Trong các vấn đề đó, việc thực hiện quyền tự do lập hội của người dân đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy dân chủ ở Indonesia từ năm 1998 cho đến nay.
1. Quan điểm về xã hội dân sự và sự phát triển của xã hội dân sự ở Indonesia trong thời kỳ Cải Cách Dân chủ
Trên thế giới hiện nay có nhiều quan điểm về xã hội dân sự (civil society). Về cơ bản, các quan điểm này đều tương đối thống nhất nhau ở vấn đề coi xã hội dân sự là “các tổ chức xã hội nằm ngoài nhà nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình” với “thành phần quan trọng của xã hội dân sự là các hội, hiệp hội trong dân chúng, trong làng xóm, mang tính chất liên kết cộng đồng" [3,14] hay là “các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm...” [4, 242]… Gần đây, quan niệm về thành phần xã hội dân sự mở rộng hơn khi bao hàm thêm các thể chế dân sự như báo chí, các trường đại học, viện nghiên cứu… Tuy nhiên, tính đến chức năng của xã hội dân sự, các quan điểm lại thể hiện nhiều điểm khác biệt. Có quan điểm nhấn mạnh chức năng “thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình” như quan điểm của các học giả Nga N.M.Voskresenskaia và N.B. Davletshina (đã dẫn ở trên), có quan điểm lại cho rằng xã hội dân sự có thể củng cố nhà nước bằng cách “đóng góp vào tính hiệu quả và tính ổn định của các chính phủ dân chủ” thông qua việc “tạo cho các thành viên tham gia thói quen hợp tác, đoàn kết, hăng hái trước các vấn đề chung” và “khắc sâu thêm những kỹ năng hợp tác cũng như ý thức chia sẻ trách nhiệm trong những nỗ lực tập thể” [5, 89-90]. Trong khi đó, có quan niệm coi xã hội dân sự là xã hội lý tưởng, tốt đẹp, “là xã hội của những con người tự chủ, giàu tính người, đoàn kết thúc đẩy phát triển và thực hành quyền lợi cộng đồng, chứ không phải những con người cá nhân vị kỷ, nô lệ cho kinh tế thị trường, nô lệ cho nhu cầu hám lợi của mình và của người khác” [6]. Có quan điểm trung dung hơn, không nhấn mạnh chức năng đối lập nhà nước hay củng cố nhà nước của xã hội dân sự mà chỉ coi đây là các tổ chức xã hội có mục tiêu “liên kết người dân với nhau trong những hoạt động vì một mục đích chung” [7, 14].
Những quan điểm khác nhau về xã hội dân sự cũng diễn ra ở Indonesia, trong đó nổi bật lên hai quan điểm khác biệt gắn với các thuật ngữ khác nhau trong tiếng Indonesia. Quan điểm thứ nhất sử dụng thuật ngữ “masyarakat madani” gắn xã hội dân sự với những giá trị xã hội Islam. Từ “madani” trong thuật ngữ này xuất phát từ chữ “Madinah” - tên của một thành phố ở Ả-rập Xê-út được nhà tiên tri Mohammad lập nên theo trật tự xã hội Islam vào thế kỷ VII. Người Islam vốn coi “Madinah” như một biểu tượng văn minh, nên các nhà tư tưởng Islam ủng hộ tên gọi này cho xã hội dân sự. Họ cố gắng nối hình mẫu xã hội Islam cổ với tư tưởng xã hội dân sự hiện đại, trong đó xã hội luôn thể hiện “sự ủng hộ đối với nhà nước” và“không phải là một công cụ đấu tranh để phát triển dân chủ hoặc mang lại chủ quyền cho nhân dân” [8, 14]. Trong khi đó, quan điểm thứ hai về xã hội dân sự ở Indonesia gắn với những cụm từđược chuyển dịch trực tiếp từ thuật ngữ “civil society” của phương Tây là “masyarakat warga”, “masyarakat kewargaan”, “masyarakat sipil”. Tiêu biểu cho quan điểm này là nhận định của nhà nghiên cứu A.S. Hikam cho rằng xã hội dân sự là “khu vực đời sống xã hội được tổ chức vàmang những đặc trưng như tự nguyện, tự lập, tự hỗ trợ, tự chủ cao trước nhà nước và gắn với những tiêu chuẩn hoặc giá trị pháp luật được các công dân tuân thủ” [9, 3]. Quan điểm này được phần lớn giới trí thức Indonesia ủng hộ và tỏ ra phù hợp với những quan điểm phổ biến và được nhiều người công nhận về xã hội dân sự hiện nay trên thế giới.
“Xã hội dân sự” (civil society) được hình thành từ những “tổ chức xã hội dân sự” (civil society organizations) mang tính tự nguyện, tự lập, tự hỗ trợ và tự chủ, nhưng hai khái niệm xã hội dân sự và các tổ chức xã hội dân sự không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Xã hội dân sự chỉ được hình thành khi trong xã hội có các thể chế và tổ chức xã hội dân sự hoạt động độc lập, tích cực và tự nguyện, không bị chi phối bởi quyền lực nhà nước. Trong xã hội đó, người dân không chỉ có ý thức cao về vai trò xã hội của mình mà tiếng nói và các hoạt động của họ thông qua các tổ chức, các thể chế dân sự hay các phong trào xã hội có tác động quan trọng tới việc tạo dựng hoặc điều chỉnh thể chế nhà nước, quy định pháp luật cũng như mang lại các lợi ích phát triển cho xã hội. Trong khi đó các tổ chức xã hội dân sự chỉ là những bộ phận cấu thành nên xã hội dân sự. Một quốc gia hay một xã hội có thể có các tổ chức xã hội dân sự nhưng chưa chắc đã có một xã hội dân sự. Xã hội dân sự thể hiện mức độ phát triển cao của ý thức xã hội và tính độc lập, tích cực của các tổ chức xã hội dân sự trong đó. Theo quan điểm này, các tổ chức xã hội dân sự đã xuất hiện ở Indonesia từ những năm đầu thế kỷ XX và phát triển ở những cấp độ khác nhau trong các thời kỳ Dân chủ Tự do (1950-1959), Dân chủ Chỉ Đạo (1959-1965) và Trật Tự Mới (1965-1998). Tuy nhiên, phải đến thời kỳ Cải cách Dân chủ (từ năm 1998 cho đến nay), xã hội dân sự ở Indonesia mới hình thành dựa trên sự phát triển mạnh mẽ và hoạt động tích cực của rất nhiều tổ chức xã hội dân sự trong điều kiện các quy định pháp lý về cơ bản đã mở rộng các quyền tự do lập hội của người dân .
Sự chấm dứt chế độ Trật Tự Mới đồng nghĩa với việc xóa bỏ sự kiểm soát khắc nghiệt của chính quyền đối với các tổ chức xã hội. Trong Hiến pháp Indonesia 1945 sửa đổi lần thứ 2 (năm 2000), điều 28E của đạo luật về Nhân quyền đã quy định “mỗi người có quyền tự do lập hội, quyền tụ họp và đưa ra ý kiến” . Với quy định này, các tổ chức được thành lập và hoạt động không chịu sự kiểm soát và hạn chế từ phía chính phủ.
Ngoài việc sửa đổi quy định người dân có quyền tự do lập hội, chính phủ Indonesia trong thời kỳ cải cách còn ban hành những đạo luật về quyền thành lập các tổ chức xã hội cụ thể, chẳng hạn như quyền thành lập công đoàn. Dưới thời tổng thống Abdurahman Wahid, đạo luật UU No. 21/2000 ra đời tuyên bố về việc tự do thành lập các công đoàn trên cơ sở đăng ký với Bộ Nhân sự , đồng thời khuyến khích công nhân viên tham gia vào các tổ chức công đoàn để tăng khả năng bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Sự sụp đổ của chế độ độc tài Trật Tự Mới vào năm 1998 mở ra kỷ nguyên Cải Cách Dân chủ ở Indonesia cũng khuyến khích các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ từ Mỹ, Ốtxtrâylia, Nhật Bản và các nước châu Âu tăng cường hỗ trợ tài chính và huấn luyện kỹ năng hoạt động cho các tổ chức xã hội dân sự ở nước này nhằm củng cố và thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa trong nước theo hình mẫu phương Tây.
Tình hình trên đã tạo điều kiện quan trọng cho sự bùng nổ các tổ chức xã hội dân sự ở Indonesia, trong đó bao gồm các hội đoàn như tổ chức nông dân, công nhân, phụ nữ, sinh viên, các tổ chức nghề nghiệp, tôn giáo, các tổ chức giải trí, các tổ chức gây áp lực, các nhóm lợi ích cũng như vô số các tổ chức phi chính phủ…Chỉ tính riêng các tổ chức phi chính phủ, theo báo Kompas trích dẫn từ Cục Thống kê Indonesia (BPS), năm 2000 có khoảng 70.000 tổ chức [10]. Nếu tính tất cả các loại hình tổ chức xã hội hiện đang tồn tại ở Indonesia, con số này sẽ lớn hơn rất nhiều, có thể lên đến hàng trăm nghìn tổ chức. Các nhà nghiên cứu không thể đưa ra con số cụ thể về các tổ chức xã hội hiện nay vì chỉ có những tổ chức phi chính phủ, tổ chức công đoàn phải đăng ký thành lập và hoạt động trong khi đó nhiều hội đoàn khác tồn tại và hoạt động mà không cần phải đăng ký với chính quyền. Bên cạnh đó, báo chí cũng tự do phát triển. Các trường đại học, các viện nghiên cứu được thành lập rộng rãi và tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật mới.
Ngoài sự bùng nổ về số lượng các thể chế và tổ chức xã hội dân sự, sự hoạt động sôi nổi của các tổ chức này trên các lĩnh vực “phát triển” (development), “vận động” (advocacy) và “trao quyền” (empowerment) khiến thời kỳ Cải Cách Dân chủ được coi là “kỷ nguyên phát triển của xã hội dân sự Indonesia” [11, 8].
(Xem bài viết toàn văn tại cuốn Phương Đông: Truyền thống và Hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015)
Tác giả: TS. Hồ Thị Thành
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn