NCKH là nhiệm vụ bắt buộc
Trường ĐHKHXH&NV hiện có 526 cán bộ, trong đó số cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) là 224, chiếm 42,6%. Có 94,2% cán bộ trẻ có trình độ sau đại học. Đây là một tỷ lệ khá cao so với các trường ĐH khác. Đội ngũ cán bộ trẻ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học nói riêng và sự phát triển của Nhà trường nói chung.
PGS.TS Phạm Quang Minh khẳng định: NCKH là một nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên trẻ tại Trường ĐHKHXH&NV. Đây là đội ngũ mà Nhà trường xác định sẽ tập trung đầu tư và hỗ trợ để các thầy cô có điều kiện thuận lợi thực hiện các nghiên cứu khoa học của mình, đồng thời mở rộng giao lưu học thuật với quốc tế.
Hiện nay, cán bộ Nhà trường đang triển khai 14 đề tài cấp Nhà nước, hàng chục đề tài quỹ Nafosted, đề tài các cấp; công bố trung bình hơn 600 bài báo khoa học một năm, hàng chục đầu sách; tổ chức hơn 30 hội thảo và toạ đàm khoa học, trong đó một nửa là hội thảo quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2010, số công bố quốc tế ngày càng tăng. Nếu năm 2010 mới chỉ có 7 công bố quốc tế thì đến năm 2014, đã có 42 công bố quốc tế, trong đó có những công bố trên các tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI và Scopus. Với mục tiêu phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu và hội nhập với khu vực và thế giới, hoạt động nghiên cứu khoa học chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Đây chính là môi trường thuận lợi cho cán bộ trẻ phát huy năng lực của mình.
Bên cạnh đó, Nhà trường đã có những chính sách khuyến khích cán bộ trẻ như: thưởng cho các công trình được công bố quốc tế; hỗ trợ học phí cho cán bộ trẻ học cao học và NCS; hỗ trợ lệ phí dự thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; hỗ trợ cán bộ là tiến sỹ về công tác tại trường trong năm đầu… Hội nghị khoa học dành cho cán bộ trẻ được tổ chức hàng năm, nhằm tạo diễn đàn giao lưu học thuật cho học viên cao học, nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu trẻ. Trong năm nay, Trường ra mắt chuyên san khoa học về KHXH&NV, sẽ tạo thêm cơ hội hỗ trợ cán bộ trẻ công bố các công trình của mình.
Trở ngại đến từ nhiều phía
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá: hoạt động khoa học của cán bộ trẻ vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ. Nguyên nhân đến từ nhiều phía.
Hoạt động quản lý khoa học vẫn chưa phát huy được hết chức năng tư vấn, hỗ trợ cán bộ trong việc tiếp cận các nguồn lực cho nghiên cứu. PGS.TS Hoàng Thu Hương (Khoa Xã hội học) cho rằng cán bộ trẻ rất cần được hỗ trợ để tăng cơ hội tiếp cận các đề tài các cấp. Cơ hội đó hiện nay là chưa nhiều. Mặt khác, quy trình đăng ký đề tài còn phức tạp, thông tin về việc xét duyệt đề tài đến cán bộ còn chậm.
NCS Phạm Văn Hưng (Khoa Văn học) thì nêu lên một khó khăn trong việc công bố quốc tế là ở khả năng sử dụng ngoại ngữ của các tác giả. NCS này cũng đề nghị Nhà trường có giải pháp hỗ trợ các nhà khoa học trong việc dịch nghiên cứu của mình ra tiếng nước ngoài.
ThS. Trần Thị Mai Hoa (Khoa Du lịch học) thì chia sẻ khó khăn của cán bộ trẻ là ít thời gian để làm nghiên cứu do các công việc quản lý, hành chính quá nhiều. Bên cạnh đó, họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin khoa học mới nhất do cơ sở dữ liệu khoa học của Nhà trường còn hạn chế.
Lý giải cho việc không có nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ được công bố quốc tế, một số ý kiến khác cho rằng, vấn đề nằm ở ngay chất lượng các bài báo. Các nghiên cứu còn thiếu kết nối với các nghiên cứu khác trong cùng lĩnh vực, không tìm được tiếng nói chung với giới khoa học quốc tế. Mặc dù Nhà trường tổ chức hàng chục hội thảo quốc tế một năm và hỗ trợ cán bộ đi trao đổi khoa học ở nước ngoài, song một bộ phận cán bộ trẻ vẫn chưa thực sự tận dụng những cơ hội này.
Hãy đam mê và dám thử thách
"Chúng ta đã thực sự đam mê nghiên cứu ?" - PGS.TS Phạm Quang Minh đặt câu hỏi cho các cán bộ trẻ. Làm thế nào để việc nghiên cứu không chỉ là thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Nhà trường, mà cao hơn NCKH phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi nhà nghiên cứu trẻ ?
"Chúng ta có một thuận lợi lớn, đó là Trường có bề dày lịch sử, có truyền thống nghiên cứu mạnh với các tên tuổi khoa học lớn trong các thời kỳ phát triển. Truyền thống nghiên cứu khoa học được tiếp nối qua nhiều thế hệ nhà khoa học, giảng viên. Các giảng viên trẻ, hãy tận dụng điều này, hãy học hỏi kinh nghiệm từ những thế hệ thầy cô đi trước " - PGS.TS Phạm Quang Minh đề nghị.
PGS.TS Vũ Văn Tích (Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQGHN) thì cho rằng các nhà khoa học trẻ cần mạnh dạn và chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho nghiên cứu của mình: " Hãy thu thập một danh sách các quỹ tài trợ nghiên cứu của quốc tế, họ cũng rất "cởi mở" với các đề tài về KHXH&NV và mạnh dạn thử sức. Bên cạnh đó, hãy tìm kiếm các cơ hội ở các địa phương - nhưng nơi đang thực sự cần trí tuệ của các nhà khoa học để góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, vùng ".
Kết nối giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế, kết nối giữa các nhà khoa học xã hội và nhân văn với các nhà khoa học tự nhiên và công nghệ để giải quyết các vấn đề lớn, có tính chất liên ngành của xã hội, của đất nước - đây là xu hướng tất yếu của khoa học và của thực tiễn xã hội. Nếu các nhà khoa học trẻ nằm ngoài xu thế này thì rất khó để nâng tầm các nghiên cứu của mình.
PGS.TS Vũ Văn Tích khẳng định: " Các nhà khoa học trẻ phải có ý thức kiếm sống từ chính những nghiên cứu của mình và trên thực tế, các nhà khoa học Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể sống tốt nhờ nghiên cứu ".
Theo USSH.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn