Quyền lực mềm của văn hóa Hàn Quốc - Hanllyu ở Việt Nam và ảnh hưởng của nó

Thứ năm - 05/11/2015 00:00
Quyền lực mềm của văn hóa Hàn Quốc - Hanllyu ở Việt Nam và ảnh hưởng của nó
Quyền lực mềm của văn hóa Hàn Quốc - Hanllyu ở Việt Nam và ảnh hưởng của nó

Tóm tắt: Trải qua hơn hai thập kỷ (1992-2015) hình thành và phát triển, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc từ quan hệ ngoại giao song phương đã trở thành quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện và đã để lại nhiều thành tựu, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công hiệp hóa và hiện đại hóa ở Việt Nam. Góp phần vào xu thế chung đó, làn sóng văn hóa Hàn Quốc  được xem là một yếu tố quan trọng và đồng thời cũng là sự thành công trong việc quảng bá hình ảnh về đất nước con người Hàn Quốc tại khu vực châu Á nói chung trong đó có Việt Nam.
     Cho đến nay, mặc dù không còn nở rộ như những năm cuối của thập kỷ 90 thế kỷ XX và đầu thập niên thế kỷ XXI, nhưng làn sóng văn hóa Hàn Quốc (còn được gọi là Hanllyu) vẫn tiếp tục được quảng bá tại Việt Nam như các bộ phim điện ảnh, truyền hình vẫn trình chiếu đều đặn hàng ngày trên các kênh thông tin, truyền hình hoặc thương hiệu của hàng hóa Hàn Quốc vẫn được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam.
Từ khóa:  Hàn Quốc, Việt Nam, Làn sóng văn hóa Hàn Quốc, giáo dục – đào tạo, trung tâm Hàn ngưc Sejong, nghiên cứu khoa học, điện ảnh, âm nhạc, du lịch, du học, gia đình đa văn hóa Hàn - Việt.


1.    Con đường quảng bá làn sóng văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam 
Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia Đông Á có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa. Ngày 22/12/1992, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc chính thức được thiết lập. Trải qua hơn hai thập kỷ phát triển, quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật…  Năm 2001 quan hệ hai nước từ đối tác thông thường được nâng lên thành  “Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”; và năm 2009 tiếp tục được nâng lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”. Việc hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược” chính là kết quả tất yếu của quá trình phát triển quan hệ song phương trong hai thập kỷ qua, đồng thời cũng là sự thể hiện quyết tâm chung của Chính phủ và nhân dân hai nước thúc đẩy mối quan hệ đó ngày càng phát triển tốt đẹp và sâu sắc hơn trong thời gian tới.
Cũng trong nhiều năm qua ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trên các lĩnh vực, sự quan tâm về văn hóa Hàn Quốc của người dân Việt Nam rất lớn. Có thể nói rằng làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hanllyu) đã sớm có mặt ở Việt Nam và đã đóng góp lớn vào sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Hàn Quốc – Việt Nam. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1992 cho tới nay, Hallyu, làn sóng văn hóa Hàn Quốc, đã được tiếp nhận ở Việt Nam một cách sâu rộng hơn bất cứ ở quốc gia nào khác trong khu vực. [1] 
Nhìn tổng quát, làn sóng văn hóa Hàn Quốc được người Việt Nam tiếp nhận thông qua 8 con đường chủ yếu sau:
1.1    Trước hết là, về giáo dục đào tạo
Hiện tại, ở Việt Nam  có 12 cơ sở đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học đang  trực tiếp tham gia đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng. Cơ sở đào tạo về tiếng Hàn và văn học Hàn Quốc  được coi là sớm nhất ở Việt Nam là ngành đào tạo Văn học Hàn Quốc đã được mở tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Sau 5 khóa đào tạo (1993-1998) tức là từ K36 đến K40, số cử nhân tốt nghiệp có khoảng trên 70 sinh viên, số giảng viên tình nguyện KoiKa đến giảng dạy là 10 người, đặc biệt, phía Hàn Quốc đã giúp đỡ Khoa xây dựng một tủ sách về tiếng Hàn và Hàn Quốc học số lượng khoảng 500 cuốn. Cũng trong năm 1993, Ngành Đông Phương học Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội được thành lập và tuyển sinh khóa học đầu tiên. Riêng chuyên ngành Hàn Quốc học có 8 sinh viên. Đến nay, trải qua 23 năm đào tạo, có khoảng gần 700 sinh viên ngành Hàn Quốc học tốt nghiệp góp phần đáng kể vào công cuộc đổi mới ở Việt Nam. 
     Tiếp đến, năm 1994, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đã chính thức thành lập Bộ môn Hàn Quốc học thuộc Khoa Đông Phương học. Sau nhiều năm đào tạo, đầu năm 2015, ngày 20 tháng 1, Giám đốc Đại học Quốc gia Tp. HCM, đã ký Quyết định nâng cấp Bộ môn Hàn Quốc học thành Khoa Hàn Quốc học trực thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hiện tại,  đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa có 24 người, trong đó 91,7% có trình độ thạc sĩ trở lên (1 phó giáo sư tiến sĩ, 2 tiến sĩ, 19 thạc sĩ), trong đó 11 thạc sĩ đang làm nghiên cứu sinh, 1 cử nhân sắp hoàn thành luận văn thạc sĩ.
Ngoài hai trường đại học KHXH&NV Hà Nội và T.p Hồ Chí Minh có cơ sở đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học nêu trên, trong nhiều năm qua, ở Việt Nam còn xuất hiện nhiều cơ sở đào tạo tiếng Hàn và Hàn quốc học khác, chẳng hạn: năm 1995, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc; Ngành Hàn Quốc học Trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học T.p Hồ Chí Minh  ra đời năm 1995; Khoa Hàn Quốc học Đại học Quốc tế Hồng Bàng thành Phố Hồ Chí Minh thành lập năm 1999; ;  Ngành Hàn Quốc học Khoa Đông Phương – Trường Đại học Lạc Hồng thành lập năm 2003;  Chuyên ngành Hàn Quốc học thuộc Khoa Đông Phương học Trường Đại học Đà Lạt  thành lập năm 2005, Khoa Hàn Quốc học Đại học ngoại ngữ Hà Nội ( nay là Đại học Hà Nội ) thành lập năm 2006; Trường Cao đẳng Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Sài Gòn (niên chế 3 năm) thành lập cơ sở đào tạo Hàn Quốc học năm 2007 và năm 2009, Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc thuộc Đại học Ngoại ngữ Huế được thành lập.
Cũng từ năm 2008,  các Trung tâm Hàn ngữ Sejong cũng  liên tiếp được thành lập ở Việt Nam đó là Trung tâm Hàn ngữ Sejong Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQGTPHCM; Trung tâm Hàn ngữ Sejong Hà Nội 1 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQGHN; Trung tâm Sejong Hà Nội 2 tại Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN; Trung tâm Hàn ngữ Sejong tại Trường Đại học Đà Lạt và Trung tâm văn hóa Hàn Quốc ở Hà Nội. Ngoài các cơ sở đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học nêu trên, ở Việt Nam còn xuất hiện các lớp học tiếng Hàn do các đơn vị chủ quản KOCHAM vốn là các doanh nghiệp Hàn Quốc mở các lớp dạy tiếng Hàn cho các nhân viên đang tham gia làm việc tại các công ty Hàn Quốc. Như vậy, giáo dục, đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học ở Việt Nam được xem là lĩnh vực thành công của Hanllyu trong hai thập kỷ qua đã đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của giao lưu hợp tác Việt – Hàn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Việt Nam.
1.2    Về công tác nghiên cứu khoa học
Công tác nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực quan trọng cũng đạt được nhiều thành tựu lớn  qua hơn hai thập kỷ trong quan hệ Việt - Hàn. Công tác này bao gồm 2 nội dung chủ yếu là các hoạt động khoa học và các ấn phẩm khoa học về Hàn Quốc. Về hoat động khoa học, trong những năm qua, đã có nhiều hội thảo khoa học quốc tế liên quan đến tiếng Hàn và Hàn Quốc học được tổ chức tại Việt Nam. 
Năm 1994, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức hội thảo khoa học tiêu đề: Những vấn đề văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc” gồm 42 báo cáo đề cập đến các vấn đề văn hóa giữa hai nước. Năm 1996, hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 2 với tiêu đề “ Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Việt Nam- Hàn Quốc” với sự tham gia của 36 báo cáo khoa học. Năm 1998, Khoa Đông Phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo: “ Nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Hàn” đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học đến từ nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong nước và Hàn Quốc. Năm 2000, Trường Đại học dân lập Ngoại ngữ và Tin học T.p Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo với tiêu đề: “Văn hóa truyền thống Việt Nam- Hàn Quốc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Tương tự, năm 2001, Khoa Đông Phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn T.p Hồ Chí Minh tổ chức  hội thảo khoa học quốc tế tiêu đề: “Các vấn đề ngôn ngữ, văn hóa và xã hội Hàn Quốc” do Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundation) tài trợ.  Tháng 12/2012, Bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội tổ chức hội thảo tiêu đề: “ Ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam 20 năm giảng dạy và nghiên cứu” do Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc tài trợ. Tại hội thảo, ông Jee Chang – sun Trưởng đại diện Quỹ giao lưu Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam đã khẳng định: “ Trong quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc 20 năm qua, chỉ nhìn vào kim ngạch thương mại đã có thể thấy tăng lên 40 lần, dự định đạt 20 tỷ USD năm nay so với 500 triệu USD vào thời điểm năm 1992,… Số lượng sinh viên vào học ngành tiếng Hàn và Hàn Quốc học cũng đang thấy xu thế phát triển nhanh chóng, văn hóa Hàn Quốc cũng đang được người Việt rất yêu thích”[2]
Ngoài các hội thảo khoa học, trong nhiều năm qua, nhiều ấn phẩm khoa học nghiên cứu về Hàn Quốc đã được xuất bản gồm: giáo trình dạy tiếng và giáo trình dạy chuyên môn Hàn Quốc học; sách chuyên luận viết về Hàn Quốc, sách tập hợp các bài viết có liên quan đến Hàn Quốc và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc; trong đó có những cuốn tiêu biểu sau: Tra cứu văn hóa Hàn Quốc của Hwang Gwi Yeon và Trịnh Cẩm lan, NXB ĐHQG Hà Nội, 2002; Kim Ki - tea, 2000 từ và câu tiếng Hàn cho người Việt, Nxb Thanh niên; Hàn Quốc - Lịch sử và Văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia 1995 (sách dịch); Tính năng động của nền kinh tế Hàn Quốc, Khoa Đông Phương học Đại học Khoa học xã hội nhân văn T.P Hồ Chí Minh dịch và xuất bản…. Cũng  hơn hai thập kỷ qua, nhiều cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, hội nghiên cứu Hàn Quốc tại Việt Nam đã cho đăng các bài viết trên tạp chí khoa học với số lượng hàng trăm bài báo khoa học [3]. Theo Giáo sư Ahn Kyong Hwan, Đại học Chosun, Hàn Quốc, tính đến năm 2013 đã có khoảng 35 tác phẩm văn học Hàn Quốc được dịch sang tiếng Việt và có khoảng 18 tác phẩm Việt Nam được dịch rồi xuất bản sang tiếng Hàn [4]. 
1.3    Điện ảnh và phim truyền hình
Theo thống kê, hiện tại Việt Nam có tất cả 65 đài truyền hình, bình quân mỗi ngày phát trên 20 phim truyền hình Hàn Quốc, chủ yếu chiếu vào 6 giờ, 18 giờ và 21 giờ, trong đó từ 18 giờ đến 21 giờ là khoảng thời gian có số người xem phim đông nhất. Như vậy, có thể khẳng định rằng, phim điện ảnh và phim truyền hình là một trong những kênh quan trọng nhất của Hanllyu tại Việt Nam.  Đối với giới trẻ Việt Nam khi được hỏi rằng bạn có thích xem phim truyền hình và phim điện ảnh Hàn Quốc không? câu trả lời 78% là có và 22% là không. Còn về độ tuổi từ 15 - 22 là thích nhiều, từ 23-30 là thích vừa. Bên cạnh đó, nhiều người trung tuổi và người già cũng thích phim Hàn Quốc bởi lẽ, gia đình Hàn Quốc và gia đình Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về văn hóa ứng xử. Sở dĩ có nhiều người Việt Nam thích xem phim truyền hình Hàn Quốc  cũng bởi lý do kịch bản phim hay, hấp dẫn, có ý nghĩa, tính giải trí cao; diễn viên diễn xuất hay, giàu tính cảm xúc. Như vậy, về một ý nghĩa nào đó, phim điện ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc trong nhiều năm qua đóng một vai trò rất lớn trong việc quảng bá làn sóng Hàn Quốc tại Việt Nam và chiếm được số đông sự hâm mộ của khan giả Việt Nam ở nhiều độ tuổi khác nhau.  Giai đoạn 1994 – 1995 là thời gian mà phim truyền hình Hàn Quốc bắt đầu du nhập vào Việt Nam với những bộ phim đầu tiên như Hoa cúc vàng,  Cảm xúc là những phim để lại nhiều ấn tượng nhất. Sau sự thành công của các bộ phim trên, năm 1998 HTV và VTV cũng đã công chiếu rộng rãi các bộ phim truyền hình như “Yumi, tình yêu của tôi”, “Con trai và con gái”, “Anh em nhà bác sĩ”... đã nhận được hưởng ứng tích cực từ khán thính giả cả nước. Năm 1998-1999 các phim truyền hình như “Mối tình đầu’”, “Ước mơ vươn tới một ngôi sao”, “Anh em”, “Ngày hôm qua”... lần lượt được trình chiếu. Trong số đó, phim ‘Anh em nhà bác sĩ’ của đài MBC Hàn Quốc đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả Việt Nam. Năm 2004, bộ phim nhiều tập “ Đôi giày thủy tinh” cũng là một trong những bộ phim có nội dung hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người dân Việt Nam.
Sau phim truyền hình, phim điện ảnh Hàn Quốc cũng có một vị trí vững chắc ở rạp chiếu phim và thị trường băng đĩa VCD /DVD ở Việt Nam trong những năm qua. Nhiều phim điện ảnh Hàn Quốc được nhập về trình chiếu như “Tiệm bánh Chu Noh-Myoung","Bản tình ca mùa đông ","Lá thư tình","Yêu bằng cả trái tim"," Mặt trời mọc ở phía tây ","Cô nàng ngổ ngáo","Cô bạn gia sư"," Đừng tin cô ấy! "," Giống như cha, như con trai "," Thái cực kỳ "," Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân "...Nhiều bộ phim điện ảnh Hàn Quốc đã thu hút được số lượng người xem lớn như phim "Yêu bằng cả trái tim" (Ahn Jae-wook thủ vai chính) đã thu hút 10.000 người, hoặc phim "Cô nàng ngổ ngáo” (Jeon Jee-hyun thủ vai chính) thu hút 150.000 người. Cũng như phim truyền hình, phim điện ảnh Hàn Quốc là phương tiện quan trọng để quảng bá làn sóng văn hóa Hàn vào Việt Nam.  Bởi lẽ, phim truyền hình và phim điện ảnh Hàn Quốc có nội dung hấp dẫn, diễn viên diễn xuất gây nhiều cảm xúc. Hơn nữa, thời gian xem phim cũng hợp lý và chủ yếu là để thư giãn sau một ngày làm việc nên đã thu hút được số lượng lớn người xem.
1.4     Âm nhạc 
 Thông qua phim truyền hình và điện ảnh, các ca khúc trong phim đã nhanh chóng lan tỏa trong trái tim của người hâm mộ Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đã có nhiều diễn viên đóng phim Hàn trở thành nhân vật thần tượng đối với giới trẻ Việt nam. Chẳng hạn: Jang Dong-gun - nam diễn viên chính trong bộ phim “Anh em nhà bác sĩ”. Ahn Jae-wook đóng vai chính trong phim “Ước mơ vươn tới một ngôi sao” đã nhận được sự yêu thích của giới trẻ Việt Nam.  Đặc biệt, nữ diễn viên Kim Nam -joo vai nữ chính trong phim ‘Người mẫu’ đã tới TP. Hồ Chí Minh tham gia buổi trình diễn buổi tối tháng 6/2000 và nhận được nhiều yêu mến từ người hâm mộ Việt Nam. 
Trong những năm gần đây, giới trẻ Việt Nam có xu hướng nghe K-Pop và nhạc có nhịp nhanh. Nhiều ca sĩ và nhóm nhạc được mến mộ ở Việt Nam như Bi, Kangta, BabyVOX, Lee Jung Hyun,… “Gangnam Style” của Psy đã nhận được sự cuồng nhiệt của người hâm mộ. Nguyên nhân thành công của các K - Pop xuất phát từ 3 yếu tố vũ đạo, giọng hát và ngoại hình. Các ngôi sao K-Pop đều bắt buộc phải vừa nhảy vừa hát một cách thuần thục. 
Ngoài ra, những đoàn nghệ thuật của Hàn Quốc tới thăm Việt Nam cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc. Hai buổi biểu diễn thành công nhất là biểu diễn Nanta vào tháng 9 năm 2004 và tháng 9 năm 2006. Đoàn nghệ thuật Nanta Hàn Quốc kết hợp âm điệu của nhiều nhạc cụ truyền thống và loại hình biểu diễn phương Tây đã hoàn toàn chinh phục công chúng Việt Nam.
1.5    Du lịch
Năm 2011, Vịnh Hạ Long của Việt Nam và Đảo Jeju của Hàn Quốc đều được bình chọn vào kỳ quan thiên nhiên thế giới mới trên thế giới. Theo thống kê, năm 2011 là năm có số lượng 536.000 khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam. Vịnh Hạ Long của Việt Nam là một trong những điểm du lịch khách Hàn Quốc tìm tới nhiều nhất. Người dân Hàn Quốc chọn Việt Nam là điểm đến du lịch với 3 lí do sau. Thứ nhất, Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều cụm di sản văn hóa thế giới và di sản thiên nhiên thế giới với phong cảnh đẹp tự nhiên chưa khai thác. Thứ hai, hiện tại Hàn Quốc hiện xếp thứ 2 trong số các nước có tỉ lệ đầu tư vào Việt Nam với tổng số số dự án đầu tư là 3.352 dự án [5]. Trong nhiều năm qua những doanh nghiệp này ngày cảng ổn định và phát triển như tập đoàn Samsung, Hundai, Dawoo… ,  số người Hàn Quốc  đang làm ăn sinh sống tại Việt Nam khoảng 100.000 người. Đó là lý do số khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng. Thứ ba, so với mức thu nhập của người Hàn Quốc thì sức mua của họ ở Việt Nam là quá thuận lợi về giá cả, chi phí du lịch thấp và dễ dàng di chuyển sang các khu vực khác ở Đông Nam Á. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2014 có 847, 958 khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam, so với năm 2013 đạt 113, 3 % [6]. Như vậy, khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam  ngày càng tăng và chính điều đó Hanllyu thông qua công tác quảng bá văn hóa qua du lịch ở Việt Nam sẽ tiếp tục được mở rộng và ngày càng phát triển. 
Ngược lại, trong những năm gần đây, khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc ngày càng tăng. Trong năm 2014, lượng khách đến du lịch quốc tế Hàn Quốc đạt 14,2 triệu, trong đó có 141.000 lượt khách tới từ Việt Nam [7]. Đảo Jeju của Hàn Quốc là điểm du lịch được du khách Việt Nam yêu thích. Có thể thấy, người dân Việt Nam bắt đầu quan tâm tới du lịch xuất phát từ hai nguyên nhân: Thứ nhất, họ chịu ảnh hưởng từ các hoạt động du lịch của người phương Tây. Thứ hai, kinh tế phát triển bởi sự gia tăng đầu tư nước ngoài và tăng cường thương mại quốc tế. Kinh tế Việt Nam phát triển nhờ sự thành công của chính sách đổi mới, mức sống người dân được cải thiện, họ có dư tiền để có thể đi du lịch nước ngoài. 
Có 3 lí do để người dân Việt Nam chọn Hàn Quốc là điểm du lịch. Đó là vì Hàn Quốc có vị trí địa lý gần Việt Nam, xứ sở của Kim chi có nhiều phong cảnh đẹp, nhất là đảo Jeju với phong cảnh thiên nhiên nổi tiếng. Thêm nữa, văn hóa Việt và văn hóa Hàn có nhiều điểm tương đồng, người Việt yêu thích các diễn viên tài năng Hàn Quốc xuất hiện ấn tượng từ các thước phim, họ muốn tận mắt ngắm cảnh đẹp từng là cảnh trường quay phim và nói chung là họ muốn thăm chính đất nước có tên gọi Hàn Quốc. 
Thứ hai, người Việt Nam thán phục trước sự phát triển kinh tế với “kì tích sông Hàn” và mong muốn được đến Hàn Quốc để tận mắt thấy sự phát triển của nền kinh tế, xã hội Hàn Quốc.  Thứ ba, so với mức thu nhập hiện tại của người dân Việt Nam, các tour du lịch đến Hàn Quốc cũng phù hợp với thu nhập bình quân của người dân. 
1.6    Du học
Từ sau khi Việt Nam và Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ đến nay, trải qua hơn hai thập kỷ, cùng với sự hỗ trợ từ hai nước, cho đến hiện nay đã có nhiều sinh viên Việt Nam tới Hàn Quốc du học trong khoảng thời gian tù 1 – 5 năm. Có nhiều nguyên nhân học sinh Việt Nam đến Hàn Quốc du học. Có thể thấy rằng, trước hết là Hàn Quốc có hệ thống giáo dục đào tạo  nằm trong các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Sau cải cách giáo dục lần thứ 7 từ năm 1997 đến nay, hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học và sau đại học ở Hàn Quốc ngày càng trở nên hấp dẫn đối với sinh viên Việt Nam. Đặc biệt, hàng năm Bộ Giáo dục cũng như các trường đại học Hàn Quốc đều dành các xuất học bổng cho sinh viên Việt nam. Chẳng hạn, từ 2 đến 3 xuất học bổng toàn phần đào tạo đại học 5 năm, từ 5 -10 xuất học bổng thạc sĩ cho sinh viên Việt Nam. Ngoài học bổng của các trường đại học, nhiều giáo sư Hàn Quốc đã dành những xuất học bổng riêng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nên số lượng sinh viên đến du học ở Hàn Quốc ngày càng tăng.  Bên cạnh hình thức nhận các xuất học bổng từ phía Hàn Quốc, nhiều sinh viên Việt Nam đã đến Hàn Quốc du học tự túc. Theo thống kê, năm 2010, du học sinh Việt Nam là 1. 914 người và đến  năm 2013, đã có khoảng 5.000 du học sinh đang học tập ở các trường đại học Hàn Quốc [8]. Những du học sinh này đóng vai trò là người tiên phong trong việc cảm thụ tiếng Hàn và văn hóa Hàn truyền bá sang Việt Nam. Số du học sinh Việt Nam học tập tại Hàn Quốc khi trở về Việt Nam đều có những cơ hội việc làm tốt với mức lương cao tại các doanh nghiệp Hàn Quốc. Như vậy, tương lai, số du học sinh Việt Nam đến Hàn Quốc sẽ ngày càng tăng, việc quảng bá làn sóng Hàn sẽ vẫn được đẩy mạnh. Họ cũng chính là nhân tố tiên phong truyền bá làn sóng Việt sang Hàn Quốc.
1.7    Người lao động Việt Nam làm việc tại các công ty Hàn Quốc 
Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc do Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 14/7/2015 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết: “Hàn Quốc là đối tác nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn cam kết và ủng hộ các doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang đến đầu tư tại Việt Nam” [9]. Từ năm 1993 khi chính phủ Hàn Quốc tiếp nhận lao động nước ngoài do thiếu nguồn lực làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc. Theo tài liệu năm 2010 đã có 9.328 lao động Việt Nam sang làm việc tạ Hàn Quốc, chiếm số lượng đông nhất trong số các lao động nước ngoài. Hàng năm, số lượng lớn người lao động sau khi cư trú và làm việc ở nhiều doanh nghiệp tại nhiều khu vực của Hàn Quốc trở về Việt Nam, quảng bá văn hóa Hàn Quốc cho người thân, bạn bè cũng là  kênh thông tin quan trọng trong việc quảng bá văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Tính đến tháng 5/2015, tổng giá trị thương mại giữa hai nước đã lên tới 14,6 tỉ đô la Mỹ. Kim ngạch thương mại song phương dự kiến sẽ tăng lên 70 tỉ đô la Mỹ đến năm 2020. 
Hiện tại có hơn 4.000 doanh nghiệp Hàn Quốc và 140.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam; trong khi đó, có 130.000 người Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. 
Tính đến tháng 11/2013, có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 3.400 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đây là số người tiếp xúc lớn nhất với văn hóa Hàn Quốc [10].
1.8    Gia đình đa văn hóa Hàn – Việt
Gia đình đa văn hóa Hàn - Việt là một nội dung quan trọng của Hanllyu hiện nay ở Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc bắt đầu diễn ra vào khoảng năm 1995 cùng với việc một số công nhân nữ Việt Nam sang làm việc, sau đó kết hôn với người Hàn Quốc. Tiếp đó, sau khi các công ty của Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, gia tăng tiếp xúc Việt - Hàn làm tăng thêm số người kết hôn với người Hàn Quốc và từ năm 2002 - 2003 trào lưu nam giới Hàn Quốc sang Việt Nam tìm vợ bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2007 có khoảng 20.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc với nhiều lý do khác nhau. Chỉ tính riêng từ năm 2004 - 2006, đã có tới 15.367 phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc và con số này có xu hướng tăng lên hàng năm [11]. Theo văn phòng nhập cư Hàn Quốc, tới cuối năm 2012, người nước ngoài có tình trạng cư trú do kết hôn (F-2) chiếm tổng số là 127. 540 người, trong đó phụ nữ di trú do kết hôn Việt Nam là 39. 068 người, chiếm 30.6%. Tỉ lệ cao nhất là phụ nữ Trung Quốc (51. 220 người , 40.1%) nhưng nếu trừ khoảng 20.000 người gốc Hàn thì trên thực tế phụ nữ Việt Nam chiếm số đông áp đảo [12]. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, gia đình đa văn hóa Hàn - Việt có nguồn gốc lịch sử của nó. Vào thế kỷ XII, Hoàng tử Lý Dương Côn đến Koryo năm 1150 lánh nạn và sau đó, Lý Long Tường đã cùng một số tôn thất nhà Lý vượt biển ẩn tránh sang Koryo năm 1226, được vua Koryo ưu ái phong tước hiệu, thực ấp. Ông đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở đây và cùng quân dân Koryo kháng chiến, đánh tan hai cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông vào năm 1253. Ông trở thành thủy tổ của một nhánh họ Lý ở nước ngoài, hậu duệ của ông ngày một cường thịnh. Như vậy, hậu duệ dòng học Lý đã sớm có mặt ở Hàn Quốc và chính họ là những người đặt nền móng cho gia đình đa văn hóa Hàn – Việt. Lại nữa, sau Hiệp định Paris (1973), có khoảng 100 phụ nữ miền Nam Việt Nam là vợ của một bộ phận quân nhân Hàn Quốc trở về Hàn Quốc. Và, sau năm 1975 khi miền Nam Việt Nam giải phóng, nhiều người Việt Nam đã sang Hàn Quốc nhập cư dưới danh nghĩa đoàn tụ gia đình. Đặc biệt từ năm 1992 trở lại đây, được phép của pháp luật hai nước, nhiều phụ nữ Việt Nam đã lấy chồng Hàn Quốc thông qua nhiều con đường như môi giới, các nhà doanh nghiệp Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam và kết hôn với phụ nữ Việt Nam hoặc số người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc kết hôn với nam giới Hàn… Theo Cơ quan thống kê Hàn Quốc, năm 2013 có 20.637 đàn ông Hàn đã kết hôn với phụ nữ nước ngoài, trong số đó 6.586 là người Việt Nam. Việt Nam là nước có số lượng phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc khá cao, tổng số hiện là 65.000 người. Gia đình đa văn hóa là đơn vị cấu thành nhỏ nhất của xã hội đang cùng nhau sở hữu cả hai nền văn hóa Hàn Quốc – Việt Nam. Chính họ là những người góp phần quảng bá Hallyu tại Việt nam và để lại nhiều dấu ấn trong quan hệ Việt - Hàn. 
2.      Ảnh hưởng của  làn sóng văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam
2.1    Ảnh hưởng tích cực
Trải qua hơn hai thập kỷ hình thành và phát triển, quan hệ, hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc đã để lại nhiều thành tựu to lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa ở hai nước. Công bằng mà nói, làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã có ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam và để lại những ấn tượng tốt đẹp. Trước hết có thể thấy, thông qua quan hệ hợp tác Việt – Hàn mà nền kinh tế, văn hóa, giáo dục Việt Nam đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ phía Hàn Quốc và góp phần  phát triển trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong nhiều năm qua. 
Trên lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc là một trong những đối tác nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc do Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 14/7/2015 tại Hà Nội, ngài Jun Dae Joo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đã  đánh giá: giao lưu hợp tác về kinh tế giữa hai nước có bước tiến vượt bậc, bên cạnh hợp tác về chính trị, xã hội, văn hóa. Tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 39,16 tỉ đô la Mỹ, Trao đổi thương mại giữa hai nước lên số kỷ lục hơn 30 tỉ đô la Mỹ năm 2014. Tính đến tháng 5/2015, tổng giá trị thương mại giữa hai nước trong năm nay đã lên tới 14, 66 tỉ đô la Mỹ. Kim ngạch thương mại song phương dự kiến sẽ tăng lên 70 tỉ đô la Mỹ đến năm 2020 từ mức 30 tỉ đô la Mỹ năm 2014. Hiện tại có 4.000 doanh nghiệp Hàn Quốc, và 140.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam; trong khi đó, có 130.000 người Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Những con số nêu trên đã có thể khẳng định rằng, trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, Hanllyu đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Hàn Quốc tại Việt Nam, đồng thời góp phần phát triển nền kinh tế của cả hai nước.
Về văn hóa, Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Về mặt tư tưởng, văn hóa Việt và văn hóa Hàn đều có một điểm chung là mang đậm tính nhân văn, tất cả vì con người và phục vụ con người. Bởi lẽ, “ tính nhân nghĩa trong văn hóa Hàn Quốc hướng đến sự hài hòa, còn tính nhân nghĩa trong văn hóa Việt Nam mang nặng tình yêu thương đồng loại, dân tộc và cố kết cộng đồng, song hai tư tưởng này không đối lập nhau mà ngược lại chúng lại gần nhau. Những bộ phim của nền điện ảnh Hàn Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam theo con đường thương mại hoặc theo con đường giao lưu kinh tế đều thể hiện giá trị nhân văn về tình yêu nam nữ, về đạo lý ở hiền gặp lành, về tương lai sau cơn bĩ cực tới hồi thái lai... Những điều ấy phù hợp với lối suy nghĩ của người Việt Nam nên chúng dễ dàng được đón nhận, trong đó, có các bạn trẻ, những khán thính giả trung thành của truyền hình” [13]. 
     Như đã nêu ở trên, từ năm 1998, nhiều bộ phim truyền hình và phim điện ảnh Hàn Quốc đã chiếu ở Việt Nam và đã để lại trong lòng khán giả Việt Nam những ấn tượng tốt đẹp. Chẳng hạn:  Câu chuyện tình yêu của Yumi trong phim Yumi tình yêu của tôi, chuyện tình yêu tay ba trong Anh em nhà bác sĩ hay câu chuyện tình buồn của hai người bạn với một cô gái trong Trái tim mùa thu…Thông qua phim truyền hình và phim điện ảnh Hàn Quốc, thanh niên Việt Nam đã nhìn nhận lại về tình yêu và hôn nhân của mình. Các bậc cha mẹ Việt Nam cũng có dịp để so sánh về vai trò làm cha, mẹ của mình đối với con cái thông qua phim Hàn Quốc. 
Về phương diện vật chất, hàng hóa Hàn Quốc với chất lượng tốt, đẹp đáp ứng được tâm lý tiêu dùng của người Việt. Người Việt rất yên tâm khi mua hàng của Hàn Quốc với thương hiệu Made in Korea.  
Các sản phẩm của Hàn Quốc như TV, tủ lạnh, đài catsset, đầu đĩa DVD, xe máy, xe hơi, mỹ phẩm… và nhiều đồ dùng sinh hoạt khác ngày càng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam yêu thích sử dụng các mỹ phẩm sản xuất tại Hàn Quốc, nhuộm tóc hoặc theo phong cách Hàn Quốc. Thời trang Hàn Quốc được yêu thích tới mức trở thành phong cách thời trang chuẩn mực cho giới trẻ Việt Nam. 
     Về xã hội, trào lưu cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc đã tăng lên mạnh mẽ trong những năm gần đây ( chủ yếu là khu vực miền Tây Nam bộ Việt nam). Có nhiều nguyên nhân  lý giải về việc các cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Theo ý kiến của GS. TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng sở dĩ phụ nữ miền Tây Nam bộ Việt Nam lấy chồng Hàn nhiều là vì do đời sống kinh tế nghèo, trình độ văn hóa thấp cùng bối cảnh văn hóa vùng là những nguyên nhân sâu xa khiến cho con gái miền Tây lấy chồng ngoại qua các công ty môi giới hôn nhân nhiều đến vậy, nhiều nhất cả nước [14]. 
Về giáo dục, ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo là  ở Việt Nam là khá lớn. Kể từ khi quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc được thiết lập, phong trào học tiếng Hàn ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhiều trường đại học và cao đẳng Việt Nam đã thành lập ngành Hàn Quốc học đào tạo tiếng Hàn, văn hóa Hàn và các chuyên môn khác về Hàn Quốc học. Hàng năm số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành học này khá đông góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam và cũng chính họ là những người giúp cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, văn hóa của Hàn Quốc tại Việt Nam phát triển. 
Cũng trong nhiều năm qua, nhiều sách giáo trình, bài giảng, sách chuyên khảo, bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành, khóa luận, luận văn, luận án, đề tài khoa học có liên quan đến Hàn Quốc đã xuất hiện ở Việt Nam với số lượng ngày càng nhiều. Hiện tại có nhiều sinh viên Việt Nam sang du học ở Hàn Quốc với nhiều chương trình đào tạo khác nhau. Hàng năm, Chính phủ, Bộ Giáo dục - Khoa học và Kỹ thuật, các tổ chức Quỹ và nhiều trường đại học ở Hàn Quốc đã cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Tóm lại, trong hai thập kỷ qua, bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hanllyu) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá Hàn Quốc ở Việt nam. 
2.2    Ảnh hưởng tiêu cực  
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua văn hóa Hàn Quốc đã du nhập vào Việt Nam một cách mạnh mẽ. Những bộ phim dài tập, thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực, âm nhạc, phong cách sống giao tiếp của Hàn Quốc đã được nhiều người Việt Nam đón nhận, nhất là giới trẻ. Nhiều bạn trẻ còn cho rằng “sài sản phẩm” của Hàn Quốc là sự thể hiện đẳng cấp trong phong cách sinh hoạt, hưởng thụ. Đặc biệt là âm nhạc, nhiều ý kiến cho rằng vì quá nồng nhiệt với K-pop nên giới trẻ Việt Nam sẽ đánh mất bản sắc của chính mình nếu không muốn nói xa hơn là sẽ dẫn tới nguy cơ bị “ xâm thực văn hóa ”. Bên cạnh xu hướng hâm mộ làn sóng văn hóa Hàn Quốc thì vẫn có những ý kiến bày tỏ sự lo lắng, thậm chí là đề xuất cấm đoán đối với hiện tượng này vì sự lan tỏa và ảnh hưởng của làn sóng này ở Việt Nam đang khiến cho thị trường giải trí Việt trở nên yếu thế và có nguy cơ người Việt trẻ bỏ qua thuần phong mỹ tục Việt và quan điểm vè sự thay đổi thuần phong mỹ tục. 
Một số phụ huynh khác kêu gọi cần ngăn chặn những tác động của làn sóng văn hóa Hàn Quốc đối với giới trẻ Việt vì nó mang tiêu cực đến nhiều hơn tích cực như một bộ phận lớn học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 chăm chỉ online cập nhật tin tức ban nhạc Hàn, hoặc học thuộc tiểu sử ca sĩ, diễn viên Hàn còn hơn nhớ bài học ở trường, tiêu tốn hàng mấy trăm ngàn hoặc hơn cho những đĩa nhạc, ly tách, poster có hình thần tượng, hay thậm chí hàng triệu đồng để đi xem show ca nhạc Hàn…. Thời gian, tâm sức lớp trẻ dành trọn cho video clip, phim ảnh, họp fan club, bàn luận, tranh cãi thần tượng, biến một thứ giải trí bình thường thành mối bận tâm, si mê, cuồng tín. Thời gian, hiệu quả học tập giảm sút do không đầu tư, kết quả học tập kém, nguy cơ bỏ học...
Và có ý kiến đề xuất rằng, mỗi người hãy tự ra tay chấn chỉnh với con em mình, đừng để những đồng tiền các bậc phụ huynh vất vả kiếm ra được tiêu tốn vào những nơi vô ích như showbiz và cần cho chúng nếm thử mùi vị của một cuộc sống cực khổ ra sao khi không tiền, không quần áo đẹp, không internet, phải lao động việc nhà như giặt đồ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa thay cho osin để những fan hâm mộ này không còn thời gian rảnh tơ tưởng đến các oppa, unni.
 Cũng nhiều ý kiến cho rằng, nhiều bộ phim Hàn Quốc có xu hướng thể hiện sự phiến diện đời sống thực và tạo nên cách nhìn ngây thơ, méo mó của giới trẻ về cuộc sống thực,.. 
 Làn song văn hóa Hàn Quốc vào Việt Nam cũng đã tạo ra một số hệ lụy cho xã hội từ những khác biệt giữa hai nền văn hóa. Trong số những đám cưới Hàn - Việt, không phải cô dâu Việt nào cũng tìm được hạnh phúc xứng đáng và ngược lại không phải chàng trai Hàn nào cũng tìm được người vợ mà mình mong muốn. Và điều ấy đã tạo ấn tượng xấu cho các cuộc hôn nhân Hàn- Việt thông qua môi giới.
Trào lưu yêu thích các sản phẩm văn hóa Hàn của giới trẻ Việt là không thể phủ nhận. Thế nhưng, tại sao giới trẻ lại thích K– pop, thích điện ảnh, thích món ăn và hàng hóa made in Korea mà không thích sản phẩm của nền văn hóa khác? Âm nhạc Việt Nam đương đại chính thống dường như bị dòng nhạc thị trường trong nước lấn át.
Ẩm thực Việt Nam cũng đang bị các đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn theo phong cách nước ngoài xâm lấn. Những món ngon, những tinh hoa ẩm thực Việt đã mai một dần.  Nhiều người Việt Nam đã có những hành vi thể hiện sự cuồng nhiệt với văn hóa Hàn Quốc, mà mạnh mẽ nhất là các bạn trẻ. Sự cuồng nhiệt ấy đã được đẩy tới mức tối đa thông qua các hành vi ứng xử bên ngoài mà tiêu biểu là sự đổi thay văn hóa tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam.
Văn hóa Hàn Quốc truyền vào Việt Nam một cách ồ ạt và mạnh mẽ chỉ trong gần hai chục năm qua đã tạo ra sự xung đột giữa giá trị mới và giá trị truyền thống. Điều đó thể hiện qua rất nhiều bài viết của các nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà quản lý xã hội.  Điều đó cho thấy họ lo ngại trước những ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc tới giới trẻ. 
 Qua những nội dung nêu trên, chúng tôi cho rằng trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, việc tiếp nhận văn hóa bên ngoài là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, bên cạnh việc thu nhận những tinh hoa văn hóa bên ngoài, chúng ta luôn tôn trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử.

CHÚ THÍCH
1.    Trần Quang Minh:  20 năm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: một số thành tựu nổi bật và triển vọng, http://cks.inas.gov.vn/ 
2.    Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Đông phương học : Ngành Hàn Quốc học ở Việt nam 20 năm giảng dạy và nghiên cứu, phát biểu chào mừng của Trưởng đại diện quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam.
3.     Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; Hội thảo Quốc tế Nghiên cứu hàn Quốc tại Việt nam, Thành quả và phương hướng, Hà Nội 26-27/6/2014. Tr.35-41; 81-85; 186-188; 203-209; 233-282.
4.    Tập hợp các chuyên đề khoa học: Một số vấn đề lịch sử Hàn Quốc và quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc. tr 155
5.    Cộng đồng du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc; http://www.korea.info.vn/
6.    Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12 và 12 tháng năm 2014; http://vietnamtourism.gov.vn/
7.    Du lịch Hàn Quốc thu hút du khách như thế nào? www.ivivu.com
8.    Ahn Kyong-Hwan; Làn sóng Hàn và làn sóng Việt: Phương án thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Hàn- Việt; Tập hợp các chuyên đề khoa học: Một số vấn đề lịch sử Hàn Quốc và quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc; tr158
9.    Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam; http://www.thesaigontimes.vn/
10.    Ahn Kyong-Hwan; Làn sóng Hàn và làn sóng Việt: Phương án thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Hàn – Việt; Tập hợp các chuyên đề khoa học: Một số vấn đề lịch sử Hàn Quốc và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc. tr159
11.    Hôn nhân Việt – Hàn:  Thực trạng và giải pháp; http://www.inas.gov.vn/
12.    Ahn Kyong-Hwan; Làn sóng Hàn và làn sóng Việt: Phương án thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Hàn – Việt; Tập hợp các chuyên đề khoa học: Một số vấn đề lịch sử Hàn Quốc và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc. tr159
13.    Phan Thị Oanh; Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc; Ý nghĩa của Hàn lưu đối với xã hội Việt Nam;  http://www.inas.gov.vn
14.    Trần Ngọc Thêm; Đi tìm nguyên nhân việc phụ nữ miền Tây Nam bộ lấy chồng Hàn Quốc; http://tranngocthem.name.vn/ 

Tác giả: PGS.TS. Lê Đình Chỉnh

Khoa Đông phương học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây