Vài nhận xét về tổ chức và tính chất nhà nước

Thứ tư - 13/04/2016 00:00
Vài nhận xét về tổ chức và tính chất nhà nước
Vài nhận xét về tổ chức và tính chất nhà nước

trong nửa sau thế kỷ XIII, triều Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt lập nên vũ công hiển hách của ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên (1258, 1285, 1287 - 1288). Đó là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử giữ nước quang vinh của dân tộc ta.
Trong thời gian tồn tại, nhất là trong giai đoạn hưng thịnh của vương triều vào thế kỷ XIII và nửa đầu thế kỷ XIV, triều Trần còn tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phục hưng dân tộc đã bắt đầu tiến hành một cách toàn diện trên qui mô lớn từ đời Lý. Nền kinh tế, văn hoá của nước Đại Việt phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu mới.
Triều Trần có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, củng cố thống nhất quốc gia và thúc đẩy sự phát triển của nền văn minh Đại Việt, nền văn hoá Thăng Long. Đó là vị trí và vai trò lịch sử của triều Trần đã được khẳng định trong lịch sử dân tộc ở thời kỳ tiến bộ của vương triều. Giới nghiên cứu khoa học dễ dàng thống nhất với nhau trên một nhận định tổng quát như vậy về vương triều Trần. Nhưng dĩ nhiên đi sâu vào từng mặt của vấn đề thì còn nhiều điều cần làm sáng tỏ và không tránh khỏi có những ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau, trong đó có vấn đề tổ chức và tính chất Nhà nước thời Trần. Sau đây tôi xin nêu lên vài nhận xét về vấn đề này trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, suy nghĩ gần đây.
2. Nhà nước thời Trần trước hết là một tổ chức Nhà nước trung ương tập quyền theo chế độ quân chủ.
Về phương diện này, triều Trần cùng một tính chất với triều Lý, nhưng biểu thị một bước phát triển mới cao hơn và ở một trình độ cũng cao hơn.
Bộ máy triều đình trung ương được tổ chức khá hoàn chỉnh và đứng về danh hiệu quan tước, có phần mô phỏng thiết chế của nhà Tống. Dưới vua có Tể tướng với chức Thống quốc Thái sư (như trường hợp Trần Thủ Độ) hay Thông chính Thái sư (như trường hợp Đức Việp) và sau được qui định thống nhất là Bình chương sự, Đồng bình chương sự. Thân vương khi làm Tể tướng được xưng là Quốc công thượng hầu. Bên dưới là hai hàng quan văn võ, đứng đầu là một số trọng chức gồm Tam thái, Tam công, Tam thiếu (hay Tam cô). Những cơ quan chuyên trách mang các tên Sảnh, Viện, Cục, Quán, Đài, Ty.
Sảnh có: Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh, Thượng thư sảnh, Bí thư sảnh, Nội thị sảnh.
Viện có: Thẩm hình viện, Tuyên huy viện, Tập hiền viện, Quốc sử viện, Hàn lâm viện, Tam ty viện, Quốc học viện, Nội mật viện.
Cục có: Thái sử cục, Chi hậu cục, Nội thư hoả cục.
Quán có: Tam quán học sinh.
Đài có: Ngự sử đài.
Ty có: Thái y ty, Thái chúc ty.
Bộ máy chính quyền địa phương cũng được sắp xếp lại có qui củ và hệ thống chặt chẽ hơn, thống nhất hơn. Cả nước chia làm 12 lộ (cũng có trường hợp phủ tương đương như lộ), đứng đầu là chức An phủ sứ. Riêng vùng kinh thành Thăng Long được coi như một phủ đặc biệt với Ty bình bạc, năm 1265 đổi làm Kinh sư An phủ sứ, rồi lại đổi làm Kinh sư Đại doãn. Chức quan đứng đầu kinh thành được tuyển chọn chặt chẽ, phải trải qua chức An phủ sứ các lộ, rồi An phủ sứ phủ Thiên Trường và kinh qua Thẩm hình viện, sau đó mới được xét bổ nhiệm.
Dưới lộ có phủ, châu, rồi đến hương hay huyện, cuối cùng là xã. Miền núi còn có trại, sách. Tuy trước đây Khúc Thừa Hạo đã đổi hương làm giáp[1], nhưng trên thực tế cho đến đời Trần các hương vẫn còn tồn tại. Vào đầu đời Trần, sử biên niên còn nhắc đến những tên hương như Tức Mặc (1231), Ba Điểm, Bàng Hà, Ma Lôi (1287). Năm 1297 nhà Trần đổi giáp thành hương. Như vậy hương là một cấp hành chính còn tồn tại phổ biến dưới triều Trần, gần tương đương như huyện.
Mỗi đơn vị hành chính đều có cấp chính quyền tương ứng: phủ có chức Trấn phủ sứ, châu có chức Thông phán, Thiêm phán, huyện có chức Lệnh uý, Chủ bạ. Chính quyền cơ sở là xã được nhà Trần quản lý chặt chẽ hơn trước. Năm 1242 nhà Trần đặt chức Đại tư xã hàm ngũ phẩm và Tiểu tư xã hàm lục phẩm, quản lý từng xã hoặc từng cụm gồm hai, ba, bốn xã. Ngạch xã quan có Xã chính, Xã sử, Xã giám. Năm 1397 Nhà nước bỏ chức Đại tư xã, Tiểu tư xã, nhưng vẫn giữ chức Quản giáp như đời Lý. Bia Yên Duyên (Quảng Xương, Thanh Hoá) mới phát hiện gần đây cho thấy chức Đại tư xã, Tiểu tư xã lúc bây giờ còn gọi là Đại toát, Tiểu toát như An Nam chí lược và Việt kiệu thư đã ghi nhận[2].
Qui chế về chức năng, hoạt động của Nhà nước đời Trần đã được thể chế hoá trong bộ luật mang tên Hình luật thư (1 quyển) và trong các sách điển lệ mang tên Quốc triều thông chế (20 quyển), Quốc triều thường lệ hay Kiến trung thường lệ (10 quyển), Hoàng triều đại điển (10 quyển).
Như vậy là dưới triều Trần, chế độ quân chủ trung ương tập quyền được tăng cường và củng cố thêm một bước quan trọng.
3. Triều Trần vừa mang chức năng của một Nhà nước phương Đông vừa biểu thị một tinh thần dân tộc cao.
Nhà nước phương Đông trong quá trình phát sinh và phát triển của nó, ngoài chức năng bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, còn phải đảm đương một chức năng phổ biến là xây dựng và quản lý các công trình thuỷ lợi, và đối với một số nước, thêm chức năng tổ chức chiến đấu tự vệ chống xâm lược. Triều Trần thể hiện rất rõ những đặc điểm của Nhà nước phương Đông trong hoàn cảnh cụ thể của lịch sử Việt Nam với trình độ tổ chức và ý thức khá cao.
Vừa mới thành lập, triều Trần đã phải lo tổ chức và lãnh đạo ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên, đương đầu thắng lợi với một đế chế lớn mạnh và hung hãn bậc nhất trên thế giới đương thời. Triều Trần đã thực hiện một cuộc chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm với phương châm như Trần Quốc Tuấn đã tổng kết: “vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, nước nhà chung sức (quốc gia tính lực)”, “chúng chí thành thành”.
Triều Trần cũng rất chăm lo đến công việc khẩn hoang, đê, làm thuỷ lợi.
Năm 1248 nhà Trần đặt chức Hà đê sứ ở các lộ chuyên trách việc xây đắp, tu bổ và bảo vệ đê. Nhiệm vụ của đê sứ được xác định rõ ràng: "Mỗi năm vào tháng Giêng, đê sứ đốc thúc dân chúng trong vùng, không phân biệt sang hèn, già trẻ, đều đi đắp đê. Chỗ nào thấp trũng thì đắp cao thêm, chỗ nào lở thì bồi trúc. Đầu mùa hạ thì xong việc. Ấy là lệ thường hàng năm. Vào khoảng tháng 6, 7, nước sông dâng to, đê sứ phải tự mình ra sức tuần hành xem xét, gặp chỗ bị lở thì sửa chữa ngay, nếu lười biếng thì mất chức, nếu để dân cư trôi đắm, lúa má hư hại thì lượng theo nặng nhẹ mà trách phạt"[3]. Nhiều công trình đắp đê trên qui mô lớn đã được thực hiện và dọc theo sông Nhị cũng như các dòng sông lớn chạy qua vùng đồng bằng, đều có đê vững chãi, hàng năm được tu bổ. Ngoài đê sông, vào đời Trần, hệ thống đê biển cũng được xây dựng.
Năm 1344 triều Trần đặt thêm chức Đồn điền sứ ở ty khuyến nông để lo việc tổ chức khẩn hoang. Những công trình khai hoang của Nhà nước dưới hình thức đồn điền, của quý tộc dưới hình thức điền trang, của địa chủ dưới hình thức trang trại và của nông dân dưới hình thức lập làng, đều được đẩy mạnh và đưa lại nhiều kết quả tích cực.
Lần đầu tiên trong lịch sử, trong bộ máy Nhà nước đã hình thành một hệ thống cơ quan chuyên trách về đê điều và khẩn hoang. Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng của các công trình công cộng này trong nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa ở nước ta, đồng thời cũng chứng tỏ triều Trần đã ý thức được chức năng của mình đối với yêu cầu kinh tế ấy.
Qua thử thách ác liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc thế kỷ XIII và trong hoàn cảnh đất nước đang hưng thịnh, dân tộc đang trưởng thành, triều Trần vừa góp phần tích cực vào tiến trình lịch sử đó, vừa kết tinh được sản phẩm tinh thần của tiến trình đó và biểu thị một tinh thần dân tộc cao, nhất là trong giai đoạn tiến bộ của vương triều. Đó chính là nội dung cơ bản của "hào khí Đông A" đã từng được nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà sử thời xưa hết lời ca ngợi.
Triều Trần với những vua anh hùng như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, với những nhân vật anh hùng như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản... đã một thời tiêu biểu cho khí phách anh hùng của dân tộc. Tinh thần dân tộc của triều Trần không những được phát huy cao độ trong kháng chiến chống ngoại xâm, mà còn được quán triệt trong các chính sách đối nội và đối ngoại, trong quan hệ bang giao với nhà Nguyên, nhà Minh, và trong công cuộc xây dụng đất nước, phát triển văn hoá. Tinh thần đó còn như ngưng đọng lại trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn và một loạt tác phẩm văn học đại diện dòng văn học yêu nước đương thời.
Vào cuối đời Trần, tuy triều đình suy thoái, mâu thuẫn với nhân dân trở nên gay gắt, nhưng trước sau triều Trần vẫn giữ được tinh thần dân tộc. Trước những yêu sách mang tính đe doạ và dụ dỗ của nhà Minh, triều Trần đối phó một cách mềm mỏng nhưng vẫn đứng trên lập trường bảo vệ kiên quyết độc lập, chủ quyền quốc gia. Sống trong buổi suy thoái của triều, Trần Dụ Tông (1341 - 1369) vẫn tỏ ra rất tự hào khi viết những lời thơ:
Đường, Việt khai cơ lưỡng Thái Tông,

Đường xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong.
Kiến Thành tru tử, Yên Sinh tại,
Miếu hiệu tuy đồng đức bất đồng.

(Sáng nghiệp Đường, Việt hai Thái Tông.
Đường là Trinh Quán, Việt Nguyên Phong.
Kiến Thành bị giết, Yên Sinh sống
Miếu hiệu như nhau, đức chẳng đồng)[4].
Trong thiết chế chính trị và tư tưởng, nhà Trần có mô phỏng một số quan tước của nhà Tống, có sử dụng Nho giáo, luôn luôn khẳng định "không theo chế độ nhà Tống" vì “Nam Bắc khác nhau", "Nam Bắc nước nào làm chủ nước đó"[5].
Trong bộ máy chính quyền của nhà Trần có sự kết hợp chặt chẽ giữa tầng lớp quí tộc huyết thống họ Trần và tầng lớp quan liêu đang phát triển.
Tính chất quí tộc huyết thống hay quí tộc đồng tộc họ Trần là một nét nổi bật của vương triều Trần. Chế độ hôn nhân nội tộc vốn là đặc điểm của một số tộc người ở vùng Đông Nam Á, được Trần Thủ Độ nâng lên thành qui chế để bảo vệ dòng họ, làm cho tầng lớp quí tộc Trần mang tính chất đồng tộc cả nội và ngoại.
Họ Trần xuất thân từ nghề đánh cá ven biển, thuộc tầng lớp bách tính, thứ dân. Sau khi lên nắm chính quyền, họ Trần quan niệm: "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quí với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta cùng với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui"[6]. Quí tộc họ Trần có ý thức rất sâu sắc về địa vị thống trị của dòng họ và cũng có ý thức rất sâu sắc về quan hệ cộng đồng của dòng họ trong trách nhiệm và quyền lợi bảo vệ vương triều.
Trong buổi đầu, vua Trần và nhiều vương hầu tôn thất không có bao nhiêu vốn học vấn. Ngô Sĩ Liên nhận xét Trần Thái Tông "chưa có học thức"[7], các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho rằng Trần Thủ Độ "không có học vấn"[8]. Tất nhiên sau này tình hình đã thay đổi, trong hàng ngũ quí tộc họ Trần có nhiều người văn võ song toàn, tài hoa lỗi lạc, trong đó có những nhà thơ, nhà văn lớn. Nhưng trước sau quí tộc Trần vẫn giữ một phong thái chung là coi trọng tinh thần thượng võ, sống phóng khoáng. Sử cũ ghi nhận: "các vương hầu phần nhiều coi việc đánh nhau bằng tay không và một mình đi ăn cướp là dũng cảm"[9]. Thượng hoàng Trần Nhân Tông cũng nói: "Nhà ta vốn là người hạ lưu, đời đời chuộng dũng cảm"[10].
Do thiên hướng thượng võ, quí tộc Trần gần như nắm độc quyền chỉ huy quân đội. Lúc bình thường, quí tộc vương hầu có gia đồng như một lực lượng thân binh, và lúc có chiến tranh, được quyền tổ chức quân đội. Năm 1268 triều Trần qui định "chọn người tôn thất giỏi võ nghệ, tinh binh pháp để chỉ huy [quân đội]"[11]. Các chức võ quan cao cấp hầu hết thuộc về quý tộc Trần, nhất là trong giai đoạn đầu, và từ trong hàng ngũ quý tộc tôn thất đã xuất hiện nhiều tướng soái giỏi, nhiều nhà quân sự lỗi lạc.
Quí tộc Trần cũng nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong triều và ở những lộ trọng yếu. Các hoàng thân, vương hầu thường có thái ấp, phủ đệ riêng, nên như Ngô Sĩ Liên đã nhận xét "khi chầu hầu thì đến Kinh đô, xong việc lại về phủ đệ”[12]. Những hoàng thân được cử giữ cương vị Tể tướng thì "thống lĩnh việc nước, nhưng cũng chỉ nắm đại cương thôi, còn quyền thì thuộc về Hành khiển". Ngô Sĩ Liên cho rằng vì thế mà "người khinh lại thành trọng, người trọng lại thành khinh"[13].
Do đó Nhà nước đời Trần không hoàn toàn mang tính chất quí tộc huyết thống, mà cần phải có sự tham gia ngày càng quan trọng của tầng lớp quan liêu xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.
Trong triều vua đầu tiên là Trần Thái Tông (1226 - 1258), bên cạnh chức Tể tướng và một số chức vụ chủ chốt ở trong tay quí tộc, có nhiều chức vụ cao cấp được trao cho những người ngoài họ Trần như Phùng Tá Chu làm đến Phụ quốc Thái uý, Nhập nội Thái phó, phong tước Đại Vương, Quan nội hầu; Phạm Kính Ân làm đến Thái phó, Thái uý, tước Quan nội hầu...
Số quan lại cao cấp ngoài dòng họ Trần càng ngày càng tăng lên. Năm 1268 nhà Trần bổ dụng nho sinh vào các Quán, Sảnh, Viện và sử cũ cho rằng "người văn học được giữ quyền bính bắt đầu từ đó". Sang thế kỷ XIV, trong triều đình càng có nhiều chức quan cao cấp, trọng yếu thuộc về tầng lớp quan liêu ngoài họ Trần. Ví dụ, năm 1323 trong triều Trần Minh Tông (1314 - 1329) có một loạt quan chức cao cấp ngoài họ Trần như Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Thiên Hư, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dữ, Phạm Mại, Phạm Ngô, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Xuy, Trương Hán Siêu, Lê Cự Nhân…
Sự kết hợp giữa quí tộc tôn thất với quan liêu là hệ quả tất nhiên của chế độ quân chủ trung ương tập quyền, trong đó vai trò của tầng lớp quan liêu ngày càng quan trọng. Vì vậy nhà Trần phải chăm lo phát triển chế độ giáo dục và thi cử. Theo Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, nhà Trần đã tổ chức 10 kỳ thi Hội, lấy đỗ 316 Thái học sinh (theo Toàn thư là 328). Một tầng lớp trí thức phong kiến cao cấp đã thành hình và phát triển. Ngoài ra, nhà Trần còn tổ chức nhiều kỳ thi lại viên với hai môn viết và toán để đào tạo nhân viên cho các cơ quan hành chính trung ương và địa phương. Đội ngũ quan liêu và tính chất quan liêu của Nhà nước có xu hướng tăng lên, nhưng nói chung mức độ chuyên chế quan liêu chưa nặng nề. Cùng với xu hướng và yêu cầu phát triển đó của chế độ quân chủ, vị trí của Nho giáo càng ngày càng được tăng cường và lấn át dần Phật giáo.
4. Nhà nước Trần càng ngày càng mang tính chất phong kiến gắn liền với quá trình phong kiến hoá xã hội đương thời.
Theo tôi, lịch sử Việt Nam có trải qua một thời kỳ phát triển của chế độ phong kiến, nhưng thuộc một loại hình phong kiến phương Đông, có nhiều đặc điểm khác với chế độ phong kiến phương Tây. Quá trình hình thành chế độ phong kiến Việt Nam không phải diễn ra theo con đường phát triển của kinh tế lãnh địa với quan hệ lãnh chúa - nông nô hay nói chung là quá trình nông nô hoá, như phương Tây. Quá trình phong kiến hoá xã hội Việt Nam là quá trình bảo tồn và phong kiến hoá cơ cấu công xã nông thôn kết hợp với quá trình phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất cùng với tầng lớp địa chủ và quan hệ địa chủ - tá điền. Nhà nước đời Trần vừa là nhân tố thúc đẩy quá trình phong kiến hoá đó, vừa là sản phẩm của quá trình đó.
Quá trình phong kiến hoá cơ cấu công xã nông thôn đã bắt đầu từ trước và được đẩy mạnh trong thời Trần, biểu thị rõ nét trong mối quan hệ giữa nhà Trần với làng xã. Cho đến đời Trần, làng xã dựa trên cơ sở công xã nông thôn kiểu Á châu còn tồn tại phổ biến và nắm quyền quản lý một bộ phận lớn ruộng đất trong nước (thời Trần gọi là quan điền). Chế độ sở hữu nhà nước đối với ruộng đất làng xã đã bước đầu được xác định với cải cách của Khúc Thừa Hạo và được nâng cao dần qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý. Đến đời Trần, quyền sở hữu Nhà nước đối với bộ phận ruộng đất này càng được tăng cường. Nhà nước không những có quyền ban cấp ruộng đất công của làng xã cho quý tộc, công thần, mà khi cần thiết có thể bán quan điền (năm 1254 bán mỗi mẫu 5 quan tiền). Đặc biệt, 1242 nhà Trần qui định tô ruộng mỗi mẫu 100 thăng thóc, mà nhiều nhà nghiên cứu cho là tô ruộng đất công của làng xã. Chế độ tô ruộng đã xuất hiện từ thời Bắc thuộc, nhưng tư liệu không cho biết mức tô đối với từng loại ruộng đất và cũng chưa thấy chính quyền căn cứ vào diện tích ruộng đất để thu tô. Có nhiều khả năng cái gọi là tô ruộng lúc đó chỉ là một thứ thuế hay một thứ cống nạp đối với cư dân nông nghiệp và tính theo hộ khẩu hay đinh, chưa phải là địa tô theo ý nghĩa đầy đủ của nó. Nhà Trần lần đầu tiên qui định mức tô theo đơn vị diện tích cho loại ruộng đất công của làng xã. Như vậy, trên thực tế người nông dân công xã đã trở thành người tá điền của Nhà nước và hình thức cống nạp theo "phương thức sản xuất châu Á" đã chuyển thành chế độ địa tô thực sự.
Đồng thời nhà Trần càng ngày càng muốn nắm lấy bộ máy quản lý làng xã. Điều đó được thể hiện ở ngạch xã quan qui định năm 1244 và các chức Đại tư xã, Tiểu tư xã tồn tại từ năm 1244 đến 1397. Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng làng xã thời Trần vẫn bảo tồn được quyền tự trị rộng lớn trên nhiều phương diện như quyền phân chia ruộng đất công theo tục lệ, quyền cử người quản lý việc làng...
Cùng với quá trình phong kiến hoá cơ cấu công xã nông thôn là quá trình phát triển của quan hệ phong kiến dưới dạng quan hệ địa chủ - tá điền diễn ra bên trong và bên ngoài làng xã. Trong thời Trần, chế độ tư hữu ruộng đất tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Triều Trần đã nhiều lần qui định chặt chẽ chế độ mua bán, cầm đợ ruộng đất tư, cách thức làm văn khế mua bán ruộng đất. Một tầng lớp địa chủ có ruộng đất tư hữu ngày càng phát triển, trong đó bao gồm địa chủ thứ dân và cả địa chủ quan lại, địa chủ quí tộc. Phương thức bóc lột của tầng lớp địa chủ phong kiến này có kết hợp với chế độ nô tỳ và chế độ nông nô trong mức độ nào đó, nhưng chủ yếu là dựa vào quyền sở hữu ruộng đất và quyền bóc lột địa tô đối với nông dân tá điền. Kinh tế địa chủ và quan hệ địa chủ - tá điền tuy khác với kinh tế lãnh địa và quan hệ lãnh chúa - nông nô, nhưng đều thuộc phạm trù của chế độ phong kiến.
Dưới triều Trần, chế độ phong kiến đã thành hình rõ nét. Nhưng do đặc điểm của quá trình phong kiến hoá như trên đã phân tích nên trong xã hội thời Trần vẫn tồn tại chồng chất và đan xen nhiều hình thái xã hội khác nhau, nhiều quan hệ bóc lột phức tạp. Đấy là một thực tế lịch sử biểu hiện kết cấu kinh tế - xã hội đặc thù của chế độ phong kiến Việt Nam.
5. Vào cuối đời Trần, từ nửa sau thế ky XIV, chế độ nhà Trần lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc trên nhiều phương diện
Nhiều nhà nghiên cứu đã gắn cuộc khủng hoảng này với sự tan rã của kinh tế điền trang thái ấp, với yêu cầu giải phóng nông nô – nô tỳ, với cuộc đấu tranh xã hội của quần chúng, với sự phê phán Phật giáo của tầng lớp Nho sĩ… Riêng về mặt nhà nước, tôi thấy cần bổ sung thêm, cuộc khủng hoảng đó còn biểu hiện mâu thuẫn giữa tầng lớp quí tộc huyết thống với tầng lớp quan liêu Nho sĩ trên đường phát triển của chế độ quân chủ tập quyền.
Tầng lớp quan liêu Nho sĩ càng ngày càng giữ vai trò quan trọng trong bộ máy Nhà nước tập quyền và thao túng cả triều đình, nhưng tầng lớp quí tộc tôn thất vẫn nắm quyền thống trị cao nhất và hưởng nhiều đặc quyền. Khoảng năm Đại Trị (1358 -1369), một số quan liêu Nho sĩ muốn cải cách, thay đổi chế độ nhà Trần. Lê Quát, Phạm Sư Mạnh được coi như đại biểu cho xu hướng cải cách này.
Rất tiếc cho đến nay tư liệu thu thập được không cho biết rõ nội dung cụ thể của những đề nghị cải cách do nhóm quan liêu Nho sĩ chủ trương. Nhưng có điều có thể suy đoán được tầng lớp quan liêu Nho sĩ này chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo và muốn chuyển chế độ nhà Trần sang mô hình Nho giáo. Do đó xu hướng cải cách có mặt chủ trương canh tân tiến bộ, nhưng lại mang tính chất vọng ngoại, thiếu tinh thần độc lập tự chủ. Trong lúc đó tầng lớp quí tộc Trần sức bảo vệ chế độ cũ đã lỗi thời và bảo thủ, nhưng trước sau lại đứng trên lập trường dân tộc, chống sự vay mượn, du nhập ngoại lai. Trần Dụ Tông đã phê phán xu hướng cải cách: "Nhà nước đã có phép tắc nhất định, Nam Bắc khác nhau, nếu nghe theo kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường tiến thân thì sinh loạn ngay”[14]. Sau đấy Trần Nghệ Tông cũng kịch liệt công kích biện pháp của "kẻ học trò mặt trắng" và kiên quyết chủ trương khôi phục, bảo vệ chế độ nhà Trần theo lệ đời Khai Thái (1324 -1329). Lý lẽ nhà vua là: "Triều trước dựng nước, tự có phong độ, không theo chế độ nhà Tống là vì Nam Bắc đều chủ nước mình, không phải noi nhau. Khoảng năm Đại Trị (1358 - 1369), kẻ học trò mặt trắng được dùng không hiểu ý sâu xa của sự lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục của phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương không thể kể hết”[15].
Như vậy cuộc đấu tranh giữa quí tộc Trần và quan liêu - Nho sĩ lại diễn ra thành cuộc đấu tranh giữa xu hướng bảo thủ nhưng có tinh thần dân tộc với xu hướng cải cách nhưng lại rập theo mô hình Nho giáo ngoại lai. Đây chính là mặt hạn chế của cả hai xu hướng dẫn chế độ nhà Trần đến chỗ bế tắc, sụp đổ. Sự bế tắc đó xét cho đến cùng, cũng do kết cấu kinh tế xã hội lúc bấy giờ qui định.
Đặt trong bối cảnh chung của thế giới, cuối thế kỷ XIV sang đầu thế kỷ XV là lúc ở phương Tây kinh tế hàng hoá đang phát triển mạnh, mầm mống tư bản chủ nghĩa đã ra đời để dẫn đến tích luỹ nguyên thuỷ của chủ nghĩa tư bản vào cuối thế kỷ XV và sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản vào đầu thế kỷ XVI. Chế độ phong kiến phương Tây chuyển sang giai đoạn hậu kỳ gắn liền với quá trình phát sinh, phát triển và chiến thắng của chủ nghĩa tư bản.       
Nhưng ở Việt Nam và phương Đông nói chung, những biến động chính trị xã hội thời đó lại diễn ra trên cơ sở một kết cấu kinh tế xã hội kiểu Á châu, trong đó kinh tế hàng hoá chưa phát triển cao và mầm mống tư bản chủ nghĩa hoàn toàn chưa có điều kiện để nảy sinh. Vì vậy xu hướng cải cách không có những tiền đề kinh tế xã hội cần thiết ở bên trong để đưa đất nước tiến lên một bước cơ bản, mà lại mô phỏng theo mô hình bên ngoài. Sự sụp đổ của triều Trần, sự kết thúc của tầng lớp quí tộc huyết thống họ Trần, trong hoàn cảnh lịch sử đó, dù có trải qua những cố gắng canh tân với những khảo nghiệm đầy khó khăn của triều Hồ, rồi cũng dẫn chế độ phong kiến chuyển sang mô hình quân chủ quan liêu Nho giáo ở thế kỷ XV. Về khách quan, đó là một bước phát triển của chế độ phong kiến, nhưng cũng đồng thời là bước mở đầu cho thời kỳ thống trị của chế độ quân chủ chuyên chế quan liêu với tất cả những mặt tích cực và những hậu quả của nó.

[1] Cao Hùng Trưng, An Nam chí (nguyên), H.1932, Q.3, tr.180
[2] Lê Trắc, An Nam chí lược, sách chữ Hán, chép tay, Q.14 (quan chế).
[3] Cao Hùng Trưng, An Nam chí (nguyên), sđd, tr.145
[4] Thơ văn Lý – Trần, Nxb Khoa học xã hội, H.1978, T.III, tr.241-242
[5] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, 1985, T.II, tr.138, 151
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.35
[7] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.40
[8] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.32
[9] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.23
[10] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.75
[11] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.34
[12] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.30
[13] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Sđd, tr.30
[14] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T.II, tr.145
[15] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T.II, tr.158

Tác giả: GS. Phan Huy Lê

Khoa Đông Phương học 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây