Thông thường lễ hội ở đây được chia theo vùng địa lý có lễ hội ở vùng miền, tín ngưỡng dân gian có lễ hội dân gian, lịch sử có lễ hội lịch sử, tôn giáo có lễ hội tôn giáo, văn hóa ngoại lai có lễ hội du nhập từ nước ngoài, và nhiều loại hình lễ hội khác. Do đặc tính đa dạng vốn có của nó cũng như tính chất tôn giáo, nhiều lễ hội ở Ấn Độ có thể được gọi bằng tên khác nhau với các nghi lễ tôn giáo, cách trang trí và thời điểm tổ chức khác nhau.
Lễ hội là hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của người dân nơi đây. Điều đó chứng tỏ đời sống tâm linh của người Ấn nói chung và người Ấn– Hindu nói riêng là một trong những nhu cầu trong cuộc sống thường ngày của họ. Đây được xem như là hoạt động tập thể và thường có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Họ rất tin vào trời đất, thần linh, và các lễ hội cổ truyền của họ đã phản ảnh hiện tượng đó. Rõ rang, tôn giáo rất có ảnh hưởng tới lễ hội. Bên cạnh đó, tôn giáo thông qua lễ hội đê phô trương thanh thế, lễ hội nhờ có tôn giáo đề thần linh hóa những yếu tố trần tục.
Lễ hội Ấn Độ, được thể hiện qua các nền văn hóa đa dạng và các nghi lễ tôn giáo, cùng với đó là sự phong phú của một nền văn hóa vốn có, đa dạng và lâu đời của đất nước này. Nó cũng là một hệ thống những hành vi, cách thể hiện nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. Ngoài ra, lễ hội ở đây được tổ chức nhằm thể hiện những nét sinh hoạt và đời sống thường nhật của người dân như đón chào một mùa vụ mới trong năm, cầu cho mùa thu hoạch bội thu, hay những hiện tượng tự nhiên cũng được đưa vào trong văn hóa lễ hội như lễ hội chào đón một mùa mới, lễ hội mùa mưa (vào tháng gió mùa) hay những ngày trăng tròn. Điều này chứng tỏ tín ngưỡng tâm linh và tôn giáo đã đặc biệt ăn sâu vào người dân Ấn dường như lúc nào cũng thường trực trong tâm trí họ. Các lễ hội ở đây thường mang những nét chung là tràn đầy mầu sắc, ánh sáng và những lời kinh cầu và điệu nhảy rộn rã trong tiếng nhạc thể hiện niềm vui, hạnh phúc của con người khi hòa mình vào trong không khí lễ hội cũng như tỏ lòng tôn kính đối với các vị thần tương ứng trong mỗi tôn giáo của mình.
Người dân Ấn Độ, vốn tồn tại trong môi trường văn hoá tâm linh – tôn giáo phong phú. Môi trường ấy thể hiện trong không gian và qua thời gian và đặc biệt ngay trong chính từng tôn giáo của họ. Cuộc sống trong họ và xung quanh họ đã thấm đẫm chất men của không gian đậm nét văn hoá Ấn. Với khoảng 5000 năm văn hóa kể từ Văn minh Harappa, nguời Ấn đã được sinh ra và nuôi dưỡng trong văn hoá, sống trong văn hoá và chết đi trong thời gian văn hoá đó. Và điều đặc biệt của người Ấn so với tất cả các dân tộc khác là sự bảo tồn những giá trị văn hóa tâm linh đó trong đời sống sinh hoạt tâm linh hàng ngày. Có thể nói rằng những giá trị có từ cách đây khoảng 5000 năm nay vẫn còn đậm chất trong đời sống tinh thần của họ. Vẫn là những câu kinh đó, vẫn là cách hành trì tôn giáo hàng ngày của họ và dường như nó đã trở thành thói quen không thể thiếu trong bất kỳ người dân nào ở Ấn Độ bất kể đẳng cấp, tầng lớp nào. Nói như vậy cũng hơi chung chung vì có lẽ với đất nước đa dạng về tôn giáo và đời sống tâm linh thì điều đó khó có thể quy ra cho tất cả con người Ấn Độ, nhưng khảng định rằng với người Ấn – Hindu thì điều đó đúng.
Dussehra là một trong nhiều lễ hội phổ biến tổ chức của người Hindu trên toàn Ấn Độ với tên gọi khác nhau trong không khí tưng bừng và rực rỡ chiến thắng của Rama vào tháng Ashvin (khoảng tầm cuối tháng 9 – đầu tháng 10 hàng năm). Lễ hội này còn được gọi là lễ hội Vijayadashmi. “Vijay” có nghĩa là chiến thắng và “Dashmi” có nghĩa là ngày thứ mười. Lễ hội này cũng được hiểu là “Dasa-Hara” có nghĩa là cắt mười cái đầu của vua quỷ Ravana vua xứ Lanka. Theo truyền thuyết Người Ấn-Hindu tin rằng đó là vào ngày này Rama cùng với thần Lakshman và Khỉ vương Hanuma giết chết vua quỷ Ravana sau chín ngày đêm chiến đấu giải cứu người vợ bị bắt cóc của mình – Sita vào ngày thứ mười. Họ trở về Ayodhya trong chiến thắng và vinh quang và tổ chức lễ hội mừng chiến thắng này. Nói cách khác, Lễ hội này là sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác. Chiến thắng của Rama vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Truyền thuyết về lễ hội Dussehra cũng tìm thấy trong Mahabharata kể về việc sống lưu vong và bị xua đuổi của các hoàng tử thuộc dòng họ Pandava. Mahabharata, tác phẩm lớn nhất (cả về dung lượng lẫn giá trị nhân bản của văn học Ấn Độ cổ đại) là kí ức lịch sử về những cuộc chiến tranh nói về cuộc chiến tranh cốt nhục giữa hai chi thuộc cùng dòng họ Bharata. Về sau, Pandava tấn công Kaurava để giành lại vương quốc của họ đã bị chiếm đoạt một cách bất công.
Cũng trong sử thi Mahabharata, nguồn gốc lễ hội Dusshera cũng được ghi lại. Theo truyền thuyết này, dòng họ Pandavas bị dòng họ Kauravas bị lưu đày ra khỏi kinh thành trong 12 năm và 1 năm phải sống ẩn tích do bị thua trong một trận cá cược (chausar) gian dối. Kể từ khi bị lưu đày, Pandavas không muốn được tiếp xúc với bất kỳ ai. Họ tập trung quyền năng và chuẩn bị vũ khí trong thời gian đó. Họ che giấu vũ khí của họ dưới gốc cây shami, nằm gần nơi sinh sống của họ. Vào mỗi dịp cuối năm, Pandavas đến cây shami để kiểm tra xem vũ khí của họ ở đó.
Khi những người thuộc dòng họ Pandavas tiến đến gần cây này, họ luôn tỏ lòng tôn kính nữ thần Durga, vì đây là nơi vị Nữ thần này trị vì. Trong thời lưu đày, dòng họ Kauravas đã tìm cách để theo dõi Pandavas và tìm cách có thể kéo dài thời gian. Bởi vì theo thỏa thuận nếu họ đã được tìm thấy, họ sẽ phải sống thêm 12 năm nữa trong rừng. Tuy nhiên, dòng họ Kauravas chỉ có thể tìm thấy dòng họ Pandavas sau thời gian quy định. Trong thời gian bị lưu đày, dòng họ Pandavas đã chuẩn bị và cất giấu vũ khi dưới gốc cây shami. Họ tiến thẳng ra chiến trường để chiến đấu chống lại Kauravas. Cuối cùng Pandava tấn công Kaurava để giành lại vương quốc của họ đã bị chiếm đoạt một cách bất công. Sự kiện này đã diễn ra trong ngày thứ mười (dashmi). Và cái thiện đã chiến thắng cái ác điều này được biết đến như Vijayadashmi. Kể từ đó, mọi người cùng nhau tổ chức ăn mừng chiến thắng dưới gốc cây shami và trao tặng nhau những chiếc lá của nó.
Có thể thấy xung đột chủ yếu giữa Pandava và Kaurava là xung đột giữa tinh thần bình đẳng và bác ái, yêu thương, hoà hợp (vốn là truyền thống đạo đức, đồng thời là khát vọng của người Ấn) với cái phi đạo lí, bất công, hiềm tị và thù hằn. Đây cũng chính là cuộc chiến tranh giữa Dharma (Đạo lí, Lẽ phải) và Adharma (Phi đạo lí). Người Ấn gọi chiến tranh trong Mahabharata là Dharmakshetre (chiến tranh bảo vệ Dharma). Bên cạnh đó, Mahabharata không chỉ không thể hiện xung đột Dharma –Adharma thành cuộc giao tranh giữa hai phe Pandava –Kaurava trên chiến trường mà còn chủ quan hoá xung đột đó trong sự đấu trnh và khắc phục giữa cái cao thượng và cái thấp hèn, ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn của mỗi nhân vật. Do vậy, lễ hội Dussehra không chỉ là sự vinh danh trở về và chiến đấu dành lại vương quốc của họ mà còn mang ý nghĩa nhân văn của người Ấn-Hindu.
Truyền thuyết khác liên quan đến nữ thần Durga. Lễ hội Dussehra là câu chuyện về chiến thắng Mahishasura của nữ thần Durga. Khi đó tất cả các vị thần trong swarglok và các sinh vật sống trên trái đất bị cai trị bởi sự chuyên chế của quỷ vương Mahishasura đầy quyền lực và độc ác. Mahishasura có sức mạnh hội tụ của cả ba vị thần Brahma, Vishnu và Shiva. Vì vậy, tất cả các vị thần đã quyết định hợp lại và tạo ra một sức mạnh nhằm hủy diệt Mahishasura, giải thoát chúng sinh khỏi sự cai trị chuyên quyền và khôi phục lại swaglok cho họ. Nữ thần Durga được tạo ra từ hóa thân của thần Ma Shakti. Được các vị thần trang bị vũ khí cho nữ thần Durga để chiến đấu chống lại Mahishasura. Nữ thần đã đánh bại con quỷ và khôi phục swaglok cho các các vị thần như đã hứa. Ghi nhận công ơn và chiến thắng của nữ thần lễ hội Vijayadashmi hay Dussehra được tổ chức về sau này.
Lễ hội Dassehra cũng được ghi lai trong một truyền thuyết kể về trận một mưa vàng. Truyền thuyết kể rằng, Kautsa, con trai của Devdatta (một vị Bà la môn), sinh sống tại thành phố Paithan. Sau khi theo đuổi việc học của mình dưới sự hướng dẫn của đạo sĩ Varatantu Rishi, Kautsa trả ơn người thầy của mình bằng đồng tiền (dakshina). Mặc dù ban đầu vị Đạo sĩ từ chối, nhưng về sau vị Đạo sĩ đã yêu cầu 140 triệu đồng tiền vàng. Kautsa đến tiếp kiến nhà vua Raghu và hỏi về những đồng tiền vàng, bởi vì biêt vị Vua này nổi tiếng về sự hào phóng. Trong thời hạn ba ngày, vua Raghu yêu cầu vị thần - Kuber - để tạo ra một cơn mưa tiền xu vàng gần cây apati và shanu. Sau khi đưa các đồng tiền vàng như đã hứa cho vị Đạo sĩ, Kautsa phân chia phần còn lại cho người nghèo, ngày Dussehra. Kể từ đó, người ta lấy lá của cây apati tặng cho nhau như một biểu tượng của vàng và mang đến sự sung túc, giầu có vào ngày lễ Dussehra. Ngoài ra, Dassehra/Vijayadashami cũng là ngày của nữ thần Saraswati, vị thần của kiến thức và trí tuệ
Dassehra có tầm quan trong đời sống tín ngưỡng và tâm linh của người Ấn-Hindu. Trong nhưng buổi lễ cầu nguyện, những bài ca vang lên ngợi ca, tán tụng người anh hùng Rama dưới sự chứng kiến của muôn dân trong những bộ trang phục dân tộc, đồ trang sức lộng lẫy. Hình ảnh quỷ vương Ravana bốc cháy, đánh dấu sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác. Trong xã hội ngày nay, đó chính là sự lên án cái tôi ích kỷ, tạo ra một thế giới hòa bình, tràn đầy tình yêu thương.
Vào ngày lễ Dassehra, người Ấn – Hindu cầu nguyện trước Nữ thần Durga với tấm lòng muốn tiêu diệt tất cả các điều xấu xa, tệ nạn, khiếm khuyết của con người. Nữ thần Durga là hiện thân của tinh thần chiến đấu và tiêu diệt những phẩm chất xấu ẩn bên trong tâm linh, những yếu tố mang bản chất ma quỷ trong mỗi con người. Khi con người đã hoàn thiện mình, phá bỏ những tiêu cực, những khuynh hướng không tinh khiết và những thói quen xấu xa cũ, đó cũng là lúc con người tiến đến một nhân cách cao cả về mặt tâm linh, có được các phẩm chất thánh tiện ngay trong tại những cám dỗ của quỷ dữ.
Có thể thấy nghi thức và cách trang trí lễ hội Dussehra thật hoành tráng nhưng cũng khác nhau theo vùng. Có đi và trải nghiệm thực tế mới thể hiểu được đời sống lễ hội tôn giáo của người Ấn. Với lễ hội Dussehra, về ý nghĩa lịch sử và văn hóa thì không có gì khác nhau nhưng nhưng nghi thức, sáng tạo và trang trí thì khác nhautheo vùng miền. Người Bắc Ấn – Hindu ở đây đã dựng hình nộm vua quỷ Ravana cao khoảng 10m với nhiều màu sắc, gương mặt dữ tợn, hai tay giang rộng. Hình nộm của Kumbhkarna và con trai Meghnath cũng được đặt ở bên trong khuôn viên ở giữa khu vực rộng. Pháo hoa được đặt bên trong hình nộm. Những bức hình nộm này được đốt sau 10 ngày lễ như ghi lại rằng Rama đã chiến đấu trong 9 ngày đêm (Navatris) và tiêu diệt vua quỷ vào ngày thứ mười (dashmi).
Lễ hội Dussehra được tổ chức với nhiều nghi thức khác nhau và được người dân Ấn Độ tuân thủ nghiêm túc từ bao đời nay. Người Ấn – Hindu với niềm tin của họ, ho tin rằng bằng cách thực hiện nghi lễ Dusshera một cách toàn tâm, Đấng thần linh sẽ mang phước lành đến cho các tín đồ. Trong khi, lễ (Pooja) được thực hiện khác nhau ở các vùng khác nhau của Ấn Độ, nhưng mục đích tâm linh thì giống nhau – tất cả đều hướng đến việc ban phước lành của vị thần, mang đến cho con người sức khỏe, trí tuệ, sự giàu có. Puja Dussehra không phân biệt giới tính, lễ này có thể được thực hiện bởi cả người đàn ông và phụ nữ.
Nghi thức lễ Dassehra thường được tổ chức ở các ngôi đền của đạo Hindu. Các tín đồ Hindu đến đây, tại đây vị đạo sĩ chuẩn bị một số đồ cúng lễ như phân bò, đá vôi, gạo, hoa, sữa, hương (dhoop) và thực hiện nghi lễ. Đầu tiên, vị đạo sĩ vẽ hình ảnh vị Thần linh bằng phân bò đặt cạnh hai đĩa đựng phân bò ướt. Những đồng tiền xu, bột mầu để vẽ những họa tiết hoa văn (roli), hoa quả và đĩa hương trầm để tạo khói (jhuwara) được đặt vào từng chiếc đĩa đó.
Vị đạo sĩ tụng thần chú và thực hiện các nghi lễ Pooja và dâng hoa lên các vị thần. Chuối, đường thốt nốt, gạo và củ cải thường là nguyên liệu cúng được dùng cúng dường. Khi buổi lễ (Pooja) kết thúc, vị đạo sĩ được cúng dường tiền (dakshina), và phần nguyên liệu sử dụng trong buổi lễ được phân phát cho người nghèo. Cũng có những vùng theo truyền thống, những nguyên liệu đó được dâng lên các vị Bà La Môn. Ở Tây Bengal, Orisa sau thời gian 10 ngày lễ hội theo các nghi lễ chung. Đến ngày thứ 11, người dân Ấn Hindu cung nghinh toàn bộ các hình nộm của vị thần, quỷ thần ra sông gần nhất làm lễ thả trôi sông.
Lễ hội này cũng được tổ chức hàng năm ở Nam Ấn, Đông Ấn, Đông Nam Ấn cũng như khắp nơi trên thế giới với các cách thức và màu sắc tôn giáo khác nhau thể hiện được đời sống tâm linh phong phú của của người Hindu nói chung.
TT. Nguyễn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn