GS.TS. Trần Ngọc Vương
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
Người ta thường rất hay nhắc đến những tấm bản đồ, những “chiến dịch bản đồ” không những được vẽ ra dưới thời Quốc dân Đảng, mà là cả từ khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời, và được tiến hành phân phát nhiều lần ra nhiều nước trên thế giới, cả châu Phi và châu Mĩ Latinh, trong đó nổi rõ một sự vô lý nếu đem đối chiếu đường biên giới trên bản đồ với đường biên giới Trung Quốc trên thực tế, và từ đó, có thể thấy rất rõ tính chất bành trướng trong ý đồ của những kẻ chỉ đạo để vẽ ra nó [1] . Nhưng có thể và cần thiết đi sâu thêm vào những câu hỏi tiếp theo như: trên cơ sở nào mà những người nắm giữ linh hồn của những “chiến dịch bản đồ” kia lại tự phong cho mình một sự “bảo hộ” trên một lãnh thổ lớn như vậy? Thực tế nào cùng với những tiêu chí lý luận nào đã cho họ phóng bút vẽ ra những đường biên giới kì lạ, mà trong mắt mọi người nó vừa đáng ghê tởm, vừa nực cười lại cũng vừa đáng lo ngại như thế? Nếu “lý lẽ” của Israel trong vấn đề lãnh thổ là hoàn toàn trắng trợn vô lý hiển nhiên (đòi đất sống trên lãnh thổ các nước Ảrập), nếu chủ nghĩa bành trướng của đế quốc Mĩ, bằng chủ nghĩa thực dân mới mà xâm chiếm đất đai “theo các hiệp định”, thì đó là vì cả hai tên bành trướng này không có “truyền thống” về lãnh thổ. Trái lại, chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc nêu khẩu hiệu “thu hồi những đất đã mất” làm một trong những lí do tồn tại chủ yếu. Phải chăng Trung Quốc trừ những vùng họ “không tiện đòi” – và trên thực tế là họ có lí do đầy đủ để đòi – hiện nay như Đài Loan, Hồng Kông v.v., vẫn còn những vùng đất nào đó, vốn thuộc quyền sở hữu của họ, được công pháp quốc tế chấp nhận, mà lại ở trong tay các nước láng giềng và không láng giềng? Họ có chút lí do nào chăng trong việc đòi Liên Xô trả lại một vùng rất lớn ở Trung Á, có lí do chút nào chăng trong việc “thu hồi lại Đông Nam Á”? Và giá như – dù điều này không đời nào xảy ra – họ “thu hồi” được những đất mà họ công khai công bố là của họ, thì liệu họ đã thôi không đòi đất khác nữa hay không? Giấc mơ “mục tiêu của chúng ta là toàn thế giới” như “người cầm lái vĩ đại và anh minh” của họ từng công bố, nghĩa là gì v.v… Bài viết này cố gắng thử làm rõ hơn những vấn đề đó.
Lãnh thổ thực của Trung Quốc hình thành như thế nào?
Nền văn minh cổ đại của Trung Quốc xuất hiện sớm nhất và ổn định lâu dài trên lưu vực sông Hoàng Hà. Vào thời khuyết sử, các bộ tộc, bộ lạc và liên minh bộ lạc trong quá trình gặp gỡ, đồng tồn tại, tiêu diệt và thôn tính lẫn nhau, thì chưa thể xác định lãnh thổ cụ thể được. Trên cơ sở cư trú hoàn toàn tự nhiên thì lãnh thổ của nền văn minh đó là lưu vực sông Hoàng Hà. Qua hết Tam Hoàng, Ngũ Đế, trải qua nhà Hạ, nhà Thương, cho đến Tây Chu, lãnh thổ của quốc gia cổ đại này chưa mở rộng khỏi lưu vực sông Hoàng Hà. Trong thời Chu, ở lưu vực sông Trường Giang, nhiều bộ tộc cư trú ở đó độc lập phát triển đã hình thành nên các quốc gia của họ, tiêu biểu là các nước Sở, Ngô và Việt. Sử kí của Tư Mã Thiên còn ghi rõ rằng giai đoạn đầu nước Sở ở phương Nam vì không phải là đất phong của nhà Chu nên không tôn Chu, đã “tiếm hiệu” xưng vương và sai người đến hỏi đỉnh nhà Chu nặng nhẹ ra sao. Chi tiết này rất quan trọng vì nó chỉ ra tính chất độc lập rõ rệt của các nước vùng lưu vực sông Trường Giang mà nước Sở là đại diện trong dấu hiệu tranh giành thiên hạ với nhà Chu. Trải qua thời Xuân Thu – Chiến Quốc, khi nước Ngô, nước Việt dần dần lớn lên, thay nhau làm bá chủ chư hầu, đến Việt Vương Câu Tiễn sau khi đánh bại Ngô Vương Phù Sai và thôn tính nước Ngô thì có thể nói đến một khu vực ổn định thứ hai trong quá trình hình thành lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên câu chuyện Khuất Nguyên và lòng yêu nước của ông đã chỉ ra một cách hiển nhiên tính chất độc lập trong ý thức của cư dân vùng thứ hai đó. Phải tới Tần Thuỷ Hoàng, lần đầu tiên Trung Quốc mới đạt tới một sự thống nhất thực sự về lãnh thổ. Đương nhiên những vùng đất phía Nam, Tây Nam, Bắc, Tây Bắc và Đông Nam Trung Quốc ngày nay đều nằm ngoài phạm vi kiểm soát của Thuỷ Hoàng đế. Cũng trong đời Tần Thuỷ Hoàng, xuất hiện một lời tâu của Vương Quán, Phùng Kiếp và Lý Tư: “Ngũ đế ngày xưa, đất chỉ vuông ngàn dặm, ngoài ra là đất đai của chư hầu và của Man Di, họ vào chầu hay không thiên tử cũng không sao cai quản được. Nay bệ hạ dấy nghĩa binh… bình định được thiên hạ, bốn biển thành quận huyện, pháp luật và mệnh lệnh đều thống nhất ở một nơi, từ thượng cổ tới nay chưa hề có, Ngũ đế đều không bằng” [2] . Cả việc lấy hiệu là “Thuỷ Hoàng đế” cũng chứng tỏ rằng đó là vị vua đầu tiên thực sự có sự chi phối đối với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc cổ đại. Bắt đầu từ thời kỳ này trở đi, các vua chúa Trung Quốc có ý thức tự giác mở rộng quyền kiểm soát của vương triều ra các vùng đất mới khác. Về mặt hành chính, từ Tần-Hán, diễn ra một quá trình quận huyện hoá đối với các vùng đất ổn định và quá trình thần thuộc hoá đối với các vùng đất xa lạ không kiểm soát trực tiếp được. Đối với các vùng đất “xa ngoài Ngũ Lĩnh”, tứ di, nghĩa là các vùng đất mà cư dân không phải là người Hoa và chế độ hành chính không thể quận huyện hoá được, các hoàng đế Trung Quốc đặt ra lệ triều cống, buộc chính quyền ở các vùng đó xưng thần, chấp nhận uy quyền của “thiên triều”. Để làm được điều đó, họ sử dụng cả hai phương thức: gia ân và thị uy, hai thủ đoạn muôn thuở, kinh điển của “nghệ thuật thống trị”. Có thể nói đây là hình thái không hoàn chỉnh, tuy nhiên, lại sớm nhất trên thế giới của chủ nghĩa thực dân của các đế chế Trung Hoa phong kiến. Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và khẳng định chủ quyền quốc gia của các bộ tộc, các vùng cư dân xung quanh đã nổ ra quyết liệt và dần dần thu được thắng lợi triệt để. Các vùng đó hình thành các quốc gia hoàn chỉnh và được chính hoàng đế Trung Quốc thừa nhận (các sắc phong cho vua Việt Nam, vua Triều Tiên v.v. đều có chữ “quốc vương”). Để có thể sống yên ổn bên cạnh một nước lớn như Trung Quốc nên tất cả các nước này đều buộc phải triều cống, phải xưng thần, tuy không bao giờ nhà nước và cư dân các vùng đó coi đất mình là đất Trung Quốc, cư dân mình là cư dân Trung Quốc cả. Nhưng lịch sử đã không diễn ra chỉ một chiều: sự “đe nẹt” một chiều của các vua chúa Trung Quốc, mà ngược lại, lục địa Trung Hoa liên tiếp là bãi chiến trường của các quốc gia kế cận: các bộ tộc bị coi là di, địch liên tiếp tổ chức nhiều đợt tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc nhất là các bộ tộc, các quốc gia phía Bắc, và rất nhiều trường hợp, các vua chúa Trung Quốc đành “buông xuôi xã tắc”. Điển hình nhất là sự thống trị của nhà Nguyên và nhà Mãn Thanh. Về phương diện lãnh thổ, chính sự thống trị của hai triều đại này đã đưa lại một sự mở rộng thêm và củng cố sự ổn định của lãnh thổ Trung Quốc, và hai vị hoàng đế có công nhất trong lịch sử Trung Quốc về phương diện này chính là hai ông vua ngoại tộc: Hốt Tất Liệt (triều Nguyên) và Khang Hi (triều Mãn Thanh). Trải qua gần ba chục thế kỷ thịnh suy trị loạn đắp đổi về lãnh thổ, Trung Quốc có một số đặc điểm:
Có một vùng là cái nhân ổn định, đó là lưu vực hai con sông nói trên. Trong vùng này, tình trạng cát cứ là thường trực. Tuy có sự thống nhất về danh nghĩa, mà trên thực tế là không thể giải quyết được mâu thuẫn nội tại. Cơ cấu hành chính Trung Quốc mặc dù có chấn chỉnh thay đổi một số lần đã không có cách gỡ khắc phục tình trạng đó. Lịch sử Trung Quốc có vô số những cuộc bạo loạn, cuộc khởi nghĩa ở bất kì vùng nào trong cái nhân đó, nhằm chống lại chính quyền trung ương, và tình trạng giằng co níu kéo nhau đó, cái trạng thái cân bằng kì quặc và mong manh đó chưa hề được giải quyết một lần nào đáng kể. Do kết cấu đặc thù của một xã hội nông nghiệp ở một khu vực rộng lớn mà không có một cuộc xáo động dân cư nào đáng kể, do trình độ phát triển hết sức hạn chế và què quặt của chính quyền chuyên chế, nên hiện thời ở Trung Quốc còn tồn tại 49 phương ngữ trong một dân tộc Hán, mà những người sử dụng các phương ngữ khác nhau lại phải thông qua dịch thuật mới hiểu nhau, nên đã có nhiều người cho rằng đó là các ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Bắc Kinh (tiếng phổ thông) không trở thành tiếng nói của đa số cư dân Trung Quốc. Cả 4 tiêu chuẩn kinh điển để khảo sát sự hình thành quốc gia dân tộc (L’ Etat- national) đều khiếm khuyết, dang dở, vị thành niên và vị thành niên một cách nghiêm trọng.
Chưa bao giờ có đường biên giới xét trên toàn cục. Chỉ có ở một số vùng, đường biên giới được hoạch định bằng các văn kiện nhà nước, trong đó các đoạn biên giới vì nhiều lí do mà được tạo ra sớm nhất, có sự ổn định tương đối và lâu dài nhất ấy có biên giới Trung Quốc – Việt Nam. Chính sử Trung Quốc cũng như chính sử Việt Nam đều ghi lại nhiều lần ở các triều đại khác nhau từ Lý, Trần cho đến nhà Nguyễn về sự kiện sứ bộ của hai nước đàm phán để hoạch định rõ ràng cương vực giữa hai nước và sự khẳng định về tính chất độc lập, rõ ràng về phương diện lãnh thổ đã thấm nhuần vào thơ văn, vào sử sách từ thời Lý Thường Kiệt cho tới Nguyễn Trãi, từ Trần Quốc Tuấn tới Ngô Thì Nhậm, tới tận ngày nay. Trong thời kì phong kiến, văn bản pháp lí cuối cùng có giá trị lịch sử là hiệp định biên giới kí kết giữa thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh. Mặc dù từ xưa đến nay, các chính thể ở Trung Hoa không muốn có biên giới – mà lý do chúng tôi sẽ trình bày kỹ ở phần sau – thì trên thực tế đường biên giới lịch sử đã được tạo ra và dần dần ổn định ở từng giai đoạn một. Nhưng cho đến tận thời kì Thanh Mạt, Trung Quốc vẫn chưa ổn định lãnh thổ của mình và giữ nguyên tình trạng đó, Trung Quốc bước vào thời kì cận hiện đại, bị các nước đế quốc thực dân phương Tây xâu xé, bị các nhóm quân phiệt khác nhau tranh hùng, cát cứ. Từ thời nhà nước Quốc dân Đảng trở đi, đã xuất hiện nhiều tấm bản đồ như ta đã biết.
Từ năm 1949 trở đi, khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời, có hai nhu cầu khách quan về lãnh thổ, đó là việc thống nhất quốc gia (giải phóng Đài Loan cùng những thành phố nhượng địa như Ma Cao, Hương Cảng và tổ chức hành chính lại ở bên trong nội địa Trung Quốc), và việc hoạch định biên giới với tất cả các nước láng giềng. Rất nhiều hiệp định biên giới được kí kết và nhiều tuyên ngôn về lãnh thổ được công bố, trong đó có thể nêu lên những tuyên bố long trọng của Chu Ân Lai tại hội nghị Băng Đung năm 1955 và nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng khác giữa chính phủ Trung Quốc với các nước kế cận, trong đó nổi bật một nguyên tắc là chấp nhận đường biên giới lịch sử. Thế nhưng, sau ba mươi năm, cả hai vấn đề đã không được giải quyết: những phát ngôn về lãnh thổ của Trung Quốc rất thất thường, mâu thuẫn, và trong hoạt động thực tiễn, Trung Quốc đã gây xung đột với hầu khắp các nước, trong đó đã gây chiến tranh biên giới với Ấn Độ, Miến Điện, Afghanistan, Liên Xô, Mông Cổ, Việt Nam, nghiêm trọng nhất là chiến tranh Trung – Ấn 1962, Trung – Xô 1969 và Trung – Việt 1979. Không nghi ngờ gì nữa, tình trạng “vị thành niên” về mặt lãnh thổ của Trung Quốc vẫn còn tồn tại, cả bên trong lẫn bên ngoài, và trong tình hình thế giới hiện đại, Trung Quốc vẫn là nước phải gấp rút hoàn thành nhiều công việc về lãnh thổ phức tạp, vấn đề là họ sẽ hoàn thành theo hướng nào. Phải nói rằng trong thời kì Trung Hoa Dân quốc và thời kì Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tồn tại, người cầm quyền của các nhà nước này đã, vì nhiều nguyên nhân, mở rộng địa bàn kiểm soát ra một số vùng đất không thuộc lãnh thổ Trung Quốc trước kia, và trong cuộc chiến tranh Trung – Ấn, Trung Quốc đã chiếm một vùng đất khá lớn vốn trong truyền thống thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ. Ai cũng biết Trung Quốc vẫn còn nan giải trong việc hợp pháp hoá những vùng họ chiếm đóng trái phép đó. Có thể nói nhiều vùng khác trên đất Trung Quốc hiện thời không cùng lịch sử với vùng đất ổn định. Trong lịch sử, các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc bị áp bức, bị chà đạp, bị bóc lột và bị coi rẻ, bị làm nhục. Số phận các dân tộc ít người ở Trung Quốc hiện nay cũng đang chưa thoát khỏi tình trạng nạn nhân của tệ phân biệt chủng tộc đó và cuộc đấu tranh cho sự hoà hợp bình đẳng giữa các dân tộc vẫn còn là vấn đề thời sự Trung Quốc hiện nay.
Chủ nghĩa duy tâm của một quan niệm về lãnh thổ
Như phần trên đã trình bày, lãnh thổ thực của Trung Quốc rõ ràng là mâu thuẫn gay gắt với quan niệm của những kẻ đã vẽ ra những tấm bản đồ kỳ dị bao gồm cả Đông Dương, cả Triều Tiên, quần đảo Riukiu của Nhật Bản, Mông Cổ, những vùng đất của Thái Lan, Miến Điện v.v. như nhiều tài liệu cho thấy, một vùng đất gấp một lần rưỡi lãnh thổ thực của Trung Quốc. Mà không chỉ bản đồ, những tuyên bố trắng trợn của người cầm lái vĩ đại và nhiều người cầm lái khác ở Bắc Kinh như “mục tiêu của chúng ta là toàn thế giới”, “mục tiêu gần nhất” là Đông Nam Á v.v. Cũng như những hoạt động của nhà nước Trung Hoa ba mươi năm vừa qua mà nổi bật là chiến tranh biên giới và việc sử dụng đội quân thứ năm – Hoa kiều – đã không thể khiến ai còn nghi ngờ về chủ đích bành trướng và sự sốt sắng của một kẻ đến muộn đầy cuồng vọng. Những tấm bản đồ được in ra hàng triệu bản, in nhiều lần, hẳn không phải được vẽ ra một cách tuỳ hứng, thiếu sự kiểm tra của nhà nước, nhưng lý trí lành mạnh của thế giới hiện đại lại không tin được rằng nó được vẽ ra một cách tỉnh táo. Và người Việt Nam chân chính nào lại không căm giận khi thấy đất nước mình bị khuôn vào trong cái thiên hạ tưởng tượng kia? Thế nhưng, có điều trong phát ngôn, những tham vọng lãnh thổ lại được nêu lên quá “chân thành” khiến cho ta phải nghĩ rằng những cái loa ấy tự nó không cảm thấy vô lý. Quan niệm đó là gì vậy?
Sự phát triển của một quan niệm về lãnh thổ
Ở Trung Quốc mặc dù có biên giới rất muộn, song ý thức về lãnh thổ lại có từ rất sớm. Quan niệm về lãnh thổ ở đây xuất hiện từ nhu cầu ruộng đất, từ nhu cầu định canh, định cư của dòng họ, và dần dần theo thời gian nó được mở rộng không gian sang cả cộng đồng, tức sang các “hầu quốc” và cuối cùng sang cả “thiên hạ”. Từ thời tiền sử, trên lưu vực hai sông Hoàng Hà và Trường Giang đã có mật độ cư dân lớn nên việc tiến hành thôn tính đất đai, nô dịch các lãnh thổ xa lạ đã manh nha khá sớm. Nhưng muốn làm được điều đó thì cần phải có một nhà nước thống nhất, một chính quyền tập quyền mạnh. Về mặt lãnh thổ, sự thống nhất ấy bao gồm hai vùng đất dân cư cơ bản là lưu vực hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang ở Trung Quốc, thống nhất và tập quyền được tạo ra kèm theo sự thừa nhận uy quyền của một người đứng đầu kiểu Nghiêu, Thuấn. Người đứng đầu phải là “bậc hiền đức” có khả năng thoả mãn được yêu cầu giữ yên trật tự xã hội để cho “muôn dân trăm họ theo nghề nông tang”. Đến lúc cả hai lưu vực Hoàng Hà và Trường Giang đã được thống nhất, một nhà nước chuyên chế ra đời, trải qua các triều đại Hạ, Thương, Chu, một khái niệm cơ bản phản ánh sự tập trung quyền lực tuyệt đối vào trong một dòng họ với người đứng đầu của nó xuất hiện là khái niệm “thiên tử” (“Thiên tử trị thiên hạ”). Sự tuyệt đối hoá quyền lực của người đứng đầu, “thiên tử”, đã tha hoá ý thức cộng đồng thành ý thức độc quyền mang nặng màu sắc thần quyền: vua là chúa tể của tất cả. Tập quyền tất yếu gắn với bạo lực. Bạo lực đối nội và đối ngoại. Trên thực tế, hầu hết các ông vua sáng nghiệp của các triều đại ở Trung Quốc đều là các tướng lĩnh, có sức mạnh quân sự vô địch. Khi thanh toán được các thế lực đối lập, lên ngôi hoàng đế, tự cho mình là “thiên tử” và áp đặt ý chí của mình cho quần dân của mình và cho cả “thiên hạ”. Trong quan hệ đối ngoại, Trung Quốc cổ đại biệt lập với các vùng văn minh lớn khác. Khi xung quanh là các bộ tộc chưa ngang bằng về mặt văn hoá, trong giai cấp thống trị Trung Quốc sớm nảy sinh một tâm lý dân tộc chủ nghĩa, xuyên tạc, bóp méo ý nghĩa tích cực của văn hoá Trung Quốc cổ đại bằng những đối lập Hoa Hạ – Man Di. Tâm lý kì thị dân tộc ở Trung Quốc xuất hiện sớm nhất thế giới, có tuổi thọ lâu dài nhất, có ảnh hưởng dai dẳng, đa tạp nhất thế giới. Chưa bao giờ có quan hệ bình đẳng giữa các đế chế Trung Hoa với nhà nước của các quốc gia láng giềng, vì thế, không có một công ước lãnh thổ nào – theo đúng ý nghĩa khách quan, bình đẳng của từ này – được tạo ra, nói cách khác, ý thức pháp quyền về lãnh thổ đã không tồn tại ở khu vực này trong lịch sử. Điều này khác hẳn tình hình đã xảy ra ở châu Âu hay châu Mỹ, cũng khác tình hình ở châu Phi. Vì tất cả những lý do đó, trong cách hình dung chủ quyền lãnh thổ trong giai cấp thống trị Trung Quốc xuất hiện một khái niệm sở hữu đặc biệt: Khái niệm “thiên hạ”. Chữ “quốc” trong ngôn ngữ Trung Quốc vừa là khái niệm “quốc gia” (nước), lại vừa không phải theo cách hiểu ngày nay, và chữ “thiên hạ” cũng không phải là “toàn thế giới”. Giữa các cặp đó có những nét tương đồng mà cũng có những nét dị biệt – những nét dị biệt này giúp ta hiểu Trung Quốc. Đã có nhiều người nhận xét rằng người Trung Quốc không xác định rõ đâu là nước của mình, và cái tên “Trung Quốc” không phải là tên nước. Vậy “thiên hạ” là gì? Của ai? Trước hết “thiên hạ” là Hoa + Di. “Hoa” là phần đất, phần người người ổn định như đã nói trên. “Di” là các dân tộc, bộ tộc, quốc gia không nằm trong sự kiểm soát trực tiếp theo chế độ quận huyện của Trung Quốc. Được thiết lập trên cở sở một trung tâm văn minh (Hoa Hạ) nhà nước chuyên chế Trung Hoa coi thần dân của mình là Hoa, Hạ, khiến những con người vốn không ngạo nghễ, kiêu căng – thậm chí hiền lành, có lúc tưởng như nhu nhược nữa – nhiễm phải cái bã tự tôn dân tộc đến lố bịch, đáng nguyền rủa. Đề cao văn hoá Hoa Hạ là phương thức lợi dụng uy tín dân tộc để khẳng định thế lực và uy tín của nhà nước chuyên chế. Chính sự bóp méo, xuyên tạc, lăng nhục nền văn minh Trung Quốc theo cách đó đã trở thành tâm lý thường trực, – và vì đã trở thành tâm lý thường trực nên lý luận sẽ rất khó thanh toán – ở trong con người của những kẻ ngoi lên địa vị cầm quyền ở Trung Quốc, và đến lượt nó, làm một cơ sở tâm lý dân tộc cho chủ nghĩa sô vanh Trung Quốc. “Bình thiên hạ” là nguyện vọng muôn thuở của các Hoàng đế Trung Hoa. Thiên hạ, theo cách hình dung đó, trước hết là, và chủ yếu chỉ là, vùng lưu vực hai con sông Hoàng Hà, Trường Giang. Coi văn minh Trung Quốc là nền văn minh cao nhất, thậm chí là duy nhất, coi vai trò của thiên tử không phải là trị vì ở một khu vực nào mà là trị vì “bốn biển”, vô định hoá liệt quốc thành tất cả, coi mình là trung tâm, là Bắc thần ở yên một chỗ mà các sao khác – tức các quốc gia khác – tự họ có trách nhiệm phải chầu về, không biết đến sự tồn tại “đáng kể” nào khác so với sự tồn tại của ngôi “chí tôn”, khái niệm thiên hạ vì vậy đúng như nghĩa đen của nó – dưới trời – có tham vọng bao gồm toàn thế giới. Nhưng do tầm nhìn bị giới hạn bởi chính sách nội hạ ngoại di, bế quan toả cảng, không biết đến sự phóng khoáng cao nguyên hay sự nhộn nhịp của thành thị tư bản chủ nghĩa, nên “thiên hạ” một cách tự phát đã bị khuôn theo ý muốn cùng sự hiểu biết của vua chuyên chế và tầng lớp thống trị chứ không phải là “toàn thế giới” trong thực tế. Chính tư tưởng “thiên mệnh” thống trị trong học thuyết chính trị xã hội, thói quen tôn quân thân thượng đề cao và tuyệt đối hoá vai trò của một người đã trở thành tâm lý phổ biến, lưu cữu, kết hợp với cách quan niệm về một “thiên hạ” như vậy, cho nên cái kết cấu thiên hạ là của Trung Quốc, và Trung Quốc là của một người hình thành từ thời nhà Chu đã có lịch sử 3000 năm tồn tại. Bộ ba khái niệm Thiên hạ – Thiên mệnh – Thiên tử (thiên chức) là linh hồn của quan niệm về lãnh thổ Trung Quốc phong kiến. Đó không phải là ý thức cộng đồng, cũng không phải là ý thức pháp quyền về lãnh thổ, mà là ý thức thần quyền tồn tại dưới dạng vương quyền. Đó là chủ nghĩa duy tâm tôn giáo, ngu muội, mang đậm dấu ấn nguyên thuỷ, phản tiến hoá của một quan niệm về lãnh thổ. Trung Quốc phong kiến đã vậy, Trung Quốc của những kẻ khoác áo “cách mạng, mác-xit” hiện thời thì sao?
Sự tiếp tục của một quan niệm lỗi thời
Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài nhận xét rằng những vùng bị khuôn vào trong lãnh thổ Trung Quốc thường là những vùng trong lịch sử có thời kì đã bị phong kiến Trung Hoa thống trị, khuất phục buộc phải triều cống. Không hoàn toàn như vậy: Nhật Bản cũng đã có thời xưng thần, sao chỉ có một quần đảo Riukiu bị vẽ vào bản đồ Trung Quốc, và những vùng đất rộng lớn thuộc lãnh thổ Mông Cổ, Liên Xô, rồi khu vực Đông Nam Á thì sao? Chưa nói đến sự mơ hồ trong tri thức địa lí, thì ngay quan niệm đã chi phối để vẽ nên những tấm bản đồ đó, cùng với nhiều phát ngôn của “người cầm lái” và những “người cầm chèo” khác của tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh cũng cho thấy rằng họ không những không xoá đi cái “thiên hạ” lỗi thời kia, ngược lại, họ còn tìm mọi phương tiện hiện đại để mở rộng nó. Khi Mao Trạch Đông nói “lẽ dĩ nhiên, tôi là người kế thừa sự nghiệp của các hoàng đế Trung Hoa trước kia”, người ta không nghi ngờ gì về sự hiện diện của giấc mơ ba ngàn năm ấy. Các tác giả của những tấm bản đồ kia đã không chọn một thời điểm lịch sử cụ thể nào cả, dù là thời điểm huy hoàng nhất của đế chế Trung Hoa, để tạo dựng nên chúng, mà chúng được vẽ ra theo lối phiếm sử, bởi một lẽ theo từng triều đại, Trung Quốc phong kiến có thể buộc thần phục được những vùng khác nhau, nói khác đi, nếu chiếu lên màn ảnh theo lối lược sử các tấm bản đồ kia – cũng vẽ theo cách nghĩ của các tác giả nọ nhưng lại theo lối lịch đại – thì người ta nhận thấy một con biến hình trùng có cái nhân không đổi, nhưng bốn bên co duỗi lồi lõm liên tục. Các tác giả của cái lãnh thổ tưởng tượng kia đã đóng đinh lịch sử lại theo cách như vậy. Như đã nói, nhìn toàn cục, chưa lúc nào các hoàng đế, các triều đại Trung Quốc có ý thức định ra biên giới để phân biệt lãnh thổ họ với các nước khác. Vạn lý Trường thành là một phòng tuyến chứ không phải đường biên giới. Trừ những chỗ phải luôn luôn tạo ra những điểm phòng thủ, những quan ải đồn thú v.v. thì còn có thể coi là những “mốc” biên giới, còn nói chung Trung Quốc thời phong kiến không tự cắm mốc cho mình. Hiện tượng bỏ ngỏ toàn tuyến biên giới như vậy phù hợp với quan niệm của họ về lãnh thổ mà chúng tôi đã chỉ ra ở trên. Tuy nhiên biên giới được tạo ra đâu phải vì họ muốn. Thực ra có một sự ổn định tương đối nhưng tự phát trong lịch sử về các đường biên giới này. Với các nước phụ thuộc, khi đã tiến hành đấu tranh giải phóng hay do hoàn cảnh thuận tiện mà giành được độc lập dân tộc, việc xác định biên giới rạch ròi với Trung Quốc thời đó có ý nghĩa sống còn, và chúng ta đều biết tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt là một tuyên ngôn về lãnh thổ. Đối với những vùng không hình thành những quốc gia hoàn chỉnh như vùng các dân tộc thiểu số trên đất Trung Qốc ngày nay, hay đối với những vùng vì điều kiện tự nhiên và khả năng không phải lo đối phó thì việc vạch ra một đường biên giới lại trở nên không cần thiết và thậm chí, là không thể chấp nhận. Còn trên thực tế những thực trạng địa lý tự nhiên đã trở thành đường biên giới tự phát. Quan niệm về một giới hạn địa lý đối với các vua chúa vì vậy lại càng không tồn tại. Mệnh đề trơ trẽn “thiên tử có trách nhiệm thống trị thiên hạ” đã trở thành nguyên lý ổn định đồng thời còn có lý do tồn tại do sự thiếu hiểu biết đối với thế giới bên ngoài như đã nói qua ở trên. Cho đến đầu thế kỉ XIX, giữa Ấn Độ và Trung Quốc không có sự hiểu biết xác đáng về nhau. Cả vùng Đông Nam Á, rồi tất cả các vùng khác đều bị liệt chung vào hàng “Nam Man, Bắc Địch, Đông Di, Tây Nhung”. Sự ngăn cách thông tin với bên ngoài khiến cho sự hiểu biết của các nhà nho và giới thống trị ở Trung Quốc về sự tồn tại của một Trung Á Hồi giáo, một nước Nga Sa hoàng, một châu Âu trung cổ rồi châu Âu tư bản chủ nghĩa cũng như sự hiểu biết của họ đối với các nước kế cận đều quá ít ỏi, lệch lạc, sặc mùi dân tộc chủ nghĩa. Khi vua nhà Thanh gửi thư cho Tổng thống Pháp chẳng hạn, đã viết là “Hoàng đế nhà Thanh gửi tổng đốc nước Pháp” (!) và khi các nước phương Tây tư bản chủ nghĩa ồ ạt xông vào xâu xé đất nước, các đại thần Trung Quốc của vua Quang Tự còn bĩu môi chê bai sự kém cỏi của rợ Tây Dương, vì đối với họ, rợ Tây Dương chẳng qua cũng là “Di, Địch” đã biết. Từ xa xưa, các vua chuyên chế Trung Quốc tâm niệm thiên hạ là của mình, cho nên “Lễ nhạc, chinh phạt tự thiên tử xuất”. Vua Trung Quốc đã tự cho mình độc quyền về văn hoá và bạo lực. Lịch sử nhan nhản những câu chuyện “điếu phạt”, “chinh tru” của các vua chúa Trung Quốc, mà những lý lẽ chủ yếu nếu xét theo tiêu chuẩn hiện thời là can thiệp thô bạo, trắng trợn, vô lý vào công việc nội bộ của các nước khác thì thời đó được coi là hợp lý, hiển nhiên. Tuy nhiên sức mạnh của một thiết chế chuyên chế Trung Quốc bị giới hạn nhiều mặt không thể liên tiếp phát động chiến tranh cũng như không thể tiến hành triệt để cuộc chiến tranh đã phát động. Vì vậy họ tạo ra một thứ “uy đức”, một thứ “ân huệ” làm hai cây cà kheo chủ yếu để đứng cao hơn thiên hạ, khiến các nước ngoài thần phục, triều cống lệ thuộc, chứ không thể kiểm soát, quản lý như đối với vùng “Hoa Hạ” được. Cũng vì vậy mà gây tâm lý thần phục Trung Quốc lại là thủ đoạn kỳ thị nhằm mục đích khiến các dân tộc láng giềng, quốc gia láng giềng thấy mình yếu kém hơn, “man rợ” hơn, phải thần phục thiên tử. Tâm lý này không phải không nặng nề: cứ xét thái độ vua tôi nhà Nguyễn thì rõ. Thế nhưng ngay cả thời kỳ phong kiến, dù ngạo nghễ coi mình là “thiên triều”, các triều đại Trung Quốc cũng buộc phải chấp nhận sự tồn tại của các quốc gia khác và lệ triều cống ba năm một lần không phải thường xuyên giữ được. Cho nên, cách vẽ bản đồ kia cùng với những lời tuyên bố đã cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc còn khẳng định tham vọng của họ mạnh mẽ hơn cả các hoàng đế cũ. Khi bị lôi cuốn vào quỹ đạo của thế giới hiện đại, bắt buộc phải nhận thức sự tồn tại “đáng kể” của các cường quốc tư bản chủ nghĩa, và sau này là Liên Xô mà họ coi là “đế quốc xã hội” cũng như hệ thống xã hội chủ nghĩa mà họ bảo là chư hầu của Liên Xô, chấp nhận một cách uất ức tính chất thấp kém của sự phát triển lịch sử của mình, các giới cầm quyền thời kỳ cận đại ở Trung Quốc buộc phải quan niệm lại về lãnh thổ. Rõ ràng thiên hạ không phải là của một thiên tử, trị vì theo một thiên chức nào hết, nhưng “mệnh đề đau khổ” này được tiếp thu quá chậm chạp. Một khi “mệnh trời” không còn nữa, tính chất ý chí luận đã kịp thời chen vào, và tham vọng truyền kiếp của các đế chế Trung Hoa xưa được sống lại trong những bộ xống áo mới, ngôn từ mới, được nuôi dưỡng bằng những món ăn mới. Từ “mệnh” đã diễn ra một quá trình phiếm thần hoá mà thành ý chí luận. Cái lõi của vấn đề trước sau không đổi, nó tồn tại dai dẳng, lưu cữu và được mạ lên bằng rất nhiều bùa chú hiện đại nên khó nắm bắt hơn, mà cũng khó tin hơn. Nhưng cứ đọc lại những tuyên bố về vai trò Trung Quốc và cách mạng Trung Quốc, do chính người Trung Quốc phát ngôn, sẽ không thể nào coi cái “thiên chức” đáng kinh tởm kia đã tuyệt nọc. Tuy nhiên, mâu thuẫn truyền đời giữa tham vọng và thực lực ngày càng hành hạ giày vò những kẻ phản động đang nắm quyền ở Bắc Kinh một cách dữ dội hơn, và trong phát ngôn cũng như trong hoạt động thực tiễn, họ bày ra lắm điều oái oăm, mâu thuẫn khiến cho nhiều người đã không thể hiểu đúng họ, từ đó coi họ như quái trạng của thế giới hiện đại. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu nói rằng họ không vẽ vào bản đồ của mình toàn thế giới là do thực lực,vì lý trí tối thiểu, nhưng tham vọng họ không vẽ ra thì chưa hề “phôi pha”. Thí dụ trong trong quan hệ với Nhật Bản, trong thực tế quân xâm lược Trung Quốc chưa bao giờ đặt chân lên được đất nước này. Ngược lại từ thế kỷ XIX trở đi, Nhật Bản đã nhanh chóng bước vào quỹ đạo của thế giới hiện đại, trở thành cường quốc tư bản chủ nghĩa, một đế quốc duy nhất ở châu Á. Sự thực lịch sử đó cùng với những nỗi nhục quân sự khi Nhật Bản tiến công chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ Trung Hoa vào thời gian chiến tranh thế giới thứ hai khiến cho những người cầm bút “thẹn thò” không dám khuôn Nhật Bản vào lãnh thổ giả định kia của họ, mặc dù họ vẫn thèm thuồng, “xâm lược bằng bản đồ” quần đảo Riukiu. Cả Nội, Ngoại Mông, cả vùng Trung Á Liên Xô đều bị coi là Di, Địch cũ và vì thế với họ không có chỗ nào “vô lý” khi vẽ tấm bản đồ kia. Đến đây có thể coi là chúng ta đã cắt nghĩa được “câu chuyện về những tấm bản đồ Trung Quốc” cùng những tuyên ngôn lãnh thổ của họ. Tính chất duy tâm, lạc lõng, phản động của quan niệm đó thật rõ ràng nếu như chúng ta có một cái nhìn biện chứng đối với sự vận động của lịch sử xã hội nói chung, của vấn đề lãnh thổ nói riêng. Lịch sử phát triển của nhân loại nói chung đã đi từ ý thức cộng đồng về lãnh thổ đến ý thức pháp quyền, trong đó ý thức thần quyền chỉ là yếu tố đèo bòng gắn với quyền lợi của giai cấp thống trị. Đường biên giới của các quốc gia hình thành trong lịch sử là kết quả của rất nhiều những nguyên nhân phức tạp, nhưng càng ngày càng có xu thế ổn định. Sự chấp nhận của hai quốc gia tiếp cận nhau về đường biên giới giữa họ và được xác lập thành văn bản chính là ý thức pháp quyền đó là sự kiện có tính phổ biến toàn thế giới, nói cách khác, đó là tất yếu của lịch sử. Kết hợp giữa quyền lợi các quốc gia với thực trạng biên giới trong lịch sử là nguyên tắc chung để hoạch định biên giới và đã trở thành tiêu chuẩn, luật pháp quốc tế. Tôn trọng nguyên tắc này chính là sự đảm bảo đối với hoà bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc của thế giới hiện đại. Chính những người có trách nhiệm trong giới cầm quyền nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã rất nhiều lần hứa cam kết tôn trọng nguyên tắc này. Chủ nghĩa Lenin lần đầu tiên trong lịch sử đã đề xuất và vận dụng thành công nguyên lý quyền dân tộc tự quyết. Tất cả các đảng và các nhà nước tự coi mình được tổ chức theo nguyên tắc Mac-xit Lê-nin-nit không được quên điều đó. Những xung đột, tranh chấp hay quyền lợi lịch sử giữa các quốc gia trong hoàn cảnh thế giới hiện đại đều phải được giải quyết trên nguyên tắc thương lượng hoà bình. Thế nhưng, thật mỉa mai, những kẻ tự xưng là cộng sản, là cách mạng, lại ôm ấp một quan niệm lạc hậu – lạc hậu hơn cả thời trung cổ châu Âu – về lãnh thổ như vậy. Theo gót của nghĩa đế quốc nhưng lại muộn mằn, những kẻ cầm quyền phản động ở Bắc Kinh đã hành động điên khùng, phiêu lưu. Họ lần lượt thay bạn đổi thù, chĩa mũi nhọn về bất cứ ai nếu đối tượng đó ngăn chặn cuồng vọng của họ, bằng một cái mũ chụp là “phản cách mạng” là “xét lại” trong khi họ hợp tác với tất cả các lực lượng phản động nhất, phát xít nhất, bị cả loài người tiến bộ phỉ nhổ. Khi đã tự lột truồng mình ra như vậy, những kẻ ngông cuồng ấy đã làm cho thế giới thấy rõ rằng “mục tiêu của chúng ta là toàn thế giới” (Mao Trạch Đông) – dù là thế giới bị hoang tàn vì chiến tranh hạt nhân, toàn bộ văn minh vật chất và tinh thần của nhân loại thành tro trong ngọn lửa chiến tranh do họ châm ngòi và mượn tay kẻ khác châm ngòi trên thế giới. Sau đó thế giới sẽ được làm chủ bởi một lũ ngợm chui lên từ địa đạo! Đó là lôgich khắc nghiệt nếu họ thực hiên được lời họ phát ngôn. Đủ hiểu vì sao họ mù quáng và trở nên bí hiểm trước thế giới hiện đại. Để kết thúc, cần phải nói rằng, nếu theo cái lôgich đòi đất kia thì các hoàng đế La Mã – nếu có người thừa kế như các hoàng đế Trung Hoa – sẽ đòi lại cả châu Âu và đế quốc Thổ Nhĩ Kì cũng không phải là một nước bé như hiện nay. Mông Cổ lại phải cử người sang “làm quan” tận Đa-nuýp, tận Vũ Hán, các nước Nga Sa hoàng, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đều vẽ lại bản đồ lãnh thổ của mình, trong đó nước Anh, nước Pháp sẽ “hời” hơn cả. Nếu thế, thì còn đâu sự tồn tại cuả cái “Trung Hoa huy hoàng” vì nó phải lần hồi là ‘thuộc quốc” của Mông Cổ xưa kia, của bộ tộc Mãn Thanh, của Anh, của Nhật Bản… và cũng nếu thế, cần có chiến tranh liên miên, cần “cách mạng không ngừng” như cách họ hiểu khái niệm này của Mác, cần quay lại thời Trung cổ, thời cận đại để chịu nhục và tiến hành chiến tranh giải phóng? Phải chăng đó là viễn cảnh đáng mừng của “thế giới đại loạn”? Nếu thế Trung Quốc làm sao có thể “an”, làm sao ung dung “toạ sơn quan hổ đấu” và “bốn hiện đại hoá”?
[1]Xem, chẳng hạn Philippe Richer, La Chine et le tiers monde, Payots. Paris. 1971 [2]Sử ký Tư Mã Thiên, tập I, Nxb Văn học, tr. 45 Nguồn: Tạp chí Triết học, Viện Triết học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội, Số 4/1980, tr. 99 – 118.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn