[Báo cáo NCKHSV] Văn hóa ứng xử của người Thái Lan trong ngày năm mới

Thứ hai - 04/05/2015 00:00
[Báo cáo NCKHSV] Văn hóa ứng xử của người Thái Lan trong ngày năm mới
[Báo cáo NCKHSV] Văn hóa ứng xử của người Thái Lan trong ngày năm mới

1. Khái niệm văn hóa ứng xử
Văn hóa không phải là một lĩnh vực riêng biệt. Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Có thể nói  “văn hóa là chìa khóa của sự phát triển”.
 Văn hóa ứng xử thực chất là văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng trong đó ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của các sự vật, hiện tượng với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người, là các giá trị văn hóa được con người thể hiện thông qua các hành vi ứng xử văn hóa. Nó bao chứa ít nhất 3 bình diện: văn hóa ứng xử với tự nhiên, đối với xã hội và đối với chính mình.
2. Đôi nét về ngày năm mới ở Thái Lan
Trong thực tế, ngày năm mới chính thức của Thái Lan hiện nay (ngày mùng 1 - 1) đã bị biến đổi qua rất nhiều lần. Theo phong tục truyền thống Thái Lan, việc lấy ngày mùng 1 tháng Giêng làm ngày năm mới là phù hợp với nguyên tắc Phật giáo cho rằng mùa đông là sự khởi đầu của một năm. Sau đó ngày này đã được đổi sang ngày 1 tháng 5 dựa trên quỹ đạo chuyển động của Mặt Trăng. Đến thời vua Rama V, ông đã đổi ngày năm mới của Thái Lan sang ngày mùng 1 tháng 1 dựa vào quỹ đạo chuyển động của Mặt Trời.
Mặc dù ngày mùng 1 tháng 1 hằng năm được chọn làm ngày năm mới chính thức của đất nước, nhưng người Thái phần lớn vẫn đánh đồng ngày Xổng Kran (từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 4 theo lịch Dương) là ngày năm mới. Đây có thể được coi như là ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam.
Ngoài ra, ở Thái Lan còn có 1 ngày nữa cũng được coi là ngày năm mới. Đó chính là ngày mùng 1 tháng 1(theo Âm lịch) tức là ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam mà người Thái thường gọi là “Wan TrutChin”. Tuy không phải là ngày lễ, tết được quy định chính thức và không phổ biến lắm, tuy nhiên ở Thái Lan vẫn có một số người ăn Tết vào ngày này, đặc biệt là người Thái gốc Hoa.
Người Thái ăn Tết vào 3 lần trong năm nhưng ngày Tết cổ truyền Xổng Kran vẫn được coi là dịp ăn Tết to nhất, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo quần chúng tham gia từ mọi tầng lớp.
3. Văn hóa ứng xử của người Thái Lan trong ngày năm mới 
3.1. Giữa con người với con người
3.1.1. Giữa dân thường với nhà sư, chùa chiền
Trong ngày năm mới Xổng Kran, người Thái Lan thường làm các hoạt động từ thiện như là chuẩn bị thức ăn vào chùa, dậy sớm chuẩn bị đồ ăn dâng cho sư (Tặc Bạt)… Người Thái còn lên chùa làm phúc, tưới nước cho sư, tắm tượng Phật, thay áo cho Phật và dâng cho sư đồ ăn mà mình đã chuẩn bị, xây tháp cát… Theo quan niệm của người Thái Lan, đó là những việc làm mang lại may mắn và thịnh vượng trong năm mới.
Trong ngày Tết Dương lịch và Tết Trung Hoa, người Thái chỉ đi chùa, làm từ thiện chứ không tắm tượng hay là thay áo cho Phật…
3.1.2. Giữa trẻ em với người bề trên và người lớn tuổi
Trong ngày năm mới, người Thái Lan cũng tưới nước vào lòng bàn tay của người già, người bậc trên và xin những lời chúc, lời nhắc nhở, dặn dò của người lớn. Theo tục lệ cổ xưa thì bậc con cháu phải giúp người già tắm rửa để thay đi quần áo cũ bằng những bộ đồ mới đón Tết. Vì thế, người Thái thường mang theo 1 bộ quần áo để người lớn thay sau khi kết thúc nghi lễ. Đây cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, những người đã mất và thể hiện lòng kính trọng của lớp người trẻ tuổi với người cao niên, bày tỏ sự tôn trọng và hiếu thảo của mình đối với bố, mẹ, ông, bà… Trong khi tiến hành nghi lễ, cần nhẹ nhàng, nghiêm chỉnh, chu đáo và thể hiện thái độ tôn trọng đối với người lớn. Không nên nói quá to, ngồi quá lâu để họ có thời gian tiếp đón những người khác. Khi dùng bữa cũng cần chú ý để tránh bị coi là vô lễ, thiếu xót…
3.1.3. Giữa con người với tổ tiên 
Làm lễ cầu siêu cho linh hồn những người đã mất và mang hài cốt của người thân đến dự buổi lễ tại các ngôi chùa trong làng, vẩy nước thơm lên cây cối trong chùa để tưởng nhớ đến tổ tiên , thắp nến, đặt hoa trên các tháp mộ của người thân được lưu giữ trong chùa, tổ chức lễ rước hoa hậu năm mới… nhằm tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên, những người đã khuất, thể hiện sự tôn trọng và hiếu thảo, nhắc nhở con cháu thế hệ sau biết trân trọng, giữ gìn nguồn gốc, gìn giữ giá trị bản sắc dân tộc.
3.1.4. Giữa bạn bè, đồng nghiệp 
Làm thiệp ghi lời chúc của mình để tặng cho nhau hoặc tặng cho nhau những bó hoa, món quà xinh xắn, tổ chức những bữa tiệc để thiết đãi bạn bè, người thân, đồng nghiệp, tổng kết, ôn lại những kỉ niệm của năm cũ, nhắc nhở nhau về những điều chưa làm được trong năm cũ, cùng nhau cầu nguyện và hi vọng năm mới mọi sự sẽ tốt hơn, thành công hơn, cùng nhau đi chơi hội té nước… Đây là dịp thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, là cơ hội để thiết lập và vun đắp các mối quan hệ.
3.2. Ứng xử giữa con người với thiên nhiên
Con người tồn tại trong tự nhiên bởi vậy mối quan hệ giữa con người và tự nhiên cũng là một mặt cơ bản của đời sống xã hội. Nước là tài nguyên quan trọng đối với sự sống của con người và thiên nhiên. Ở Thái Lan, nước được coi là biểu tượng của lễ hội bởi người Thái coi nước có thể rũ sạch những rủi ro, bất hạnh, xua đuổi tà ma đồng thời nước còn có vai trò đối với xã hội nông nghiệp. Lễ hội té nước trong ngày Xổng Kran nhằm mục đích cầu mong mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nước được sử dụng thay thế cho những lời chúc tốt đẹp, thể hiện sự tôn trọng những bậc cao niên, nước như lời chào đón nồng nhiệt đến những người không quen biết để cùng nhau hòa đồng vào lễ hội té nước vui nhộn trên khắp phố phường.

SV. Trương Thị Tuyền

K57 - Bộ môn Đông Nam Á học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây