Chữ viết Thái Lan xưa và nay

Thứ sáu - 08/04/2016 00:00
Chữ viết Thái Lan xưa và nay
Chữ viết Thái Lan xưa và nay

Trải qua nhiều năm sử dụng, người Thái Xiêm đã cải tiến dần chữ viết để phù hợp với điều kiện lịch sử và xã hội trong từng thời kỳ và cho đến nay người Thái Xiêm đã có một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh như ngày nay. Để hiểu rõ về chữ viết Thái Xiêm thiết nghĩ cần phải quay trở lại với quá khứ để tìm hiểu về chữ viết thời kỳ đầu dựng nước của người Thái Xiêm. Đó là hệ thống chữ viết đựơc vua Ram-khăm-hẻng xây dựng vào năm 1283 mà người Thái Xiêm vẫn gọi là “Lai xử Thay”.
1. Chữ viết Ram-khăm-hẻng
1.1. Chữ viết Thái Xiêm được khẳng định hình thành từ năm 1283 là dựa trên một tấm văn bia đầu tiên khắc bằng chữ Thái trong đó có nói đến việc vua Ram-khăm-hẻng mời một ông thầy nào đó tới triều để giúp mình xây dựng một thứ chữ viết chính thức cho nhà nước. Tấm văn bia này là một bia đá có 4 mặt hình chữ nhật, đỉnh có dạng khum tròn, cao 1,11 mét, rộng 0,35 mét, dày 0,35 mét, chất liệu đá mịn mầu xanh, cả bốn mặt đều có khắc chữ, mặt thứ nhất có 35 dòng, mặt thứ hai có 35 dòng, mặt thứ ba có 27 dòng, mặt thứ tư có 27 dòng. Các nhà nghiên cứu đã gọi tấm bia này là bia Ram-khăm-hẻng.
Tuy vậy vua Ram-khăm-hẻng không phải là người đã sáng tạo ra toàn bộ chữ Thái mà thực ra vai trò của ông chỉ là dựa trên một thứ chữ Thái đã có sẵn, cải tiến nó trở thành một thứ chữ Thái khác và nâng nó lên thành thứ văn tự chính thức của một quốc gia trẻ hùng mạnh đầu tiên của người Thái lúc bấy giờ. Những cải tiến của nhà vua đó là thay đổi một số con chữ, thay đổi một số cách viết như viết các chữ trên cùng một dòng, tạo ra một số dấu thanh để ghi các thanh điệu mà thời kỳ đó các hệ thống chữ viết Thái không có. Vấn đề đặt ra ở chỗ vua Ram-khăm-hẻng đã dựa vào thứ chữ Thái nào để cải biên thành thứ chữ của vương quốc mình? Các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh chữ viết Ram-khăm-hẻng với chữ viết Môn cổ và Khơ-me cổ thì thấy có những nét tương đồng, nhưng khi so sánh với chữ viết của Thái Lán Na thì sự tương đồng lại nhiều hơn hẳn. Thực ra trong thời kỳ đó người Thái ở tiểu vương quốc Lán Na đã sử dụng thứ chữ viết Thái có những nét giống với chữ viết Môn. Cũng theo các nhà nghiên cứu thì tiểu vương quốc Lán Na khi đó đang tin theo Phật giáo Đại thừa và chữ viết Lán Na cũng xuất hiện theo sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa. Ngoài ra theo các sử liệu cho biết thì vua Ram-khăm-hẻng là bạn của vua Lán Na tên là Măng-rai. Khi vua Măng-rai xây dựng kinh đô Chiêng Mày vào năm 1296 ông đã mời vua Ram-khăm-hẻng đến để giúp vạch kế hoạch xây dựng kinh đô.(1) Qua đây chúng ta thấy vua Ram-khăm-hẻng có mối quan hệ mật thiết với Lán Na và chắc hẳn nhà vua đã lấy chữ Thái Lán Na đang được người Lán Na sử dụng để làm cơ sở cho việc sáng tạo ra chữ viết cho vương quốc mình. Nhưng chữ Thái Lán Na lại bắt nguồn từ chữ Thái Phặc-khảm và khi so sánh chữ Thái Ram-khăm-hẻng với chữ Thái Phặc-khảm thì lại còn có nhiều nét tương đồng hơn là khi so sánh với chữ Thái Lán Na. Như vậy, có lẽ chính xác hơn cả chính chữ Thái Phặc-khảm mới là thứ chữ Thái làm cơ sở để hình thành nên chữ Thái của Ram-khăm-hẻng mà điều rõ nhất ở đây là chữ Thái Phặc-khảm không có các ký hiệu ghi thanh điệu vốn là đặc điểm của hệ thống chữ viết Thái cổ hơn.(2) Còn những đặc điểm mà chữ viết Ram-khăm-hẻng và những chữ viết Thái khác giống với chữ viết của Môn hoặc Khơ-me chẳng qua là vì các chữ viết này đều cùng xuất phát từ một thứ chữ cổ ở Nam Ấn Độ mà thôi.

(Xem bài viết toàn văn tại cuốn Phương Đông: Truyền thống và Hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015)

Tác giả: PGS.TS.Nguyễn Tương Lai 

Khoa Đông phương học 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây