Tác giả: Nguyễn Trần Tiến
Khoa: Đông Phương học
Là một người đã và đang sống, nghiên cứu ở Ấn Độ đã lâu, tác giả blog dự kiến giới thiệu tới các bạn loạt bài viết như những chia sẻ trải nghiệm cá nhân về các vị thần trong tín ngưỡng tôn giáo của người Hindu. Mỗi vị thần có những ý nghĩa khác nhau trong đời sống cũng như trong truyền thuyết. Tác giả mong nhận được sự chia sẻ, góp ý của tất cả các bạn đã, đang và sẽ yêu mến nền văn hóa lâu đời của Ấn Độ. Xin được bắt đầu với: Thế giới các vị thần ở Ấn Độ: Thần Brahma
Brahma, nằm trong hệ thống trimurti hay còn được gọi là Tam vị nhất thể của Hindu giáo gồm ba vị thần tối cao là Brahma là đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ, còn Siva là đấng hủy diệt. Thần Vishnu và Siva là hai thế lực đối nghịch nhau, còn thần Brahma là một thế lực cân bằng. Cả ba vị thần này tạo thành bộ tam thần còn được gọi là Trimurti.
Những bộ kinh Veda sớm nhất có ghi về Brahma như một vị thần sáng tạo và đầy quyền năng, thống trị cả vũ trụ. Trong thời kỳ Veda, tư tưởng triết học thiên về thuyết nhất thần luận, nói về vũ trụ và khởi nguyên của nó, và quyền năng thiêng liêng của vị thần sáng tạo ấy dần dần được nhân cách hóa thêm. Sang đến Đến thế kỷ thứ IV và thứ V SCN, thần Brahma lúc ấy lại được xem là một trong ba vị có quyền năng cao tột bậc nhất trong Ấn giáo cùng với thần Vishnu và thần Siva.
Truyền thuyết về nguồn gốc thần Brahma
Lý giải về nguồn gốc vũ trụ, kinh Veda đã ghi lại một số thần thoại về nguồn gốc vũ trụ trong đó gắn liền với vị thần Brahma qua các câu chuyện thần thoại. Thần thoại Ấn độ cho rằng sinh mệnh vũ trụ tồn tại theo chuỗi dài bất tận, có sinh thành và huỷ diệt theo một chu kỳ tuần hoàn.
Thần thoại xưa nhất cho rằng trong thời kỳ hỗn mang, đã có một đấng Trời cha và một Ðất mẹ. Trời cha chung sống với Ðất mẹ bằng những hạt mưa từ trên trời rơi xuống thấm sâu vào lòng đất. Từ đó, cây cỏ mọc lên và muôn vật sinh sôi nẩy nở, sinh thành nên thế giới. Một thuyết khác nói rằng lúc mới khai thiên lập địa, vũ trụ là một quả trứng thần bằng vàng treo lơ lửng trong hư không. Sau một năm thần Brahma từ trong quả trứng và làm vỡ tung quả trứng, nửa trên bằng vàng hóa thành trời, nửa dưới bằng bạc hóa thành đất, khoảng giữa là không trung, lòng trắng tạo thành núi non, sương mù và mây, tia máu thành các sông ngòi, chất lỏng thành biển cả. Ở chính giữa có quả núi trụ trời cao vút, đó là núi Meru. Vũ trụ này được hình thành như thế.
Về sau xuất hiện câu chuyện về hai vị thần Vishnu và Brahma. Khi vũ trụ mới hình thành là một biển nước. Thần Vishnu hình người nằm ngủ trên mình con rắn Sesa hay Ananta (dài vô tận) cuộn khúc nổi trên mặt nước. Từ rốn của Vishnu, mọc lên một đóa sen, nở ra thần Brahma sáng tạo nên muôn loài. Như vậy, thuyết này cho rằng Brahma sinh ra tự một bông sen mọc ở rốn của Thần Bảo Tồn Vishnu. Hình ảnh này tượng trưng ý nghĩa tái sinh do những mầm mống của tiền kiếp được bảo tồn trong Vishnu. Và cũng nhờ điển tích này, Brahma còn có tên là Nabhi-ja (tự rốn sinh ra), hoặc Abja-ja (tự bông sen sinh ra).
Từ đó kiếp sống của vũ trụ là kiếp sống của thần Brahma, từ khi bắt đầu sáng tạo vũ trụ cho đến khi hủy diệt vũ trụ gọi là một ngày của Brahma hay là một Kalpa. Vũ trụ phải trải qua những chu kỳ gọi là Maha Yuas, Mỗi Maha Yugas dài 12,000 năm của thần hay 4,320,000 năm của loài người (1 năm của thần bằng 360 năm của loài người).
Ngoài ra, còn có nhiều truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc của thần Brahma. Có truyền thuyết cho rằng Thần ra đời do cuộc phối hợp giữa đấng tối cao với năng lực của Ngài là Maya (Ảo tưởng).
Một thần thoại khác về sự sáng thế nói rằng vào lúc khởi nguyên, vũ trụ chìm trong bóng tối. Một hạt giống bồng bềnh trên mặt biển vũ trụ đã tạo nên một cái trứng đẹp đẽ, sáng ngời. Theo các tư liệu thiêng liêng có tên là Luật Manu thì Đấng tối cao nằm trong trứng suốt một năm rồi tự dùng sức mình để tách cái trứng ra làm đôi. Ngài dùng một nửa để làm nên bầu trời hay thiên cung còn nửa kia thì tạo ra quả đất hay thế giới vật chất, ngài xếp vào giựa hai phân nửa quả trứng này nào là không khi, nào là tám hướng chính và trú xử muôn đời của nước". Từ nơi chính mình ngài lấy ra phần Hồn, trong đó hàm chứa cái thực thể và phi thực thể, rồi từ Hồn mà sinh ra sự ý niệm về bản ngã vốn là sự ý thức về bản thể của mình và là điều quan trọng nhất. Cái trứng cuối cùng để lộ ra thần Brahma, vị thần này tự tách mình ra làm hai người, một nam một nữ. Sau đó, hai thực thể này tạo ta toàn bộ thần còn lại của thế gian. Một lời kể khác về truyện thần thoại này nói rằng thần Brahma đã từ quả trứng mà ra dưới dạng một thực thể nguyên thủy mang tên là Purusha. Thực thể này có 1000 chân, 1000 tay, 1000 mắt, 1000 mặt và 1000 đầu. Để cho vũ trụ xuất hiện, thần đã tự lấy thân mình làm vật hiến tế. Từ cửa miệng ngài sinh ra loài người và thần linh, từ hố nách sinh ra bốn mùa, từ chân sinh ra đất và từ mắt ngài sinh ra mặt trời.
Truyền thuyết về thần Brahma có 5 đầu nhưng bị thần Siva hủy mất một nên chỉ còn bốn được ghi lại rằng: “Brahma lấy chất vô nhiễm của mình tạo thành một người đàn bà. Nữ thần này được thờ với nhiều tên khác nhau là Shataruapa, Vac hay Sarasvati, Savitĩ, Gâyatri và Brahmani (vợ của Brahma). Khi ngắm người con gái do chính mình tạo ra, Brahma bị mê hoặc bởi dục tính, Shararuapa phải lẩn về phía tay mặt để Brahma khỏi nhìn thấy. Brahma bèn mọc thêm một đầu trông ra phía mặt; nàng lẩn về phía trái; Brahma mọc thêm một đầu ra phía trái; nàng lẩn về phía sau, Brahma mọc thêm một đầu trông ra phía sau; cuối cùng nàng bay lên không, Brahma lại mọc thêm một đầu thứ năm để ngắm nhìn nàng.”
Cũng có truyền thuyết thì cho là vì chính miệng của đầu ấy khoe rằng Brahma ưu thế hơn Shiva; truyện thì cho rằng vì miệng ở đầu ấy đã nói dối trong một cuộc tranh tài giữa Brahma và Vishnu; truyện thì kể vì Brahma phạm tội loạn luân nên Shiva bèn trừng phạt bằng cách chiếu con mắt thứ ba vào cái đầu ấy và đốt nó ra tro.
Theo một câu truyện thần thoại, Brahma tạo ra nữ thần Satarupa kiều diễm từ chính cơ thể mình. Nàng ta đáng yêu đến nỗi Brahma không ngớt đăm đăm nhìn nàng và mỗi khi nàng nhích qua một bên để tránh cái nhìn của ông thì Brahma lại mọc ra thêm một cái đầu mới để có thể tiếp tục nhìn nàng. Cuối cùng Brahma vượt qua sự e lệ của nàng và cầu hôn với Satarupa. Họ lui về sống một nơi bí mật trong 100 năm thiên giới, cuối cùng thì Manu, con người đầu tiên đã được sinh ra.
Có thể nói trí tưởng tượng siêu hình, sự hòa hợp giữa con người, thiên nhiên và vũ trụ của người Ấn Độ xây dựng nên hình thượng của một vị thần tượng trưng cho Vũ trụ. Nó vừa thể hiện mong ước tâm linh cũng như trí tuệ của con người trước vũ trụ bao la.
Thể hiện hình tượng thần Brahma (Iconography)
Thần Brahma có màu da đỏ hồng tượng trưng cho nguyên lý sáng tạo trong thiên nhiên. Ngài thường được thấy với (bốn mặt) trong đó nhìn thấy ba mặt, một mặt bị khuất biểu thị ý nghĩa quán triệt khắp vũ trụ của bốn bộ kinh Veda và bốn tay, mỗi tay cầm quyển kinh Vêđa, cầm bông hoa sen, cầm chùy, bắt ấn. có khi Brahma nắm bốn pho Veda ở tay thứ nhất, tay thứ hai cầm trượng, tay thứ ba cầm cây cung và tay thứ tư cầm một bình nước.
Trên đâu của Thần có vòng hoa như chiêc vương miện; khi thì cưỡi con thiên nga Hamsa (tượng trưng cho tri thức), khi thì ngồi trên một bông sen mọc từ rốn của Vishnu, khi thì nằm trên mình con rắn Naga nổi bồng bềnh trên đại dương nguyên thủy. Các vật biểu trưng khác của thần cũng có khi gồm một chai đựng nước sông Hằng và một vòng hoa hồng.
Thiên nga Hamsa vật cỡi của Thần (tượng trưng cho tri thức)
Ngồi trên một bông sen mọc từ rốn của thần Vishnu
Thần Brahma đôi khi cũng có tên là Narayana, hay "Người từ dưới nước hiện lên". Trong hình thức này, thần được xem như đang nằm trên một chiếc lá nổi trên mặt nước nguyên thủy, miệng ngậm ngón chân - biểu tượng của sự trường cửu.
Ý nghĩa của thần Brahma
Brahma còn là một sự nhân hóa của Brahman (Đại ngã). Ban đầu từ này được dùng để chỉ quyền năng thiêng liêng trong một buổi lễ hiến tế, nhưng sau đó nó được dùng để chỉ quyền năng được gọi là "Tuyệt đối" đằng sau mọi sự sáng tạo. Trong ý nghĩa triết học, Brahma biểu thị khuynh hướng vận động điều hòa (rajas), tạo nên thế quân bình giữa hai khuynh hướng qui tâm (sattva) và ly tâm (tamas), giữa bảo tồn và hủy diệt mà thần Vishnu và Shiva là biểu hiện. Chính cái tác dụng điều động quân bình ấy mới thực sự là nguyên lý sáng tạo, bởi vậy Brahma biểu thị cho sự sáng tạo.
Trong khi thiền quán, thần Brahma đã tạo ra tất cả mọi yếu tố vật chất của vũ trụ và các khái niệm giúp cho loài người hiểu được các yếu tố đó. Cứ mỗi ngày, trong cuộc đời Brahma, vũ trụ lại một lần được sáng tạo, rồi lại bị hút đi mỗi đêm. Trong mỗi chu kỳ này có bốn giai đoạn nối tiếp, hay Yuga, bắt đầu bằng Krita Yuga, hay giai đoạn vàng son và kết thúc với Kali Yuga, tức là giai đoạn đầy xung đột và tuyệt vọng .
Mặc dầu vai trò của Brahma có vẻ quan trọng nhất, địa vị của Brahma lại sút kém nhất trong ba ngôi tối linh. Có thể hiểu ở nhiều phương diện khác nhau. Ở phương diện đạo đức, Brahma đã phạm tội dối trá và loạn luân. Thần thoại trên đây đã kể do sự phối hợp của Brahma và Ushas (Rạng Đông) mà sinh ra Manu, tổ của loài người và muôn vật. Ushas chính là con gái của thần. Đứng về phương diện triết lý mà suy thì vì có sự sáng tạo của thần mà con người phải đắm chìm trong bể khổ , trong vòng thiện, ác xung đột và bị tách rời khỏi chân lý và hạnh phúc tuyệt đối. Như vậy sáng tạo không hẳn là một hành động đầy ân phước mà chính là một hành động đọa đày, nếu không bị chống đối thì cũng chẳng đáng được sùng bái nhiệt thành. Về phẩm tính, Brahma là nguồn gốc của trí thức, và vợ của Thần, nàng Sarasvati, là hình ảnh nhân hoá của trí thức. Chính Brahma đã truyền thụ trí thức tuyệt đối (Brahma-vidya) cho đạo sĩ Atharvan, tác giả bộ Atharva-Veda. Brahma cũng dạy áo nghĩa về vô biên (Brahma Upanishad) cho Brajapati (Đấng SángTạo, một danh hiệu của Thượng Đế hữu ngã).
So với các vị thần khác trong trimuti, hình tượng thần Brahma không được phổ biến bằng các vị thần như Siva và Vishnu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy Thần Brahma được thể hiện trong lĩnh vực nghệ thuật như kiến trúc, hội hoạ, khiêu vũ, âm nhạc và kịch nghệ. Thông qua nghệ thuật, con người muốn ca ngợi Đấng Thiêng Liêng, mở rộng tầm ảnh hưởng của hào quang vinh hiển của Thiêng Liêng nơi trần thế. Kinh Veda ghi lại rằng, một lần chư thần trên thiên giới cảm thấy chán nản vì cuộc sống thiếu hoạt động tại nơi đây bèn phái Indra tới yêu cầu thần Brahma soạn cho một vở kịch để cùng thưởng thức. Brahma bốn bộ Veda cũ, soạn ra bộ Veda thứ năm mệnh danh là Natya-veda (kịch); phần đọc tụng, ngâm nga được lấy ở Rig-veda; lời ca điệu múa gợi cảm ở trong Sama, Yagur và Atharva veda (ca vịnh, tế tự và cầu đảo). Khi soạn xong, Brahma nhờ Vishva-karman (Hoá công) dựng lên một hí viện ở Thiên Đường của Indra. Shiva đóng vai vũ công múa điệu Tandava tượng trưng cho sự vận hành của vũ trụ. Vợ Shiva, nàng Parvati múa điệu Laysya; vũ điệu về tình ái. Vở ca vũ nhạc kịch đã thành công rực rỡ, thổi lại luồng sinh khí tưng bừng, chói lọi vào nếp sống chư thần trên thiên giới từ đấy.
Đền thờ thần Brahma
Việc thờ cúng thần Brahma phổ biến vào thế kỷ I sau CN. Càng về sau, vị thần thần này được xem là ít quan trọng hơn các thần Vishnu và Shiva. Ngày nay chỉ có duy nhất một đền thờ dành cho thần này trên toàn cõi Ấn Độ. Sự mất đi tính chất tối cao của thần Brahma được giải thích trong một câu truyện thần thoại nói về nguồn gốc của thần Shiva. Theo truyện này, một ngày kia Brahma và Vishnu đang tranh luận xem ai trong họ là người có quyền năng nhất. Cuộc cãi cọ đang hồi sôi nổi nhất thì từ dưới đại dương của vũ trụ trồi lên một lingam (sinh thực khí nam) - vật biểu trưng có hình dương vật của thần Shiva - thật lớn, xung quanh là một vòng lửa, khi Brahma và Vishnu đang xem xét cái lingam thì nó nổ tung ra. Hai thần này nhìn thấy trong ấy là vị thần Shiva sáng tạo tối cao và họ phải tuân phục quyền uy của thần này.
Pushkar thành phố và khu đô thị của quận Ajmer thuộc bang Rajasthan, Ấn Độ nổi tiếng là vùng đất thiêng của người theo đạo Hindu. Hồ Pushkar, một hồ thiêng nằm giữa thành phố cho đến nay vẫn chưa rõ nguồn gốc lịch sử của nó chỉ biết rằng huyền thoại của nó gắn liền với vị thần Brahma. Nằm kề bên sa mạc, thành phố này nổi tiếng là nơi có nhiều đền thờ thần Brahma nhất. Nổi tiếng nhất trong số các ngôi đền Jagat Pita Shri Brahma thờ thần Brahma được xây dựng vào thế kỷ XIV. Vì lời nguyền của một người vợ, thần Brahma có rất ít đền thờ, và tại đây, rất đặc biệt là nơi có nhiều đền thờ của thần và của người vợ, nàng Savitri. Ngoài ra, còn có ngôi đền thờ thần Brahma ở Bithoor, Uttar Pradesh; ngôi làng Asotra gần thành phố Balotra, huyện Barmer, Rajasthan; Uttamar Kovil (Divya Desams) gần Srirangam, Tamil Nadu.
Trên thế giới, một số quốc gia cũng thờ thần Brahma với ác công trình kiến trúc, điêu khắc vẫn còn đến ngày nay. Đáng kể đến là ngôi đền mẫu Pura Besakih, Bali, Indonesia và Prambanan ở Yogyakarta. Cũng tại Bali, ngôi đền Pura Besakih được biết đến nhiều nhất, nó là một quần thể gồm ba ngôi đền lớn Penataran Agung (thờ thần Shiva), Batu Madeg (thờ thần Vishnu) và Kiduling Kreteg (thờ thần Brahma) và khoảng 20 ngôi đền nhỏ khác. Tại Java, ngôi đền Loro Gioggrang mang tên một cô gái đẹp theo truyền thuyết nơi đây kể lại. Ngôi đền này là một tổng thể kiến trúc gồm hàng trăm ngôi đền lớn nhỏ, trong đó đáng kể đến là ba ngôi đền thờ ba vị thần chính trong đó có thần Brahma. Cũng tại đây, ngôi đền Prambanan là một quần thể đền thờ Hindu thờ ba vị thần tối cao của đạo Hindu. Cho đến thời điểm này, đây là đền thờ Hindu lớn nhất Đông Nam Á với tòa tháp chính giữa cao tới 47 mét.
Ngôi đền Sambor Preikuk ở Campuchia có 280 ngôi đền lớn nhỏ nhưng hiện giờ chỉ còn 64 đền thờ có thể tham quan. Quần thể được chia làm ba khu: Nam – Trung tâm – Bắc. Mỗi khu có hai tường thành bằng đá ong ngăn cách, được xây dựng từ cuối thế kỷ VI (đời vua Isaravarman). Đền gồm ba loại: hình chữ nhật thờ thần Brahma, hình bát giác thờ thần Vishnu và hình vuông thờ thần Shiva. Khu Nam hiện còn tám đền lục giác giống nhau. Prasat Yeai Poeun (đền Bà Poeun) cao 18m. Phía trên có thần Brahma cưỡi voi, ở dưới hai bên là chim thần Garuda và hai con rồng Naga nối đuôi vào nhau. Phnom Krom là một ngôi đền nằm trên đỉnh đồi ở Angkor, Campuchia. Ngôi đền này được xây cuối thế kỷ thứ 9 dưới thời vua Yasovarman (889-910). Đền Phnom Krom cách Xiêm Riệp 12 km về phía tây nam, là một ngôi đền dành cho việc thờ thần các Hindu Shiva, Vishnu và Brahma.
Tại Việt Nam, bên cạnh thánh địa Mỹ sơn với một bức phù điêu bằng sa thạch thể hiện cảnh "Đản sinh Brahma"; theo J.Boisselier thì những đặc điểm trang trí trên các nhân vật trong bức phù điêu này rất gần gũi với truyền thống Dvaravati Ấn Độ. Tại ba ngôi tháp Dương Long các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện bức phù điêu được tạc bằng đá sa thạch có hình dáng tổng thể là một lá đề với chiều cao 125cm, ngang 85cm, dày 23cm. Vị thần đứng với tư thế nhìn thẳng về phía trước, hai chân bành ra để khoảng cách 60cm giữa hai đầu gối, hai tay đang bắt ấn trước ngực, tay phải ở trên, toàn thân cao 88cm kể cả chóp mũ. Thần có ba đầu: hai đầu phụ ở hai bên về phía sau có tư thế nhoài người tới trước. Khuôn mặt thật vuông vức, nghiêm nghị, miệng rộng, mép dỉnh lên, chân mày mảnh và giáp nhau, đầu đội mũ hình búp sen. Thân có 6 tay phụ đang cầm chuỳ, ốc và bông sen, cổ tay và chân đều có đeo trang sức. Ở phần cổ có đeo trang sức hình cánh sen cách điệu. Về y phục thần chỉ mặt duy nhất quần cộc được giữ lại ở bụng bằng một dây thắt rộng bản, trang trí các hình cánh sen. Chiếc dây thắt của quần cộc có một vạt dài rũ từ phía trước xuống. Nhìn bức phù điêu ta thấy toàn thân vị thần toát ra một sự lực lưỡng cường tráng, xung quanh vị thần lấp lánh những hào quang được trang trí bởi những cánh sen cách điệu. Từ những nét đặc trưng như ba đầu và các vật cầm tay: chuỳ, ốc, bông sen cho phép chúng ta xác định hình tượng trên bức phù điêu này vị thần Brahma. Các nhà nghiên cứu khi đem đối chiếu các tượng Brahma ở tháp Dương Long với Chánh Lộ (Quãng Ngãi) có những nét tương đồng. Tuy nhiên, khi đem so sánh với thần Brahma ở tháp Mẫm Bình Định thì thấy sự khác biệt (hiện đang lưu trữ ở Bảo tàng Chàm Đà Nẵng). Cho đến nay, các nhà nghiên cứu về Chămpa đã nhận định rằng phong cách Chánh Lộ Quãng Ngãi có niên đại vào thế kỷ XI, còn Dương Long ở thế kỷ XII và tháp Mẫm ở giai đoạn cuối thế kỷ XII sang đầu thế kỷ XIII. Điều này rất phù hợp với các yếu tố biểu hiện ở bức phù điêu thần Brahma.
Có thể nói, bằng sự sáng tạo, trí tuệ của người Ấn Độ, hình tượng vị thần Brahma được tạo nên qua hàng nghìn năm vẫn còn tồn tại, nghiên cứu và thờ phụng. Nguồn gốc của trí tuệ tôn giáo và tâm linh của người Hindu giáo bắt nguồn từ việc giải thích nguồn gốc vũ trụ qua tôn giáo và tâm linh của người Ấn Độ cổ đại.
TT. Nguyễn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn