, hội là “cuộc vui tổ chức chung cho đông đảo người dự, theo phong tục hoặc nhân dịp đặc biệt”
- 祭: Âm on – yomi là sai (サイ), âm kun – yomi là matsuri (まつり) nghĩa là hội và matsuru (まつる) nghĩa là tôn thờ. 
-  祭り(matsuri): Có ý nghĩa là việc thờ cúng tổ tiên, tôn thờ Thần Phật. Hơn nữa, đó là nghi thức, nghi lễ. Người ta chọn một ngày đặc biệt (ngày được chỉ định) thanh tẩy bản thân, dâng lễ vật, tiến hành cầu nguyện, tạ ơn hay là cầu siêu.
1.2. Phân bố
Có thể thấy hầu hết các tỉnh thành đều có những lễ hội mang phong thái cũng như đặc trưng văn hóa của từng vùng.
II. Lễ hội Gion
2.1. Lịch sử hình thành.
- Lễ hội Gion – một trong ba lễ hội lớn nhất Nhật Bản ra đời tại cố đô Kyoto với hơn 1100 năm lịch sử. Năm 869, tại Kyoto xảy ra trận đại dịch khiến cho nhiều người bị bệnh và tử vong. . Để cầu mong các vị thần linh sẽ xua đuổi dịch bệnh và đem lại cuộc sống yên bình cho dân chúng, Thiên hoàng Seiwa đã cho dựng 66 mũi kích tại Shinsenen, rước kiệu Mikoshi từ đền Yasaka và tiến hành nghi thức Goryoe. Lễ hội Gion ra đời từ đó. Tuy nhiên đến năm 970 lễ hội Gion mới chính thức được tổ chức thường niên.
- Trải qua rất nhiều biến động thăng trầm của lịch sử, có những lúc bị đứt đoạn, có những thay đổi trong cách thức tổ chức qua từng thời kỳ, lễ hội Gion đã được duy trì và phát triển như ngày nay, trở thành di sản văn hóa dân tộc quan trọng của quốc gia, mỗi năm thu hút hơn 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước ở mọi lứa tuổi đến tham dự. 
2.2. Cách thức tiến hành
      Lễ hội Gion là một trong số những lễ hội kéo dài nhất Nhật Bản, được tổ chức trong suốt một tháng từ 1 tháng 7 đến 31 tháng 7 với rất nhiều sư kiện và các lễ lớn nhỏ khác nhau. Hầu hết các nghi lễ quan trọng đều được tiến hành tại đền Yasaka. Đây được cho là tâm điểm của lễ hội. Lịch trình lễ hội:
- Ngày 1/7: Lễ Kippuiri được tổ chức với ý nghĩa là bắt đầu các nghi lễ thần đạo.
- Ngày 2/7 diễn ra lễ bốc thăm để quyết định tuần tự diễu hành của các kiệu gọi là Kujitorishiki.
- Ngày 3/7: Lễ Funeboko shinmenaratame.
- Ngày 5/7 trình diễn điệu múa của Chigo gọi là Chigomai.
- Ngày 7/7:  Vào khoảng 10 giờ sáng, Miyabikai Osendo được tổ chức.
- Ngày 10/7: Lễ Mikoshi Arai, một nghi lễ thanh tẩy điện thờ Mikoshi bằng nước thánh lấy từ sông Kamo.
- Ngày 10–13/7: Lễ thanh tẩy được tiến hành.
- Ngày 12/7: Kiểm tra hoạt động của xe rước Naginata - boko bằng cách kéo diễu hành trên trong thành phố.
- Ngày 13/7: Lễ đến thăm điện thờ của Chigo của hội kiệu Naginata - boko.
- Ngày 14–16/7: Ba ngày quan trọng trước lễ diễu hành rước kiệu Yamaboko Junko vào ngày 17 với tên gọi Yoiyoiyoiyama (ngày 14), Yoiyoiyama (ngày 15), Yoiyama (ngày 16).
- Ngày 17/7: Lễ diễu hành Yamaboko Junko. Đây là sự kiện quan trọng nhất được người dân chờ đón, là tâm điểm của cả mùa lễ hội.
- Ngày 24/7: Lễ diễu hành của Hanagasa (những chiếc lọng hoa) và lễ Kankousai.
- Ngày 28/7: Lễ thanh tẩy kiệu Mikoshi bằng nước thánh lấy từ sông Kamo.
- Ngày 31/7: Kết thúc lễ hội bằng lễ Ekijinja Natsukoshi. Tại đền Eki, đền nằm trong khuôn viên của đền Yasaka.
2.3. Kiệu trong lễ hội.
Hai loại xe và kiệu rước là Yama và Hoko đã tạo nên nét đặc sắc, độc đáo của lễ hội Gion. Những chiếc xe và kiệu rước này được trang trí với những họa tiết trang nhã tinh tế trên tấm thảm được dệt và nhuộm bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Nishijin, nơi sản xuất ra những loại vải truyền thống lâu đời của Kyoyo có niên đại 1200 năm. Không những thế chúng còn được tô điểm bởi những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, những linh kiện phụ tùng bằng kim loại, những nét chạm khắc hoa văn tinh tế. Tất cả đều là những sản phẩm ưu tú, là kết tinh cho cả một thời đại. Có thể coi xe và kiệu rước chính là “bảo tàng nghệ thuật di động của thế giới” có giá trị cao về nghệ thuật và lịch sử.
III. Vai trò của lễ hội Gion.
Lễ hội Gion không chỉ phản chiếu nền văn hóa, nó còn là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc. Nó là sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng linh thiêng với những nghi lễ có từ thời xa xưa, vừa tưng bừng, náo nức với hội kiệu rước và đoàn diễu hành.
Lễ hội cũng thể hiện sức mạnh cộng đồng, địa phương và rộng hơn là sự gắn kết của cả một dân tộc. Họ thờ chung một vị thần, có chung một mục tiêu là hướng đến sự ấm no hạnh phúc.
Không chỉ vậy lễ hội gion đã mang đến một không gian linh thiêng, thể hiện niềm tin tôn giáo tín ngưỡng của cư dân Kyoto nói riêng và Nhật Bản nói chung.
Thành phố Kyoto xinh đẹp luôn là điểm hẹn văn hóa, điểm đến lý tưởng của các du khách trong và ngoài nước, đặc biệt vào dịp lễ hội, đó là nơi giao lưu tiếp xúc văn hóa với các quốc gia dân tộc khác, là dịp giới thiệu quảng bá văn hóa đến bạn bè thế giới.

SV. Nguyễn Thị Tuyết Chinh
K57 Bộ môn Nhật Bản học

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây