Việt Tây kim thạch lược粤西金石略 (15 quyển) nguyên là phần "Kim thạch văn" của bộ sách Quảng Tây thông chí (128 quyển) do học giả - nhà phương chí học nổi tiếng Trung Quốc đời Thanh là Tạ Khải Côn 謝啟昆(1737-1802) chủ trì biên soạn. Trước khi hoàn thành Quảng Tây thông chí vào tháng 4 năm 1801 (Gia Khánh thứ 6), Tạ Khải Côn đã lấy riêng phần "Kim thạch văn" ra in trước thành sách và lấy tên là Việt Tây kim thạch lược.
Bài văn khắc mà chúng tôi đọc được là bài minh trên quả chuông của chùa Sùng Khánh thuộc châu Tư Lang, có ghi niên đại năm Hội Tường Đại Khánh thứ 4 (1113) thời Lý Nhân Tông, được chép trong quyển 3 của Việt Tây kim thạch lược. Đến đầu thế kỷ XIX, quả chuông này vẫn còn trên đất thổ châu Thái Bình (Quảng Tây). Theo một số tư liệu như Dũng tràng tiểu phẩm 湧幢小品của Chu Quốc Trinh 朱國禎(1558-1632) hay Xích nhã 赤雅của Quảng Lộ 鄺露 (1602-1648), vào thời Minh, chuông được dân địa phương gọi là "phi lai chung", tương truyền bay từ đất châu Tư Lang của Giao Chỉ sang Quảng Tây. Khi trời tối, chuông bay xuống nước đánh nhau với rồng, đến khi trời sáng lại quay trở về chỗ cũ. Đến năm Kỉ Mão niên hiệu Chính Đức thời Minh (1519), chuông bị trộm cắt lấy phần núm treo chuông và phần vành miệng chuông, từ đó mới hết những chuyện kỳ quái(2). Lại có chuyện Thẩm Hi Nghĩa (1491-1554) - viên tướng nhà Minh nổi tiếng với các cuộc trấn áp các dân tộc thiểu số ở Quảng Tây, từng sai Xá nhân Lưu Động đến xem chuông, định phá lấy đồng đúc vũ khí, nhưng Lưu Động chưa đến gần được chuông đã bị vật chết(3). Như vậy, vào thời Minh đã tồn tại rất nhiều truyền thuyết thú vị về quả chuông này. Tuy nhiên, Tạ Khải Côn không tin những chuyện kỳ quái đó, mà cho rằng quả chuông này đã được cướp về nội địa Trung Quốc khi thổ quan của các châu An Bình, Tư Lăng của nhà Minh đánh nhau với thổ quan châu Tư Lang của An Nam dưới niên hiệu Chính Thống thời Minh (1436 - 1449)(4). Nếu suy đoán của Tạ Khải Côn là chính xác, quả chuông này đã bị cướp về Quảng Châu từ khoảng giữa thế kỷ XV.
Hình 1: Văn bản Tư Lang châu Sùng Khánh tự chung minh trong Việt Tây kim thạch lược
Theo Việt Tây kim thạch lược, chuông cao 4 thước 2 tấc (khoảng 134,4cm(5)), miệng rộng 3 thước 1 tấc (99,2cm). Bài minh trên chuông có thể tạm chia làm 4 phần. Phần tiêu đề có 8 chữ "Tư Lang châu Sùng Khánh tự chung minh" 思琅州崇慶寺鐘銘 (viết bằng chữ khải - chân, rộng 6 phân = 19,6mm). Phần mở đầu, có 86 chữ (chữ khải, 4 phân), giới thiệu về việc Thứ sử châu Phú Lương, kiêm Tiết độ Quán sát sứ các châu Quảng Nguyên, Tư Lang là Dương Cảnh Thông 楊 景 通 cúng 7 nghìn cân đồng để đúc hồng chung. Phần chính văn, có 667 chữ (chữ khải, 6 phân), giới thiệu về dòng họ, lai lịch của Dương Cảnh Thông cũng như mục đích của việc đúc chuông là cầu phúc cho "đương kim hoàng thượng" (tức Lý Nhân Tông) và "Thánh Thiện hoàng thái hậu" (tức Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan). Cuối cùng là phần niên hiệu, tên người soạn minh văn, viết chữ (48 chữ).
Theo phần cuối cùng, bài minh do Hộ bộ Viên ngoại lang sung Tập Hiền viện Học sĩ Tào Lương Hàn soạn(6), Thừa vụ lang Hiệu thư tỉnh Dương Văn Đĩnh viết chữ, Quảng Giáo Viên Minh tự Hồng Tán đại sư Thích Diên Thọ cho khắc vào ngày 15 tháng Giêng năm Hội Tường Đại Khánh thứ 4 (1113)(7).
Người tổ chức đúc chuông (chung chủ鐘主) là "Phủ trung bảo tiết, Tá lí công thần Phú Lương châu Thứ sử, kiêm Quảng Nguyên, Tư Lang đẳng châu Tiết độ Quán sát sứ, Kim tử quang lộc đại phu, Kiểm hiệu Thái phó, kiêm Ngự sử đại phu, đồng Trung thư Môn hạ Bình chương (thiếu 3 chữ, có lẽ chữ đầu là "sự") Tán Nông tự, Khai quốc công, thực ấp nhất vạn hộ, thực thực phong ngũ thiên hộ Dương Cảnh Thông 楊景通"(8). Cách ghi chức vị của Dương Cảnh Thông có nhiều điểm tương đồng với chức vị Đỗ Anh Vũ trên Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh (1157) ("Tá lí công thần", "quốc công", "thực ấp" và "thực thực ấp").
Về nhân vật Dương Cảnh Thông, theo Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 5 (mùa hè) năm Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), Dương Cảnh Thông khi đó là "Lạng châu mục" (ĐVSL) - "phò mã lang" (ĐVSKTT) đã dâng hươu trắng lên Lý Nhân Tông, sau đó được phong chức "Thái bảo"(9). Ngoài ra, theo Tục tư trị thông giám trường biên, tháng Giêng năm 1086 (Tống Nguyên Hựu nguyên niên), Quảng Tây kinh lược tư có báo lên về việc Tri Quảng Nguyên châu Dương Cảnh Thông của nhà Lý sai bọn Đàm An đánh sang đất Tống để cướp biên dân(10). Có thể nói, ghi chép trong các tài liệu chính sử về Dương Cảnh Thông là hết sức sơ lược, Dương Cảnh Thông chỉ được miêu tả như một thủ lĩnh miền núi qui thuộc nhà Lý. Trong khi đó, trong Việt giám thông sử tổng luận, Lê Tung (tên thực là Dương Bản Bao) lại có một đánh giá rất đáng chú ý: "Còn những bậc như Đào Cam Mộc, Đào Thạc Phụ, Lương Nhậm Văn, Đào Xử Trung, Lý Đạo Kỷ, Liêu Gia Trinh, Kim Anh Kiệt, Tào Lương Hàn, Dương Cảnh Thông, Nguỵ Trọng Hoằng, Lưu Vũ Nễ, Lý Công Bình, Hoàng Nghĩa Hiền, Lý Kính Tu, không biết can vua để nêu tục tốt, cho nên chính trị không được bằng đời cổ là phải"(11). Có lẽ, khi soạn tổng luận trên cơ sở sách Việt giám thông sử của Vũ Quỳnh, Lê Tung đã dựa trên một số tài liệu thời Lý vẫn còn lưu giữ được vào thời điểm đó để đánh giá Dương Cảnh Thông, cũng như Tào Lương Hàn, là một trong những trọng thần của thời Lý.
Trong bối cảnh như vậy, bài minh chuông chùa Sùng Khánh đã cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quý giá về dòng họ Dương cũng như cá nhân Dương Cảnh Thông. Theo bài minh, Dương Cảnh Thông xuất thân trong một dòng họ có thế lực ở Thái Bình (châu Thái Bình?), tổ tiên (hiển tổ) từng làm đến chức Binh bộ Thượng thư, cao tổ làm đến chức Thái phó, kị tên húy là Nhật Đăng từng làm đến chức Thái bảo, ông nội (thái vương phụ 太王父) húy là Khuông 匡 làm đến chức Thiếu phó, cha (vương phụ 王父) húy là Huệ Doanh 惠盈 là người có tài về văn chương. Dương Cảnh Thông tuy là con út (quí thiếu 季少) trong ba anh em nhưng có phong tư kì vĩ, là người có tài nên được mời về kinh, cưới công chúa Thọ Dương 壽陽公主. Như vậy, bên cạnh xuất thân, minh văn cũng giúp chúng ta bổ sung thông tin của ĐVSKTT về việc Dương Cảnh Thông là phò mã của công chúa Thọ Dương.
Minh văn cũng giúp khẳng định rõ hơn vai trò của Dương Cảnh Thông trong việc quản lý biên giới với nhà Tống. Như chúng ta đã biết, năm 1078-1079, sau nhiều lần đàm phán, nhà Tống đã trao trả cho Đại Việt châu Quảng Nguyên, và người được giao làm Tri châu Quảng Nguyên chính là Dương Cảnh Thông. Sự kiện Dương Cảnh Thông cho bọn Đàm An đánh sang Quảng Tây năm 1086 (đã dẫn ở phần trên) trước đây từng được học giả Hoàng Xuân Hãn đánh giá là: hành động nằm trong chính sách tiếp tục quấy nhiễu biên giới của nhà Lý để buộc nhà Tống tiếp tục phải hoàn trả các động Vật Dương, Vật Ác đã chiếm của nước ta sau chiến tranh Tống - Lý(12). Vai trò này của Dương Cảnh Thông, theo minh văn chuông chùa Sùng Khánh, vẫn được duy trì đến năm 1113 với chức vụ Tiết độ Quán sát sứ Quảng Nguyên, Tư Lang đẳng châu.
Việc tìm thấy minh văn chuông chùa Sùng Khánh cũng giúp chúng ta xem xét lại các giả thuyết về xuất thân của phò mã Dương Tự Minh 楊嗣明. Dương Tự Minh là thủ lĩnh châu Phú Lương, được gả công chúa Diên Bình năm 1127, là người có công rất lớn trong việc chiêu tập dân phiêu tán ở các vùng biên giới như châu Quảng Nguyên năm 1142-1143, cũng như trấn áp cuộc nổi loạn của Đàm Hữu Lượng tại châu Tư Lang năm 1145. Hiện nay, tồn tại hai giả thuyết khác nhau về xuất thân của Dương Tự Minh. Một cho rằng Dương Tự Minh vốn là nhà nghèo, một cho rằng Dương Tự Minh vốn xuất thân trong một gia đình thủ lĩnh của thế lực ở châu Phú Lương. Việc tìm thấy bài minh chùa Sùng Khánh cho thấy nhiều khả năng Dương Tự Minh có liên quan đến Dương Cảnh Thông và dòng họ Dương tại châu Phú Lương.
Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu khái quát về Tư Lang châu Sùng Khánh tự chung minh, một văn khắc có từ thời Lý từng bị lưu lạc sang Trung Quốc. Do khuôn khổ giới hạn của một bài thông báo, chúng tôi chỉ giới thiệu những thông tin cơ bản nhất cũng như chỉ ra một số vấn đề xung quanh văn bản này, nguyên văn, bản dịch và phần khảo sát tường tận hơn sẽ được chúng tôi trình bày trong một bài viết khác.
Hình 2: Bình luận của Lê Tung về Tào Lương Hàn và Dương Cảnh Thông trong "Việt giám thông khảo tổng luận"
Chú thích:
(1). Nguyễn Văn Thịnh (Chủ trì), Văn bia thời Lý, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
(2). 「廣西太平州有一鐘、自交趾思琅州飛來、夜常入
水與龍鬬、天明復舊所、正德己卯、盜斷其鈕及唇、靈怪遂滅」(『湧幢小品』卷四、鐘鼎)。
(3). 「太平飛來鐘自交阯思琅州飛至、沈希儀遣舍人劉
勳相之、搥造軍器、目未及視、仆地而死」(『』卷三、伏波銅船、飛來鐘)。「飛来鐘、相傳自交阯思琅州飛来、明指揮沈希儀遣舍人劉勳往相之、欲搥取其銅、以造軍器、未至數百步、忽仆地」(『廣西通志』卷四十五、飛来鐘)。
(4). Điều này có liên quan đến các tranh chấp giữa nhà Lê và nhà Minh vào giữa thế kỷ XV, chúng tôi sẽ trình bày cụ thể hơn trong một bài viết khác.
(5). Ở đây chúng tôi tạm lấy chiều dài thước, tấc, phân theo qui chế thời Thanh (1 thước = 32cm).
(6). Việt Tây kim thạch lược chép người soạn là Tào Lương Phụ 輔. Nhiều khả năng đây chính là Tào Lương Hàn 翰, đại thần thời Lý Cao Tông được nhắc đến trong Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Tung.
(7).「會祥大慶肆年正月拾伍日記廣教圓明寺洪讚大師釋延壽刊 丞務郎校書省臣楊文挺書部員外郎充集賢院學士賜 紫金魚袋臣曹良輔(翰)撰」。
(8).「撫忠保節、佐理功臣、富良州剌史、兼廣源思琅等州節度觀察使、金紫光祿大夫、檢校太傅、兼御史大夫、同中書門下平章□□□□農郡、開國公、食邑一萬戶食實封伍千戶、楊景通」。
(9). 「諒州牧楊景通獻白鹿、群臣上表稱賀拜楊景通為太
保」(『大越史略』卷中、仁宗).「駙馬郎楊景通獻白鹿」(『大越史記全書』本紀、卷三、仁宗、會祥大慶八年夏五月条)。
(10). 「元祐元年春正月庚寅朔改元(中略)辛卯詔廣西
經略司體量知廣源州楊景通遣覃安等劫虜邊民、仍移牒安静海軍、問不遵詔敕端由」(『續資治通鑑長編』卷三百六十四、哲宗元祐元年正月条)。
(11).「至於陶甘沐、陶碩輔、梁任文、陶處中、李道紀、廖嘉貞、金英傑、曹良翰、楊景通、魏仲弘、刘禹你、李公平、黄義賢、李敬脩之諸彦、不正其君以成俗宜其之不古若也」(『越鑑通考總論』)。
(12). Tham khảo thêm Hoàng Xuân Hãn, Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Nxb. Hà Nội, 2010.
Tác giả: ThS. Phạm Lê Huy
Khoa Đông phương học
(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.357-366)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn