Ngành Quốc ngữ học ở Hàn Quốc và vấn đề thuật ngữ ngôn ngữ học

Thứ ba - 19/04/2016 00:00
Ngành Quốc ngữ học ở Hàn Quốc và vấn đề thuật ngữ ngôn ngữ học
Ngành Quốc ngữ học ở Hàn Quốc và vấn đề thuật ngữ ngôn ngữ học

1. Ngành quốc ngữ học ở Hàn Quốc
Hiện nay tại Việt Nam, trong giảng dạy và nghiên cứu tiếng Hàn, thuật ngữ mà chúng ta dùng để miêu tả các khái niệm, hiện tượng ngôn ngữ đại bộ phận là các thuật ngữ được lấy ra, đối chiếu và dịch từ "Ngữ pháp Nhà trường", những gì đã được coi là có tính quy phạm, chuẩn hóa, được sử dụng nhiều trong các tài liệu, giáo trình ở Hàn Quốc. Tuy vẫn còn tồn tại những vấn đề gây tranh cãi, nhưng đây có thể xem là nguồn kiến thức đã được tích lũy, đúc kết và kiểm nghiệm theo dòng lịch sử.
Nhìn lại lịch sử, nếu như từ khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, ngôn ngữ học Hàn Quốc chủ yếu theo khuynh hướng nghiên cứu ngữ âm của môn “thanh vận học” trong ngôn ngữ học truyền thống Trung Quốc thì từ cuối thế kỷ XIX, họ đã chuyển hướng, lấy nghiên cứu ngôn ngữ học của phương Tây làm chủ đạo. Lúc này, ngôn ngữ học được triển khai ở cấp độ hoàn toàn khác so với giai đoạn trước về phương pháp cũng như phạm vi nghiên cứu. Đây là thời kỳ tinh thần giác ngộ dân tộc lên cao, xuất hiện các phong trào đả phá chế độ phong kiến lạc hậu để tiếp nhận luồng văn minh khoa học mới, tiến bộ. Hưởng ứng phong trào yêu nước, yêu dân tộc đó, việc nghiên cứu quốc ngữ của Hàn Quốc lúc bấy giờ có mục tiêu hàng đầu là hướng tới sự thống nhất giữa văn nói và văn viết. Các loại giấy tờ công văn được chuyển qua viết hỗn hợp cả bằng chữ Hangeul và chữ Hán. Sách giáo khoa, báo, tạp chí cũng đều phát triển theo hướng sử dụng kết hợp như vậy và thậm chí còn chuyển hẳn sang chuyên dùng bằng chữ Hangeul của Hàn Quốc. Năm 1907, Sở Nghiên cứu quốc văn được thành lập để đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Giai đoạn này, mối quan tâm chủ yếu trong nghiên cứu quốc ngữ của Hàn Quốc là ngữ pháp, với nhiều công trình nghiên cứu như “Đại Hàn văn điển” (1908) của Yu Gil-jun, Choi Gwang-ok; “Quốc ngữ văn pháp” (1910) của Ju Si-gyeong v.v... Hệ thống ngữ pháp của thời kỳ này chủ yếu mô phỏng theo ngữ pháp của phương Tây hay của Nhật Bản, các nét đặc trưng vốn có của tiếng Hàn không được thể hiện một cách đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, Ju Si-gyeong là người đã mở ra một chân trời mới trong lịch sử nghiên cứu quốc ngữ học của Hàn Quốc, ông đã phân tích từ ra thành hình vị, chú ý tới chức năng của hình vị và xây dựng nên một hệ thống nghiên cứu riêng biệt.
Giai đoạn tiếp theo được đánh dấu bằng việc ra đời Triều Tiên ngữ học hội (1931), Triều Tiên ngữ học nghiên cứu hội (1931), Triều Tiên âm thanh học hội (1935)... Quốc ngữ của Hàn Quốc được nghiên cứu tập trung hơn, xuất hiện các quy định chuẩn hóa ngôn ngữ như quy định ghi ký hiệu phiên âm từ ngoại lai, ký hiệu phiên âm tiếng Nhật, ký hiệu phiên âm tiếng Hàn ra tiếng Latin, ký hiệu phiên âm quốc tế đối với tiếng Hàn v.v... Đối với nghiên cứu ngữ pháp, việc xây dựng hệ thống ngữ pháp chuẩn mực được chú ý coi trọng, nhiều tài liệu về ngữ pháp tiếng Hàn được xuất bản với các học giả tên tuổi như Choi Hyeon-bae, Park Seung-bin, Lee Sang-chun, Jeong Yeol-mo, Hong Gi-mun, Kim Yun-gyeong, Jang Ha-il, Jeong In-seung, Lee Hee-seung v.v... Đặc biệt, “Ngữ pháp tiếng Hàn” (nguyên văn theo tiếng Hàn: Uri malbon) của Choi Hyeon-bae đã trở thành một tài liệu ngữ pháp mẫu mực, đem lại nhiều ảnh hưởng cho giới nghiên cứu ngôn ngữ Hàn Quốc. Bên cạnh ngữ pháp, các lĩnh vực khác như lịch sử tiếng Hàn, ngữ hệ, phương ngữ, giáo dục quốc ngữ v.v... cũng được quan tâm đến nhiều hơn. 

(Xem bài viết toàn văn tại cuốn Phương Đông: Truyền thống và Hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015)

Tác giả: TS. Lưu Tuấn Anh 

Khoa Đông phương học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây