Phật giáo từ Siddharta đến Asoka

Thứ sáu - 22/04/2016 00:00
Phật giáo từ Siddharta đến Asoka
Phật giáo từ Siddharta đến Asoka

Ông trở thành một nhân vật huyền thoại, có những cách hiểu, cách đánh giá khác nhau, gây nên những cuộc tranh luận kéo dài. Bài này dừng lại chủ yếu ở mặt những đóng góp của ông về văn hóa, tôn giáo, tuy nhiên, dù vai trò cá nhân của ông có lớn đến đâu cũng không thể tách rời thời đại ông, vương triều mà ông là một người đại diện. Có thể nói khái quát, ông là  nhân vật cuối, kết thúc cả ba vương triều thống nhất và xây dựng trên lưu vực Ganga trải dài trong nửa sau thiên kỷ I trước Công nguyên, một thời kỳ đặt nền móng, có ý nghĩa lớn:

 1. Lưu vực sông Hằng, Đông Bắc Ấn Độ trải qua một nghìn năm đầu tiên khai phá (từ khoảng 1.500 năm đến 500 năm trước Công nguyên) của các bộ lạc làm nông nghiệp và chăn nuôi, làm đồ gốm áo mầu đen bóng và những đồ trang sức bằng đá đen. Đây là cả một thời gian dài mà đời sống vật chất và tinh thần được phản ánh qua những vần thơ truyền khẩu được gọi là kinh Veda. Đó cũng là thời mà cư dân ở đây tin thờ thần thánh Veda (Vedaisme) hay Bà La Môn (Brahmanisme). Họ tập hợp thành hai liên minh bộ lạc, từ đó thành hai nhóm tiểu quốc sơ kỳ, thường không tránh được sự tranh chấp đất đai, tranh giành ưu thế trên đường phát triển. Tình hình đó ít nhiều được phản ánh trong bộ sử thi lúc đầu truyền khẩu là Mahabharata.

Khoảng năm 500 trước Công nguyên, các tiểu quốc được tập hợp, thu phục trong hai quốc gia phát triển nhất, mạnh nhất là Magadha và Kosala. Vua đầu tiên của Magadha là Bimbissara tự nhận là cùng thời với Siddharta, tức Sakya Muni, tức Buddha hay Phật tổ.

 Đây là một bước ngoặt. Nhưng cũng có thể nói khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên  dường như là một bước ngoặt trong lịch sử loài người:

a. Ở đây là sự xuất hiện của Siddharta (ca 624-543 trước Công nguyên) và sự truyền bá Phật giáo; cũng là thời điểm chuyển từ Bà La Môn sang Hindu giáo (Hinduisme). Phật giáo và Hindu giáo cùng tồn tại, đối xứng nhau trong xã hội Ấn Độ qua mấy thế kỷ (từ giữa đến cuối thiên niên kỷ I trước Công nguyên), trở thành một hiện tượng rất đặc sắc của lịch sử - văn hóa thế giới.

  b. Ở một trung tâm khác, phía tây, ở Địa Trung Hải, trên bán đảo Hy Lạp, nhà nước Aten - Polis Athinai, là thời của Perikles (ca 495-429 trước Công nguyên), cũng là thời của Phidias và Praxiteles xây Parthenon, thời mà quyền và giá trị con người công dân (demos) đạt tới đỉnh cao và trở thành kiểu mẫu của mọi thời đại.

c. Ở Trung Quốc, đây là bước chuyển từ thời Xuân Thu sang thời Chiến Quốc, thời Khổng Tử (551-479 trước Công nguyên), người sáng lập hệ tư tưởng Nho giáo đã chế ngự một thời trong tư tưởng và nhiều thời trong xã hội nông nghiệp phụ quyền Đông Á.

d. Ở bờ biển Đông Nam Á là sự khởi đầu của Văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và Cần Giờ, bắt đầu của thời đại đồ sắt, chuẩn bị cho sự ra đời của Nhà nước mà trước hết là Nhà nước Âu Lạc trên lưu vực sông Hồng.

e. Tất cả các sự kiện gần đồng thời đó, có quan hệ gì với nhau không? Là ngẫu nhiên hay là quy luật của Trời Đất? Hiện chưa có câu trả lời.

2. Xin hãy trở lại Ấn Độ ở thời điểm ban đầu. Đạo Bà La Môn thịnh hành từ khoảng 1.500 năm đến 500 năm trước Công nguyên gắn liền với sự phân hóa xã hội ban đầu, với chế độ sắc đẳng Varna và với tín ngưỡng giáo điều “Con người phải tuân theo Đạo Pháp (dharma), trong đó, con người phải chịu hệ lụy - nghiệp chướng (karma) do sự luân hồi (samsara) từ kiếp trước”. Nói cách khác, mỗi con người có số phận và phải chấp nhận số phận do thần thánh an bài.

a. Đến khoảng 500 năm trước Công nguyên, tình hình xã hội Ấn Độ có những biến đổi trên đà phát triển, Hindu giáo thay thế Bà La Môn giáo, nhưng không tạo nên sự đảo lộn, mà giữ nguyên và mở rộng hệ thống thần thánh, hoàn chỉnh giáo lý và lễ nghi, một hệ thống chi tiết hơn, rộng lớn hơn trên cơ sở bảo tồn giáo lý cơ bản của Đạo Pháp, dharma. Một tôn giáo mới mở rộng trên nền tôn giáo cũ, giáo lý cũ, nhưng thích hợp với tình hình mới: xã hội phân hóa sâu sắc hơn, lồng trong cả sự phân biệt đẳng cấp casta khắc nghiệt hơn. Sự phân hóa giàu nghèo làm tăng lòng ham muốn và cũng tăng nỗi thất vọng. Sự phân đẳng cấp lại khơi sâu sự cách biệt, chà đạp nhân phẩm. Những điều đó dẫn tới tình cảnh “nước mắt của chúng sinh chứa đầy ba biển lớn”, nỗi đau khổ của con người tràn ngập khắp nơi. Đó là bối cảnh ra đời của giáo lý Phật.

b. Hạt nhân của Phật giáo là giải thích  nguồn gốc của nỗi khổ và con đường cứu khổ. Sinh ra trên đất Ấn Độ, thấm đượm tư duy Ấn Độ, sống trong khung cảnh kinh tế -xã hội Ấn Độ thời đó, người ẩn sĩ của bộ lạc Sakya vẫn không sao thoát ra khỏi ý nghĩ về số phận, về sự luân hồi và nhân duyên, cũng là hệ lụy của Đạo Pháp, nhưng nếu như Hindu giáo hầu như lờ đi khả năng giải thoát - moksa, tuy có nói đến, thì Siddharta là người đầu tiên nhấn mạnh sự giải thoát và khả năng giải thoát khỏi luân hồi, tuy rằng rất không cụ thể, bởi giải thoát bằng quan niệm - nhận thức về sự hư vô (shunyata) của cuộc sống trần ai. Phật khuyên rằng bất kỳ ai nếu chịu tu luyện theo tám con đường đúng thì đều có thể đạt tới cõi Phật, đều được giải thoát khỏi luân hồi. Chỉ như thế cũng đã đủ thấy Phật giáo dù không tuyên ngôn ồn ã, cũng đã tỏ rõ tình thương người, lòng khoan dung và ý thức về sự bình đẳng chúng sinh trên con đường tu luyện: một niềm an ủi lớn và một sự khích lệ lớn.

c. Cả hai tôn giáo cùng truyền bá không ngừng mở rộng, đan xen nhau trong dân cư vùng Bắc Ấn hẳn là một cách lặng lẽ, hòa bình, nhưng trong bối cảnh diễn tiến chính trị rất sôi động và phong phú:

- Vương triều đầu tiên của Magadha, triều Bimbissara trải qua tám đời vua, từ năm 550 đến 360 trước Công nguyên.

- Vương triều thứ hai, gọi là Nanda, hơi ngắn (360-321 trước Công nguyên) và hơi phẳng lặng, rồi kết thúc bằng cuộc tấn công xâm nhập vùng Bắc Ấn của đạo quân Hy Lạp - Makedonia do Aleksandros Đại đế chỉ huy.

- Vương triều thứ ba, Maurya (con Công) do Chandra Gupta sáng lập sau khi đánh lui được đạo quân Hy Lạp lưu trú ra khỏi vùng Ngũ Hà - Panjab, thượng nguồn sông Indus. Vương triều này và có lẽ ngay từ đầu đời Chandra Gupta (321-297 trước Công nguyên) là thời mà học giả Panini hoàn thành việc chỉnh lý, hoàn thiện, từ ngữ, chữ viết và văn phạm Phạn ngữ (Sanskrit), mở đầu việc ghi chép các kinh tịch, truyện và thần thoại Hindu giáo (Purana).

Đây là thời Đức vua trọng dụng Kautilya, một học giả rất nổi tiếng, đã biên soạn Arthasastra - Luận về bổn phận mà một số tác giả nước ngoài thường dịch là “Khoa học chính trị" và giúp vua cai trị đất nước được phồn vinh.

Đây cũng là thời tiếp xúc và giao lưu văn hóa Đông - Tây, Hy Lạp - Ấn Độ. Quan hệ tương tác thực sự nên ít nhất cũng đã tạo nên một phong cách nghệ thuật tượng Phật giáo - Hy Lạp (Art greco-bouddhique) với những trường phái địa phương như Gandhara ở vùng Panjab, Mathura ở Bắc Ấn Độ, Amaravati ở Đông - Nam Ấn Độ. Cùng với Arthasastra của Kautilya, người ta còn biết khá nhiều về xã hội Ấn Độ qua tác phẩm Indika (nước Ấn Độ), ghi chép của nhà ngoại giao và nhà văn hóa người Hy Lạp, Megasthenes, đã đến sống một thời gian dưới thời Asoka. Điều đó cũng cho thấy sự cởi mở của Ấn Độ với thế giới bên ngoài ngay từ giai đoạn rất sớm này.

 3. Vương triều thứ ba, gọi là vương triều Maurya (con Công), có ba vua, sau Chandra Gupta là Bindusara (297-272 trước Công nguyên)  là con trai, rồi đến cháu nội là Asoka (khoảng 268-232 trước Công nguyên) - đỉnh cao của lịch sử Ấn Độ cổ đại, đánh dấu một thời kỳ rất đặc sắc mà những công tích của vương triều và nhất là ông vua cuối của vương triều - Asoka, đã gây nên những cuộc tranh luận sôi nổi về nhiều vấn đề của vương triều này:

a. Cuộc chinh phục của Asoka

Vương triều Maurya lập nghiệp trên cơ sở giải phóng lãnh thổ miền Tây - Bắc, thống nhất và mở rộng miền Đông - Bắc trên lưu vực sông Ganga, đã có điều kiện và có nhu cầu tiếp tục phát triển bằng cách  chinh phục các vùng, miền khác của bán đảo Hindustan. Có một số nhà sử học cho rằng công cuộc chinh phục này đã được tiến hành có kết quả từ đời ông và vua cha của Asoka, tuy nhiên, chắc rằng chưa rộng khắp và chưa được chắc chắn, khi còn lại một quốc gia khá mạnh vẫn còn đứng riêng, đứng chắn con đường đi xuống phương Nam là Kalinga, ở bờ biển phía Đông, phía Bắc Deccan, Bắc sông Godavari. Nhiệm vụ này đặt ra cho Asoka. Sau khi lên ngôi, ông đã chuẩn bị một lực lượng hùng hậu, tấn công Kalinga, mạnh mẽ, bền bỉ trong một thời gian dài, cuối cùng đã giành được thắng lợi. Trong một bản văn khắc, ông khoe “đã giết được 100.000 quân địch, bắt 150.000 người, thu được nhiều của cải, vũ khí, đồ dùng...” (R. Thapar, 1966); từ đây, mở ra con đường chinh phục các vùng lãnh thổ khác của Asoka, đặc biệt là bờ biển  Tây Ghat, vùng Deccan và miền Nam.

b. Đế quốc Asoka

Một số nhà sử học chưa tin vào lãnh thổ đã được chinh phục, mở rộng đến mức nào của Asoka. Người khác lại dựa vào sự  phân cách của địa hình, sự khác nhau giữa thực tế các vùng, đã hoài nghi về đế quốc cổ đại Ấn Độ. Một số người khác, trong đó có Bongard Levin, R. Thapar, lại dựa vào bản đồ các văn khắc của Asoka, có thể tin là Asoka đã thực tế chinh phục, thống nhất được gần hết tiểu lục địa Hindustan, cả vùng lưu vực sông Indus, nay thuộc Pakistan, chỉ trừ một mỏm cực Nam, phía Nam sông Kaveri, là quốc gia Pandyas sau này. Bản đồ  được vẽ lại ở đây dựa theo bản của Romila Thapar (1966),  Rama Shankar Tripathi (1942) và của Namita Sugandhi (2003).

Rama Shankar Tripathi (1942) thì tin và trình bày cơ sở của đế quốc Asoka đó: theo ông, chính Asoka coi quốc gia của mình là một đế quốc (Savaputha viyam) và đã thốt lên “đế quốc của ta rộng lớn biết bao!” (mahalake hi vijtam).

Ngày nay, người ta biết về đế quốc này chủ yếu qua mô tả trong Arthasastra mà nó được xây dựng theo đề án của Kautilya, tức là hiện thực đến đâu thì chưa rõ: triều đình có Tể tướng (Mantris) giúp việc vua, đứng đầu chính phủ (Parisad), gồm có bốn “bộ”/thượng thư, cai quản 18 ban (Tirthas), trong đó có Purohita (Đại Tăng), Senapati (Chỉ huy quân đội), Samaharta (thuế vụ), Sannidhata (Kho bạc), Dandapala (Cảnh sát), Lavana (Muối), Pattana (Cảng vụ), Samstha (Thương mại), Paura (Đô trưởng - phụ trách kinh đô)...

Đế quốc chia làm một số “tỉnh”; cấp địa phương này có một Ban điều hành, gồm cả sáu sở, mỗi sở có năm thành viên phụ trách.

Quân đội được tổ chức thành sáu doanh: Bộ Binh (ta được biết có 600.000 người), Kỵ (30.000 ngựa), Tượng (9.000 voi), Xa (8.000 xe), Hậu cần, Vận chuyển... Ta còn được biết qua ghi chép của Megasthenes, thủ đô Pataliputra là đô thị lớn nhất ở Ấn  Độ: dài 90 stadia (18 km), rộng 1,5 stadia (3 km), có thành cao, hào sâu, 570 tháp, 64 cổng. Tọa lạc trên doi đất giữa hai sông  Erannoboas (Sone) và Ganges. Ngày nay, thủ đô xưa cũ chỉ còn lại một ít phế tích, nên không thể xác định những điều mô tả thực, hư đến mức nào.

c. Asoka và Phật giáo

Asoka lên ngôi (ca 268 trước Công nguyên) khi Phật tổ Siddharta viên tịch đã qua 275 năm (543-268 trước Công nguyên) và cũng bằng ấy năm, Phật giáo được truyền bá ở Ấn Độ, thì 36 năm cầm quyền sau đó, cũng chủ yếu là thời gian chinh chiến, trận mạc liên miên, ông có vai trò gì với Phật giáo? Lên ngôi khoảng tám năm (ca 260 trước Công nguyên), Asoka đem quân tiến đánh Kalinga; ngay sau trận này, giết hại sinh linh nhiều quá, ông ăn năn, nên đã “dốc lòng theo Phật giáo và giảng giải giáo lý Phật”. Có tác giả cho rằng điều đó biểu hiện ở những văn khắc của ông và việc ông hỗ trợ chấn hưng Phật giáo. Giáo lý Phật đâu phải có nhiều điều lý thuyết để học, để thảo luận. Vấn đề là làm chứ không phải là học thuộc, là nói. Ông có tự bạch “có hai năm rưỡi đi làm upasaka, nhưng cũng không hành được tốt (MRE I). Nghĩa Tĩnh kể lại đã xem  thấy hình vẽ Asoka mặc áo tu hành, mặt khác, hoàng đế  lại luôn luôn có một đám đông cung tần, thị nữ vây quanh và cả một đội nữ vệ binh trang bị cung tên (Strabo, XV, 55; Arthasastra, I, 21).

Trong những năm trị vì của ông, Hội đồng Phật giáo được Asoka bảo trợ triệu tập họp ba lần:

- Lần 1, họp ở Rajagriha do Đại tăng Mahakasyapa triệu tập và chủ tọa.

- Lần 2, họp ở Lichavi do Đại tăng Vaisaly làm chủ tọa.

- Lần 3, biết rõ hơn: họp năm thứ 17 triều vua của ông (251 trước Công nguyên) tại Thủ đô Pataliputra do Đại tăng Mogaliputra Tissa Upa Gupta chủ trì. Đến thời điểm này đã xuất hiện ít nhất 12 giáo phái khác nhau, nên các hội nghị có mục đích chủ yếu là uốn nắn sự đi chệch hướng, sự chia rẽ và hiềm khích với nhau.

Asoka đã cho làm một số văn khắc, rất nổi tiếng mà qua đây, có thể hiểu rõ các hoạt động của ông. Trước đây có tác giả gọi chung là "Cột Asoka", dễ nhầm lẫn với cột sắt Samudra Gupta ở Delhi, (335-375 sau Công nguyên).

 Theo bản đồ của R. Thapar (1966) và của N. Sugandhi gần đây (2003) thì có 31 văn khắc, còn theo thống kê của R.S. Tripathi cũng có 31 bản. Các tác giả Ấn Độ có thói quen phân loại theo hình dáng và gọi là chỉ dụ (Edict): khắc trên bảng đá (tương đối lớn) (rock) (vách đá mài nhẵn) gọi tắt là RE, trên phiến, nhỏ hơn (minor rock) (MRE) và trên cột (pillar) (PE), là phiến đá cao, hẹp, trông như cột. Cụ thể có: hai bảng RE, một phiến MRE, 16 bảng trong hang (Cave RE), bảy cột PE, hai bảng riêng và ba cột nhỏ.

Các bản văn này đều được viết/khắc bằng phương ngữ Prakrit và chữ Brahmi. Vùng Tây Bắc (Penjab) thì viết ngữ Prakit, chữ Kharosthi, có bản viết chữ Hy Lạp và Aramaic của vùng Lưỡng Hà (Xin xem ảnh chụp một bản chữ Brahmi). Các bản văn này không hoàn toàn giống nhau, tùy mỗi nơi có thêm bớt, nhưng nội dung và tinh thần cơ bản thì giống nhau. Lời văn, theo A.Sen (1956), D.C.Sircar (1979), V.A.Smith (1901) thì  thô, vụng, rườm rà, rắc rối, dài dòng, nhiều từ, ý điệp. Nhờ có James Prinsep, học giả người Anh, giải mã được chữ Brahmi năm 1837 mà những năm sau đó, các học giả Ấn Độ dịch đi dịch lại, sửa chữa mà ngày nay đã có khá đủ các bản văn đó và bản dịch ngày càng hoàn thiện hơn. Dưới đây là một số bản dịch dựa theo bản dịch tiếng Anh, chủ yếu của R.S. Tripathi, có tham khảo, đối chiếu với một số học giả khác.

1. R.E III

Đức vua Priyadarsin[1] chỉ dụ:

 “Vào năm thứ 13 trị vì của ta,Trẫm ra lệnh: Trên khắp mọi miền trong lãnh thổ của ta, các vương hầu, công khanh, thuộc quan[2], phải xem xét cứ năm năm một lần, báo cáo lên Hội đồng[3] về công việc đặc biệt bổ sung cho những công việc khác liên quan đến Luật về Tình thương, tức là “Hiếu thảo với cha mẹ là đức tốt, rộng lòng với bạn hữu, người quen, người thân, với Brahman và ẩn sĩ là đức tốt. Giáo phẩm phải khuyên bảo như thế với mọi công khanh, thật chi tiết cả lời và ý.

Đức vua Priyadarsin sủng ái của thần thánh đã nói như thế này: đây là lệnh của Trẫm, Đức vua đã ngự trên ngôi báu được 12 năm, rằng trên toàn lãnh thổ của ta, cứ năm năm một lần, các Yuktas, Rajukas và Pradesikas[4] phải đi đến khắp mọi nơi để dạy bảo dharma đó và làm những công việc khác: Hiếu với cha mẹ là đức tốt. Đễ với anh em, với bạn hữu, người quen, người thân, ẩn sĩ, Brahmins là đức tốt. Không sát sinh cũng là đức tốt. ít ngông cuồng và ít tư lợi cũng là đức tốt. Hội đồng cũng sẽ chỉ định Yuktas theo đăng ký, theo lý lẽ và đơn thỉnh cầu”.

2. R.E. XIII

Đây là ý của Đức vua Sủng ái của Thần thánh: sự chinh phục đáng quý nhất là sự chinh phục dharma. Điều đó lại có được ở đây bởi Sủng ái của Thần thánh, kéo dài tới biên cương xa tới 600 yojanas, trên thì đến cả nơi có vua của Yona tên là  Antiochus và xa hơn nữa, nơi có bốn vua gọi là Tulamaya, Antekina, Maka và Alikasudara[5], dưới thì đến Cholas, Pandya[6], lại ngược lên đến Tamabraparni và cũng như vậy, nơi có các khu cư trú thuộc Đức vua ở vùng của người Yonas, Kambojas, Nabhakas, Nabhapamtisus, Bhojas, Pitinikas, Andhras và Paradas[7]. Khắp nơi đó, nghe  và thực hành lời dạy Dharma của đấng Sủng ái của Thần thánh, thực hành và theo dharma. Khắp mọi nơi nào chinh phục được điều đó đều cảm thấy hoan hỉ. Có niềm hoan hỉ đó là do chinh phục được dharma.

3. MRE II

Sủng ái của Thần thánh truyền như thế - những gì Sủng ái của Thần thánh nói là để thi hành, là yêu cầu với Rajukas, với dân chúng và với Rastrikas: phải hiếu với cha mẹ, đễ với huynh trưởng, yêu thương đồng loại. Nói điều chân thật là những phẩm chất dharma cần phải thực hành. Các người phải tuân theo điều đó của đấng Sủng ái của Thần thánh, phải truyền lại với quản tượng, thư lại, xà ích và Brahmins. Các người phải dạy bảo học trò thực hành điều cổ xưa đó. Đó là điều phải vâng lời. Vinh dự biết bao cho người thầy làm được điều đó, cùng với học trò, còn thực hành với cả người thân, cả người thân nữ, thực hành điều cổ xưa mà với học trò thì cần triệt để hơn nhiều. Đó là lời phán truyền của đấng Sủng ái của Thần thánh.

4. R.E XII

(Còn được gọi là chỉ dụ dung hòa)

“Đức vua thiêng liêng và kính yêu tôn trọng mọi giáo phái, các nhà tu hành cũng như các gia chủ. Người ban nhiều tặng phẩm khác nhau để tỏ lòng quý mến họ, nhưng Đức vua thiêng liêng không coi tặng phẩm và vinh dự được ban là lớn mà là nhằm gia tăng những yếu tố căn bản của mỗi giáo phái. Sự gia tăng thực chất đó gồm có nhiều mặt, nhưng cốt yếu là kiềm chế lời nói, là không ca tụng giáo phái này, chê bai giáo phái kia mà không có cơ sở nào. Chỉ có sự nhẹ nhàng, uyển chuyển mới là cơ sở thích hợp. Mặt khác, các giáo phái khác cũng sẽ được vinh hạnh nhờ cơ sở đó. Làm được như thế thì có thể làm tăng trưởng giáo phái mình mà cũng giúp được cho giáo phái khác. Nếu khác đi thì sẽ làm hại giáo phái khác và làm xấu giáo phái mình. Những ai chỉ tôn trọng phái mình, luôn chê bai phái khác, tức là chỉ nghĩ rằng “ta có thể làm vẻ vang môn phái của ta như thế nào” thì ngược lại, là hành vi làm tổn hại nặng nề môn phái của mình. Cho nên, chỉ có sự hoà hợp là đáng biểu dương mà mọi người cần phải nghe, mong muốn  nghe người khác thuyết lý. Đó thực sự là ước nguyện của Đức vua thiêng liêng, mong mỏi rằng mọi giáo phái đều có hiểu biết rộng và giáo lý đúng. Với những ai có được lòng trung thành như thế, sẽ được như lời của Đức vua thiêng liêng là vinh hạnh của tặng phẩm từ bên ngoài không bằng sự gia tăng của điều cốt yếu và hơi thở/sự ban phúc của mọi giáo phái...”.

 

Các địa điểm có Chỉ dụ Asoka trên bản đồ Ấn Độ

Bình luận

Các văn khắc phát hiện được trên khắp các vùng lãnh thổ cho thấy quyền lực của  vương triều Maurya thời Asoka thực tế bao trùm gần khắp bán đảo.  Một điều  đến nay chưa rõ là lý do vì sao mà thời Asoka và cả thời Sultanat Delhi sau này (1206-1526) ra sức bành trướng vẫn không thu phục được mỏm cực Nam?

Các văn khắc trích dịch ở đây đều tìm thấy chủ yếu ở vùng đất Kalinga, phía Đông - Bắc bán đảo, nơi diễn ra trận chiến chinh phục ác liệt của Asoka.

Có thể thấy cùng với việc bảo trợ cho ba hội nghị Phật giáo, việc xây nhiều stupas và việc dựng đặt 31 văn khắc chỉ dụ, ông thực sự là người tin theo Phật giáo; tin và theo vì nhiều lẽ, chứ không phải là người thấm nhuần giáo lý Phật, không phải sự ăn năn, kêu gọi từ tâm sau chiến tranh ác liệt, giáo lý Phật được ông diễn tả bàng bạc mơ hồ, thiếu hệ thống. Bằng sự kêu gọi hòa hợp, ông góp phần chấn hưng và phát triển Phật giáo, nhưng cũng có phần lớn là sự ổn định đế quốc đang có nguy cơ tan rã với 12 giáo phái và những nguyên nhân phân tán khác. Cho nên, có thể nói, mối quan tâm chủ yếu của Asoka là sự hòa hợp, bình ổn trong đế quốc của ông.

d. Asoka và lịch sử

Thật đã rõ, bán đảo Ấn Độ rộng lớn, lần đầu tiên hình thành một đế quốc. Romila Thapar, Giáo sư Trường Đại học quốc gia Nehru-Delhi cho rằng không cần phải bàn cãi đó có thực là một đế quốc hay không mà vấn đề là vì sao từ thế kỷ III trước Công nguyên lại có  thể có tư tưởng xây dựng một đế quốc với thiết chế cai quản khá hệ thống, cũng như đế quốc Roma, sớm hơn và hệ thống hơn đế quốc Tần - Trung Hoa?

Dù là với mức độ nào, ở đây gọi là đế quốc (Empire), đúng với ý của hoàng đế Asoka, một thiết chế được cai quản, tổ chức thống nhất, với những quy định thống nhất bên trong. Khái niệm đế chế thường mang ý nghĩa tượng trưng, như đế chế Đảo, đế chế dầu hoả...

Thời của vương triều Maurya và của Asoka nói riêng là hoàn cảnh xã hội - lịch sử của sử thi Ramayana. Nếu không có những cuộc tiến quân của Asoka, không có hiểu biết về Deccan và phương Nam thì cũng không thể có hiểu biết bổ sung cho sử thi này với cuộc viễn chinh của đạo quân vua Khỉ Hanuman về phương Nam, những cuộc hành quân dọc đường rừng, cuộc vượt biển đến đảo Lancasuka.

 Tư tưởng của sử thi Ramayana là “câu chuyện cảm động nhất về lòng hiếu thảo mà nhân loại có thể có được” (Tulsi Das).

 Đó cũng là điều mà Asoka hiểu một cách lờ mờ về dharma với nội dung chính, được nhắc đi, nhắc lại bằng “lòng hiếu với cha mẹ, đễ với anh em”, thêm một điều nữa cũng lơ mơ không kém là “rộng lòng với mọi người”, kể cả Brahmin. Đây không thuần túy là giáo lý Phật mà là quan niệm về dharma nói chung có từ trước Phật của  xã hội Hindu, của Homo Philosophicus Hindustus.

Vương triều Maurya và Asoka nói riêng đã đặt cơ sở, tiền đề của sự phát triển sau này của Ấn Độ trên toàn lãnh thổ, gần gũi hơn là của thời Gupta truyền thống, cổ điển từ miền Bắc Ấn và của văn hóa truyền thống Gupta, của những công trình chùa hang và tượng Phật Gupta ở miền ven biển xa xôi Tây Ghat, Adjanta và Elephanta, "vừa kỳ vĩ vô cùng, vừa tinh tế vô cùng” như lời của Đường tăng Huyền Trang.

Thời của vương triều Maurya và nói chung, nửa cuối thiên niên kỷ I trước Công nguyên, là thời kiến tạo cho tương lai Ấn Độ. Asoka cố gắng xây dựng một đế quốc thống nhất toàn bán đảo, về thiết chế, tổ chức, về vật chất và tinh thần. Đó là mấy thế kỷ hoàn chỉnh và phổ biến Hindu giáo, mấy thế kỷ sau Panini, Phạn ngữ (Sanskrit) được hoàn thiện, phổ biến, ghi lại các kinh tịch Hindu giáo, các sử thi và văn thơ Hinduist, trở thành ngôn ngữ và văn tự chính thức trong xã hội. Đó cũng là mấy thế kỷ phát triển Phật giáo, cả chiều rộng và chiều sâu. Phật giáo hình thành trên đất Bắc Ganga cho đến chân Himalaya, truyền bá tư tưởng Phật bằng phương ngữ miền Bắc, Prakrit và xây dựng chữ viết Pali để ghi chép kinh và thoại Phật giáo. Do điều kiện lịch sử mà chữ Pali ít phổ biến rộng, chỉ giới hạn chủ yếu trong các nhà tu hành Phật giáo và kinh tịch Phật giáo.

Cho đến đầu Công nguyên, ở Ấn Độ, cả hai dòng tư tưởng Phật và Hindu cùng song hành trong xã hội. Ở dạng lý thuyết đơn thuần, hai dòng tư tưởng này không khác nhau, cùng có nguồn gốc tư tưởng Ấn Độ cổ, nên có thể cùng tồn tại, thậm chí hòa quyện vào nhau. Tuy nhiên, cứu cánh khác nhau đã dẫn đến sự xa cách, thậm chí đi ngược chiều nhau. Con đường giải phóng của Phật là diệt dục, xa lánh trần ai, là "thoát tục”, "Niết bàn" (Nirvana) được thể hiện bằng hình ảnh đơn giản hóa, là nằm ngủ. Vì thế mà Phật giáo không có chỗ đứng trong lòng xã hội Ấn Độ. Từ đầu Công nguyên, Phật giáo suy giảm dần đến gần hết; tuy nhiên, nó lại tìm được sức sống ở những xã hội châu Á khác, theo con đường từ phía Bắc đi về Trung Á và Đông  Á, đi về phía Đông - Nam, đến Nam Á và Đông Nam Á. Theo chiều ngược lại, Hindu giáo chủ trương dung tục, tức là sống tự nhiên, sống thực; nên tượng thần thường khỏa thân, kể cả Siva, đôi khi còn cố ý nhấn mạnh sự khỏa thân của Siva, như hình tượng Nataraja ở Chola. Còn ở Khadjuraho và một số nơi khác, hình tượng những con người âu yếm nhau giữa thanh thiên bạch nhật; cứ như là con người chỉ tìm được tự do, sự giải phóng, bằng con đường này trong một xã hội không chạy đâu cho thoát áp bức, bóc lột và đe dọa. Cho nên, Hindu giáo ngày càng phổ biến rộng, ăn sâu trong xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử, ở đâu có người Ấn Độ, ở đó có Hindu giáo, bất chấp mọi trở ngại đe dọa.

 Ở Ấn Độ vốn ẩn chứa sẵn những mầm mống của sự chia rẽ về địa lý, dân cư và giáo phái, sau khi hoàng đế Asoka qua đời (năm 232 trước Công nguyên), đế quốc của ông tan rã, những thế kỷ cuối trước Công nguyên và mấy thế kỷ đầu Công nguyên ở Ấn Độ, đã diễn ra một quá trình ngược rất lý thú, rất lạ: Phật giáo tiêu giảm nhưng Hindu giáo tăng tiến dần, hình thành một nền văn hóa truyền thống Hindu Gupta theo cứu cánh Hindu giáo là chấp nhận thụ động dharma, tự giải phóng bằng cuộc sống tự nhiên, bản năng. Trong sự suy giảm chuyển biến đó, những công trình Phật giáo đồ sộ vẫn được khởi công, xúc tiến. Hàng chục chùa hang Adjanta và Elephanta, nhiều stupas lớn, như Sanchi trải dài từ thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ IV sau Công nguyên, rõ ràng là những công trình Phật giáo, nhưng phù điêu tượng và người lại mang đậm phong cách nghệ thuật Hindu Gupta, đầy sức sống tự nhiên, bản năng, “nơi nhục cảm gặp gỡ thăng hoa” (Rohini Sharma).

Nguồn: Khoa Lịch sử, Một chặng đường nghiên cứu lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.850-863.

 


[1]. Tên hiệu của Asoka.

[2]. Các quan chức thời Maurya.

[3]. Bộ máy quan chức thời Maurya.

[4]. Các chức tước thời Maurya.

[5]. Các quốc gia Bắc Ấn.

[6]. Các quốc gia Nam Ấn.

[7]. Các vùng dân cư ở thượng lưu sông Hằng.

Tác giả: GS. Lương Ninh

Khoa Đông phương học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây