Đạo Phật là một trong những học thuyết triết học – tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Đạo Phật có lịch sử tồn tại và phát triển rất lâu đời, xuất hiện từ khoảng thế kỉ V, VI trước Công nguyên với hệ thống giáo lí đồ sộ và số lượng phật tử đông đảo phân bố rộng khắp trên phạm vi toàn thế giới. Phật giáo khởi nguồn từ Ấn Độ và truyền bá vào các quốc gia đã nhanh chóng trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân bản địa. Thông thường gọi Phật giáo Bắc truyền theo văn hệ Sanskrit, lấy Trung Hoa làm trung tâm, bao gồm các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Tây Tạng, Việt Nam thì gọi là Phật giáo Đại thừa. Còn Phật giáo Nam truyền dùng kinh điển thuộc văn hệ Pali, lấy nước Tích Lan làm trung tâm và bao gồm các nước như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, thường được gọi là Phật giáo Tiểu thừa.
Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Hoa và một trong số những ảnh hưởng lớn đó chính là Phật giáo. Phật giáo qua nhiều năm được truyền bá vào Hàn Quốc có những biến đổi so với thời kì ban đầu mới du nhập. Việc đi vào tìm hiểu Phật giáo Hàn Quốc trong xã hội Hàn Quốc hiện đại cho cái nhìn tổng quan hơn về Phật giáo và vai trò của nó trong xã hội Hàn Quốc ngày nay.
Việc tìm hiểu, khai thác đề tài này chúng tôi nhằm hai mục đích:
Thứ nhất, chỉ ra đặc trưng nổi bật của Phật giáo trong xã hội hiện đại và những ảnh hưởng của nó trong đời sống, xã hội Hàn Quốc
Thứ hai, một vài so sánh để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt giữa Phật giáo Hàn Quốc và Phật giáo Việt Nam từ đó thấy được sự đa dạng trong tư duy và tiếp nhận văn hóa của mỗi nước khi xuất phát từ cùng một đối tượng tiếp nhận.
Báo cáo khoa học gồm những nội dung sau:
I. PHẬT GIÁO VÀ PHẬT GIÁO HÀN QUỐC
1. Nguồn gốc của Phật giáo
Phật giáo khởi nguồn từ Ấn Độ với người sáng lập là Thái tử Tất Đạt Đa con của vua Tịnh Phạn (một vị vua dòng họ Thích Ca) và hoàng hậu Ma Da ở xứ trung Ấn Độ, nay lànước Nêpal, một nước ở ven sườn dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya); sau khi thấu triệt chân lí vũ trụ, đạt Đạo vô thượng, thành bậc Chính Đảng Chính Giác nên được gọi là bậc Toàn giác, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) vào thế kỉ thứ V, VI trước Công nguyên. Phật giáo được Thích Ca Mâu Ni truyền giảng ở miền bắc Ấn Độ và được truyền bá trong khoảng thời gian 49 năm khi Phật còn tại thế ra nhiều nơi đến nhiều chủng tộc nên lịch sử phát triển của đạo Phật khá đa dạng về các bộ phái cũng như các nghi thức hay phương pháp tu học. Đến thế kỷ XIII sau Công nguyên, Phật giáo ở Ấn Độ về cơ bản đã tiêu vong, nhưng lại được phát triển ở các nước khác trên thế giới, đặc biệt là Phật giáo Đại Thừa sau khi truyền nhập vào Trung Quốc liền hòa quyện tương hỗ với các tư tưởng truyền thống Trung Quốc để đạt được bước phát triển.
2. Phật giáo du nhập vào Hàn Quốc
Phần lớn các ý kiến đều cho rằng đạo Phật truyền từ Trung Quốc sang bán đảo Hàn Quốc, và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đạo Phật theo hệ phái Đại thừa Trung Quốc. Cho tới nay, đạo Phật đã tồn tại ở Hàn Quốc khoảng 1600 năm và trong suốt giai đoạn lịch sử đó, đạo Phật đã hình thành truyền thống sâu sắc và tạo nên một nền văn hóa đặc trưng cho Hàn Quốc.
Thời kì ba Vương quốc ( 57 TCN – 668 CN)
Thời kì Vương triều Silla hợp nhất (668 – 935)
Thời kì Goryeo (918-1392)
Thời kì Joseon (1392-1910)
Thời kỳ cận đại
II. PHẬT GIÁO HÀN QUỐC HIỆN ĐẠI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
1. Phật giáo Hàn Quốc hiện đại
Sau chiến tranh thế giới thứ II kết thúc năm 1945 và cuộc chiến Nam-Bắc Hàn, Phật giáo Hàn Quốc đã phải đối diện với nhiều thách thức và đang dần thích nghi với cuộc sống của thế giới hiện đại. Từng bị lãng quên một thời gian dài nơi rừng sâu, nay đã trở lại sinh hoạt nơi thị thành. Nhiều chùa chiền đã được xây dựng, khôi phục, các hoạt động vì lợi ích cộng đồng được nhân rộng… Hiện nay ở Hàn Quốc có 18 tông phái Phật giáo khác nhau xuất phát từ bốn tông phái chính là Thiền tông, Mật tông, Pháp Hoa tông và Hoa Nghiêm tông. Tất cả đều theo truyền thống Phật giáo Đại thừa. Trong 18 tông phái trên, nổi bật và có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất là Thiền phái Tào Khê đã được thiền sư Tae-Go (Thái Cổ: 1301-1382) sáng lập. Riêng thiền phái này có 1632 ngôi chùa với chi nhánh ở khắp trong và ngoài nước, và có khoảng 18.000 tăng ni và khoảng 6.000.000 Phật tử. Phật giáo Hàn Quốc đã gắn liền với sự thịnh suy, thăng trầm của vận nước. Thế kỷ 20, từ khi đất nước Hàn Quốc đuổi giặc ngoại xâm giành lại nền độc lập, Phật giáo phải đối phó với nhiều thách thức thời đại mới.
2. Đặc điểm Phật giáo Hàn Quốc
Thứ nhất, tôn giáo này là nền tảng tư tưởng của giai cấp thống trị trong quá khứ;
Thứ hai, tôn giáo này đóng vai trò là tôn giáo phổ biến trong quần chúng nhân dân.
3. Vai trò của Phật giáo trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.
Trong suốt chiều dài lịch sử, ngay sau sự khẳng định vai trò của Nho giáo trong xã hội Hàn Quốc thì Phật giáo đã trở thành một tôn giáo gắn bó mật thiết với đời sống xã hội, tín ngưỡng, tâm linh của người dân xứ Hàn. Cho dù hiện nay Hàn Quốc được biết đến là một quốc gia phát triển với vai trò quan trọng của đạo Tin lành. Nhưng thực chất đạo Tin lành mới chỉ có mặt ở Hàn quốc từ nửa đầu thế kỷ thứ XIX với sự xuất hiện của nhà truyền giáo tin lành đầu tiên trên bán đảo này.
Phật giáo đối với lối sống người dân Hàn
Người dân Hàn Quốc học từ Phật giáo tinh thần thiểu dục và trai giới, không phải sự tìm kiếm giàu có mà đó là cách giải quyết hiệu quả nhất đối với dục vọng con người.
Phật giáo với truyền thống học tập và phát triển tri thức
Ngay từ đầu, Phật giáo đã khơi nguồn cảm hứng theo đuổi tri thức và mang đến chương trình giáo dục hệ thống. Trong xã hội Hàn Quốc xưa và thời trung cổ, các nhà tri thức Phật học dẫn đầu các sinh hoạt học thuật, làm nên sự đóng góp rất quan trọng đối với trình độ phát triển tri thức tiên tiến của quốc gia. Với sự ra đời của triều đại Joseon, những người theo Tân Khổng giáo nắm giữ vị trí hàng đầu trong nghiên cứu học thuật và giáo dục, trong khi các tăng, ni lại bị coi là tầng lớp thấp kém nhất, cùng với pháp sư và thương nhân. Tuy nhiên, Phật giáo đã biết kiểm soát để tồn tại, một trong những minh chứng đó là các tự viện vẫn giữ lại truyền thống giáo dục và đào tạo tri thức. Đặc biệt là trong hai thập kỉ cuối, xu hướng học thuật khôi phục truyền thống học tập chống lại sự xuất hiện của lối học tập nghiên cứu hiện đại phương Tây.
Phật giáo với nghệ thuật
Phật giáo truyền cảm hứng không chỉ đến các sinh hoạt tri thức mà còn tới hoạt động sáng tạo nghệ thuật ở nhiều thể loại khác nhau. Người nghệ sĩ thể hiện cảm hứng nghệ thuật và những hiểu biết của mình thông qua các hình thức nghệ thuật, như các bức tượng, phù điêu, hội họa, tác phẩm điêu khắc, kiến trúc đền chùa, kỹ thuật đúc chuông, âm nhạc, vũ điệu v.v và v.v... Tuy chỉ một tỷ lệ nhỏ các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo còn tồn tại sau sự tàn phá của chiến tranh hay sự huỷ hoạt của phong hóa tự nhiên, nhưng khoảng 80% trong tổng số di sản văn hóa được chỉ định là kho báu quốc gia được công nhận là đồ tạo tác Phật giáo ở Hàn Quốc.
III. VÀI SO SÁNH GIỮA PHẬT GIÁO HÀN QUỐC VÀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM
1. So sánh Phật giáo Hàn Quốc và Phật giáo Việt Nam.
Có thể thấy cả ở Hàn Quốc và Việt Nam, Phật giáo đã được truyền bá, tồn tại và phát triển trong một khoảng thời gian dài cho tới tận ngày nay. Phật giáo Hàn Quốc và Phật giáo Việt Nam đều chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi đạo Phật theo hệ phái Đại thừa Trung Quốc. Sở dĩ có điểm giống nhau như vậy là bởi cả hai quốc gia này đều là hai quốc gia nhỏ, trong lịch sử đã tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thông qua hai hình thái tiếp nhận là tự nguyện và cưỡng ép. Một trong số những tiếp nhận đó chính là Phật giáo. Tuy nhiên mỗi quốc gia thì lại mang trên mình những đặc điểm của văn hóa bản địa tiêu biểu và đặc trưng, vì thế Phật giáo từ khi được truyền bá vào Hàn Quốc và Việt Nam cho đến nay tồn tại và phát triển được chính là đã có những sự thay đổi cần thiết để hòa nhập và phù hợp với vùng văn hóa bản địa. Cần nhấn mạnh thêm rằng việc hòa nhập với vùng văn hóa bản địa không đồng nghĩa với việc Phật giáo đã bị thay đổi bản chất của học thuyết triết học - tôn giáo vốn có của mình mà những sự thay đổi đó chỉ với mục đích là để đễ dàng tiếp nhận và duy trì sự tồn tại của Phật giáo trong đời sống xã hội. Điều không thể phủ nhận và tạo nên vị trí quan trọng của Phật giáo đó chính là những ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống xã hội và lịch sử. Trên thực tế trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy nan liên quan đến vận nước Phật giáo đã chứng tỏ sức mạnh của mình, cùng với nhân dân ủng hộ chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, phản đối quyết liệt và mạnh mẽ những hàng động phi nghĩa của các quốc gia xâm lược là một minh chứng rõ ràng Phật giáo có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với đời sống, không xa lìa cuộc sống và trở thành điểm tựa tinh thần của nhân dân.
Tuy Phật giáo Hàn Quốc và Phật giáo Việt Nam có chung một nguồn gốc và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo Trung Quốc nhưng có những điểm khác biệt xuất phát từ đặc trưng văn hóa bản địa của từng quốc gia. Điều đó thể hiện sự khác biệt về văn hóa, tư duy trong cách tiếp nhận cùng một luồng tư tưởng, tôn giáo của mỗi nước.
Phật giáo Hàn Quốc chịu ảnh hưởng giáo lý Đại thừa (Bắc truyền) và kết hợp với văn hóa truyền thống, tín ngưỡng nhân gian, để cùng hòa nhập và phát triển thành văn hóa dân tộc (bản địa hóa Phật giáo). Trong đó đạo Saman là đạo tồn tại trong xã hội Hàn Quốc cổ đại, sự du nhập của một số tôn giáo phức tạp khác như đạo Lão, đạo Khổng, đạo Phật hoà lẫn vào với tinh thần Shaman và cùng tồn tại hài hoà.
Trong khi đó Phật giáo ở Việt Nam là sản phẩm của giao lưu tiếp biến trong văn hóa Việt - Ấn nên ngay từ điểm khởi đầu ấy nó đã đặt ra mối quan hệ tương tác biện chứng giữa văn hóa và tôn giáo. Phật giáo là một tôn giáo gần gũi và dễ hòa hợp với tín ngưỡng dân gian của người Viêt Nam. Nếu đặc điểm của tôn giáo Việt Nam là sự thờ thần (thế lực siêu nhiên) mà con người cũng cần để nhờ sự “phù hộ độ trì” thì Phật hay quan âm cũng trở thành một vị thần, phật điện cũng trở thành thần điện, tính tâm linh Ấn Độ nhường bước cho tính tình Việt Nam. Hơn đâu hết, tôn giáo Việt Nam nặng về tính tình cảm hơn là giáo lý. Chính vì gần gũi và dễ hòa hợp nên tín ngưỡng đạo phật và tín ngưỡng thờ thần của người Việt có nhiều nét giống nhau song không phải là một.
2. Tương lai Phật giáo Hàn Quốc
Những thăng trầm của lịch sử dân tộc và lịch sử văn hóa gắn liền với những thăng trầm của lịch sử Phật giáo Hàn Quốc. Phật giáo gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc, chung vai gánh vác sứ mệnh giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của muôn dân. Dân tộc và Phật giáo trong văn hóa Hàn Quốc đã gắn kết thành một thể thống nhất. Lợi ích tôn giáo và lợi ích của dân tộc gắn kết chặt chẽ cho thấy những đóng góp rất quan trọng của Phật giáo đối với sự phát triển của văn hóa Hàn Quốc. Trong bối cảnh xã hội hiện đại cùng với sự du nhập của nhiều luồng văn hóa, tư tưởng và tôn giáo mới xuất hiện, Phật giáo phải chứng tỏ được sức mạnh ảnh hưởng tích cực của mình trong đời sống xã hội, hài hòa và thể hiện tinh thần tôn trọng, bình đẳng cùng với các tôn giáo khác. Đồng thời hòa nhập vào cuộc sống, nhưng vẫn phải giữ nguyên những giá trị cốt lõi của mình. Thông qua thực tế, Phật giáo Hàn Quốc càng khẳng định vị trí của mình, tiếp tục duy trì, phát triển và trở thành điểm tựa cần thiết không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hàn Quốc trong xã hội hiện tại và tương lai.
KẾT LUẬN
Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung đóng một vai trò không nhỏ trong việc định hướng phát triển đời sống tinh thần, văn hóa xã hội của con người. Trong bối cảnh xã hội ngày nay con người lại càng tìm đến mọt niềm tin tôn giáo với mục đích là tìm kiếm điểm tựa về mặt tinh thần. Phật giáo ngày càng khẳng định vị trí của mình trong đời sống xã hội với những tư tưởng giáo dục đầy triết lí nhân sinh. Phật giáo Hàn Quốc cũng mang đến cho người dân Hàn Quốc những triết lí, tư tưởng, quan điểm sống chuẩn mực đầy giá trị. Phật giáo Hàn Quốc hài hòa và hòa nhập với văn hóa bản địa của Hàn Quốc để mang trên mình những đặc điểm riêng biệt.
Tác giả: Lương Phan Hồng Ngọc - K58 Hàn Quốc học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn