Trên phương diện lịch sử, mối quan hệ giữa tiểu lục địa Ấn Độ và quốc gia láng giềng Myanmar được khởi đầu ngay từ TCN. Được sinh ra ở tiểu lục địa Ấn Độ ở khoảng thế ỷ 6-4 TCN, Phật giáo đã lan tỏa sang Myanmar và nhanh chóng đóng vai trò quan trọng đối với nền văn hóa của quốc gia Đông Nam Á này. Thậm chí, sau 3 cuộc chiến tranh Anh - Miến (1824-1826, 1852-1853 và 1885), chính quyền thực dân Anh đã sáp nhập và biến Myanmar trở thành tỉnh Myanmar thuộc đế chế Ấn Độ để thực dân Anh cai trị tỉnh Myanmar trực tiếp từ Calcutta (thuộc địa phận của tiểu lục địa Ấn Độ) từ năm 1886 và từ Delhi từ năm 1911. Và cũng từ thời điểm năm 1886-1936, Myanmar được coi là tỉnh lớn nhất và giàu có nhất của Chính quyền Ấn Độ thuộc Anh . Ngày 1/4/1937, Myanmar trở thành một thuộc địa hành chính riêng biệt, độc lập khỏi quyền hành chính Ấn Độ. Gần 4 năm sau đó (4/1/1948), Myanmar trở thành nước Cộng hòa độc lập với tên gọi Liên bang Myanmar.
Cũng giống như Ấn Độ và Myanmar hiện nay, tiểu lục địa Ấn Độ và Myanmar thời kỳ thuộc Anh có chung đường biên giới. Chính yếu tố địa lý này cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy quá trình di cư của những đoàn người Ấn Độ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ đối với đời sống văn hóa của Myanmar, tác giả nhận ra rằng những cư dân Ấn Độ với tư cách là những thương nhân, những nhà truyền giáo đã tìm đến Myanmar từ rất sớm nhưng sự xuất hiện của họ tại Myanmar có tính chất rải rác, không hệ thống và vì vậy không tạo ra được những cộng đồng lớn người Ấn Độ định cư tại quốc gia láng giềng Myanmar. Do vậy, tác giả cũng tự đặt ra câu hỏi: Vậy từ bao giờ những đoàn người Ấn Độ di cư tới Myanmar với qui mô lớn và điều gì đã khiến họ di cư và tạo ra cả một cộng đồng lớn người Ấn Độ tại Myanmar?
Nhu cầu ngày càng tăng về vốn, lao động và lợi ích kinh tế thu được ngày càng lớn từ việc đầu tư tại Myanmar là nguyên nhân chính dẫn tới sự di cư diện rộng từ tiểu lục địa Ấn Độ tới Myanmar. Điều này hoàn toàn trùng khớp với nhận định sắc sảo của D.G.E. Hall trong tác phẩm để đời của ông mang tên “Lịch sử Đông Nam Á”: “Kinh tế là động lực chính giải thích cho việc chủ nghĩa đế quốc châu Âu mở rộng nền thống trị của họ ở châu Á nói chung, ở Đông Nam Á nói riêng… Cùng với sự gia tăng dân số đáng kể, châu Âu càng có nhu cầu lớn về gạo, cà phê, chè và đường từ khu vực này” . Điều này thực sự đúng với Myanmar sau khi nước này bị thực dân Anh sáp nhập thành một tỉnh của chính quyền Anh tại tiểu lục địa Ấn Độ cũng là thời điểm báo hiệu quốc gia Đông Nam Á này dần trở thành vựa lúa xuất khẩu gạo lớn nhất Đông Nam Á dưới tay thực dân Anh.
(Xem bài viết toàn văn tại cuốn Phương Đông: Truyền thống và Hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015)
Tác giả: Ths. Phùng Thị Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn