Những ảnh hưởng của văn minh phương Tây bắt đầu xuất hiện rõ nét ở Việt Nam và Hàn Quốc trong những năm đầu thế kỷ XX, khi cả hai quốc gia đều nằm dưới ách thống trị của đế quốc (đế quốc Pháp ở Việt Nam và Nhật ở Hàn Quốc). Với những tiếp xúc văn hóa trên nhiều phương diện, nền văn học hai nước đã bắt đầu chuyển hướng, dần thoát ra khỏi những thi pháp văn học trung đại và bước vào giai đoạn tìm đường. Cùng với nhịp độ phát triển mau lẹ và tốc độ hiện đại hóa nhanh là sự ra đời của nhiều trường phái văn học, nhiều trào lưu văn học mà tiêu biểu là trào lưu văn học lãng mạn và trào lưu văn học hiện thực với nhũng cây bút xuất sắc có phong cách độc đáo và quan điểm sáng tác mang tính định hướng cho tiến trình hiện đại hóa của nền văn học. Xét trên bình diện thi pháp hay lí luận văn học, nhiều khái niệm mới có nguồn gốc từ văn học phương Tây điển hình như phong cách nghệ thuật được các nhà văn lãng mạn và hiện thực tiếp nhận và bắt nhịp, tìm tòi sáng tạo, tạo nên những nét riêng khó có thể trộn lẫn.
Tìm hiểu về phong cách nghệ thuật của hai nhà văn Nam Cao và Hyun Jin Geon, người viết bước đầu khái quát khái niệm phong cách văn học với lớp nghĩa là phong cách cá nhân của tác giả, cũng như biểu hiện về phong cách nghệ thuật nhà văn trong một số sáng tác thuộc thể loại truyện ngắn của Nam Cao và Hyun Jin Geon.
I. Phong cách nghệ thuật của Hyun Jin Geon và Nam Cao:
Hyun Jin Geon (1900-1943) có một vị trí đặc biệt quan trọng trong nền văn học Hàn Quốc. Ngay từ những năm 20 tác phẩm của ông đã giành được sự chú ý của dư luận bởi nó có phong cách riêng và đa số truyện ngắn của ông nhận được sự đánh giá cáo từ những nhà phê bình văn học đương thời. Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng Hyun Jin Geon là một trong những cây bút tiên phong có công khai phá và phát triển thể loại truyện ngắn hiện đại Hàn Quốc, đồng thời cũng là một trong những người mở đường và dẫn dắt khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa trong văn học Hàn Quốc.
Hyun Jin Geon cảm thông với số phận đau khổ của những con người bé nhỏ hèn mọn sống dưới đáy cùng của xã hội. Tuy ông ít khi đi sâu vào phản ánh những mâu thuẫn mang tính chất đối kháng mãnh liệt trong xã hội, nhưng những trang viết chân thực đến cảm động của ông thực sự đã thể hiện sức mạnh tố cáo cái xã hội dồn đẩy con người vào hoàn cảnh khốn cùng. Chủ nghĩa hiện thực thường thiên về bút pháp tự sự, tôn trọng sự tồn tại khách quan của hiện thực. Song ngòi bút hiện thực của Hyun Jin Geon lại rất đậm chất trữ tình. Bởi thế việc tổ chức cốt truyện và sắp xếp các chi tiết hấp dẫn người đọc thường được nhà văn đặc biệt chú ý. Xét về mặt bút pháp truyện ngắn, có thể nói Hyun Jin Geon đã tạo dựng được cho mình một điểm nhấn để khu biệt với phong cách của những nhà hiện thực chủ nghĩa đương thời. Bên cạnh đó, văn phong của ông còn được ghi nhận sự độc đáo nhờ cách kể chuyện linh hoạt, dẫn dắt tình tiết truyện hồi hộp và kết thúc khá bất ngờ.
2.2 Phong cách nghệ thuật của Nam Cao:
Nam Cao (1915 - 1951) là một trong số những nhà văn lớn nhất của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Có thể nói nền tảng của chủ nghĩa hiện thực mà Nam Cao thể hiện là chủ nghĩa nhân đạo. Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao khẳng định: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả đời người… Nó làm cho người gần người hơn”. Như vậy, trong quan niệm của Nam Cao, chủ nghĩa nhân đạo được đặt ra, như một yêu cầu tất yếu đối với những tác phẩm “thật có giá trị”. Trong mỗi trang văn của Nam Cao đều bộc lộ tấm lòng của một con người đau đời và thương đời da diết.
Nam Cao là nhà văn của chủ nghĩa hiện thực tâm lí, có khuynh hướng tìm vào nội tâm, đi sâu vào thế giới tinh thần của con người. Ông có biệt tài miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật, tỏ ra sắc sảo trong việc phân tích và diễn tả những trạng thái, những quá trình tâm lí phức tạp, những hiện thượng dở khóc dở cười, mấp mé ranh giới giữa thiện và ác, giữa hiền và dữ, giữa con người với con vật. Nhiều tác phẩm của Nam Cao được dệt nên từ những “cái hằng ngày” nhỏ nhặt, xoàng xĩnh liên quan đến đời sống riêng tư của các nhân vật mà không thường gọi là “những chuyện không muốn viết”. Thế nhưng qua đó, Nam Cao đã chạm đến vấn đề có tính nhân bản, đặt ra những vấn đề xã hội có ý nghĩa lớn lao, về thân phận con người, chứa đựng những triết lí nhân sinh sâu sắc, quan điểm nghệ thuật tiến bộ và vấn đề xã hội về tương lai của dân tộc và nhân loại.
II. Kết luận
Về phương diện thế giới nhân vật, nói về người trí thức nghèo, đối với cả Huyn Jin Geon và Nam Cao, cũng có nghĩa là nói về chính mình, là tự bộc bạch cái tâm trạng u uất, bất đắc chí của những con người “tài cao, phận thấp, chí khí uất” trong xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ. Bởi thế tác phẩm của hai nhà văn phần lớn có tính chất tự truyện, “Vợ nghèo” hay “Xã hội xúi giục uống rượu”… của Hyun Jin Geon, “Đời thừa”, “Giăng sáng”… của Nam Cao đều có chung một tâm sự như thế.
Mặt khác, Hyun Jin Geon và Nam Cao thường để cho nhân vật của mình bị dồn ép vào một tình trạng thần kinh căng thẳng đến tột độ, dẫn tới những hành động bất ngờ nhưng lại rất hợp quy luật khách quan. Trí óc non nớt của cô bé Xu Nhi (Lửa) không thể lý giải nổi nguyên do của bao nỗi khổ nhục mà mình phải chịu đựng đến mức có lúc đã ngất lịm giữa cánh đồng, cho nên cô đã châm lửa đốt cháy “căn phòng thù địch” rồi nhảy nhót, vui sướng như một con điên. Nhân vật Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao cũng vậy, bức bối và khủng hoảng về tinh thần đến nỗi không còn là mình nữa. Vốn là con người nhân ái, cao thượng, anh trở thành thô lỗ, độc ác, đánh đuổi vợ con ra khỏi nhà với những lời lẽ ghê gớm: “Là tôi đuổi tất cả mẹ con mình ra khỏi nhà này…”
Huyn Jin Geon và Nam cao đều được ghi nhận là những nhà văn lớn, nhà hiện thực chủ nghĩa lớn trong văn học Việt Nam và Hàn Quốc. Cùng một trường phái văn học, tuy chịu những ảnh hưởng của bối cảnh xã hội khác nhau dẫn đến hiện thực khách quan và các yếu tố phông nền lịch sử được phản ánh trong tác phẩm cũng khác nhau, nhưng xét trên bình diện bút pháp văn học, họ đều có những sự gặp gỡ nhất định trong sáng tác. So với Nam Cao, Huyn Jin Geon xuất hiện trên văn đàn sớm hơn và cũng bắt đầu sự nghiệp văn chương sớm hơn. Ông được đánh giá là một trong những nhà văn mở đầu quá trình hiện đại hóa văn học ở Hàn Quốc và là người đặt nền móng cho thể loại truyện ngắn hiện đại Hàn Quốc. Trong khi Nam Cao khẳng định được vị trí của mình trong những năm 40 thế kỷ trước. Có thể nói vai trò của Nam Cao là vai trò hoàn thiện quá trình hiện đại hóa nền văn học thông qua những tác phẩm xuất sắc của mình.
SV. Vũ Tiến Đạt
K57 - Bộ môn Hàn Quốc học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn