Với một nền văn hóa phát triển rực rỡ từ ngàn năm, Ấn Độ dường như đã trở thành một trụ cột, một trong những chân kiềng vững chắc của nền văn hóa thế giới. Chính vì vậy, nền văn hóa của nước này đã ảnh hưởng sâu rộng tới các quốc gia trên thế giới nói chung và nền văn hóa Việt Nam nói riêng. Hình tượng Makara chính là một điển hình. Biểu tượng này đã được du nhập đến Việt Nam từ rất lâu và được tiếp thu, học hỏi, trở thành một biểu tượng cũng vô cùng quen thuộc trong điêu khắc Việt Nam. Tuy vậy, những sáng tạo cầu kỳ cùng sự biến đổi khéo léo đã khiến cho biểu tượng này khi phát triển tại Việt Nam mang những tính mới đăc trưng của nền văn hóa bản địa và có phần khác biệt so với cái nôi sinh ra và lớn lên của nó.
Chính những lý do trên đã gợi nên trong tôi những ý tưởng để lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Biểu tượng Makara và việc áp dụng biểu tượng này tại một số công trình điêu khắc của Việt Nam”. Với đề tài này, tôi mong muốn sẽ góp phần giúp mọi người nhận biết được biểu tượng này khi bắt gặp những công trình điêu khắc bản xứ. Đồng thời cũng hy vọng sẽ lý giải được những ý nghĩa của biểu tượng này và sự du nhập, phát triển nó tại các công trình điêu khắc của Việt Nam.
Bài nghiên cứu này có 3 phần bao gồm : Phần 1: Mở đầu, Phần 2: Nội dung, Phần 3: Tổng kết.
Phần Mở đầu chủ yếu nêu lên đối tượng nghiên cứu, lý do chọn đề tài; lịch sử nghiên cứu vấn đề; mục tiêu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu.
Nội dung bao gồm 2 chương: Chương 1: Biểu tượng Makara trong văn hóa Ấn Độ, Chương 2 chủ yếu trình bày về: Biểu tượng Makara tại một số công trình điêu khắc của Việt Nam.
Chương 1 tập trung vào việc giải thích nguồn gốc biểu tượng Makara, là một con quái vật biển trong các tranh tượng Hindu giáo, có nguồn gốc từ một loài cá heo của dòng sông Hằng huyền thoại, nhưng hình dạng phổ biến có nhiều đặc điểm giống con cá sấu. Makara trong thần thoại kể về nữ thần sông Hằng (Ganga) chính là vật cưỡi của nữ thần. Ngoài ra trong thần thoại Ấn Độ, Makara còn là vật cưỡi của thần đại dương Varuna. Đồng thời, ở chương này, tôi cũng nêu lên những đặc điểm về hình thức, cấu tạo của biểu tượng. Makara thường được miêu tả có hình dáng nửa động vật trên cạn với phần trước là đầu voi, cá sấu, bò đực hoặc hươu/ nai và phần thân mềm dẻo của động vật dưới nước với đuôi cá, hải cẩu và trong một vài trường hợp nó có chiếc đuôi cách điệu hoa mỹ giống đuôi công. Nó là sinh vật đa hợp nhân cách hóa từ bản chất hung ác, dữ tợn của cá sấu. Do sự tiến hóa của phong cách nghệ thuật mà hình dạng Makara hiện thời có chân trước có móng vuốt của sư tử, bờm ngựa, mang cá, uốn cong như cá với hàm, vòi và gạc nai hay rồng. Đặc biệt, Makara luôn có mõm uốn cong như vòi voi. Bên cạnh đó là phần trình bày về những nơi mà biểu tượng này hay xuất hiện như trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo, các đền Hindu giáo…và sự biến đổi của biểu tượng Makara trong quá trình di chuyển để thích nghi với nền văn hóa bản địa. Tất cả những nội dung trên nhằm mục đích giúp cho mọi người có cái nhìn tổng quát để có thể nhận diện biểu tượng, phân biệt và không còn nhầm lẫn biểu tượng Makara với những biểu tượng khác. Từ đó có thể nêu nên ý nghĩa của biểu tượng Makara trong văn hóa Ấn Độ. Đây là một con vật sáng tạo theo tư tưởng tôn giáo Ấn giáo và Phật giáo tại Ấn Độ, này gắn liền với hình ảnh của nữ thần Ganga và thần đại dương Varuna, song tính triết lý về sự sáng tạo - bảo tồn - diệt vong mà các vị thần đại diện lại cùng được hàm chứa trong nó. Makara là hình tượng được sử dụng khá nhiều trong điêu khắc Ấn Độ. Bên cạnh đó, những hình ảnh kết hợp hoặc biến thái của Makara trong nhiều trường hợp còn mang ý nghĩa triết lý sâu sắc về sự sinh sôi - sự tồn tại - sự phát triển - sự diệt vong trong chu trình đời sống của muôn loài. Có thể nói, thủy quái Makara là một linh vật đặc trưng trong văn hóa Ấn Độ, là một biểu tượng văn hóa độc đáo góp phần làm cho nghê thuật điêu khắc tinh tế của đất nước này thêm phong phú hơn. Mặt khác, đối với mỗi người dân Ấn Độ, Makara chính là hiện thân của đời sống tâm linh, của niềm tin tôn giáo. Với họ, đây là biểu tượng văn hóa trở thành niềm tự hào sâu sắc mỗi khi nhắc về đất nước mình.
Từ những cơ sở được nêu ra ở chương 1, chương 2 sẽ trình bày về: Biểu tượng Makara tại một số công trình điêu khắc của Việt Nam. Tại chương này, tôi sẽ khái quát về quá trình du nhập của biểu tượng Makara vào điêu khắc Việt Nam, từ đó đưa ra những dấu hiệu nhận biết về việc điêu khắc Việt Nam đã ứng dụng biểu tượng này tại một số công trình như thế nào. Ở đây, cụ thể là công trình điêu khắc nổi tiếng của Việt Nam như điêu khắc Chăm. Trong tổ hợp kiến trúc đền tháp Champa, không hiếm các tháp đã gắn hình ảnh Makara trong không gian thờ cúng thần linh mà Champa đã lựa chọn để tôn thờ ví dụ như: Hai con Thuỷ quái Makara và con Rồng tại Tháp Mẫm (Bình Định) ở dạng tượng tròn với những nét đặc tả trong tư thế nằm chầu hầu dữ dội. Các tác phẩm này đang được trưng bày tại phòng Tháp Mẫm của Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ở đây, biểu tượng Makara được mô tả có sự pha trộn nhiều chi tiết của nhiều con vật khác nhau với những nét đặc tả dữ dội đang nằm trong tư thế chầu hầu, đầu ngẩng cao, tai dựng đứng, cặp mắt lồi tròn to, miệng há ra với hai hàm răng nhọn, hai chân trước giơ cao như muốn vồ muốn chộp kẻ thù, lòng bàn chân mở ra phía trước tạo nên tư thế vừa ngộ nghĩnh vừa hung dữ, thân thể đẫy đà với sống lưng gai góc nổi dọc phía trên. Cổ của chúng được đeo vòng chuông lục lạc to trông thật bề thế, chắc chắn chúng được sử dụng ở vị trí canh giữ tháp thờ. Tác phẩm này có niên đại thế kỷ XIII đã được đưa về Bảo tàng năm 1935.
Ngoài ra còn có một số công trình khác như: chùa Một Cột- Hà Nội, chùa Bút Tháp- Bắc Ninh hay đền Trần- Quảng Ninh. Những dấu tích của biểu tượng Makara tại các công trình điêu khắc kể trên chứng tỏ quá trình tiếp xúc lâu dài của hai nền văn hóa Việt- Ấn. Tuy nhiên, với sự sáng tạo cùng bản tính linh hoạt trong quá trình giao lưu văn hóa, mỗi một thành tố văn hóa mới khi xuất hiện tại Việt Nam luôn được tiếp nhận trên cơ sở chọn lọc và phát triển. Khi đến với Việt Nam, biểu tượng Makara đã được điêu khắc Việt Nam đón nhận và phổ biến rộng rãi tại nhiều công trình. Mặt khác, tại mỗi nơi mà biểu tượng này xuất hiện, luôn luôn có sự biến đổi sao cho phù hợp nhất. Điêu khắc Việt Nam vốn ưa thích sự mềm mại, uyển chuyển trong chi tiết, đường nét. Chính vì vậy khi biểu tượng Makara được lan truyền sang Việt Nam đã được các nghệ nhân dùng bàn tay khéo léo của mình để khắc họa nên những tác phẩm nghệ thuật có những chi tiết thanh thoát, mềm mại hơn so với nguyên gốc, tuy nhiên, sự hung dữ và vẻ oai nghiêm của biểu tượng này vẫn không hề bị mất đi.
Từ những nội dung chính kể trên, phần 3 sẽ tổng kết lại những vấn đề quan trọng về biểu tượng Makara tại Ấn Độ, cũng như các quốc gia khác mà nó ảnh hưởng, trong đó có cả Việt Nam. Đây không chỉ là một linh vật hư cấu trong những truyền thuyết của Ấn Độ mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh của hàng triệu con người sống trong đất nước thuộc khu vực Nam Á này. Tại Việt Nam, biểu tượng Makara đã được du nhập từ rất lâu đời. Cùng với quá trình thích nghi với nền văn hóa bản địa, biểu tượng này đã có một số những biến đổi sao cho phù hợp với đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh người Việt. Những thay đổi đó có một vai trò hết sức quan trong đối với nền văn hóa Việt Nam. Điều này khẳng định, văn hóa Việt Nam cùng với quá trình tiếp thu, học hỏi những nét đẹp văn hóa của các nền văn minh lớn trên thế giới luôn luôn có sự tìm tòi, kế thừa và phát triển những biểu tượng văn hóa ấy lên một tầm cao mới. Nói cách khác, với biểu tượng Makara, các nghệ nhân điêu khắc với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo bền bỉ của mình đã khắc họa nên một linh vật Makara hoàn toàn phù hợp và sâu sắc với đời sống văn hóa tinh thần cũng như đặc trưng thẩm mỹ của người Việt Nam.
Tác giả: Trần Thị Bích Loan - K58 Ấn Độ học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn