Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc từ quan hệ ngoại giao song phương đến quan hệ đối tác hợp tác chiến lược

Thứ tư - 15/07/2015 00:00
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc từ quan hệ ngoại giao song phương đến quan hệ đối tác hợp tác chiến lược
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc từ quan hệ ngoại giao song phương đến quan hệ đối tác hợp tác chiến lược

Việc hoàng tử Lý Long Tường nhà Lý đến vùng bán đảo Hàn lập ra họ Lý núi Hoa Sơn và đến nay có khoảng hơn 200 gia đình dòng họ Lý đang cư trú xung quanh Seoul là một ví dụ điển hình cho quan hệ lâu đời giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Sự kiện có ý nghĩa quan trọng mở ra một trang sử mới trong quan hệ Việt - Hàn là hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ vào ngày 22-12-1992. Sau sự kiện có ý nghĩa lịch sử này, quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển, mở ra tương lai tốt đẹp cho cả hai dân tộc. Khi nhận định về tốc độ phát triển nhanh chóng của quan hệ Việt- Hàn, ông Nguyễn Mạnh Cầm nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt nam đã nêu: “Hiếm thấy trên thế giới trường hợp hai nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao một thời gian ngắn như vậy mà quan hệ hợp tác lại phát triển nhanh như vậy” (1).

Quan hệ Việt Nam Hàn Quốc tính đến thời điểm này đã trải qua 23 năm, trong đó có 17 năm quan hệ ngoại giao song phương và gần 6 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Những thành tựu trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong 23 năm qua là rất lớn trên các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục. Nhìn tổng quát, quan hệ hợp tác Việt nam Hàn Quốc trong 21 năm qua gồm những đặc điểm chủ yếu sau:

  1. Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc trong thời kỳ 1992-2009
    1. Trước hết là quan hệ chính trị

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1992) đến thời điểm trước khi hai nước nâng thành quan hệ đối tác chiến lược (2009), hợp tác chính trị ngoại giao song phương giữa hai nước không ngừng phát triển với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, góp phần tăng cường tình hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực.

            Về phía Việt nam, đáng chú ý là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1993. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Võ Văn kiệt đã được Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam tiếp đón trọng thị và hai bên đã trao đổi về phương hướng hợp tác kinh tế, tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước… Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định như hiệp định bảo vệ quyền đầu tư, hiệp định về hang không và hiệp định về thương mại.

Bước sang năm 1994, quan hệ ngoại giao Việt- Hàn tiếp tục phát triển. Ngày 20/5/1994, Bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Han Sung ju đã thăm chính thức Việt nam. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng mở ra nhiều nhiều thuận lợi mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là hợp tác kinh tế. Thông qua những hiệp định đã ký kết, “nền tảng cho việc đứng ra làm ăn ở Việt Nam của các doanh nghiệp, công ty Hàn Quốc đã được hoàn tất” (2). Khi đề cập đến vấn đề quá khứ lịch sử, Bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Han Sung ju cũng cho rằng, “Quan hệ hai nước trong quá khứ đã từng có vết thương, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải khắc phục được nó, cùng đứng ra phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên” (3).

Trong những năm 1995-1996, 1998, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc tiếp tục phát triển, qua nhiều chuyến thăm ngoại giao giữa lãnh đạo hai nước. Năm 1995, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt nam Đỗ Mười có chuyến thăn Hàn Quốc và cùng Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam trao đổi thống nhất cùng mở rộng hợp tác giữa hai nước. Đáp lại, cuối năm 1996, Tổng  thống Kim Young Sam có chuyến thăm chính thức Việt Nam và tại hội nghị thượng đỉnh, hai bên đã bàn bạc rộng rãi về các phương án hợp tác trên trường quốc tế. Có thể thấy, chuyến thăn của Tổng thống Kim là chuyến thăm đầu tiên ở cấp tổng thống của Hàn Quốc đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ. Chuyến thăm đã để lại nhiều  ấn tượng tốt đẹp, mở ra nhiều thuận lợi mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.

 Tiếp đến, cuối năm 1998,Tổng thống Kim Dae Jung có chuyến thăm chính thức Việt Nam đã cùng Chủ tịch nước Việt nam Trần Đức Lương trao đổi phương án tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thương mại. Khi đề cập đến vấn đề quân đội Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam,  tại buổi hội đàm, hai bên đều nhất trí gói buộc lại quá khứ và cùng nhau phát triển quan hệ hướng đến tương lai.

Tháng 8, năm 2001, Chủ tịch nước Việt Nam Trần đức Lương có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc theo lời mời của Tổng thống Kim Dae jung. Tại cuộc  họp thượng đỉnh giữa hai bên, vấn đề “ tìm đến một mối quan hệ bạn bè đồng hành  có tính bao quát trong thế kỷ XXI” đã trở thành chủ đề chính của cuộc họp. Sau đó hai bên đã ký kết nhiều văn bản quan trọng như mở rộng đầu tư và giao dịch, tăng cường hợp tác giao lưu văn hóa nghệ thuật, giao lưu thanh niên. Đặc biệt, hai bên đã ra tuyên bố chung thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác mới là "Quan hệ Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21".

Trên cơ sở phát triển mới của mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước, trong những năm đầu của thập kỷ 21, hàng loạt các cuộc thăm chính thức cấp cao tiếp tục diễn ra giữa hai bên. Thủ tướng Ly Han Dong thăm chính thức Việt nam (từ 08-11/4/2002);  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Hàn Quốc (từ 29/8-02/9/2002), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phan Văn Khải  thăm Hàn Quốc (từ 15-19/9/2003); Tổng thống Rô Mu Hiên thăm chính thức Việt Nam (10-12/10/2004); Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thăm làm việc tại Hàn Quốc (từ 21-24/5/2007); Tổng thống Rô Mu Hiên dự Hội nghị APEC-14 tại Hà Nội, đã có cuộc gặp song phương cấp cao với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày 17/11/2006. Đặc biệt, chuyến thăm hữu nghị chính thức Hàn Quốc và dự hội nghị cấp cao ASEAN- Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 5/2009 đã đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc. Hai bên đều nhất trí cho rằng mối quan hệ “ Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” được thiết lập năm 2001 cần phải được phát triển lên tầm cao mới thành “ Quan hệ đối tác chiến lược”.

Nhìn lại chặng đường 17 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt nam_ hàn Quốc có thể thấy, các chuyến viếng thăm lẫn nhau, hai bên đều thống nhất và cùng hướng đến mục tiêu chung là thúc đẩy quan hệ hợp tác, nhất là hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư,  thực hiện có hiệu quả quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước, đóng góp tích cực cho hòa bình,ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới (4).

Bên cạnh các cuộc tiếp xúc trao đổi cấp cao với nhiều nội dung và hình thức phong phú, hai bên còn tiến hành mở rộng việc trao đổi đoàn giữa các ngành, các cấp, các địa phương, đẩy mạnh việc hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế.

Ngoài hợp tác song phương giữa hai nước trong khuôn khổ quan hệ đối tác  toàn diện thế kỷ XXI, hai bên còn tăng cường hợp tác tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế,thúc đẩy quan hệ đa phương trong khu vự và quốc tế như ASEAN + 3, ARF, APEC, ASEM, …

  1.  Quan hệ kinh tế

Trên cơ sở đồng thuận của quan hệ ngoại giao chính trị giữa hai nước, theo đó quan hệ hợp tác kinh tế cũng không ngừng phát triển.

Về tài trợ ODA, từ năm 1991, thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc ( Koika), Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Tính đến năm 2004, Hàn Quốc đã  viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 50,247 triệu USD tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo ngắn hạn. Cũng trong những năm 1991 đến năm 2004 đã có 1621 lượt cán bộ Việt Nam sang Hàn Quốc học tập và khoảng 157 tình nguyện viên Hàn Quốc sang Việt Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực như dạy tiếng Hàn, dạy Teakwondo và y tế ( 5).

Từ năm 2005, viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc cho Việt Nam đã tăng lên mức trên 9 triệu USD/năm. Tính đến năm 2006, tổng số tiền viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam lên tới trên 60 triệu USD. Tiếp đến, trong những năm 2006-2009, Hàn Quốc tiếp tục tăng mức cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt nam lên 100 triệu USD/ năm và viện trợ không hoàn lại là 9,5 triệu USD/ năm. Tính đến năm 2009, viện trợ ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam đứng hàng thứ 2 sau Nhật Bản.

Có thể thây, từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc đã trở thành nhà tài trợ song phương lớn của Việt Nam. Nhiều lĩnh vực ưu tiên viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam như phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo, y tế, hỗ trợ nhân đạo cho các vùng sâu vùng xa, vùng nghèo đói, phát triển nông nghiệp nông thôn…đã sử dụng nguồn vốn ODA của hàn Quốc mang lại hiệu quả thiết thực,góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội Việt Nam.

Về Thương mại

            Sau khi quan hệ ngoại giao hai nước được chính thức thiết lập, theo đó, hợp tác thương mại giữa hai nước cũng nhanh chóng phát triển. Bảng thống kê sau sẽ phản ánh  kim ngạch buôn bán giữa hai nước.

Đơn vị tính (triệu USD)

Năm 1992

Năm 1993

Năm 1996

Năm 2003

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

490 triệu USD

818 triệu USD

1,8 tỷ USD

3.116 tỷ

USD

4,125 tỷ USD

hơn 5 tỷ USD

hơn 7 tỷ USD

hơn 9 tỷ USD

 

Nguồn: Dẫn theo Nguyễn Hoàng Giáp; tài liệu đã dẫn tr. 149

Nhìn vào bảng thống kê trên ta thấy, doanh số trao đổi thương mại giữa hai nước ngày càng tăng. Nếu như năm 1992, doanh số đạt được còn ở mức khiêm tốn là 480 triệu USD thì đến năm 2008, đã tăng lên trên 9 tỷ USD. Hiện nay Hàn Quốc là bạn hàng lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Lee Myng Park (10/2009), hai bên đã  dự kiến sẽ nâng kim ngạch hai chiều lên 20 tỷ USD vào năm 2015.

 Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam được coi là lĩnh vực quan trọng nhằm thu hút nguồn vốn FDI phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa của Việt Nam. Tính đến thời điểm tháng 9/2009, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt con số kỷ lục gần 18 tỷ USD. Xét về quy mô của các dự án  của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là những dự án vừa và nhỏ gồm các hạng mục công trình như lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.  Thị trường Việt Nam đã được các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá cao và coi đó là thị trường là hấp dẫn đối với họ. Các dự án của Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam đã thu hút hơn 500 ngàn lao động người Việt, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Về hợp tác lao động

Trong quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc, hợp tác lao động là một trong những lĩnh vực quan trọng mang lại hiệu quả thiết thực trong hợp tác kinh tế và đồng thời cũng là điểm sáng nhất trong hợp tác lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực. Mặt khác, hợp tác lao động Việt Nam- Hàn Quốc còn mang ý nghĩa chính trị góp phần xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.

Sau hơn 10 năm hợp tác, đến năm 2008 đã có 82 nghìn lượt người Việt nam sang lao động tại Hàn Quốc. Đội ngũ lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc không chỉ có ý nghĩa về hợp tác kinh tế, mà sự hiểu biết về văn hóa ngôn ngữ Hàn của họ sẽ là cơ sở quan trọng, là cầu nối giúp cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng được củng cố và phát triển.

 Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, trong số những lao động Việt Nam taioj hàn Quốc đã có một bộ phận không nhỏ người lao động không tuân thủ đầy đủ hợp đồng lao động, bỏ việc, trốn ra làm ngoài đã gây ảnh hưởng đến uy tín trong hợp tác lao động giữa hai nước. Đây cũng là điểm hạn chế cần phải khắc phục và có chế tài tích cực hơn trong việc quản lý nhân lực của cả hai bên.

1.3 Về văn hóa, giáo dục

Sau hai năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 8 năm 1994, hai nước đã ký Hiệp định văn hóa có hiệu lực 5 năm và sau khi hết hạn, hiệp định được tự động gia hạn 5 năm 1 lần. Trên cơ sở của hiệp định, hai nước đã tăng cường chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, xúc tiến các hoạt động về văn hóa, hợp tác giáo dục khoa học, thành lập các hội nhà văn, hội mỹ thuật, hội nghệ sĩ sân khấu, hội nhạc sĩ, nghệ sĩ múa, nghệ sĩ nhiếp ảnh…Năm 2006, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đã được thành lập. Tiếp theo đó, nhiều tổ chức khác cũng được thành lập như Trung Tâm giao lưu văn hóa Việt- Hàn, các Hội hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc, Hội nghiên cứu Hàn Quốc học cũng tích cực hoạt động và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong hợp tác văn hóa giữa hai nước. Một trong những hoạt động của ấn tượng để lại trong nhiều năm qua ở Việt nam đó là chương trình “Rung chuông vàng” và ngày hội tiếng Hangul được tổ chức hang năm tại Việt Nam  không chỉ có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa khoa học, mà còn thu hút được lực lượng sinh viên đông đảo của nhiều trường đại học tham gia.

            Từ năm 2005-2008, hợp tác văn hóa Việt - Hàn diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung phong phú, đa dạng gồm hợp tác về trao đổi bảo tàng, trao đổi kinh nghiệm,  trao đổi thông tin tư  liệu, trao đổi chuyên gia văn hóa nghệ thuật,… Tháng 7/2007, tuần văn hóa Việt Nam tại Seoul đã được tổ chức với sự giúp đỡ có hiệu quả của Đại sứ quan Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp với Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại, Bộ văn hóa và du lịch cùng Ủy ban thông tin quốc gia Hàn Quốc. Thông qua hoạt động này, hình ảnh đất nước con người Việt Nam được quảng bá tại thủ đô Seoul nói riêng và đất nước Hàn Quốc   nói chung.

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác giáo dục (tháng 3/2000) và Hiệp định hợp tác giáo dục và đào tạo ( 5/2005). Thông qua những hiệp định này, nhiều nhà khoa học, nhiều giáo sư của hai nước đã sang nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, các viện nghiên cứu của Việt Nam và Hàn Quốc. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc  trong nhiều năm qua đã có nhiều hoạt động có hiệu quả nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo ở hai nước. Quỹ tài trợ Korea Foundation của Hàn Quốc hàng năm đều có chương trình tài trợ cho các hoạt động giáo dục đào tạo của Việt Nam. Tổ chức KOICA Hàn Quốc đã cử nhiều tình nguyện viên sang Việt Nam dạy tiếng Hàn tại nhiều trường đại học, nhiều cơ sở đào tạo ở Việt nam. Hiện tại, ở Việt nam có 12 trường đại học đang đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học.  Những trường đại học có uy tín trong đào tạo cử nhân tiếng Hàn và Hàn Quốc học như Khoa Đông  Phương học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Đông  Phương học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia thành phố Hồ chí Minh, Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Hà Nội, Đại học Huế,…

Việc dào tào tiếng Việt tại Hàn Quốc cũng bắt đầu được đẩy mạnh sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện nay tại Hàn Quốc có nhiều trường đã có khoa tiếng Việt như: Trường Đại học Ngoại Ngữ Hàn Quốc (HUFS), Trường Đại học Ngoại ngữ Busan( PUFS), Trường Đại học Yongsan ( thành phố Busan) và Trường Đại học Chungwon (tỉnh Chungchongnam-do). Ngoài việc đào tạo tiếng Việt, nhiều cơ sở đào tạo khác của Hàn Quốc cũng có các bộ môn nghiên cứu và giảng dạy về Việt nam học như Khoa Đông Nam Á của Trường Cao học khu vực quốc tế thuộc ( HUFS), Khoa Lịch sử Phương Đông của Trường Cao học Đại học Quốc gia Seoul.

Như vậy, sau gần hai thập kỷ phát triển, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và đào tạo… Việc hai nước nhất trí nâng mối quan hệ ngoại giao trong khuôn khổ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác hợp tác chiến lược (10/2009) là bước đi quan trọng, mở ra một triển vọng mới phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

  1. Quan hệ  đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam- Hàn Quốc từ 10/ 2009 đến nay

Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc đó là chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 21/10 của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Park. Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương, Tổng thống Hàn Quốc đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và điều kiện thuận lợi cho việc đưa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước trong năm 2010 và những năm tới lên một bước phát triển mới. Cũng trong buổi hội đàm, Tổng thống Hàn Quốc đã khẳng định:  trong khuôn khổ hợp tác mới, quan hệ song phương giữa hai nước không chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế, thương mại mà sẽ mở rộng tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao, an ninh cũng như các lĩnh vực hợp tác khác.

 Về phần mình, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương cũng nêu rõ: “ Chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, đặc biệt doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt nam, giữ vị trí hang đầu trong nhóm đầu tư vào Việt Nam”( 6).

   Điều đáng ghi nhận là, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Park đã khẳng định Việt Nam có nền kinh tế thị trường và các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao và thực hiện các dự án tầm cỡ quốc gia.

 Sau chuyến thăm của người đứng đầu Nhà nước Hàn Quốc nêu trên, các chuyến thăm chính thức cấp cao giữa hai nước vẫn được tiếp tục được duy trì hàng năm. Đáng chú ý  là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc tháng 11/2011, của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã nhất trí lấy năm 2012 là “Năm Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc”  nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992 - 22/12/2012).

Năm 2012, kỷ niệm 20 năm ngày quan hệ Việt – Hàn, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa chính trị quan trọng  nhằm thiết thực chào mừng sự kiện trọng đại này. Cũng trong năm này, Thủ tường Nguyễn Tấn Dũng sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Seoul từ 26-27/3/2012 đã có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 28-29/3/2012.

Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước lên một bước mới, từ ngày 7-11/9/2013, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun - Hye đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trong khuôn khổ của hội đàm giữa hai bên, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun – Hye cho rằng “ Quan hệ giữa hai nước đã đạt được sự phát triển đáng chú ý trong suốt 20 năm qua, đây là lúc chúng ta chuẩn bị cho tương lai 20 năm tới và tiến tới đưa hợp tác kinh tế phát triển sâu rộng thêm một tầm nữa”, “Trong thời gian sắp tới, để đưa quan hệ hợp tác kinh tế phát triển thêm một bậc nữa, nhất thiết cần xây dựng khung chính sách thông qua Hiệp định Thương mại Tự do mang tính toàn diện và ở tầm cao; cơ cấu công nghiệp hai nước có sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau”( 7). Về kinh tế Hàn Quốc là nước hiện có nền kinh tế đứng thứ 4 châu Á và thứ 15 trên thế giới, Hàn Quốc có kim ngạch thương mại năm 2012 đạt trên 1.167,7 tỷ USD. Riêng 7 tháng đầu năm 2013, quốc gia này đạt kim ngạch thương mại 622,3 tỷ USD và duy trì được thặng dư thương mại 18 tháng liên tiếp. Cũng tính đến thời điểm tháng 7/2013, dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc đạt 329,7 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và cao gấp 10 lần năm 1997, duy trì vị trí nước đứng thứ 7 thế giới về lượng ngoại tệ dự trữ. (8)

Ở lĩnh vực đầu tư trực tiếp, riêng 4 tháng đầu năm 2013, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 (sau Nhật Bản, Đài Loan và Singapore) trong tổng số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt nam, với 3.287 dự án có hiệu lực đạt 25.05 tỷ USD.

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực không thuận, bản thân kinh tế Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp Hàn Quốc đều bày tỏ nguyện vọng tiếp tục làm ăn lâu dài tại Việt Nam, một số tập đoàn lớn như Samsung, LG đang có kế hoạch tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại song phương trong năm 2012 đạt 21,12 tỷ USD, tăng gấp 42 lần so với 500 triệu USD năm 1992.

Về viện trợ ODA, hiện nay hàn Quốc vẫn là nước cung cấp ODA lớn cho Việt Nam, đứng thứ hai sau Nhật bản. Hàn Quốc đã cung cấp cho Việt Nam 70,14 triệu USD năm 2010 và khoảng hơn 200 triệu USD năm 2011.

Về văn hóa giáo dục, Năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã chọn Hàn Quốc làm đối tác chiến lược thông tin giáo dục-đào tạo. Hiện có trên 5.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc, phần lớn là học đại học và cao học. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam. Trong năm 2012, Việt Nam có hơn 9.800 lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc. Đến nay, Việt Nam đã đưa 68.000 lao động sang Hàn Quốc theo Chương trình luật cấp phép lao động nước ngoài (EPS).

Hoạt động ngoại giao nhân dân giữa hai nước cũng ngày càng được thúc đẩy như thành lập các hội hữu nghị gồm: Hội hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc, Hội Giao lưu Hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam, Hội Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc.

Chương trình hợp tác giữa các địa phương của hai nước cũng được mở rộng. Hiện đã có nhiều địa phương hai nước thiết lập quan hệ hợp tác với nhau như Thủ đô Hà Nội-Thủ đô Seoul, thành phố Hồ Chí Minh- thành phố Busan, thành phố Đà Nẵng - thành phố Deagu…

Tóm lại, trải qua gần 23 năm, từ quan hệ ngoại giao song phương đã nâng lên quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Tuy nhiên, để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược trong những năm tới, hai nước cần phải có những giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho hợp tác giữa hai bên và cần tập trung những ưu tiên thích hợp tạo ra sự đột phá, khắc phục những khó khăn vướng mắc, những vấn đề hạn chế nảy sinh trong hợp tác.

Về phần mình, để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược đến năm 2020, Việt nam cần tiếp tuc đổi mới tư duy, xây dựng ké hoạch và lộ trình thích hợp với những lĩnh vực cụ thể phù hợp với chiến lược đối ngoại và mục tiêu định hướng trong hội nhập quốc tế.

                           CHÚ THÍCH

  1. Nguyễn mạnh Cầm: Quan hệ hữu nghị và hợp tác hướng về tương lai. Trả lời phỏng vấn Tuần báo Quốc tế, Đặc san về 5 năm quan hệ ngoại giao Việt nam-hàn Quốc ( 1992-1997) tr.6
  2. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Đông Phương học, 10 năm đào tạo và nghiên cứu hàn Quốc tại Việt Nam; Kỷ yếu hội thảo quốc gia kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt nam- Hàn Quốc, Nxb Đại học Quốc gia, tr: 49
  3. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Đông Phương học, 10 năm đào tạo và nghiên cứu hàn Quốc tại Việt Nam, tài liệu đã dẫn, tr 50.
  4.  Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Đông Phương học; Thúc đẩy hàn Quốc học ở Việt nam; Kỷ yếu Hội thảo quốc tế; Nxb thế giới tr 352
  5. Nguyễn Hoàng Giáp (chủ biên) Hàn Quốc với khu vực Đông Á sau chiến tranh lạnh và quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2009, tr.153
  6. Việt- Hàn nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược; www.tinmoi.vn
  7. Thúc đẩy hợp tác Việt Nam- Hàn Quốc: Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; http://vcci.com.vn
  8. Tổng quan quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc; http://www.vietnamembassy-seoul.org
  9. Thúc đẩy hợp tác Việt Nam- Hàn Quốc: Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và  vừa; http://vcci.com.vn

Tác giả: PGS.TS. Lê Đình Chỉnh

Khoa Đông phương học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây