Một vài suy nghĩ nhân sự kiện phát lộ ngôi mộ cổ tại Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội)

Thứ sáu - 02/11/2012 00:00
Một vài suy nghĩ nhân sự kiện phát lộ ngôi mộ cổ tại Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội)
Một vài suy nghĩ nhân sự kiện phát lộ ngôi mộ cổ tại Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội)

Các ngôi mộ và giếng cổ đã được PGS.TS. Nguyễn Lân Cường và đồng nghiệp tiến hành khai quật và nghiên cứu. Căn cứ vào cấu trúc mộ và một số di vật, nhóm khai quật tạm thời xác định niên đại cho cả 3 ngôi mộ là vào khoảng từ thế kỷ IV - VI, riêng chiếc giếng được cho có niên đại vào khoảng thế kỷ VII - VIII(1).
Việc phát lộ các ngôi mộ cổ và giếng cổ tại Đông Ngạc đặt ra cho chúng ta rất nhiều câu hỏi thú vị cần giải đáp như chủ nhân các ngôi mộ cổ là ai, khu vực xuất lộ các ngôi mộ và giếng cổ có tính chất như thế nào, các di chỉ ở đây có liên hệ gì đến quá trình vùng đất Hà Nội được khai phá để sau này phát triển trở thành trung tâm chính trị của cả khu vực đồng bằng sông Hồng,... Trong bài viết này, đứng từ góc độ nghiên cứu tư liệu chữ viết, chúng tôi muốn trình bày một vài suy nghĩ của mình nhân sự kiện phát lộ các ngôi mộ cổ nói trên.
Ý nghĩa của chữ Hán trên các viên gạch trong mộ M1
Sau khi phát lộ các ngôi mộ M1-M2, ngày 18/4/2011, chúng tôi đã có cơ hội cùng với GS. Phan Huy Lê tham quan hiện trường khai quật dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của PGS.TS. Nguyễn Lân Cường. Theo nhóm khai quật, trong mộ M1 tìm thấy khoảng 40 viên gạch có chữ Hán, các chữ Hán đều có cùng tự dạng, bên trái có chữ Thổ, bên phải có chữ Mộc.
Theo quan sát của chúng tôi, mặt có chữ Hán của các viên gạch đều xoay vào lòng mộ. Chữ Hán nổi trên thân gạch, cho thấy nó được tạo ra trước khi nung. Mặc dù các chữ Hán đều có cùng tự dạng, song qua quan sát nét chữ dưới điều kiện ánh sáng hạn chế trong lòng mộ, có thể nhận thấy có ít nhất 2 loại chữ khác nhau (Hình 1). Điều này cho thấy nếu được tạo từ khuôn, đó phải là khuôn âm (chữ trên khuôn khắc âm), và tồn tại ít nhất 2 loại khuôn khác nhau. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng các chữ Hán này được đắp nổi bằng tay trước khi nung.
Hình 1. Hai loại chữ khác nhau
Về nghĩa chữ Hán, ngay sau chuyến tham quan thực địa, chúng tôi đã trao đổi với GS. Phan Huy Lê và khẳng định đây là chữ “Đỗ” 杜, dựa trên cơ sở dữ liệu về chữ Hán dị thể do Ủy ban ngôn ngữ thuộc Bộ Giáo dục Đài Loan xây dựng(2). Theo cơ sở dữ liệu này, đây là một dị thể của chữ Đỗ có trong “chung đỉnh văn”, được chép lại trong tự điển Chính tự thông do Trương Tự Liệt biên soạn vào cuối đời Minh. Quan điểm tương tự cũng được nhà nghiên cứu Hán - Nôm Phan Anh Dũng - Trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên - Huế công bố trên báo mạng bee.net.vn ngày 21/4/2011. Ngoài ra, tự dạng đặc biệt trên của chữ Đỗ cũng được ghi nhận trong tự điển Trung Quốc chuyên ngõa đào văn đại tự điển do Trần Kiến Cống biên soạn, Nxb. Thế giới đồ thư (Trung Quốc) ấn hành năm 2001(3).
Ngoài ra, một số học giả cho rằng có thể đây là chữ Đỗ bị in ngược, do khi khắc khuôn, người thợ do sơ suất khắc xuôi dẫn đến khi dập, chữ bị in ngược. Mặc dù không thể phủ nhận hoàn toàn quan điểm nêu trên, chúng tôi cho rằng xác suất xảy ra trường hợp này là khá thấp, vì qua quan sát, có thể thấy chữ Mộc lớn hơn nhiều chữ Thổ. Hơn nữa, như đã trình bày ở trên, nếu sử dụng khuôn, tồn tại ít nhất 2 loại khuôn khác nhau, ít có khả năng người thợ sơ suất khắc nhầm trên cả 2 khuôn.
Nói tóm lại, mặc dù còn nhiều giả thuyết khác nhau, chúng ta có thể khẳng định chữ Hán tìm thấy trên các viên gạch trong mộ M1 là chữ “Đỗ”.
Một số tư liệu về tập tục mai táng các quan lại Trung Quốc thời Bắc thuộc
Theo thông tin của nhóm khai quật, trong cả 3 ngôi mộ đều không phát hiện được quan tài và xương cốt. Riêng tại M1 và M3 lần lượt phát hiện được 9 và 5 chiếc đinh sắt đã rỉ, được cho là đinh đóng quan tài. Qua trao đổi với một số nhà nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng liên quan đến vấn đề này, hiện nay có 2 giả thuyết khác nhau. Giả thuyết thứ nhất cho rằng việc không phát hiện được quan tài hay xương cốt là do trải qua thời gian, quan tài bằng gỗ và xương cốt đã bị tiêu hết. Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng: không loại trừ khả năng chủ nhân các ngôi mộ tại Đông Ngạc là người phương Bắc, sau khi được chôn cất một thời gian, mộ đã được cải táng, di cốt được đưa về Trung Quốc.
Như vậy, sự kiện phát lộ các ngôi mộ cổ tại Đông Ngạc là một dịp để các nhà sử học và khảo cổ học Việt Nam thảo luận và đưa ra một số giả thuyết về các loại hình mộ táng của các nhóm cư dân (bao gồm cả cư dân bản địa và cư dân đến từ phương Bắc) tồn tại ở Việt Nam trong thời Bắc thuộc. Trong bài viết này, chúng tôi không có ý định phủ định sự tồn tại của một loại hình mộ táng nào, hay chứng minh giả thuyết nào là đúng, giả thuyết nào là sai trong trường hợp các ngôi mộ cổ ở Đông Ngạc. Tuy nhiên, bất cứ một giả thuyết nào cũng phải được đề xuất trên cơ sở một số căn cứ khoa học nhất định. Đứng từ góc độ này, chúng tôi thấy rằng mình có thể đóng góp được một số tư liệu văn bản làm cơ sở khoa học phục vụ cho cuộc thảo luận nêu trên.
Trong quá trình khai thác nguồn tư liệu mộ chí thời Đường, chúng tôi đã thu thập được văn bản mộ chí của một số quan lại Trung Quốc đã từng sang làm việc tại Việt Nam. Trong số đó, một số mộ chí giúp chúng ta có được những hình dung cụ thể hơn về cách thức mai táng của một số quan lại Trung Quốc chết tại Việt Nam.
Mộ chí “Đường cố hành Ái châu Tư mã Kị đô úy Lý quân mộ chí” (Lý Cường - Lý Nguyên Cường)
Tư liệu đầu tiên chúng tôi muốn giới thiệu là văn bản mộ chí “Đường cố hành Ái châu Tư mã Kị đô úy Lý quân mộ chí”. Mộ chí làm bằng đá, dài 52cm, rộng 50cm, được tìm thấy tại Lạc Dương (Hà Nam, Trung Quốc), hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc. Văn bản mộ chí được chép với số hiệu Vĩnh Huy 119 trong sách Đường đại mộ chí vựng biên (dưới đây gọi tắt là Vựng biên)(4), thác bản được in trong tập 12 sách Bắc kinh đồ thư quán Trung Quốc lịch đại thạch khắc thác bản hối biên (dưới đây gọi tắt là Bắc đồ)(5). Đây là mộ chí của Lý Cường, tên tự là Nguyên Cường, người Hà Nam. Ngày 12 tháng 8 năm Vĩnh Huy thứ 4 (654), Lý Cường, khi đó đang làm chức “(hành) Ái châu Tư mã” đã chết tại “Ái châu quan xá”, thọ 55 tuổi. Đến ngày 11 tháng 1 năm Vĩnh Huy thứ 6 (656), đưa về chôn (qui tẫn 殯) tại Mang Sơn (vùng núi phía Bắc kinh thành Lạc Dương).
Mộ chí “Đại Đường cố Giao châu Đô đốc phủ hành Tham quân” (Phàn Huyền Kỷ)
Mộ chí làm bằng đá, hình vuông, có kích thước mỗi chiều khoảng 41cm, được tìm thấy tại Lạc Dương. Văn bản được sưu lục với số hiệu Hàm Hưởng 014 trong sách Vựng biên, thác bản được in trong tập 15 sách Bắc đồ(6). Đây là mộ chí của Phàn Huyền Kỷ, người Nam Dương (Hà Nam). Theo mộ chí, ngày 9 tháng 5 năm Tổng Chương thứ 2 (669), khi đang làm chức “Giao Châu phủ Tham quân”, Phàn Huyền Kỷ chết tại “Giao Châu phủ quán xá”, hưởng thọ 58 tuổi. Đến ngày 4 tháng 10 năm Hàm Hưởng nguyên niên (670) họ Phàn được hợp táng với vợ là Phạm thị tại Lạc Dương.
Mộ chí “Đường Trung Đại phu An Nam Đô hộ phủ trưởng sử quyền nhiếp Phó Đô hộ Đỗ phủ quân mộ chí” (Đỗ Tử Trực - Đỗ Trung Lương)
Mộ chí làm bằng đá, hình vuông, có kích thước mỗi chiều khoảng 60cm, được tìm thấy tại Lạc Dương. Văn bản được sưu lục với số hiệu Khai Nguyên 029 trong sách Vựng biên, thác bản được in trong tập 21 sách Bắc đồ(7). Theo văn bản mộ chí này, Đỗ phủ quân húy là Tử Trực, tự là Trung Lương, là người Đỗ Lăng, Lạc Dương (Hà Nam, Trung Quốc). Năm Thần Long thứ 2 (706), khi đang làm chức U châu Kinh lược Tử quân tướng kiêm Tri Giản luyện binh mã Doanh điền sứ, Đỗ Tử Trực lập được chiến công và được nhà Đường phong làm Thương châu Tư mã kiêm Tri Thôi vận sứ, sau đó được thuyên chuyển làm An Nam Đô hộ phủ trưởng sử, sắc quyền nhiếp Phó Đô hộ. Theo mộ chí, Đỗ Tử Trực chết vào ngày 1 tháng 9 năm Tiên Thiên thứ 2 (713) tại “An Nam phủ quan xá”, hưởng thọ 66 tuổi. Cũng theo tấm mộ chí này, phu nhân của Đỗ Tử Trực, vốn là người họ Trịnh ở Doanh Dương, cũng chết tại “An Nam phủ quan xá” vào ngày 26 tháng 9 năm Tiên Thiên nguyên niên (712), tức là gần một năm trước đó. Đến ngày 22 tháng 10 năm Khai Nguyên thứ 3 (715), hai vợ chồng Đỗ Tử Trực được các con cải táng về núi Bắc Mang thuộc hương Kim Cốc, huyện Hà Nam, phủ Hà Nam.
Mộ chí “Đường cố Quế Châu Lâm Quế huyện lệnh Phạm phủ quân mộ chí” (Phạm Dịch - Phạm Thiếu Hồi)
Mộ chí làm bằng đá, dài 37cm, rộng 38cm. Văn bản được sưu lục trong sách Vựng biên với số hiệu Vĩnh Trinh 005, thác bản được in trong tập 29 sách Bắc đồ(8). Chủ nhân tấm mộ chí này là một người họ Phạm húy là Dịch, tên tự là Thiếu Hồi, sau khi làm Lâm Quế huyện lệnh hết nhiệm kỳ được sung làm chức An Nam tòng sự. Phạm Dịch chết vào ngày 3 tháng 5 năm Trinh Nguyên thứ 11 (795) tại “Giao Châu Long Hưng tịnh xá”, hưởng thọ 57 tuổi. Đến năm Trinh Nguyên thứ 14 (798), tức là 3 năm sau khi chết, di cốt của Phạm Dịch được “quàn tạm” (quyền thố 權厝) tại bãi Thạch Tử Cương của huyện Thượng Nguyên, sau đó đến ngày 1 tháng 11 năm Vĩnh Trinh nguyên niên (805), Phạm Dịch được chôn chung với người vợ thứ hai là “Lý phu nhân” tại bãi phía Bắc của hương Bình Âm, huyện Lạc Dương, phủ Hà Nam.
Trường hợp của Chử Toại Lương:
Bên cạnh nguồn tư liệu mộ chí, chúng tôi muốn lưu ý đến các ghi chép của Tân Đường thư và Đường hội yếu liên quan đến trường hợp của Chử Toại Lương - một nhà thư pháp nổi tiếng đời Đường. Như chúng ta đã biết, dưới thời Võ Tắc Thiên, Chử Toại Lương bị biếm làm Thứ sử Ái Châu và chết vào năm Hiển Khánh thứ 3 (658). Đến năm Hiển Khánh thứ 5 (660), hai con trai là Chử Ngạn Phủ và Ngạn Xung cũng bị giết tại Ái Châu. Theo ghi chép của Đường hội yếu (Q.45, Công thần)(9), năm Đại Trung 6 (852), An Nam Đô hộ Thôi Cảnh đã cho lập phần mộ tại phía Bắc quận Nhật Nam (Ái châu), cách quận (trị) 5 lý, trên mộ lập bia có ghi: “Hiển Khánh tam niên một vu hải thượng, tấn vu thử địa, nhị nam nhất tôn phụ yên”. Cũng theo ghi chép nói trên của Đường hội yếu và Tân Đường thư (Q.105, truyện Chử Toại Lương)(10), sau khi nhậm chức An Nam Giám sát sứ, ngày 5 tháng 1 năm Hàm Thông thứ 9 (868), Cao Biền có tấu lên nhà Đường về việc mộ phần của Chử Toại Lương, vua Đường có chiếu cải táng mộ nhà họ Chử qui táng về Dương Trạch.
Trong khuôn khổ giới hạn của một bài thông báo, trên đây chúng tôi đã giới thiệu một số tư liệu mới về thời kỳ Bắc thuộc, đặc biệt là nguồn tư liệu mộ chí - một nguồn tư liệu đến nay vẫn chưa được chú ý khai thác tại Việt Nam. Bên cạnh việc cung cấp thông tin về một số quan lại Trung Quốc đã sang Việt Nam làm việc dưới thời thuộc Đường, các tư liệu này cũng giúp chúng ta khẳng định được rằng: trong lịch sử có tồn tại hiện tượng một số quan lại Trung Quốc sau khi chết tại Việt Nam đã được đưa quan tài về Trung Quốc, trong đó có một số trường hợp chắc chắn đã được chôn ngay tại Việt Nam, sau một khoảng thời gian mới được cải táng về Trung Quốc. Riêng tấm mộ chí về Phó Đô hộ Đỗ Tử Trực và người vợ họ Trịnh lần lượt chết tại “An Nam phủ quan xá” trong 2 năm Tiên Thiên 1-2 (712-713) cũng là một tư liệu cần tham chiếu khi nghiên cứu về ngôi mộ M1 có gạch chữ “Đỗ” và giếng cổ có niên đại thế kỷ VII - VIII tìm thấy tại Đông Ngạc vào tháng 4/2011 vừa qua.
 
Chú thích:
(1) Mặc dù báo cáo khảo cổ học chính thức chưa được công bố, các thông tin về cuộc khai quật đã được PGS.TS. Nguyễn Lân Cường thông tin qua các bài báo “2 ngôi mộ cổ ở Ciputra có gì”, “Chữ Hán bí ẩn trong mộ cổ Ciputra đã được giải mã” trên báo Thể thao Văn hóa các số 18, 25/4/2011 và email trao đổi trực tiếp với chúng tôi.
(2) Một trong những lý do liên hệ ngay đến chữ Đỗ là do người viết đã từng có nghiên cứu về họ Đỗ trong bài viết Về một số thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường, Tạp chí NCLS, 9-10 (401-402), 2009. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng cũng trên địa bàn Đông Ngạc, vào năm 1987, Phạm Văn Thắm đã tìm thấy quả chuông Nhật Tảo có niên đại năm 948, xác nhận sự tồn tại của một dòng họ Đỗ trên địa bàn “thôn Hạ Từ Liêm, huyện Giao Chỉ” vào giữa thế kỷ X. Chúng tôi sẽ trình bày cụ thể hơn về các dấu tích liên quan đến họ Đỗ ở khu vực phụ cận trong một bài nghiên cứu khác.
(3) Trần Kiến Cống, Trung Quốc chuyên ngõa đào văn đại tự điển, Nxb. Thế giới đồ thư, 2001 (陳建貢『中國磚瓦陶文大字典』世界図書出版、2001年), tr.580.
(4) Chu Thiệu Lương, Triệu Siêu (chủ biên), Đường đại mộ chí vựng biên, Nxb. Thượng Hải cổ tịch, 1992(周紹良、趙超編『唐代墓誌彙編』上海古籍出版社、1992年), tr.208-209.
(5) Tổ kim thạch Bắc Kinh đồ thư quán (biên soạn), Bắc Kinh đồ thư quán Trung Quốc lịch đại thạch khắc thác bản hối biên, Nxb. Trung châu cổ tịch, 1989 北京圖書館金石組編『北京圖書館藏中國歷代石刻拓本匯编』中州古籍出版社、1989 年), tập 12, tr.142.
(6) Vựng biên, Sđd, tr.518. Bắc đồ, Sđd, tập 15, tr.134.
(7) Vựng biên, Sđd, tr.1172-1173. Bắc đồ, Sđd, tập 21, tr.47.
(8) Vựng biên, Sđd, tr.1172-1173. Bắc đồ, Sđd, tập 29, tr.5.
(9) Đường hội yếu, q.45, Công thần, bản Trung Hoa thư cục, tr.813.
(10) Tân Đường thư, q.105, truyện Chử Toại Lương, bản Trung Hoa thư cục, tr.4029./.

Tác giả: ThS. Phạm Lê Huy

Khoa Đông phương học 

(Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.699-703).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây