[Tóm tắt báo cáo] Những vấn đề về ngôn ngữ và vai trò của tiếng Anh ở Ấn Độ

Thứ năm - 08/09/2016 00:00
[Tóm tắt báo cáo] Những vấn đề về ngôn ngữ và vai trò của tiếng Anh ở Ấn Độ
[Tóm tắt báo cáo] Những vấn đề về ngôn ngữ và vai trò của tiếng Anh ở Ấn Độ

Cũng giống như thế giới sinh vật, thế giới ngôn ngữ là vô cùng phong phú và đa dạng. Thế nhưng trước sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học công nghệ, sự hội nhập và xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới, sự đa dạng về ngôn ngữ đang có nguy cơ bị đe dọa trên hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ấn Độ là một trong những quốc gia trong số đó. Là một nước có dân số lớn thứ 2 thế giới, diện tích rộng lớn, đa tôn giáo, đa văn hóa, Ấn Độ từ lâu đã gặp phải rất nhiều vấn đề liên quan đến ngôn ngữ như sự đa dạng quá lớn trong vấn đề ngôn ngữ, sự tiêu biến của các ngôn ngữ cổ, sự du nhập của một ngôn ngữ mới là Tiếng Anh... Trong các vấn đề đó, tuy Tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ có số lượng người nói chiếm một phần nhỏ bé ở đất nước này nhưng Tiếng Anh đang dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.                                                                                                         

1. Một số vấn đề về ngôn ngữ

Ấn Độ là quốc gia đa ngôn ngữ. Năm 1961 ghi nhận 1652  ngôn ngữ tồn tại ở Ấn Độ. Trong đó, ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở Ấn Độ là tiếng Hindi với khoảng 337,272,114 người nói (1991), sau đó là các thứ tiếng Bengali - 69,595,738, tiếng Tegulu - 66,017,615…

Có 4 họ ngôn ngữ chính ở Ấn Độ bao gồm Ấn – Aryan, Dravidian, Austroasiatic và Tạng – Miến. Tro, trong đó, ngữ hệ Ấn – Aryan là họ ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở Ấn Độ, nổi bật là tiếng Hindi và một số thứ tiếng khác như Marathi. Panjabi, Assamese, Rajasthani, Gurajati… Những ngôn ngữ thuộc ngữ hệ ngày được sử dụng ở các khu vực phía Bắc Ấn Độ, trên đồng bằng châu thổ sông Hằng và các khu vực phía Đông (Assam, West Bengal), phía Tây (Rajasthan, Punjab, Gurajat). Họ ngôn ngữ Dravidian gồm 25 ngôn ngữ, trong đó có 24 ngôn ngữ được biết đến ở Ấn Độ và ngôn ngữ còn lại tìm thấy ở Baluchistan – khu vực biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Dravidian bao gồm Brahui, Malto, Kurukh được tìm thấy ở một số khu vực dân tộc thiểu số phía Bắc; Gondi, Konda, Kui, Manda, Parji, Gadaba, Kolami, Pengo, Naiki, Kuvi và Telugu ở khu Trung tâm và Tulu, Kannada, Kodagu, Toda, Kota, Malayalam và Tamil ở khu vực phía Nam (Tamil Nadu, Karnataka, Kerala, Andra Pradesh, Telagana). Ngữ hệ Nam Đảo được tìm thấy ở Ấn Độ bao gồm các tiếng Santali, Mundri, Bhumij, Birhar, Ho, Tri, Korku, Khari, Juang, Savarna… Người nói những ngôn ngữ này thường ở khu vực miền núi và cao nguyên trong các dân tộc và bộ lạc (Ví dụ: Cheros ở Bihar và Chota Nagpur, Kherwars ở Mirzapur). Ngữ hệ Tạng – Miến là một phần của họ ngôn ngữ Trung – Tạng (Sino – Tibetan) phát triển ở một khu vực rộng lớn ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ, từ Tây Tạng ở phía Bắc đến Burma (Myanmar) và từ khu vực Ladakh thuộc bang Jamu & Kashmir ở phía Tây sang các huyện thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc ở phía Đông. Các ngôn ngữ thuộc họ ngôn ngữ Tạng Miến bao gồm Lepcha, Sikkimese, Garo, Bodo, Manipuri và Naga; được sử dụng ở các khu vực Manipur, Nagaland, Sikkim, khu vực chân dãy Hymalayas và khu vực Hymachal Pradesh. Có một số ngôn ngữ khác được tìm thấy ở Ấn Độ, tuy nhiên nó không phù hợp để phân chia vào bất cứ họ ngôn ngữ lớn nào ở phía trên như Burushaski ở phía Tây Bắc Ấn Độ là một ngôn ngữ độc lập. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy 22 ngôn ngữ kỳ lạ ở quần đảo Andaman và Nicobar.

Sự đa dạng ngôn ngữ ở Ấn Độ đang bị đe dọa. Có một số ngôn ngữ ở quốc gia này đang trên bờ vực bị tiêu biến hoặc đã bị biến mất. Theo kết quả báo cáo của cuộc điều tra ngôn ngữ năm 1961 ở Ấn Độ của Trung tâm Nghiên cứu và Xuất bản Bhasha Vadodara, thì có 1652 ngôn ngữ. Tuy nhiên, con số này được các nhà nghiên cứu sửa lại xuống còn khoảng 1100 do ban đầu, các chuyên gia gộp luôn các biến thể của một ngôn ngữ vào danh sách.  Năm 2011, Một cuộc khảo sát ngôn ngữ khác của người dân Ấn Độ được thực hiện trong vòng 2 năm cho kết quả chỉ tìm thấy khoảng 800 ngôn ngữ, như vậy có tới khoảng hơn 200 ngôn ngữ đã biến mất khỏi Ấn Độ chỉ sau hơn 50 năm. Có tới 191 ngôn ngữ ở Ấn Độ đang nằm trong danh sách các ngôn ngữ dễ bị tiêu biến hoặc đang trong nguy cơ bị biến mất hoàn toàn. Nguyên nhân do thiếu sự công nhận, các cộng đồng thiểu số bị chiếm chỗ ở, cái nhìn kỳ thị đối với những dạng ngôn ngữ bị liệt vào loại kém phát triển… Do những biến động trong đời sống ngôn ngữ, kinh tế, xã hội, sự bùng nổ thông tin điện tử đa phương tiện, sự lấn át của các ngôn ngữ lớn và những khó khăn về mặt kinh tế (như thiếu hụt ngân sách cho việc phát triển văn hóa, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số)

2. Vai trò của Tiếng Anh ở Ấn Độ

Tiếng Anh bắt đầu xuất hiện và được sử dụng ở một bộ phận người dân Ấn Độ cùng với sự xuất hiện của công ty Đông Ấn vào những năm 1600, sau đó là dưới sự xâm lược của thực dân Anh vào năm 1857. Tiếng Anh được đưa vào sử dụng trong giảng dạy và nghiên cứu nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực sẵn có với giá thành rẻ để phục vụ cho sự phát triển của công ty Đông Ấn; một phần là do chính sách cai trị của thực dân Anh. Tiếng Anh dần dần được chấp nhận và được sử dụng rộng rãi trong một bộ phận đông đảo người dân. Sau khi giành được độc lập, Tiếng Anh còn được chọn làm ngôn ngữ hành chính quốc gia, bên cạnh Tiếng Hindi. Cho đến ngày nay, Tiếng Anh vẫn đang tồn tại và phát triển song song với các ngôn ngữ khác ở Ấn Độ

Tuy chỉ được sử dụng trong một bộ phận người dân khá nhỏ, chỉ chiếm tới 10,35% dân số (2005) trong tổng số 1,2 tỷ dân Ấn Độ; tương đương 125,226,449 người nói, Tiếng Anh vẫn đang chiếm giữ những vai trò vô cùng quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội Ấn Độ.

Về chính trị xã hội, Tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ hành chính; sử dụng trong các văn bản luật, văn bản hành chính và xử lý công vụ. Ngoài ra, việc chọn Tiếng Anh làm ngôn ngữ hành chính còn là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn mối đe dọa xung đột tôn giáo và phân biệt vùng miền. Lý do ban đầu, Chính phủ Ấn Độ lựa chọn Tiếng Hindi làm ngôn ngữ quốc gia và vấp phải sự phản đối của cộng đồng người nói những ngôn ngữ khác như Tiếng Tamil. Mặt khác, việc sử dụng Tiếng Anh trong đời sống hàng ngày còn giúp người dân ở các khu vực khác nhau trên toàn đất nước Ấn Độ có phương tiện chung để giao lưu, kết nối với nhau.

Về kinh tế, không thể phủ nhận, việc người dân sử dụng thành thạo Tiếng Anh là một cơ hội tốt giúp Ấn Độ phát triển nền kinh tế. Đối với bản thân mỗi cá nhân, việc sử dụng Tiếng Anh giúp họ có cơ hội tìm được việc làm với thu nhập tốt cao hơn so với những người không sử dụng được Tiếng Anh. Điều đó cũng giúp cho Ấn Độ phát triển các dịch vụ ngoại biên và thu hút chủ đầu tư nước ngoài. Những điều đó góp phần làm tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, cải thiện đời sống người dân.

Về giáo dục và khoa học kỹ thuật, chắc hẳn những công trình khoa học lớn trên thế giới phần lớn đều được viết bằng Tiếng Anh. Do đó, việc nói Tiếng Anh giúp cho người dân Ấn Độ tiếp cận được với kho tàng văn hóa, tri thức khoa học lớn của thế giới. Đặc biệt, Tiếng Anh ngày nay được sử dụng trong hầu hết các trường học trên đất nước, giúp cho học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi với bạn bè quốc tế một cách dễ dàng, tiện lợi.

3. Liên hệ với Việt Nam

Việt Nam cũng là một quốc gia đa dân tộc. Tuy không phải là một đất nước có diện tích rộng lơn và đông dân nhưng ở đây cũng rất phong phú về ngôn ngữ. Ngoài dân tộc Kinh là dân tộc chiếm 85% dân số, còn có 53 dân tộc khác, thuộc các ngữ hệ khác nhau.

          Thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic), có các tiếng như: Kinh (Việt), Mường, Nguồn, Poọng, Thổ, Cuối, Đan Lai, Li hà, Rục, Mày, Sách, Mã Liềng, Kri (Phọong), Aream, Mảng, Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, Ơ Đu, Bru-Vân Kiều, Pacô, Tà Ôi, Cơ Tu, Bana…

         Thuộc ngữ hệ Thái–Ka Đai, có: Tày, Nùng, Cao Lan, Thu Lao, Thái Đen, Thái Trắng, Thái Đỏ, Thái Thanh, Thái Dọ, Thái Hàng Tổng, Lào, Lự, Tày Nặm, Pa Dí, Giáy, Bố Y…

         Thuộc ngữ hệ Mèo–Dao (Hmong–Mien), có: Mông, Na Mẻo, Pà Thẻn, Miền (Dao Đỏ, Dao Đeo Tiền, Dao Cooc Ngáng, Dao Ôgang, Dao Quần Chẹt, Dao Đại Bản, Dao Tiểu Bản...), Mùn (Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao áo Dài, Dao Họ, Dao Tuyển, Dao Làn Tẻn,...)

        Thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian), có: Chăm Đông (Chăm Ninh – Bình Thuận), Chăm Tây (Chăm An Giang, Tây Ninh), Êđê, Giarai, Raglai, Hroi, Churu.

       Thuộc ngữ hệ Hán–Tạng, có: Hoa, Lôlô, Hà Nhì, La Hủ, Sila, Cống, Xá Phó, Phù Lá.

         Ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một sự tiêu vong của một số ngôn ngữ, đáng chú ý là 05 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1000 gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.

4. Kết luận

Ấn Độ thực sự là một quốc gia đa dạng về ngôn ngữ. Nhưng chính sự đa dạng này cũng là một nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự tiêu biến của một số ngôn ngữ cổ ở đất nước này. Bên cạnh đó, dưới sự phát triển của khoa học công nghệ và xu thế quốc tế hóa, Tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ mới được du nhập và phát triển ở Ấn Độ, song song với các ngôn ngữ khác. Tiếng Anh mặc dù là một ngoại ngữ ở Ấn Đô nhưng lại có vai trò rất quan trọng. Ngày nay, tiếng Anh được tìm thấy ở khắp mọi nơi từ sách giáo khoa cho các bài hát, từ phim ảnh đến kinh sách tôn giáo. Tiếng Anh đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, văn học nghệ thuật ở Ấn Độ. Nó là sợi dây liên kết của một đất nước đa dạng với hàng trăm ngôn ngữ và tiếng địa phương; giúp Ấn Độ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân và là công cụ giúp Ấn Độ có thể nhanh chóng hòa nhập với xu hướng hội nhập quốc tế.

 

Tác giả: La Thị Minh Hằng - K58 Ấn Độ học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây