Phản ứng của Liên Xô với cuộc chiến tranh Ấn Độ – Trung Quốc năm 1962

Thứ ba - 04/09/2018 00:00
Phản ứng của Liên Xô với cuộc chiến tranh Ấn Độ – Trung Quốc năm 1962
Phản ứng của Liên Xô với cuộc chiến tranh Ấn Độ – Trung Quốc năm 1962

PGS.TS. Văn Ngọc Thành(Trường ĐHSP Hà Nội) 
Th.S. Phạm Xuân Công(Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai)

Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia rộng lớn, đông dân hàng đầu của thế giới, có vị trí địa chính trị rất quan trọng đối với không chỉ châu Á mà trên toàn cầu. Trong những năm Chiến tranh lạnh, mọi động thái của hai nước đều luôn thu hút được sự quan tâm của cả thế giới, đặc biệt là hai siêu cường Xô, Mỹ. Khi chiến tranh Trung – Ấn nổ ra năm 1962, mặc dù cả Mỹ và Liên Xô đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng Caribe, căng thẳng đang lên đỉnh điểm và chỉ cách cuộc chiến tranh hạt nhân trong gang tấc nhưng hai siêu cường vẫn dành sự quan tâm rất lớn đến cuộc chiến tranh này. Ở phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ điểm lại những phản ứng của Liên Xô từ đó có vài nhận xét về thái độ của Liên Xô với cuộc chiến tranh Trung Quốc – Ấn Độ năm 1962.

Ấn Độ và Trung Quốc là láng giềng của nhau có một đường biên giới chung gần 3500 km. Biên giới 2 nước cũng là một điểm nóng tranh chấp biên giới, lãnh thổ trên thế giới trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Sự tranh chấp trở nên nóng bỏng vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh biên giới kéo dài 33 ngày vào tháng 10 và 11 năm 1962, cướp đi trên 2000 sinh mạng. Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh này để lại là rất lớn, một sự tổn thương nặng nề và vết thương rất khó hàn gắn trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tình trạng căng thẳng vẫn thường xuyên trên diễn ra trên dọc tuyến biên giới hai nước suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Mâu thuẫn dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962 có nguồn gốc sâu xa từ hậu quả của chủ nghĩa thực dân Anh để lại sau một thời gian dài xâm lược và cai trị Ấn Độ. Trong quá trình cai trị, với những tính toán muốn tạo được một đường biên giới chính thức giữa lãnh thổ Ấn Độ thuộc Anh với Trung Quốc, cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Anh đã có nhiều nỗ lực để đạt được một thỏa thuận với chính quyền nhà Thanh. Tại Hội nghị Shimla (tháng 10 – 1913 – tháng 7 – 1914), người Anh cùng với Tây Tạng đã ký kết Thỏa thuận Simla (Simla Accord), trong đó có xác định đường biên giới Ấn – Trung, gọi là Đường McMahon (McMahon line). Phái đoàn Trung Quốc tại Hội nghị Simla không tham gia ký kết thỏa thuận này vì họ không đồng ý với đề xuất về đường biên giới Tây Tạng. Tuy nhiên, sau sự kiện này người Anh đã coi đường McMahon là biên giới chính thức giữa Ấn Độ với Trung Quốc và đưa vào các bản đồ do Anh xuất bản trong những năm 1930.

Kể từ khi giành được độc lập từ người Anh, Ấn Độ coi biên giới mà người Anh sử dụng là biên giới chính thức giữa nước Cộng hòa Ấn Độ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Trung Quốc không chấp nhận đường biên giới này và mâu thuẫn giữa hai nước xuất hiện. Những mâu thuẫn này đã trở nên ngày càng gay gắt và từ năm 1959 trở đi, hai nước bắt đầu xảy ra những xung đột nhỏ trên biên giới. Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn, xung đột này là cuộc chiến tranh giữa hai nước gây thiệt hại rất lớn về người và của vào tháng 10, tháng 11 năm 1962.

Cuộc chiến tranh này nổ ra vào ngày 20 – 10 và kết thúc ngày 21 – 11 – 1962. Về lực lượng, Trung Quốc sử dụng 90.000 quân trực tiếp đánh vào hai hướng Ladakh và NEFA, cùng với 90.000 quân sẵn sàng tham chiến. Ấn Độ có 30.000 quân đối phó trên cả hai hướng tấn công của Trung Quốc[1].

Cuộc tiến công của Trung Quốc diễn ra với hai hướng (hướng Ladakh ở phía tây và hướng NEFA ở phía đông) và chia thành hai đợt (đợt 1 từ 20 đến 26/10, đợt 2 từ 16 đến 21/11). Diễn biến cụ thể như sau:

Ở hướng Ladakh:  Đợt 1 (từ 20 đến 26 tháng 10 năm 1962, Trung Quốc tiến công với 3 mũi là phía Daulat Beg Oldi, hồ Panggong và mũi Demchok. Ấn Độ mất nhiều vị trí, sau đó phải rút khỏi toàn tuyến. Đợt 2 (từ 16 đến 20 tháng 11 năm 1962): Trung Quốc mở cuộc tiến công vào Chushul, lần này căn cứ của Ấn Độ được giữ vững.

Hướng NEFA: Trung Quốc chia thành 3 mũi tiến công. Mũi thứ nhất từ núi Thaga La, quân Trung Quốc tấn công các đồn biên phòng của Ấn Độ và chiếm Tawang. Sau một tuần chiếm được Tawang, Trung Quốc xây dựng một con đường đến đây để tiện chi viện. Từ 16 tháng 11, Trung Quốc tiếp tục tiến công xuống phía nam đánh đèo Sela và một nhánh đánh vào Bomdi La cách Sela 30 km đường chim bay và 80 km đường bộ theo hướng nam. Sau đó, Trung Quốc tiếp tục tiến thêm về phía nam 50-60 km đến rìa cao nguyên Assam. Mũi thứ hai và ba là từ Longju và Walong, quân Trung Quốc cũng giành thắng lợi sau đó tiến xuống phía nam cách khu dầu lửa quan trọng của Ấn Độ 60 km[2].

Mặc dù đang giành thế chủ động, ngày 21 – 11 – 1962, Trung Quốc đơn phương tuyên bố ngừng bắn và rút quân lui về sau đường McMahon 20km. Chiến tranh trực tiếp quy mô lớn giữa hai nước dừng lại. Chỉ diễn ra trong khoảng một tháng nhưng cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc – Ấn Độ năm 1962 đã để lại những hậu quả rất lớn về người và của: trên 2000 người chết (chủ yếu là phía Ấn Độ), cơ sở kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang tột độ trong dân chúng Ấn Độ.

Ngay sau khi cuộc chiến tranh biên giới Trung Ấn nổ ra, Liên Xô đã nhanh chóng có những phản ứng, trước hết là trên lĩnh vực ngoại giao. Quan điểm đầu tiên của Liên Xô về tranh chấp biên giới Ấn Độ – Trung Quốc đã được thể hiện trong bản tin của tờ TASS (Thông tấn xã Liên Xô) đêm ngày 9-9-1959. Bản tin TASS ngày 9-9-1959 “Bày tỏ sự đáng tiếc về sự cố trên biên giới Ấn Độ – Trung Quốc, lên án mạnh mẽ nỗ lực sử dụng sự kiện này để tăng cường chiến tranh lạnh và sự phá hoại tình hữu nghị giữa các dân tộc”[3]. Bản tin TASS cho biết thêm: “Các nhà lãnh đạo Liên Xô bày tỏ sự tin tưởng rằng Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Ấn Độ sẽ không để các lực lượng không những không muốn làm giảm bớt tình hình căng thẳng mà còn tìm cách làm nó ngày càng trầm trọng hơn trong quan hệ giữa các nước lợi dụng tình hình này… Cả hai chính phủ sẽ giải quyết sự hiểu lầm mới xuất hiện một cách hòa bình trên cơ sở lợi ích chung và tinh thần hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Trung Quốc và nhân dân Ấn Độ. Nó cũng sẽ tạo điều kiện để tăng cường các lực lượng đấu tranh cho hòa bình và hợp tác quốc tế”[4]. Bản tin TASS phát hành ngày 9 – 9 – 1959 cũng lên án cuộc đụng độ giữa Trung Quốc với Ấn Độ và nhấn mạnh sự phát triển đáng khen ngợi của “sự hợp tác hữu nghị” giữa Liên Xô và Ấn Độ là “phù hợp với ý tưởng chung sống hòa bình”.
Sự phản ứng này của Liên Xô gây ra một sự phẫn nộ từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong một bức thư bí mật gửi cho Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô vào ngày 13 – 9 – 1959, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cáo buộc Chính phủ Liên Xô “thỏa hiệp và nhân nhượng các vấn đề quan trọng về nguyên tắc” và lưu ý rằng “Bản tin TASS bộc lộ để thế giới thấy những quan điểm khác nhau giữa Trung Quốc và Liên Xô liên quan đến vụ việc trên biên giới Ấn Độ – Trung Quốc, tạo nên một niềm vui sướng hân hoan trong giai cấp tư sản Ấn Độ cũng như đế quốc Mỹ và Anh, những người đang tìm mọi cách có thể tạo ra sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Liên Xô”[5].

Trong các cuộc thảo luận vào cuối tháng 9 giữa các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc đã cho thấy sự khác biệt trong quan điểm và cách tiếp cận vấn đề của 2 bên. Lãnh đạo Liên Xô là NS. Khrushchev trực tiếp đến Bắc Kinh ngay sau chuyến thăm của ông tới Mỹ. Khrushchev đã thông báo với các nhà lãnh đạo Trung Quốc cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo Mỹ. Cuộc tranh luận diễn ra với những từ ngữ chua chát và gay gắt giữa Khrushchev và Chen Yi (Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc). Chen Yi nói: “Tôi buồn với tuyên bố rằng việc làm xấu đi quan hệ với Ấn Độ là lỗi của chúng tôi”[6]. Khrushchev đáp: “Tôi buồn bởi tuyên bố của ngài rằng chúng ta là máy chủ thời gian. Chúng ta cần hỗ trợ Nehru, giúp ông ấy giữ quyền lực”[7].

Trong khi Trung Quốc từ chối chấp nhận trách nhiệm về vụ việc Longju, họ cũng chuyển tải mong muốn sẵn sàng làm dịu mối quan hệ bằng cách mời Tiến sĩ S. Radhakrishnan, Phó Tổng thống Ấn Độ, người đã đến thăm Trung Quốc hai tháng trước đó. Chuyến thăm này không thể diễn ra do một cuộc đụng độ gây thương vong nghiêm trọng, chủ yếu là Ấn Độ, vào cuối tháng 10/1959, tại Ladakh, trên phần phía Tây của biên giới Trung Quốc – Ấn Độ.

Cuộc tranh luận giữa hai đảng cầm quyền tiếp tục diễn ra sau cuộc họp tại Bắc Kinh vào tháng 9. Riêng về vấn đề quan hệ với Ấn Độ, Trung Quốc tuyên bố đã gặp sáu lần với Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh trong khoảng thời gian từ ngày 10 – 12 – 1959 đến 30 – 1 – 1960, với với mục đích đưa lập trường của Liên Xô về trung lập hoàn toàn. Lãnh đạo Liên Xô đã không hề lay chuyển, họ coi quan điểm của Trung Quốc cả trên thực tế và lý luận đều không đúng.

Ngày 6 – 2 – 1960, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chính thức gửi một công hàm đến Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bác bỏ cáo buộc cho rằng Ấn Độ đã xâm lược Trung Quốc “Những người nghiêm túc không ai nghĩ rằng một nhà nước như Ấn Độ, yếu hơn rất nhiều cả về quân sự và kinh tế so với Trung Quốc, thực sự lại là nước khởi động một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Trung Quốc và phạm tội gây hấn chống lại Trung Quốc”[8]. Việc xử lý vấn đề của Trung Quốc là một biểu hiện của thái độ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và khi tiếng súng nổ trên biên giới Trung Quốc – Ấn Độ vào ngay đêm trước chuyến đi của NS. Khrushchev đến Mỹ, cả thế giới cho rằng đây là một sự kiện có thể cản trở hoạt động yêu hòa bình của Liên Xô. Trung Quốc tìm cách cản trở chính sách chung sống hòa bình mà Liên Xô đang theo đuổi nhưng các nhà lãnh đạo Liên Xô không dao động, họ công khai chỉ trích các hành động của Trung Quốc đối với Ấn Độ tại Đại hội đảng cầm quyền của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Từ những diễn biến trên có thể thấy sự rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Liên Xô và Trung Quốc trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề biên giới Trung Quốc – Ấn Độ. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh biên giới Ấn Độ – Trung Quốc bùng nổ vào tháng 10 – 1962,  đúng vào thời điểm cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô. Với mong muốn nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, Liên Xô đã có những phản ứng thể hiện sự thay đổi.

Năm ngày sau khi Trung Quốc tấn công Ấn Độ, ngày 25 – 10 – 1962, tờ báo Pravda cho thấy Liên Xô vẫn mong chờ sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chính sách của Moscow tại Cuba. Pravda chỉ ra rằng nếu chỉ có một sự lựa chọn Liên Xô sẽ đứng sau Trung Quốc và trong trường hợp khẩn cấp này lợi ích của Liên Xô ở Cuba là quan trọng hơn so với việc giữ nguyên vị thế của Liên Xô ở Ấn Độ. Pravda đã ca ngợi việc Trung Quốc đưa ra “đề xuất ngừng bắn” vào 24 – 10 là “biểu hiện của sự lo lắng chân thành” để giải quyết tranh chấp biên giới và đề  nghị Ấn Độ chấp nhận các điều khoản của Trung Quốc làm cơ sở cho các cuộc đàm phán. Pravda không lên án cuộc xâm lược của Trung Quốc mà còn nghi ngờ về tính hợp pháp của Đường McMahon là biên giới phía Đông Bắc của Ấn Độ vì “đường McMahon tai tiếng” bị áp đặt bởi “đế quốc vào các dân tộc Trung Quốc và Ấn Độ”[9]. Hơn nữa, Pravda cũng cáo buộc “Ấn Độ đã bị bọn đế quốc kích động và là chủ mưu gây ra cuộc xung đột với Trung Quốc; buộc tội Đảng Cộng sản Ấn Độ đã chuyển sang chủ nghĩa sô vanh gây thiệt hại đối với chủ nghĩa quốc tế vô sản”[10]. Tờ Pravda cũng có những nhượng bộ với quan điểm Trung Quốc và cáo buộc “Giới phản động ở Ấn Độ đã ràng buộc số phận của họ với nước ngoài và các lực lượng đế quốc” và kêu gọi những người cộng sản Ấn Độ “không đầu hàng các thế lực dân tộc chủ nghĩa”[11].

Với cách viết như vậy, Pravda đã tạo ra ấn tượng rằng Liên Xô đang tìm kiếm một thỏa thuận với Bắc Kinh với hy vọng rằng Trung Quốc có thể đáp lại bằng việc ủng hộ Moscow trong cuộc khủng hoảng Cuba đang rất gay gắt. Tuy nhiên, tờ báo này thú nhận sự lo lắng đối với cuộc chiến tranh Trung Quốc – Ấn Độ và Liên Xô rất khó ngăn chặn Trung Quốc khi họ phải dành hết tâm trí vào cuộc khủng hoảng Cuba.

Mặt khác, bài báo cũng thể hiện sự lo lắng của Liên Xô rằng chiến tranh Trung Quốc – Ấn Độ sẽ phục vụ lợi ích của bọn đế quốc và phản động: “Sự bùng nổ cuộc xung đột giữa hai cường quốc châu Á phục vụ lợi ích của không những chủ nghĩa đế quốc mà cả giới phản động ở Ấn Độ, liên kết chặt chẽ số phận của họ với nước ngoài, với các lực lượng đế quốc, thù địch đối với người Ấn Độ”[12].

Bài báo đã làm xôn xao dư luận thế giới, đặc biệt là ở Ấn Độ. J. Nehru nói rằng ông đã rất đau khổ vì bài báo, đã gây ra tổn hại đáng kể đến tình hứu nghị của Ấn Độ với Liên Xô. Thậm chí sự bối rối nghiêm trọng hơn xuất hiện trong Đảng Cộng sản Ấn Độ, một lãnh tụ là Shripad Amrit Dange đã gửi Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô một bức điện đề nghị phải có những hành động để phủ nhận một số lời tuyên bố của bài viết. Bởi vì, đây là tờ báo uy tín thể hiện lập trường của Liên Xô mà các quốc gia anh em khác và các đảng thường theo sau lập trường của Liên Xô. Dange đề nghị Moscow “ngăn chặn tất cả các Đảng anh em để họ không viết trên các tờ báo của họ về đường McMahon”. Nhân cơ hội này, phe thân Trung Quốc trong Đảng Cộng sản Ấn Độ hoạt động tích cực hơn và tuyên bố đắc thắng rằng Đảng Cộng sản Liên Xô cuối cùng đã bị “thuyết phục về sự điên rồ với biện pháp của mình và chấp nhận quan điểm của Trung Quốc”[13].

Các nhà ngoại giao Liên Xô ở New Delhi hết sức bối rối, họ có nghĩa vụ giải thích với người Ấn Độ về tình trạng phức tạp và rối rắm, về việc không thể xác định biên giới thực tế, thậm chí họ còn đề nghị Ấn Độ chờ đợi để các viện sĩ hàn lâm của Trung Quốc và Ấn Độ xác định biên giới chính xác trên cơ sở các tài liệu lưu trữ.

Lãnh đạo Liên Xô đưa ra những phản ứng này với hy vọng nhận được sự hỗ trợ tích cực của Trung Quốc trong với lập trường của họ tại Cuba. Tuy nhiên, những  nỗ lực của Liên Xô không thu được kết quả tương xứng. Tất cả những gì Moscow nhận được từ lãnh đạo Trung Quốc là một tuyên bố vào ngày 25 – 10 về vấn đề Cuba, thể hiện quan điểm“sự ủng hộ đầy đủ lập trường đúng đắn của chính phủ Liên Xô”[14] và hai bài báo lớn đăng trên Nhân dân Nhật báo với tiêu đề đầy hiếu chiến và đã chấp thuận các hành động của Liên Xô ở vùng Caribbe. Đây là sự ủng hộ chính thức cuối cùng mà Bắc Kinh dành cho Moscow. Trong khi nhiều cuộc mít tinh, biểu tình lớn tại các quốc gia khác ủng hộ các chính sách Liên Xô, tại Trung Quốc, không có bất cứ cuộc mít tinh hay biểu tình nào vào tháng 10 – 1962.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ chối tất cả những nhượng bộ với Liên Xô về cuộc khủng hoảng Cuba. Hơn nữa, Trung Quốc yêu cầu Khrushchev từ bỏ chính sách mà ông đang thực hiện với Ấn Độ. Một bài viết dài 20000 từ đăng trên Nhân dân Nhật báo dùng những ngôn từ cay độc nhất chống lại Nehru, cáo buộc ông theo đuổi một “chính sách bành trướng” và một “kế hoạch đầy tham vọng” để “thiết lập một đế chế vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Ấn Độ”.  Bài báo khẳng định rằng Nehru đã luôn “đứng về phía chủ nghĩa đế quốc” và “kích động chiến tranh với Trung Quốc để phục vụ lợi ích của đế quốc”[15]. Sau đó, bài báo yêu cầu Moscow không nên nhầm lẫn về quan điểm của Trung Quốc chống lại Ấn Độ.

Đến cuối tháng 10 – 1962, Khrushchev đã nhận thấy sai lầm trong chính sách của ông khi ủng hộ Trung Quốc chống lại Ấn Độ. Những hy vọng về một mặt trận thống nhất với Trung Quốc đã không còn. Chính sách với Ấn Độ mà Khrushchev đã rất mất nhiều công sức xây dựng từ năm 1955 đứng trước nguy cơ bị phá bỏ. Tuy nhiên, ngày 29 – 10, Hội đồng Hòa bình thế giới do Moscow chi phối đã khiển trách phái đoàn Ấn Độ khi họ đòi hỏi một cuộc thảo luận về sự xâm lược của Trung Quốc đối với Ấn Độ. Ngày hôm sau, tại Liên Hiệp Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô, Valerian Zorin nhắc lại sự ủng hộ của Liên Xô đối với đề xuất của Trung Quốc và kêu gọi Ấn Độ chấp nhận đề xuất.

Rõ ràng, ở giai đoạn này của cuộc xung đột biên giới Ấn Độ – Trung Quốc, chính sách của Liên Xô đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Khrushchev đã gửi một bức thư cho Nehru thúc giục ông chấp nhận đề nghị ngừng bắn và đàm phán của Chu Ân Lai. Liên Xô cũng đình chỉ các nguồn cung cấp máy bay chiến đấu MIG theo thỏa thuận đạt được giữa hai bên vào tháng 8 – 1962. Đây là một sự thiên vị rõ ràng đối với Trung Quốc. Sự thiên vị này phải được hiểu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đạt đỉnh điểm và Moscow nỗ lực để nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc. T.N. Kaul – Đại sứ Ấn Độ tại Liên Xô, cũng thể hiện điều này trong hồi ký của mình: “Thái độ của họ (Liên Xô) vào cuối tháng 10/1962 thậm chí còn không trung lập mà có phần ngả về phía Trung Quốc, như Khrushchev đã giải thích cho tôi sau này, do thực tế cuộc khủng hoảng Cuba lên đỉnh điểm và Liên Xô không đủ khả năng buông lỏng sự sẵn sàng chiến đấu cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra với Mỹ tại Cuba”[16].

Sự chuyển dịch thái độ của Liên Xô thể hiện rõ trong Báo cáo về “Tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại của Liên Xô”  của Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Liên Xô Khrushchev17 lên Xô viết tối cao ngày 31 -10 – 1959. Báo cáo viết: “Chúng ta rất tiếc sự cố xảy ra gần đây trên biên giới của hai quốc gia thân thiện của chúng ta – Trung Quốc mà chúng ta có mối liên kết của tình huynh đệ không thể phá vỡ và Cộng hòa Ấn Độ mà mối quan hệ tình bạn hữu nghị của chúng ta đang phát triển thành công. Chúng ta đặc biệt buồn bởi trên thực tế, hậu quả của sự kiện này là đã có thương vong với cả hai bên. Không có gì có thể bù đắp được những mất mát mà những bậc sinh thành và người thân của những người quá cố phải gánh chịu. Chúng ta sẽ rất vui nếu sự cố như vậy không lặp lại trên biên giới Trung Quốc – Ấn Độ và những tranh chấp biên giới hiện tại được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình, thân thiện đạt được sự hài lòng của cả hai bên”[17].

Nội dung của hai văn bản cho thấy lãnh đạo Liên Xô đã quan tâm và nhìn thấy tình trạng đang leo thang sự thù địch giữa Ấn Độ với Trung Quốc, đồng thời thể hiện quan điểm trung lập với cuộc chiến tranh Ấn Độ – Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thái độ trung lập trong vấn đề này đã cho thấy Liên Xô có phần nghiêng về phía Ấn Độ. Bởi lẽ, dưới góc độ ý thức hệ, khi Liên Xô và Trung Quốc đều theo chủ nghĩa xã hội thì phải ủng hộ nhau, nhưng Liên Xô không thể hiện quan điểm giai cấp rõ ràng trong một cuộc chiến tranh giữa một nhà nước xã hội chủ nghĩa và một nhà nước tư sản; dưới góc độ quan hệ quốc tế, Liên Xô đã không ủng hộ đồng minh của mình vào thời điểm cuộc chiến tranh nổ ra.

Khi vấn đề Cuba đã được giải quyết, Liên Xô từ từ rời bỏ sự ủng hộ Trung Quốc trước đó và dần trở lại lập trường trung lập, thậm chí dần nghiêng về ủng hộ Ấn Độ. Ngày 1 – 11 – 1962, Brezhnev tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Moscow và đảm bảo với ông sự ủng hộ của Liên Xô trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Ngày 2 – 11 – 1962, Khrushchev đã gửi một bức thư riêng tới Nehru thể hiện một thái độ thông cảm với Ấn Độ và thúc giục các nhà lãnh đạo Ấn Độ một lần nữa chấp nhận đề xuất của Trung Quốc nhưng bị Nehru từ chối và Khrushchev nhận ra rằng quan điểm ủng hộ Trung Quốc trước đó đã hủy hoại vị thế của Liên Xô ở Ấn Độ.

Ngày 5 – 11, tờ Pravda đảo chiều hoàn toàn so với ngày 25 – 10, một bài xã luận đã rút tất cả ủng hộ lập trường của Trung Quốc trước đó. Bài xã luận không yêu cầu Ấn Độ chấp nhận các điều khoản của Trung Quốc, đồng thời bỏ khẳng định đường McMahon là không phải biên giới của Ấn Độ với Trung Quốc mà nó đã đưa ra vào ngày 25 – 10. Bài xã luận cũng lưu ý “tiếp tục xung đột sẽ dẫn đến việc huy động ngày càng nhiều người cũng như các nguồn lực của cả hai bên và có thể dẫn đến việc kéo dài cuộc chiến tranh đẫm máu”, hơn nữa “nhân dân Liên Xô giữ quan điểm vững chắc rằng trong tình hình hiện nay, điều quan trọng là ngăn chặn chiến tranh và bắt đầu các cuộc đàm phán về việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột… một quyết định như vậy sẽ phù hợp với lợi ích của cả hai dân tộc Ấn Độ và Trung Quốc và sẽ phục vụ sự nghiệp duy trì hòa bình ở châu Á và toàn thế giới”[18].

Các lãnh đạo Trung Quốc bỏ qua lời kêu gọi này và tiếp tục các hoạt động quân sự. Ngược lại, Nehru đánh giá cao quan điểm mới của Liên Xô. Ông tuyên bố rằng Liên Xô đã bị đặt vào một “vị trí rất khó khăn” liên quan đến cuộc xung đột biên giới Trung Quốc – Ấn Độ. Vì “Liên Xô đã và đang là đồng minh của Trung Quốc. Do đó sự bối rối của họ là giữa một quốc gia mà họ rất thân thiện và một quốc gia là đồng minh của họ. Chúng tôi đã nhận ra điều đó và chúng tôi không mong đợi họ làm bất cứ điều gì như là một sự vi phạm rõ ràng với đồng minh của họ”[19].

Liên Xô đã cố gắng đưa Ấn Độ và Trung Quốc vào bàn hội nghị để đàm phán về vấn đề biên giới và muốn kết thúc chiến sự. Tại một cuộc míttinh kỷ niệm 45 năm Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Kosygin cho rằng các cuộc đàm phán sớm được tổ chức giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên cơ sở của hòa bình sẽ là một giải pháp phù hợp. Ông nói: “Chúng tôi cho rằng một giải pháp chính xác của cuộc xung đột biên giới Ấn Độ – Trung Quốc sẽ là một thỏa thuận ngừng bắn trên cơ sở hợp lý. …, không có bất đồng nào không thể giải quyết được trong các cuộc đàm phán bàn tròn”[20]. Ông cũng cáo buộc các nước đế quốc đã làm “tất cả mọi thứ” để “kích động cuộc chiến” để “tiêu diệt tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc lớn là Ấn Độ và Trung Quốc”. Ông cũng đổ lỗi cho “giới chống dân chủ ở Ấn Độ” đang tìm cách “lợi dụng sự điên cuồng của chiến tranh” và đẩy Ấn Độ đi từ chính sách trung lập của mình vào “vòng tay của khối quân sự hung hăng”[21].. Ngay sau tuyên bố của Kosygin là những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với Trung Quốc của Frol Kozlov “quan điểm phiêu lưu trong vấn đề biên giới Trung Quốc – Ấn Độ”[22].

Trong bối cảnh này, Kaul viết: “Khi thời gian trôi đi và Ấn Độ cho thấy một tinh thần quyết tâm chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, Liên Xô đã rất ấn tượng. Thái độ của họ trở nên đồng cảm hơn với Ấn Độ, cả trong tuyên bố công khai và thậm chí nhiều hơn như vậy, trong cuộc trò chuyện riêng tư của họ”[23]. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ một quốc gia đang phát triển trong cuộc chiến chống lại một nhà nước xã hội chủ nghĩa khác.

Liên Xô cũng ủng hộ các nỗ lực điều đình của sáu quốc gia trung lập châu Á và châu Phi tổ chức tại Sri Lanka vào tháng 12 – 1962 và đề xuất Colombo để giải quyết cuộc xung đột Trung Quốc – Ấn Độ. Vào ngày 12 – 12, trong một báo cáo của Xô viết tối cao, Khrushchev chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc về vụ tấn công vũ trang trong biên giới phía Bắc Ấn Độ. Ông chỉ trích sự chịu đựng của Trung Quốc khi các nước đế quốc tiếp tục kiểm soát thuộc địa Hồng Kông và Macao và cho rằng với việc giải phóng Goa, Ấn Độ đã góp phần chống chủ nghĩa đế quốc hơn so với Bắc Kinh.

Khrushchev trách cứ cuộc tấn công vũ trang của Trung Quốc vào Ấn Độ. Ông nói rằng đó là “sự đau đớn đặc biệt” đối với Liên Xô, rằng máu đã đổ ra giữa “anh em Cộng hòa nhân dân Trung Quốc và người bạn của chúng ta, Cộng hoà Ấn Độ, giữa một đất nước xã hội chủ nghĩa và đất nước đã bắt đầu trên con đường phát triển độc lập và tuân theo chính sách không liên kết”[24]. Ông hoan nghênh “hành động của các đồng chí Trung Quốc” về lệnh ngừng bắn và rút quân của họ là “hợp lý”. Nhưng sự hoan nghênh này đã được theo sau bởi một sự bác bỏ mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc. “Làm thế nào bạn có thể gọi đây là một bước hợp lý khi nó được thực hiện sau khi rất nhiều mạng sống đã cướp đi? Nó sẽ tốt hơn nếu các bên đã không dùng đến chiến tranh? Vâng, tất nhiên, nó sẽ tốt hơn. Tốt hơn! Chúng tôi đã liên tục nói điều này và chúng tôi lặp lại nó một lần nữa”[25]. Khrushchev châm chọc các nhà lãnh đạo Trung Quốc với tuyên bố: “Tất nhiên, có thể có những người sẽ nói rằng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện nay đang rút quân về cơ bản đến ranh giới mà tại đó cuộc xung đột này nổ ra. … Lý luận như vậy là điều dễ hiểu. Nó cho thấy rằng, người ta hiển thị sự quan tâm và ân hận về những gì đã xảy ra”[26].

Khrushchev sau đó ám chỉ rằng lệnh ngừng bắn và rút quân Trung Quốc đã được đưa ra là do sợ hãi sự can thiệp quân sự của Mỹ vì lợi ích của Ấn Độ. Như thế, ông nói bóng gió rằng Trung Quốc đã đầu hàng người Mỹ. Ông cũng nhận xét “đã có một số người cáo buộc rằng Trung Quốc đã ngừng chiến sự, rõ ràng bởi vì Ấn Độ đã bắt đầu nhận được sự hỗ trợ vũ khí của đế quốc Mỹ và Anh. Vì vậy, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhận ra rằng nếu xung đột vũ trang tiếp tục, nó có thể biến thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn sẽ dẫn đến tổn thất nặng nề hơn. Vâng, rõ ràng người bạn Trung Quốc của chúng ta đã xem xét tình hình và điều này cũng nói về sự khôn ngoan và hiểu biết của họ”[27]. Khrushchev sau đó cho biết cuộc chiến tranh Trung Quốc – Ấn Độ đã tiết lộ cho thế giới nhận thức thực sự về chế độ cộng sản Trung Quốc. Ông tuyên bố, “Thật là không thể chối cãi, những hành động của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ được những người yêu chuộng hòa bình đánh giá theo giá trị thực sự của chúng. Thật vậy, lý do cuộc chiến tranh này là gì? Trung Quốc đã từng phát động xâm lược Ấn Độ? Không, chúng tôi từ chối luận điểm như là sự vu khống. Và tất nhiên chúng tôi cũng bác bỏ hoàn toàn ý nghĩ rằng Ấn Độ muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh với Trung Quốc”[28]. Mặc dù luôn thận trọng, giữ thái độ trung lập giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Khrushchev vẫn ngầm nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ.

Ấn Độ hoan nghênh tuyên bố của Khrushchev, ngược lại, Trung Quốc thể hiện khó chịu cao độ. Vài ngày sau đó, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã đăng bài viết với những ngôn từ giận dữ. Những lời chỉ trích của Khrushchev làm tổn thương họ rất nhiều vì Trung Quốc buộc tội Ấn Độ phát động cuộc tấn công vũ trang chống lại Trung Quốc. Khi các nhà lãnh đạo Liên Xô từ chối chấp nhận lời giải thích của Trung Quốc về chiến tranh của họ với Ấn Độ, làm sao những người ở các nước khác lại bị buộc phải chấp nhận các báo cáo của Trung Quốc? Người Trung Quốc chua chát than phiền rằng lần đầu tiên một nhà nước cộng sản đã không đứng về phía một nhà nước cộng sản trong cuộc tranh chấp với một nhà nước tư sản. Họ đã rất giận dữ với những người “tự nhận mang phong cách Marxist-Leninist” và tuyên bố rằng “một số người đã chỉ trích quan điểm đúng đắn của Trung Quốc về vấn đề biên giới Trung Quốc – Ấn Độ như thể Trung Quốc đã gây ra một thảm họa. Quá rõ ràng trong một thời gian dài người ta đã từ chối đàm phán hòa bình, người ta đã chiếm đóng lãnh thổ, người ta đã thực hiện hành động khiêu khích vũ trang và đã dựng lên cuộc tấn công lớn… Nhưng điều thực sự lạ lùng là một số người tự nhận là Marxist-Leninist đã quẳng chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong gió, họ đã sử dụng các lớp quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin để phân tích chính sách phản động của chính phủ Nehru kích động các cuộc xung đột biên giới Trung Quốc – Ấn Độ và kiên quyết từ chối hòa giải. Những người nhắm mắt trước thực tế rằng chính sách này xuất phát từ nhu cầu của giai cấp đại tư sản và đại địa chủ của Ấn Độ để chống lại người dân Ấn Độ và phong trào tiến bộ … Một thực tế, trong những năm gần đây chính phủ Nehru ngày càng đàn áp người dân và khúm núm hơn đối với đế quốc Mỹ, đóng vai trò là đồng lõa với nó trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Phe đối lập với Chính phủ Nehru liên tục chạy sang Trung Quốc là kết quả chính xác của chính sách đối nội và đối ngoại của Ấn Độ đã ngày càng trở nên phản động hơn. Những người cáo buộc Trung Quốc với việc đẩy chính phủ Nehru sang phương Tây chính xác là đảo ngược nguyên nhân và hiệu quả. Trong suốt cuộc tranh chấp biên giới Trung Quốc – Ấn Độ, những người này đã thất bại trong việc phân biệt đúng sai, đã giả vờ là “trung lập” và đã gọi Trung Quốc là “người anh em”, trong khi thực sự liên quan đến bọn phản động Ấn Độ như là “bà con”của họ… Đối với một người cộng sản, yêu cầu tối thiểu là nên thực hiện một sự phân biệt rõ ràng giữa kẻ thù và bản thân mình, phải tàn nhẫn đối với kẻ thù và tử tế với đồng chí của mình. Nhưng có những người đảo lộn điều này. Đối với chủ nghĩa đế quốc đó là “sự thỏa hiệp” và “nhượng bộ lẫn nhau”. Đối với các Đảng anh em nó chỉ là sự thù địch không đội trời chung”[29].

Liên Xô bác bỏ những cáo buộc của Trung Quốc cho rằng họ đã vi phạm chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa quốc tế vô sản và đã đả kích các nhà lãnh đạo Trung Quốc vì đã chỉ trích chính sách“thực tế, khôn ngoan và yêu chuộng hòa bình” của Liên Xô. Đồng thời họ ca ngợi Nehru là “hiểu biết sâu sắc về sự nguy hiểm rất lớn của các thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc” và nhất là việc “từ chối từ bỏ chính sách không liên kết”[30].

Trong một thông tri bí mật tới các đảng cộng sản Đông Âu, Đảng Cộng sản Liên Xô bày tỏ sự gay gắt đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bức thư nói rằng, Trung Quốc đã xâm lược Ấn Độ mà không hề thông báo trước cho Liên Xô. Liên Xô sẵn sàng đề nghị hòa giải, Ấn Độ sẵn sàng đàm phán. Ngược lại, Trung Quốc sử dụng các cuộc đàm phán “chỉ để có thời gian cho hành động gây hấn. Sự gây hấn vô cớ của Trung Quốc chống lại Ấn Độ đã đặt Liên Xô trong một tình thế rất khó khăn”[31]. Đường McMahon là do thực dân Anh tạo ra nhưng người Trung Quốc cần biết rằng không có lý do để “kích động hoạt động quân sự”, để đẩy Ấn Độ vào vòng tay của tư bản, như các nhà lãnh đạo Liên Xô đã luôn luôn nhấn mạnh trong nhiều cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Các chính sách của Liên Xô và Ấn Độ có nhiều điểm chung. Ấn Độ đã cố gắng thực sự “tìm thấy con đường độc lập và trung lập tuyệt đối” và đã có “nhiều yếu tố xã hội chủ nghĩa” ở Ấn Độ và “họ đáng khích lệ”. Từ năm 1959, đã có “mối quan hệ thật sự thân thiện giữa Liên Xô và Ấn Độ”, hiệp định kinh tế đàm phán thuận lợi và quan trọng hơn là “những nỗ lực chân thành của Liên Xô để xây dựng đất nước Ấn Độ là cơ sở cho phúc lợi tương lai của nhiều triệu người Ấn Độ”[32].

Thái độ của Liên Xô đối với cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc – Ấn Độ năm 1962 cũng được thể hiện rõ trên lĩnh vực hợp tác và trợ giúp quân sự tring và sau khi cuộc chiến tranh này nổ ra. Khi cuộc chiến tranh Trung Quốc – Ấn Độ bùng nổ, Liên Xô có thái độ ủng hộ Trung Quốc và tạm ngưng cung cấp các loại máy bay theo thỏa thuận trước đó cho Ấn Độ. Tuy nhiên Liên Xô đã nhanh chóng quay lại trạng thái cân bằng, thậm chí dần chuyển sang ủng hộ Ấn Độ. Khi mối bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày càng tăng và mối quan hệ Ấn Độ – Liên Xô ngày càng phát triển, đặc biệt sau một số xung đột trên biên giới Trung Quốc – Ấn Độ xảy ra, Liên Xô chọn cách cung cấp máy bay và trực thăng để tăng cường năng lực vận tải hàng không cho quân đội Ấn Độ “Vào tháng 4 – 1961, Liên Xô bán cho Ấn Độ tám máy bay Antonov-12 bốn động cơ phản lực cánh quạt. Liên Xô cũng đào tạo và cung cấp 40 phi công, hoa tiêu và thợ cơ khí người Nga đi kèm máy bay. Sự hiện diện của họ bị một số nhân vật chính trị ở Ấn Độ phản đối gay gắt vì cho rằng họ có thể là những điệp viên được cài vào. Ngay sau đó là một lô hàng được bàn giao, bao gồm 24 máy bay Ilyushin-14 và trực thăng MI-4 có thể đưa người và hàng hóa lên độ cao 17.000 feet (hơn 5000m). Theo Zhang Han-fu, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Ấn Độ đã đặt hàng 32 máy bay vận tải Antonov An-12, 26 máy bay trực thăng MiG, 21 máy bay chiến đấu MiG và 24 máy bay Ilyushin IL-14, giữa tháng 10/1960 và tháng 5/1962”[33]. Liên Xô đã “đồng ý với “Mic Deal” có nghĩa là xây dựng các nhà máy sản xuất máy bay siêu âm Mig-21. Năm 1963, Liên Xô đã hứa viện trợ để xây dựng nhà máy thép Bokaro và cung cấp máy bay vận tải AN-12 và máy bay trực thăng Mi 4 theo các thỏa thuận trước đó”[34].

Như vậy, trong cuộc chiến tranh Trung – Ấn năm 1962, phản ứng của Liên Xô trải qua 2 giai đoạn khá rõ ràng. Ở giai đoạn thứ nhất, trước ngày 31 – 10, phản ứng Liên Xô là trung lập về hình thức nhưng thực chất là thiên vị Trung Quốc; ở giai đoạn thứ hai, từ sau 31- 10, Liên Xô đã dần chuyển sang ủng hộ phía Ấn Độ, lên án Trung Quốc.
Sự dịch chuyển thái độ của Liên Xô trong cuộc chiến tranh Trung – Ấn năm 1962 phản ánh tính phức tạp của quan hệ quốc tế thời kỳ Chiến tranh lạnh. Xung đột biên giới và cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 1962 đã đặt Liên Xô trước những sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Bởi vì, trước khi xảy ra xung đột biên giới Trung Quốc – Ấn Độ, Liên Xô có mối quan hệ tốt đẹp với cả hai nước. Ấn Độ là một trong những nước sáng lập Phong trào không liên kết, có ảnh hưởng lớn trong các nước Á, Phi, là quốc gia lựa chọn con đường trung lập, xây dựng đất nước theo xu hướng tư bản và có đường lối ngoại giao hòa bình, thân thiện. Giữa Liên Xô và Ấn Độ đã xây dựng tình hữu nghị sâu đậm, khá đặc biệt từ năm 1955; hai nước có rất nhiều hợp tác về kinh tế, quân sự, ngoại giao. Trung Quốc cũng là nước sáng lập Phong trào không liên kết, lại là nước xã hội chủ nghĩa lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Liên Xô. Trung Quốc và Liên Xô cùng chung một hệ tư tưởng, 2 nước có mối quan hệ đồng minh. Một quốc gia là láng giềng thân thiện, một quốc gia là đồng minh trong phe xã hội chủ nghĩa lại xảy ra tranh chấp rồi chiến tranh đã đưa Liên Xô vào một tình huống rất khó xử. Tuy vậy, các nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô cũng đã có sự lựa chọn của riêng mình. Trên danh nghĩa, từ đầu đến cuối, Liên Xô theo đuổi thái độ trung lập, nhưng trên thực tế có những thay đổi khác nhau ở từng giai đoạn. Đây là lần đầu tiên một quốc gia trụ cột trong hệ thống xã hội chủ nghĩa – Liên Xô –  không những không ủng hộ đồng minh quan trọng của mình – Trung Quốc – trong các mối quan hệ tranh chấp, xung đột và chiến tranh với một quốc gia không cộng sản – Ấn Độ. Chính vị thế của 2 chủ thể trong cuộc xung đột, chiến tranh này cũng như sự trỗi dậy của Thế giới thứ ba, của Phong trào Không liên kết… đã trở thành những nhân tố cản trở mức độ chi phối của trật tự 2 cực và yếu tố ý thức hệ.

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là cuộc xung đột, chiến tranh biên giới Trung – Ấn năm 1962 không bị chi phối bởi vấn đề quốc tế thời kỳ trật tự 2 cực của Chiến tranh lạnh, của ý thứ hệ mà sự chi phối này khá phức tạp. Thông qua những phản ứng của Liên Xô với đối với mối quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ nói chung, với cuộc chiến tranh năm 1962 nói riêng, quan hệ Ấn – Xô được cải thiện nhanh chóng sau đó, trở thành mối quan hệ khá đặc biệt, được đánh dấu bằng việc ký kết Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác năm 1971 giữa hai nước. Quan hệ Ấn – Xô bước vào thời kỳ phát triển toàn diện.

[1] Thư viện Quân đội (1979), Chiến tranh Trung – Ấn (Từ 20/10/1962 đến 21/11/1962), Tài liệu biên soạn của C52 Bộ Tổng tham mưu, Thư viện Quân đội sao lục, tr9.

[2] Thư viện Quân đội (1979), Chiến tranh Trung – Ấn (Từ 20/10/1962 đến 21/11/1962), Tài liệu biên soạn của C52 Bộ Tổng tham mưu, Thư viện Quân đội sao lục, tr10.

 

[3] Arun Mohanty (2012), “On the Soviet Stand on India – China Border Conflict”, Mainstream, VOL L No 46, November 3

[4] Arun Mohanty (2012), “On the Soviet Stand on India – China Border Conflict”, Mainstream, VOL L No 46, November 3;

[5] M.Y. Prozumenschikov (1996-1997), “The Sino-Indian Conflict, the Cuban Missile Crisis, and the Sino-Soviet Split, October 1962: New Evidence from the Russian Archives”

[6] Arun Mohanty (2012), “On the Soviet Stand on India – China Border Conflict”, Mainstream, VOL L No 46, November 3

[7] Arun Mohanty (2012), “On the Soviet Stand on India – China Border Conflict”, Mainstream, VOL L No 46, November 3

[8] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India, tr60

[9] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India, tr75

[10] M.Y. Prozumenschikov (1996-1997), “The Sino-Indian Conflict, the Cuban Missile Crisis, and the Sino-Soviet Split, October 1962: New Evidence from the Russian Archives

[11] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India, tr75

[12] Arun Mohanty (2012), “On the Soviet Stand on India – China Border Conflict”, Mainstream, VOL L No 46, November 3

[13] M.Y. Prozumenschikov (1996-1997), “The Sino-Indian Conflict, the Cuban Missile Crisis, and the Sino-Soviet Split, October 1962: New Evidence from the Russian Archives”.

[14] M.Y. Prozumenschikov (1996-1997), “The Sino-Indian Conflict, the Cuban Missile Crisis, and the Sino-Soviet Split, October 1962: New Evidence from the Russian Archives”.

[15] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India.

[16] Arun Mohanty (2012), “On the Soviet Stand on India – China Border Conflict”, Mainstream, VOL L No 46, November 3

17 Ngày 27 – 3 – 1958, Nikita Khrushchev lên giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng) thay cho Nikolai Bulganin, trở thành lãnh đạo đầu tiên đồng thời nắm giữ hai chức vụ chủ chốt của Liên Xô sau Joseph Stalin. Ông giữ các chức vụ này cho đến ngày 14 – 10 – 1964 sau đó nghỉ hưu và qua đời năm 1971.

[17] Arun Mohanty (2012), “On the Soviet Stand on India – China Border Conflict”, Mainstream, VOL L No 46, November 3

[18] Arun Mohanty (2012), “On the Soviet Stand on India – China Border Conflict”, Mainstream, VOL L No 46, November 3

[19] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India, tr77

[20] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India, tr77

[21] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India,, tr78

[22] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India,, tr78

[23] Arun Mohanty (2012), “On the Soviet Stand on India – China Border Conflict”, Mainstream, VOL L No 46, November 3

[24] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India, tr79

[25] Như trên

[26] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India, tr80

[27] Như trên

[28] Như trên

[29] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India, tr82-83

[30] Như trên, tr83

[31] Như trên,

[32] Hemen Ray (1988), Sino-Soviet Conflict Over India, Publishers Shakti Malik Abhinav Publications E-37, New Delhi, India, tr84

[33] S.K. Bhutani (2012), “Sino-Indian War, 1962 and the Role of Great Powers”, Journal of Defence Studies, Vol-6, Issue-4.pp- 109-124, tr118-119

[34] Như trên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây