Tóm tắt: Trong lịch sử trung đại Việt Nam và Hàn Quốc đã xuất hiện nhiều tác phẩm văn học điển hình. Khi đề cập đến thể loại văn học truyền kỳ, chúng ta không thể không nhắc đến tác phẩm Kim ngao tân thoại của Kim Si - Seup ( Hàn Quốc) và Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ( Việt Nam) đều là những tác phẩm nổi tiếng để lại những dấu ấn đậm nét trong kho tàng văn hóa chung của nhân loại. Bài viết dưới đây xin giới thiệu vài nét về sự tương đồng và khác biệt về cuộc đời của hai tác giả và hai tác phẩm dưới góc nhìn lịch sử văn hóa, đồng thời cũng là nhằm góp phần giúp cho người đọc hiểu thêm về mối quan hệ, sự giao lưu văn hóa thân thiện của hai dân tộc Việt - Hàn trong lịch sử quan hệ bang giao giữa hai nước.
Từ khóa: Việt nam, Hàn Quốc, Truyền kỳ, Kim Si – Seup, Nguyến Dữ, Cù Hựu, Hà Thiện Hán, Nguyễn Bỉnh Khiêm , Nguyễn Thế Nghi.
Việt Nam và Hàn Quốc là nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa. Trong thời kỳ cổ trung đại, hai dân tộc Việt - Hàn đều chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc, thông qua các tác phẩm như kinh điển nho gia, thơ, tiểu thuyết, nhất là các nguồn tài liệu của các sứ thần hai nước đi sứ Trung Quốc mang về đã góp phần vào sự phát triển của thể loại tiểu thuyết truyền kỳ ở Việt Nam và Hàn Quốc.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và Hàn Quốc, khi đề cập đến thể loại tiểu thuyết truyền kỳ, chúng ta không thể không nhắc đến hai tác phẩm điển hình là Kim ngao tân thoại của tác giả Kim Si- Seup (Kim Thời Tập) (Hàn quốc) và Truyền kỳ mạn lục của tác giả Nguyễn Dữ (Việt nam). Trong bài viết này, chúng tôi không có tham vọng nêu và phân tích nội dung của hai tác phẩm nêu trên mà chỉ đề cập đến một số tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm này dưới góc nhìn lịch sử, văn hóa.
Về thể loại tiểu thuyết truyền kỳ, Truyền kỳ là thể loại truyện ngắn cổ điển của văn học Trung Quốc thịnh hành ở thời kỳ nhà Đường. Kỳ nghĩa là kỳ ảo, kỳ lạ, nhấn mạnh tính chất hư cấu. Truyền kỳ thời nhà Đường có nội dung đa dạng, phong phú xoay quanh chủ đề tình yêu nam nữ trong đời sống trần tục thường ngày và mang đậm khuynh hướng nhân văn chủ nghĩa. Vào cuối thời nhà Nguyên, đầu thời kỳ nhà Minh (thế kỉ thứ XIV) ở Trung Quốc có tác phẩm Tiễn đăng tân thoại của tác giả Cù Hựu (1341-1427) là tác phẩm truyền kỳ nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn đến thể loại truyền kỳ ở các nước trong khu vực như: Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Trong số đó, đáng chú ý là hai tác phẩm tiểu thuyết truyền kỳ Kim ngao tân thoại của Hàn Quốc và Truyền kỳ mạn lục của Việt Nam.
1. Về tiểu thuyết truyền kỳ Kim Ngao Tân Thoại của Hàn Quốc
Như đã nêu ở trên, tác giả của tác phẩm Kim Ngao Tân Thoại là Kim Si – Seup (Kim Thời Tập - 1435-1493), tên tự là Duyệt Khanh, tên hiệu là Mai nguyệt Đường, quê ở Giang Lăng, gần Hán Thành (tức Seoul ngày nay). Ông sinh ra trong một gia đình võ quan nghèo, lên 5 tuổi đã được mệnh danh là “thần đồng” được Vua Sejong (Thế Tông) đại đế cho thử tài làm thơ và được Nhà vua ban thưởng 50 tấm lụa [1]. Tuy nhiên, từ 15 tuổi trở đi, cuộc đời ông gặp nhiều nỗi bất hạnh về gia đình và bản thân cũng như sự nghiệp. Từ năm 31-36 tuổi, có vài lần Đại quân Hiếu Ninh thuyết phục ông ra giúp vua Sejo (Thế Tổ) chú giải kinh phật và tham gia lễ vạn thành ở chùa Viên Giác. Mặc dù Nhà vua xuống chiếu triệu kiến song ông đều từ chối và sống ẩn dật ở núi Kim Ngao, Khánh Châu (Kyongju). Từ năm 37 tuổi đến cuối đời, ông tiếp tục sống cuộc đời tự do, phiêu lãng khắp nơi. Cũng chính trong thời gian này, ông viết khá nhiều bài mang chủ đề tư tưởng yêu dân, thương dân và đề cập đến cuộc sống của người nông dân. Ông đã để lại hơn 2.200 bài thơ trong tác phẩm Mai Nguyệt Đường chi văn tập, trong đó có Kim ngao Tân thoại.
Như vậy, xét về thời gian, tác phẩm Kim Ngao Tân thoại ra đời vào thời kỳ Vua Sejo (Thế tổ - 1455-1468) soán ngôi của Vua Đoan Tông (1452-1455). Tình hình chính trị vương triều Choson thời kỳ này có nhiều biến động. Sự tranh giành quyền lực đã dẫn tới những cuộc thanh trừng diễn ra khốc liệt trong nội bộ triều đình phong kiến. Tuy nhiên, về phương diện văn học thì đây chính là thời kỳ chín muồi để xuất hiện thể loại tiểu thuyết truyền kỳ [2].
Nội dung của Kim Ngao Tân Thoại gồm 5 truyện:
1. Vạn Phúc tự hu bồ Ký ( Cuộc chơi Hu bồ trong chùa Vạn Phúc)
2. Lý sinh khuy tường truyện ( Truyện Lý Sinh ngó trộm qua tường)
3. Túy du Phú Bích đình ký ( Say rượu tới chơi đình Phú Bích)
4. Nam Viêm Phù Châu Chí ( Câu chuyện ở châu Viêm Phù phương Nam)
5. Long cung phó yến lục ( Chuyện đi dự tiệc ở Long cung)
Theo Giáo sư Phạm Tú Châu Viện Văn học Việt Nam cho rằng, phần cuối của Kim Ngao Tân Thoại có chú “Giáp tập”. Điều đó có nghĩa là 5 truyện trong Kim Ngao Tân Thoại hiện nay chỉ thuộc quyển thứ nhất và trọn bộ có 4 quyển, mỗi quyển có 5 truyện cũng như Tiễn Đăng Tân Thoại . Vậy là có thể đoán định rằng, Kim Ngao tân thoại đã bị thất truyền 3 quyển, nay chỉ còn 1 quyển. Ở một hướng nghiên cứu khác, tác giả Jeon Hye Kyung (Toàn Huệ Khanh) thì cho rằng khi sáng tác Kim Ngao tân thoại, Kim Si- Seup chỉ dừng lại ở 5 chuyện, bởi lẽ bối cảnh không gian thời điểm đó đã không phù hợp với ý đồ sáng tác của tác giả. Vì thế, có thể Kim Thời Tập chỉ sáng tác 5 chuyện mà thôi [3]. Như vây, việc Kim ngao Tân thoại còn chuyện nào ngoài 5 chuyện đã được nêu là một vấn đề chưa có hồi kết.
2. Về tiểu thuyết Truyền kỳ mạn lục của Việt nam
Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của tác giả Nguyễn Dữ, sống vào thế kỷ XVI tại Việt Nam là tác phẩm được Hà Thiện Hán viết lời tựa, Nguyễn Bỉnh Khiêm (thầy dạy tác giả) phủ chính, Nguyễn Thế Nghi dịch ra chữ Nôm và được Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (1702 - ?), đánh giá là một "thiên cổ kỳ bút".
Theo Hà Thiện Hán thì Nguyễn Dữ quê ở Xã Đỗ Tùng, Huyện Trường Tân ( nay là huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương). Cha ông là Nguyễn Trường Phiếu là tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức (1496) đời Lê Thánh Tông. Nguyễn Dữ thủa nhỏ rất thông tuệ, đọc rộng, nhớ nhiều, có tài dùng văn chương và đã từng làm nổi danh gia đình. Ông đã từng thi đỗ Hương cống , nhiều lần trúng tam trường kì thi Hội . Sau khi nhà Mạc cướp ngôi vua, Nguyễn Dữ thề không ra làm quan và ở lại quê nhà mở trường dạy học. Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ gồm 4 quyển, 20 truyện, trong đó những truyện điển hình của Truyền Kỳ mạn lục gồm:
1. Thúy Tiêu Truyện ( Truyện nàng Thúy Tiêu)
2. Nam Xương nữ tử lục ( Truyện người con gái Nam Xương)
3. Khoái Châu nghĩa phụ truyện ( Truyện người nghĩa phụ Khoái Châu)
4. Lệ Nương truyện ( Truyện nàng Lệ Nương)
5. Tây viên kỳ ngộ ký ( Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây)
6. Long đình đối tụng lục ( Truyện đối tụng ở Long cung)
7. Hạng vương từ ký ( Câu chuyện ở đền Hạng vương)
8. Lý tướng quân truyện (Truyện Lý Tương Quân)
9. Kim Hoa thi loại ký ( Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa)
10. Mộc Miên thụ truyền (Truyện cây gạo)
11. Đào thị nghiệp oan ký (Truyện nghiệp oan của Đào Thị)…
Như đã nêu ở trên, Kim Ngao tân thoại và Truyền kỳ mạn lục đều là những tiểu thuyết truyền kỳ có nội dung phong phú, hấp dẫn và trong mỗi tác phẩm lại có có nhiều truyện. Do điều kiện hạn hẹp về dung lượng bài viết, chúng tôi chỉ xin viện dẫn ra hai câu chuyện trong hai tác phẩm trên và trên cơ sở đó có thể nêu ra những nhận xét về những điểm tương đồng và khác biệt cơ bản của hai tác phẩm.
1. Truyện Lý Sinh khuy tường truyện trong Kim Ngao tân thoại
Nhân vật chính trong truyện là nam Lý Sinh thông minh đẹp trai và thiếu nữ họ Thôi giỏi văn thơ, khéo thêu thùa. Họ đến với nhau bằng tình yêu. Khi bố Lý Sinh biết chuyện đã cấm con trai mình không được yêu người con gái họ Thôi với lý do là vì danh gia và tài sản của gia đình mình không bằng nhà họ Thôi. Tuy nhiên, cùng với những thăng trầm trong tình yêu và lòng quyết tâm của hai người nên cuối cùng Lý sinh và nàng Thôi đã sống hạnh phúc bên nhau. Vài năm sau đó, xảy ra loạn giặc khăn đỏ,gia đình Lý Sinh ly tán mỗi người một nơi, nàng Thôi bị giặc bắt và bị giết.
Hết loạn, Lý Sinh trở về tìm vợ trong cảnh nhà cửa hoang tàn. Nàng Thôi đã chết song vì do còn duyên nợ nên vẫn hiện ra gặp Lý Sinh. Vài năm sau, do hết hạn của Thiên đế (Trời), nàng Thôi phải về thượng giới. Nàng nhờ Lý Sinh chôn cất phần xác mình bên cạnh mộ cha mẹ. Vài tháng sau, do thương nhớ vợ nên Lý Sinh cũng lâm bệnh rồi chết.
2. Truyện nàng Lệ Nương trong Truyền Kỳ mạn lục
Hai người mẹ trước khi sinh ra Lý Phật Sinh và Nguyễn Lệ Nương đã hứa với nhau rằng sau này sẽ gả con cho nhau. Nhiều năm sau đó, khi lớn lên, Lý Phật Sinh và Nguyễn Lệ Nương đều giỏi văn thơ, dù chưa chung sống bên nhau nhưng họ quý mến nhau và gắn bó với nhau như vợ chồng.
Tuy nhiên, tình yêu của đôi nam nữ không được toại nguyện. Thời gian sau đó, Lệ Nương đã bị bắt tiến vào cung vua khiến Lý Phật Sinh buồn rầu thất vọng. Lệ Nương có gửi lại thư an ủi Lý Phật Sinh và nói rằng sự ly biệt giữa hai người là do vì nhân duyên không hợp.
Vào cuối triều nhà Hồ, nước Đại Ngu (Nhà Hồ khi lên ngôi đã đổi tên quốc hiệu Đại Việt thành Đại Ngu vào năm 1400) bị giặc Minh xâm chiếm. Lý Phật sinh lên đường tìm Lệ Nương và được biết nàng đang bị giặc Minh giam giữ mà không có cách nào cứu thoát được. Được Nhà vua cấp cho ông 500 quân sĩ đi đánh giặc Minh và đã phá tan được quân địch. Sau khi thắng giặc Minh, Lý Phật Sinh quay lại tìm Lệ Nương và được tin nàng đã tự vẫn để bảo toàn trinh tiết. Tướng sĩ nhà Minh đã làm lễ mai táng nàng ở trong rừng. Phật Sinh ngủ lại bên mộ nàng Lệ Nương và đêm đó Lệ Nương đã hiện về cùng Lý Phật Sinh yêu nhau như lúc nàng còn sống. Gần sáng, Lệ Nương đã từ biệt Lý Phật Sinh. Sau này Phật Sinh đã chung tình với Lệ Nương và không lấy vợ, đồng thời ông cũng có công lao lớn trong việc tiêu diệt giặc Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi nghĩa thế kỷ XV.
Qua những nội dung nêu trên có thể thấy, Lý Sinh (trong Lý Sinh khuy tường truyện) và Lý Phật Sinh (trong Lệ Nương truyện) đều là những nhân vật có nguồn gốc xuất thân bình dân, đều giỏi thơ văn, thông minh, đẹp trai. Hai nữ nhân vật chính trong truyện đều là con nhà gia giáo, tài sắc vẹn toàn, giỏi văn thơ. Mặc dù bối cảnh lịch sử của hai câu chuyện khác nhau về thời gian và không gian song có một điểm chung là họ đều chung thủy trong tình yêu, giữ gìn phẩm giá, đức hạnh và sẵn sàng chọn cái chết để bảo vệ tình chung thủy.
3. Vài nhận xét về tương đồng và dị biệt của Kim Ngao tân thoại và Truyền kỳ mạn lục
3.1 Về tương đồng
3.1.1 Có thể thấy, Kim Ngao Tân Thoại và Truyền Kỳ mạn lục là hai tác phẩm đều ra đời trong thời kỳ lịch sử trung đại ở Hàn Quốc và Việt Nam. Cụ thể, ở Hàn Quốc, Kim Ngao tân thoại ra đời vào triều đại Choson. Sau khi vua Sejong Đại đế qua đời vào năm 1450, nền chính trị triều đình Choson bước vào một thời kỳ khủng hoảng với nhiều cuộc thanh trừng liên tiếp diễn ra dưới triều vua Sejo (Thế tổ) và sau đó là vua Yon San gun (Yến Sơn Quân)…. Trong khi đó ở Việt Nam, vào cuối nhà Lê, triều đình nhà Lê suy yếu. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc. Cũng chính vì do nền chính trị quốc gia hỗn loạn, khủng hoảng nên Nguyễn Dữ cáo quan về quê sống cuộc đời ẩn dật.
Như vậy, Kim Si – Seup và Nguyễn Dữ đều là những người sống vào thời kỳ trung đại, khoảng đầu và cuối thế kỷ XV. Họ đều là những người thông minh, học giỏi từ lúc còn nhỏ, cần cù học tập, đọc rộng, nhớ nhiều và đều có nỗi đau là chịu ơn vua khi bị người khác lật đổ. Chẳng hạn như Kim Thời Tập “ Năm 21 tuổi, khi nghe tin quân Thú Dương (vua Thế Tổ 1455-1468) cướp ngôi của vua Đoan Tông khi còn rất nhỏ) ông đã đốt hết sách ở chùa Trùng Hưng, cắt tóc đi tu và bắt đầu cuộc đời phiêu lãng”[ 4]. Tương tự, Nguyễn Dữ: “Ông từng đỗ Hương Cống, nhiều lần trúng tam trường kỳ thi Hội, được một năm lấy cớ xa xôi xin từ chức quan, về nhà phụng dưỡng mẹ già. Sau vì nhà Mạc cướp ngôi vua, ông thề không ra làm quan nữa” [5]. Như vậy, có thể thấy điểm tương đồng ở đây chính là họ đều là những kẻ sĩ có tài văn thơ, cuộc đời đều thăng trầm sóng gió, ẩn cư viết sách trong nhiều năm để gửi gắm nỗi lòng, để lại cho đời sau những tác phẩm văn học nổi tiếng.
3.1. 2 Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, Kim Ngao tân Thoại của Kim Si- Seup và Truyền Kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đều có đặc điểm chung là đều chịu ảnh hưởng của tác phẩm Tiễn đăng tân thoại của tác giả Cù Hựu (1347-1433) Trung Quốc. Về góc độ nghệ thuật, nhiều học giả Hàn Quốc khi so sánh Kim ngao tân thoại và Tiễn đăng tân thoại đều cho rằng Tiễn đăng tân thoại đã in những dấu ấn trong Kim Ngoai tân thoại. Tương tự, mối quan hệ khăng khít giữa Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục cũng được Hà Thiện Hán và sau đó là Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú khẳng định tập truyện của Nguyễn Dữ “văn từ không ra khỏi phên dậu của Tông Các” hoặc “đại lược mô phỏng tập Tiễn đăng của nhà nho đời Nguyên” [6]
3.1.3 Về thể loại, hai tác phẩm đều là tiểu thuyết truyền kỳ nghĩa là do tác giả sáng tác. Tuy dung lượng câu chuyện trong hai tác phẩm có khác nhau (Kim Ngao tân Thoại có 5 truyện; Truyền kỳ mạn lục có 20 truyện, song có điểm chung là đều viết theo loại hình văn ký, truyện, chí, lục giống thể loại văn học Trung Quốc.Về thể loại, cả hai tác phẩm đều có truyện viết về tình yêu ly - hợp của các nam, nữ nhân vật chính. Chẳng hạn: trong Kim Ngao có Sinh Khuy tường truyện và Vạn phúc tự hu bồ ký là truyện viết về tình yêu hợp, tan của nam - nữ. Tương tự, trong Truyền kỳ có 5 truyện: Lệ Nương truyện, Thúy tiêu truyện, Tây viên kỳ ngộ ký…. Ngoài thể loại tình yêu nam - nữ, hai tác phẩm trên còn đề cập đến truyện loại kỳ quái nghĩa là miêu tả nhân vật trong thế giới khác, trong đó Kim Ngao có 3 truyện và Truyền kỳ có 15 truyện. Các thế giới khác được mô tả trong truyện đều là các thế giới long cung, thần tiên, thiên giới và địa giới.
3.2. Về khác biệt
3. 2.1 Về tác giả, bên cạnh những điểm tương đồng , tác giả của hai tác phẩm trên cũng có điểm khác như, Nguyễn Dữ đã từng làm quan Tri huyện, song do thời thế hỗn loạn nên ông cáo quan về quê ở ẩn. Ngược lại Kim Si – Seup chỉ là một kẻ sĩ phóng túng xuống tóc đi tu, sống cuộc đời phiêu lãng, bất hạnh.
3.2.2 Kim Ngao tân thoại và Truyền kỳ mạn lục đều là những tiểu thuyết truyền kỳ đầu tiên của Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, về mặt niên đại, hai tác phẩm trên cũng có sự khác nhau. Đối với Kim Ngao tân thoại, phần đông các nhà nghiên cứu cho rằng, tác phẩm này xuất hiện vào khoảng thời gian khi Kim Si – Seup 31- 36 tuổi tức (1465-1470). Ngược lại, Truyền Kỳ mạn lục của nguyễn Dữ ra đời vào khoảng năm (1520-1530), tức là giai đoạn ông cáo quan về q uê sống ẩn dật. Nếu xét về thời gian, hai tác phẩm trên cách nhau khoảng 50-60 năm.
3.2.3 Về động cơ sáng tác, sự ra đời của Kim Ngao tân thoại trong bối cảnh triều đại Choson thời gian đó trật tự Nho giáo bị đảo lộn, chính nghĩa bị coi thường, mâu thuẫn xã hội gay gắt… Vì lẽ đó, tác giả Kim Ngao đã không chịu nổi “ đóng cửa khóc rống, ba ngày không đi đâu hết, đốt hết sách chứa trong nhà rồi cắt tóc đi tu, tự dặt pháp hiệu là Tuyết Sầm” [7] và viết vì để giải hận trong lòng, muốn phản ánh thế giới quan của mình và ngụ ý lòng khảng khái. Ngược lại, ở Việt Nam, trong thời kỳ Nguyễn Dữ viết Truyền kỳ mạn lục cũng là thời gian tuy chính trị hỗn loạn, song văn hóa, văn học lại phát triển, sự sùng tín những truyện kỳ quái trong nhân gian phát triển nên ông đã thu thập các nguồn tài liệu viết nên tác phẩm mục đích để giáo huấn con người [8].
3.2.4 Về phương thức sáng tác, có thể lấy thể loại tình yêu nam- nữ làm ví dụ, ngoài chủ đề tình yêu nam nữ, Kim Ngao còn sử dụng các chủ đề như ý chí giải hận ở thế giới hiện thực và đề cao trinh tiết người phụ nữ. Trong khi đó, Truyền kỳ đã sử dụng hài hòa giữa các chủ đề tình yêu, bài trừ yêu quái, giữ gìn trinh tiết phụ nữ, nêu cao tinh thần yêu nước, phê phán thói xấu của kẻ quyền thế…Như vậy từ mục đích sáng tác của các tác giả, đối với Kim Ngao là sự giải hận, đối với Truyền kỳ là sự giáo huấn, qua đó có thể thấy, sự khác nhau về tín ngưỡng bản địa, quan niệm luân lý về trinh tiết phụ nữ dẫn đến sự khác nhau về phương thức và mục đích sáng tác của các tác giả.
Tóm lại, Kim Ngao tân thoại của Kim Si- Seup ( Hàn Quốc) và Truyền Kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ( Việt Nam) đều là những tác phẩm văn học điển hình, đánh dấu mốc quan trọng của sự hình thành và phát triển thể loại tiểu thuyết truyền kỳ đầu tiên ở hai nước. Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, các tác giả đã phác họa lại bức tranh đa sắc mầu của xã hội ở hai nước thời điểm đó. Có thể thấy, các tác phẩm đều chứa đựng nội dung khoa học mang tính nghệ thuật, cùng những giá trị hiện thực cao, phản ánh những nét chân thực của đời sống xã hội đương thời của Hàn Quốc và Việt Nam trong lịch sử trung đại ở hai nước.
Nhiều thế kỷ đã trôi qua, nhưng tên tuổi, tác phẩm của hai tác giả vẫn còn sống mãi với thời gian và đó cũng là niềm tự hào của hai dân tộc Hàn- Việt, góp phần làm giàu thêm truyền thống ở hai nước, cũng như góp phần vào kho tàng văn hóa chung của nhân loại.
CHÚ THÍCH
1. Kim Thời Tập; Kim Ngao Tân Thoại ( Người dịch: Toàn Huệ Khanh và Lý Xuân Chung); Nxb ĐHQG Hà Nội
2. Jeon Hye Kyung; Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc, Trung Quốc Việt Nam thông qua Kim Ngao Tân Thoại, Tiễn Đăng Tân Thoại và Truyền Kỳ Mạn Lục; Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội , tr. 48
3. Jeon Hye Kyung; Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc, Trung Quốc Việt Nam thông qua Kim Ngao Tân Thoại, Tiễn Đăng Tân Thoại và Truyền Kỳ Mạn Lục; Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội , tr. 122
4. Jeon Hye Kyung; Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc, Trung Quốc Việt Nam thông qua Kim Ngao Tân Thoại, Tiễn Đăng Tân Thoại và Truyền Kỳ Mạn Lục; Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội , tr 50-51
5. Khoa Ngữ văn, ĐHKHXH&NV; ĐHQGHN; Tương đồng văn hóa Việt Nam- Hàn Quốc; NXB Văn hóa Thông Tin; Hà Nội 1996, tr. 196 -197.
6. Khoa Ngữ văn, ĐHKHXH&NV; ĐHQGHN; Tương đồng văn hóa Việt Nam- Hàn Quốc; NXB Văn hóa Thông Tin; Hà Nội 1996, tr 201
7. Khoa Ngữ văn, ĐHKHXH&NV; ĐHQGHN; Tương đồng văn hóa Việt Nam- Hàn Quốc; NXB Văn hóa Thông Tin; Hà Nội 1996, tr. 195
8. Jeon Hye Kyung; Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc, Trung Quốc Việt Nam thông qua Kim Ngao Tân Thoại, Tiễn Đăng Tân Thoại và Truyền Kỳ Mạn Lục; Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội , tr. 55.
Tác giả: PGS.TS. Lê Đình Chỉnh
Khoa Đông phương học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn