Đây là bước ngoặt lớn trong lịch sử Nhật Bản, đánh dấu sự chuyển đổi từ Thời Heian sang Thời Kamakura, từ Cổ đại sang Trung thế và từ xã hội do quý tộc đóng vai trò trung tâm sang xã hội với thực quyền thuộc về giới võ sĩ.
Từ cuối thời Heian, cùng với sự lên ngôi của giới võ sĩ, thể chế quốc gia mới đã làm thay đổi cách nhìn nhận, tư tưởng và cả cơ cấu tổ chức của toàn thể giới Phật giáo. Trước hết phải kể đến là sự mất hiệu lực của Tăng ni lệnh. Việc triều đình bỏ mặc giới Phật giáo đã trở thành điều kiện thuận lợi để Phật giáo quốc gia biến đổi và phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau. Các tăng ni không chỉ tụng niệm cho sự yên ổn của triều đình hay thịnh vượng của giới quý tộc mà còn tích cực thâm nhập vào xã hội của người bình dân. Có thể nói, sự biến đổi từ việc cầu nguyện cho sự yên bình của triều đình và thịnh vượng của giới quý tộc sang hoạt động cứu độ cho người dân thường chính là một trong những biểu hiện của sự chuyển biến từ Phật giáo cổ đại sang Phật giáo trung thế.
Sự chuyển biến mạnh mẽ nêu trên đã làm nảy sinh những tư tưởng mới và tạo ra một thời kỳ phát triển chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản. 8 tông phái Phật giáo cũ (bao gồm Nam Đô lục tông và Bình An nhị tông mà trước đây thường được gọi là Cựu Phật giáo Kamakura hay từ năm 1975 được nhà nghiên cứu Kuroda Toshio gọi là Phật giáo Hiển Mật) vẫn phát triển trên cơ sở nền tảng kinh tế và quyền lực chính trị mạnh mẽ đã được tích tụ từ thời cổ đại. Tuy nhiên, bên cạnh những tự viện thâm nghiêm với những nhà sư mực thước, chuyên tâm tu hành và giữ gìn giới luật thì trong giới Phật giáo thời trung thế đã xuất hiện những lý luận hay hành cử mà theo quan niệm truyền thống thì đó là những điều tối kỵ như việc các nhà sư lập gia đình riêng…
Một trong những nhà sư đã đưa ra tư tưởng Phật giáo cách mạng thời bấy giờ chính là Shinran (1173-1262). Mặc dù ban đầu chịu ảnh hưởng từ Genshin (942-1017) , Hōnen (1133-1212) …, nhưng có một điều thú vị là Shinran đã phát triển và đưa ra những tư tưởng riêng, có sức hút đối với quần chúng thậm chí hơn cả người thày trực tiếp của mình là Hōnen.
Với tư tưởng của Shinran, sau 700 năm được truyền bá vào Nhật Bản, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo đã đến được với người bình dân và thực sự là Phật giáo của họ, cho riêng họ. Và tư tưởng được coi là hợp với lối sống, tâm tư của người bình dân nhất chính là những điều mà đã được Shinran đúc rút từ những trải nghiệm tôn giáo và trăn trở của cuộc đời mình. Vấn đề là tại sao trong số vô vàn các vị thần, vị Phật được tôn sùng thời trung thế Shinran chỉ chọn duy nhất một vị Phật, đó là A-di-đà? Ông đã nhìn nhận về con người như thế nào và đưa ra giải pháp nào cho sự cứu độ những người bình dân mà lại có thể tạo ra được sức hút mạnh mẽ đối với họ như vậy?
1. Khái quát về cuộc đời và hành trạng của Shinran
1.1. Từ khi sinh ra cho đến khi gặp Hōnen (1173-1201)
Shinran sinh năm Shōan thứ 3 (1173), tức là giữa những năm thiên hạ đại loạn, trong một gia đình quý tộc hạng thấp. Cuộc đời kéo dài 90 năm của ông với không ít những thăng trầm đã được ghi lại trong các truyền, ký khác nhau. Mặc dù đến nay việc nghiên cứu về mặt văn bản các sử liệu đó vẫn còn đang được tiến hành, nhưng người ta cũng đã có được những hiểu biết chung về cuộc đời của Shinran.
Khi lên 9 tuổi, ông được cha đưa lên núi Hiezan học Phật giáo như các con em quý tộc khác. “Tranh truyền kỳ về Thánh nhân Shinran” (Shinran Shōnin Denne) có ghi rõ về sự kiện này. Vào thời đó Phật giáo được coi là kiến thức nền tảng, thường thức, nên việc vào chùa học đạo Phật không phải là hành động xuất gia, cắt đứt mọi quan hệ với đời sống trần tục bên ngoài. Ngược lại, giới Phật giáo cũng chính là thế giới trần tục, tức là người ta cũng mưu cầu sự thăng tiến khi bước vào đó. Shinran đã chuyên cần tầm cứu kinh sách và tu hành trong suốt những năm ở Hieizan, nhưng điều ông đạt được không phải là sự thăng tiến vì gia đình thiếu quyền thế và cũng không phải là sự đốn ngộ trong Phật giáo. Càng ở Hieian, ông càng cảm thấy bức bối với sự bất công khi thấy những vị tăng trẻ hơn nhưng lại được thăng tiến trước do thuộc dòng dõi quý tộc cấp cao hơn. Hơn nữa, trong bản thân Shinran cũng phải hàng ngày đấu tranh với những tham vọng cháy bỏng trong mình. Ông đã tìm giải pháp trong Phật giáo, nhưng lại nhận ra rằng, có một thứ nghiệp chướng gắn chặt vào cuộc đời mỗi con người mà không có cách nào giải thoát được.
Sau rất nhiều trăn trở, năm Kennin thứ nhất (1201), Shinran đã tìm đến ngôi chùa mà người ta cho rằng do chính Thánh Đức Thái tử (Shōtoku Taishi), người được coi là có công đầu tiên đưa Phật giáo vào Nhật Bản, xây dựng. Đó chính là Rokkakudō ở khu Karasuma, Kyōto. Ở chính điện có thờ Phật bà Quan Âm và bản thân Thánh Đức Thái tử cũng được sùng bái như là hóa thân của Phật bà Quan Âm này. Việc đến Rokkakudō và cầu nguyện Phật bà Quan Âm cùng Thánh Đức Thái tử cứu độ chính là giải pháp cuối cùng mà Shinran có được lúc đó. Ông đã đi đi lại lại từ Hieizan đến Rokkakudō trong suốt 100 ngày mà không quản đường sá xa xôi.
Điều duy nhất mà Shinran cầu nguyện lúc đó là mong Thánh Đức Thái tử chỉ ra cho mình con đường phải đi tiếp. Đến những ngày cuối cùng, khi đã thấm mệt, ngủ thiếp đi thì Shinran mơ thấy Thánh Đức Thái tử hiện về và khuyên nên đến tìm gặp sư Hōnen ở Yoshimizu, Kyōto. Có một điều tình cờ ngẫu nhiên là đúng vào năm Shinran sinh ra (1173), Hōnen đã dời Hieizan, chọn cách chuyên tu niệm Phật để tìm con đường cứu độ cho chúng sinh.
Nghe theo lời Thánh Đức Thái tử, Shinran đã xuống núi và tìm gặp Hōnen. Trong lá thư gửi con gái vào cuối đời, ni cô Eshin, tức người đã từng đi chung đường đời cùng Shinran đã viết như sau:
Khi ngài xuống núi, đến Rokkakudō để cầu nguyện vãng sinh cho kiếp sau thì đến rạng sáng ngày thứ 95 Thánh Đức Thái tử đã hiện lên và cho lời khuyên vàng ngọc. Ngài hỏi làm thế nào để được cứu độ thì được trả lời rằng, hãy đến gặp Hōnen Thượng nhân (Hōnen Shōnin). Sau khi tu niệm đủ 100 ngày ở Rokkakudō, ngài đã không quản sớm tối, nắng mưa hàng ngày đến gặp sư Hōnen chỉ để hỏi một điều liệu có con đường cứu độ nào cho kiếp sau của cả thiện nhân lẫn ác nhân hay không và được trả lời rằng, con người thì ai cũng qua “ác đạo” và lầm lạc trong chốn trần gian.
Sau khi nghe những lời thuyết pháp của Hōnen, Shinran dường như bị thuyết phục và ngộ ra một điều rằng, trong mỗi con người đều tiềm ẩn những dục vọng, phiền khổ mang tính định mệnh, không thể thoát khỏi. Vì vậy, không phải hoài công đấu tranh với những phiền khổ đó mà tốt hơn hết là sống đúng với mình và ngày ngày niệm Phật, cầu nguyện Phật A-di-đà thì sẽ thành Phật. Có thể nói đây là nền tảng đầu tiên và là yếu tố xuyên suốt tư tưởng của Shinran sau này. Năm đó Shinran tròn 29 tuổi.
1.2. Thời kỳ hoạt động truyền giáo(1201-1235)
Sau khi được giải thoát khỏi những trăn trở, phiền khổ bấy lâu và ngộ ra con đường cứu độ chúng sinh của riêng mình, Shinran đã quyết định dời bỏ núi Hieizan, biểu trưng quyền uy của Phật giáo Hiển Mật lúc bấy giờ, lập một am nhỏ ở Kyōto và bắt đầu hoạt động truyền giáo trong dân gian. Hai năm sau đó, tức năm 1203 ông kết hôn, nhưng vẫn kiên trì con đường hoạt động Phật giáo. Từ những trải nghiệm tôn giáo không thành sau nhiều năm tu hành tại Hieizan và đấu tranh với những phiền khổ mang tính nghiệp chướng của bản thân, Shinran đã khảng khái thuyết phục những người dân thường rằng, họ không thể tự cứu được mình bằng tự lực (Jiriki) mà phải nhờ vào tha lực (Tariki), tức Phật A-di-đà, bằng cách ngày ngày niệm “Nam Mô A di đà Phật” với một niềm tin sâu sắc trong tâm. Chỉ cần như vậy là mọi ác nhân (Akunin) hay phàm phu (Bonpu) đều được giải thoát. Với nhiệt tình thuyết pháp và những lời thuyết giảng hợp với tâm tư của người dân thường, Shinran đã nhận được sự ủng hộ lớn lao từ họ.
Tuy nhiên, nhìn từ phía các nhà sư của các tự viện thuộc Phật giáo Hiển Mật thì hành động của Hōnen, Shinran là phỉ báng Phật giáo truyền thống và không thể tha thứ. Theo họ, trong Phật giáo có hàng trăm, hàng vạn các vị Phật khác nhau, nên không thể chỉ thờ Phật A-di-đà. Hơn nữa, Phật giáo không phải là thứ dành cho kẻ phàm phu mà chỉ là của những người cao quý. Trước sức ép của giới Phật giáo Hiển Mật, vào năm Genkyū thứ nhất (1204) Hōnen đã thảo một văn bản chế định gồm 7 điều trong đó thay mặt những người chủ trương niệm Phật hứa sẽ giữ mình, không tiến hành những hoạt động đi ngược lại với chủ trương của Hieizan. 190 đệ tử của Hōnen đã ký vào văn bản này, trong đó có Shinran. Tuy nhiên, mặc cho sự nỗ lực của Hōnen và các đệ tử, nhiều thành phần khác trong giáo đoàn đã ngang nhiên công kích Phật giáo Hiển Mật. Kết quả là vào tháng 10 năm Genkyū thứ 2 (1205), chùa Kōfuku-ji, một trong những trung tâm của quyền lực Phật giáo ở Nam Đô đã tấu trình lên triều đình về việc các đệ tử của Hōnen không thực hiện đúng theo lời hứa với Hieizan trước đây và yêu cầu cấm không cho giáo đoàn niệm Phật này được hoạt động.
Mặc dù có những phê phán gay của chùa Kōfuku-ji cùng giới Phật giáo thủ cựu, nhưng triều đình cũng khó có thể thẳng tay đàn áp giáo đoàn của Hōnen bởi trong giới quý tộc quyền uy lúc bấy giờ cũng có không ít người ủng hộ trào lưu niệm Phật, trong đó tiêu biểu là Kujō Kanezane . Vì vậy, đến tận cuối năm đó, tức ngày 19 tháng 12 triều đình mới ra chiếu chỉ cấm những hành vi vi phạm Phật pháp của các môn đệ Hōnen mà không đưa ra hình thức xử phạt cụ thể. Không đồng tình với cách hành xử đó của triều đình, chùa Kōfuku-ji tiếp tục yêu cầu cần phải xử phạt nghiêm khắc hơn nữa những người chủ trương niệm Phật. Không thể làm ngơ trước yêu cầu đó, vào tháng 2 năm sau triều đình đã buộc phải xử phạt hai môn đệ thân tín của Hōnen là Junsai và Gyōkū. Tuy nhiên, đến đây không phải triều đình đã làm tăng chúng của chùa Kōfuku-ji hài lòng. Điều họ cần là phải truy đuổi hết những người chủ trương niệm Phật, phỉ báng Phật pháp ra khỏi Kyōto. Vì vậy, triều đình đã buộc phải xuống chiếu cấm toàn bộ hoạt động của giáo đoàn Hōnen, xử tử 4 người và lưu đày 8 người, trong đó có Hōnen, Shinran. Trong tác phẩm Gukanshō (Ngu quản sao) của Jien, tổng trụ trì của chùa Enryaku-ji, Hieizan lúc đó có ghi chép rằng, Hōnen bị đi đày ở Dosa (76 tuổi), còn Shinran thì ở Eichigo (35 tuổi) và cả hai đều phải hoàn tục, đổi danh tính. Lúc đó Shinran đổi tên thành Fujii Zenshin. Tuy nhiên, do bất mãn với cách phân xử của triều đình cũng như bất lực với chính những mâu thuẫn trong cuộc đời mình, Shinran đã tự nhận là “phi tăng, phi tục” và xưng là Gutoku Shinran (tức Shinran trọc và dốt nát).
Khi lên đường đi lưu đày, Shinran đành để vợ và con (Zenran, sinh khoảng năm 1204) ở lại Kyōto mà chỉ mang theo những kinh điển Phật giáo, bởi biết rằng cuộc sống ở chốn lưu đày quá khắc nghiệt, cận kề với cái chết. Trên thực tế, khi ở Echigo, Shinran đã phải tự kiếm kế sinh nhai và không được truyền giáo cho đến khi có lệnh tha bổng của triều đình. Trong hoàn cảnh đó, Shinran đã bén duyên với một cô gái con nhà giàu ở địa phương mà sau này đổi tên thành ni cô Eshin (Eshinni). Đó là vào năm Jōgen thứ 2 (1209), hơn 1 năm sau khi Shinran bị lưu đày.
Và vào tháng 3 năm Kenryaku thứ nhất (1211), người con cả đầu tiên của Shinran với ni cô Eshin là Shinrembō đã ra đời. Cho đến lúc này Shinran thành người có đồng thời 2 vợ, nhưng trong thời Kamakura, khi mà chế độ đa thê được công nhận thì đây cũng là điều dễ hiểu bởi về hình thức Shinran đã hoàn tục. Sau khi Shinrembō được 6 tháng, vào tháng 11 năm Kenryaku thứ nhất, Shinran đã được lệnh phóng thích khỏi chốn lưu đày.
Sau khi nhận được lệnh, Shinran không dời khỏi Echigo ngay bởi thời điểm đó là mùa đông, tuyết dày bao phủ và rất khó khăn cho việc đi lại mà định để sang mùa xuân mới di chuyển. Tuy nhiên, đúng vào ngày 25 tháng 1 năm sau, sư Hōnen đã sang thế giới bên kia tại Kyōto mà không đợi được đệ tử chân truyền của mình. Trước nỗi đau mất mát đó, Shinran đã quyết tâm duy trì những điều răn dạy của Hōnen và truyền bá rộng rãi trong dân gian. Để làm việc đó, ông không thể trở về Kyōto bởi mặc dù đã tha bổng những người trong giáo đoàn Hōnen, nhưng triều đình vẫn bảo lưu lệnh cấm họ hoạt động. Vì thế, Shinran đã quyết định ở lại Echigo để truyền giáo. Trong những năm truyền giáo tại đây, Shinran đã thu nạp được số lượng môn đệ lớn. Hơn nữa, hoạt động truyền giáo này còn thu hút được đông đảo nông dân và gắn kết họ lại trong một giáo đoàn. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lực của các lãnh chúa, địa chủ địa phương và dồn Shinran đến tình thế bị đàn áp một lần nữa.
Trước nguy cơ đó, vào năm Kempō thứ 2 (1214), Shinran đã cùng vợ và con quyết định di chuyển xuống vùng Kantō. Lúc này Shinran 42 tuổi. Những năm tháng khó khăn này đã được ni cô Eshin thuật lại trong thư gửi các con mình sau đó. Khi đến Kantō, điều hiện lên trước mắt Shinran là cảnh sống quá nghèo khó của người nông dân ở đây khi so sánh với các vùng khác, nơi Shinran đã đi qua. Đặc biệt, tháng 6 năm Kanki thứ 2 (1230) một thiên tai lớn đã xảy ra với nông dân vùng Kantō bởi tuyết rơi phủ kín giữa mùa hè. Điều này đã làm mùa màng thất bát và dẫn đến nạn đói khủng khiếp vào năm sau đó đến mức thây người chết đói chất thành từng đống ở các làng. Điều này đã đốt cháy tâm can Shinran và thôi thúc ông nhanh chóng truyền giáo nhằm an ủi cho những mất mát của người dân, nhưng điều này không phải là dễ dàng. Kantō vốn là một trong những trung tâm phát triển của Phật giáo Hiển Mật. Ngay từ thời Nara trong các làng đã xuất hiện những tự viện Phật giáo. Để có thể thuyết phục được người dân, Shinran đã quyết định bắt tay vào viết Kyōgyōshinshō (Giáo hành tín chứng) trong đó vận dụng các kinh điển Phật giáo để chứng minh cho chân lý của mình rằng, vào thời mạt thế chỉ có niệm Phật mới có thể cứu độ được chúng sinh. Sau này, Kyōgyōshinshō đã trở thành trước tác tiêu biểu nhất của Shinran và là kinh điển riêng của giáo đoàn Tịnh độ chân tông, tức tông phái được sinh ra sau này, trong đó tôn Shinran là vị khai tổ và lấy giáo pháp của ông làm tông chỉ.
Mặc dù không có nhiều ghi chép tỉ mỉ về những hoạt động trong suốt 20 của Shinran ở Kantō, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của tín ngưỡng niệm Phật ở đây đã là minh chứng thuyết phục nhất. Trong khoảng thời gian này ông đã viết nhiều thư trả lời cho những trăn trở của môn đệ và tín đồ mà sau đó được tập hợp lại trong các trước tác như Tannishō (Thán dị sao), Wasan (Hòa tán), Matōshō (Mạt đăng sao) …Tuy nhiên, cũng giống như Kyōto và Echigo, sự mở rộng tín ngưỡng niệm Phật trong dân gian đã làm ảnh hưởng đến quyền lực vốn cho của các lãnh chúa, địa chủ địa phương. Trong những lá thư viết vào năm Kenchō thứ 7 (1255) sau này, Shinran đã thuật lại về những cuộc đàn áp của các thế lực chính trị địa phương. Không những thế, vào năm Genryaku thứ 2 (1235) ngay bản thân Mạc phủ Kamakura cũng hưởng ứng với lệnh cấm giáo đoàn niệm Phật của triều đình và thực hiện việc bắt bớ những người tu hành. Trong bối cảnh đó, Shinran không còn cách nào khác là đành phải trở về Kyōto.
(Xem bài viết toàn văn tại cuốn Phương Đông: Truyền thống và Hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015)
Tác giả: TS. Phạm Thị Thu Giang
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn