Chương 1. Bánh Tteok trong lịch sử Hàn Quốc
1.1. Nguồn gốc của bánh Tteok và Ý nghĩa tên gọi của bánh Tteok
Bánh Tteok có rất nhiều loại và cùng với đó là rất nhiều tên gọi. “Từ được dùng nhiều nhất trong tên gọi của bánh Tteok là “pyeon” nghĩa là “phiến”. Đây là một từ tiếng Hán có nghĩa là “tấm”, hay nó còn có ý nghĩa là nhỏ và phẳng” Ví dụ như “Songpyeon” là bánh Tteok nhỏ với hương thơm của lá thông, “Jeolpyeon” là bánh được cắt ra từ những chiếc bánh Tteok nặn hình phẳng...Tiếp nữa, tuỳ theo các nguyên liệu bên trong nhân bánh Tteok mà tên gọi của bánh Tteok cũng rất đa dạng, như “Susutteok”(bánh Tteok nhân kê), “Pattteok”(bánh Tteok nhân đậu đỏ), “Chapsaltteok”(bánh Tteok gạo nếp)… Qua một số ví dụ trên, “ngoài chữ “pyeon” xuất phát từ chữ Hán, chữ “ Tteok ” có thể được hiểu theo hai nghĩa: Thứ nhất, chữ “Tteok” là một từ thuần Hàn chỉ loại bánh được làm từ gạo, với ý nghĩa này, “Tteok” có thể được dịch là “bánh gạo”. Thứ hai, chữ “Tteok” còn có thể được hiểu như cách làm món bánh từ gạo với các loại nguyên liệu khác.
1.2. Quá trình phát triển của bánh Tteok
1.2.1. Trước thời Tam Quốc
Trong thời kì này, nguyên liệu chủ yếu được dùng để làm Tteok là các loại lương thực và ngũ cốc mà người dân trồng và thu hoạch. Qua đó ta thấy người Hàn Quốc đã biết làm thức ăn từ bột của các loại lương thực và ngũ cốc, hấp chín trong nồi đất để ăn từ rất sớm, trước thời Tam Quốc.
1.2.2. Thời Silla thống nhất
Trải qua thời Tam Quốc, đến thời Silla thống nhất, xã hội dần trở nên ổn định hơn và nền nông nghiệp với trọng tâm là việc trồng lúa cũng ngày càng được phát triển. Vì vậy trong thời kì này, việc làm bánh Tteok với nguyên liệu chủ yếu là gạo nếp ngày càng trở nên phổ biến hơn.
1.2.3. Thời Goryeo
Thời Goryeo không chỉ được biết đến là thời kì có rất nhiều các loại Tteok đa dạng, mà đây còn là thời kì mà bánh Tteok chiếm một vị trí rất quan trọng và có quan hệ mật thiết với cuộc sống sinh hoạt của cư dân. Một số laoij bánh Tteok là : Sutan, Jongaepyeong, Yulgo…. Trong cuốn “Lịch sử Goryeo” cũng nói đến việc ăn bánh “Jongaepyeong” vào ngày “sangsa” và ăn bánh “Sutan” vào dịp rằm tháng 6, cho thấy bánh Tteok đã dần dần chiếm được vị trí như một món ăn trong các dịp lễ tết của dân tộc.
1.2.4. Thời Joseon
Bước sang thời Joseon, cùng với sự phát triển của kĩ thuật sản xuất và các phương pháp gia công chế biến trong nông nghiệp, văn hoá ẩm thực của người dân Hàn Quốc cũng ngày càng phát triển. Theo đó, các loại bánh Tteok và mùi vị của bánh cũng ngày càng trở nên đa dạng và phong phú. Đặc biệt bánh Tteok ngày càng được phát triển để phục vụ riêng cho quần chúng hay cho những tầng lớp thượng lưu. Khác với loại bánh Tteok thuần tuý đầu tiên chỉ được làm từ bột gạo hay bột ngũ cốc hấp chín, các loại bánh Tteok này được kết hợp giữa các loại ngũ cốc khác nhau cùng với các loại trái cây, hoa, cây cỏ hoang dã, hay các loại thuốc, đã đem lại sự biến hoá đa dạng về hình dáng cũng như màu sắc. Một số loại bánh Tteok tiêu biểu thời kì này là: “Peksolki” (bánh gạo nếp), “Pamsolki” (bánh nhân hạt dẻ), “Ssuksolki” (bánh nhân ngải), “Seoktanpyeong” (bánh làm từ bột nếp, hạt thông, táo tàu trộn vào rồi rắc đậu đỏ lên), “Tohaengpyeong” (bánh làm từ bột nếp trộn với nước đào ép rồi hấp lên), “Kkulsolki” (bánh mật ong), “Sokipyeong” (bánh nấm), “Mutteok” (bánh củ cải), “Songkitteok” (bánh làm từ bột gạo và vỏ thông non), “Sangjapyeong” (bánh làm từ bột gạo tẻ, hạt dẻ và mật ong), “Sansampyeong” (bánh nhân sâm núi), “Kamjapyeong” (bánh khoai tây)…..
2.5. Từ sau cận đại
Cuối thế kỉ XIX, cùng với những biến động mạnh mẽ của xã hội, lịch sử của bánh Tteok cũng bị thay đổi. Điểm thay đổi lớn nhất là bánh Tteok từ lâu đã được người dân Hàn Quốc yêu thích và coi như đồ ăn vặt, thức ăn trong những ngày đặc biệt hay dùng để thay thế cho cơm đã dần dần bị loại trừ trong thực đơn thay vào đó là món bánh có nguồn gốc từ phương Tây bánh mì.
Thứ hai là , do sự thay đổi của môi trường sinh hoạt nên thay vì làm bánh Tteok ở nhà để ăn, người ta thường mua bánh Tteok được làm sẵn ở cửa hàng hay các xưởng làm bánh. Do vậy, các loại bánh Tteok vốn rất đa dạng chỉ còn lại một số loại chủ yếu được sản xuất ở các xưởng chuyên làm bánh, và đây là một thực tế rất đáng lo ngại. Nhưng dù vậy, bánh Tteok vẫn là món ăn thiết yếu không thể thiếu để dâng lên trong nghi thức tế lễ và các dịp quan trọng.
Chương 2. Ý nghĩa của bánh Tteok trong đời sống người Hàn quốc
2.1.Ý nghĩa của bánh Tteok và văn hóa bánh Tteok của người Hàn Quốc
2.1.1. Phân loại bánh Tteok và ý nghĩa của các loại bánh Tteok
Bánh Tteok chủ yếu được chia ra làm bốn dạng dựa trên cách làm bánh là: bánh Tteok hấp, bánh Tteok trộn, bánh Tteok rán, bánh Tteok nặn.
Bánh “Paeksolki” tượng trưng cho sự thanh thoát, sạch sẽ không một chút vẩn đục. Với ý nghĩa của con số 100, loại bánh này cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho những gì hoàn chỉnh và trọn vẹn nhất.
Bánh “Susupattteok” là loại bánh với ý nghĩa xua đuổi hết mọi ma quỷ, và giũ bỏ hết mọi rủi ro, thảm hoạ, tai ương.
Bánh “Injolmi” tượng trưng cho sự hoà quyện làm một giữa tâm hồn và thể xác, giống như gạo nếp dẻo hoà quyện với nhau trong cùng một chiếc bánh. Vì thế, đây cũng là loại bánh tượng trưng cho sự hoà hợp trở lại giữa đôi vợ chồng.
Bánh “Songpyeon” ngũ sắc tượng trưng cho sự giao hoà của vạn vật trong thế giới ngũ hành, đồng thời cũng là hình ảnh của một tâm hồn rộng lớn, bao dung, sẵn sàng che chở và bảo vệ giống như lớp bột phủ bên ngoài chiếc bánh1.2 Bánh Tteok trong các ngày lễ tết của Hàn Quốc
2.1.2 Bánh Tteok trong các ngày lễ tết của Hàn Quốc
Bánh Tteok là loại bánh truyền thống gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Hàn Quốc. Do vậy, trong các lễ tết của dân tộc cũng không thể thiếu loại bánh này. Tuỳ theo mỗi tiết, người dân Hàn lại làm và thưởng thức những loại Tteok khác nhau. Mỗi loại Tteok được ăn trong mỗi tiết cũng chứa đựng những ý nghĩa đặc trưng khác nhau.
- Vào ngày Tết “Seollal” (ngày 1 tháng 1 âm lịch), người dân Hàn Quốc lại ăn “Huintteokkuk” để chào đón năm mới. Loại canh được nấu bằng bánh Tteok này được coi là hình ảnh của sự trong sạch và trang nghiêm. Người ta cũng ví việc ăn canh này vào ngày đầu năm mới như là đã “ăn” thêm một tuổi.
- Vào ngày rằm tháng giêng (ngày 15 tháng 1 âm lịch), người ta ăn “Yaksik” (cơm nếp trộn với nhiều loại nguyên liệu) với ý nghĩa ngăn chặn mọi tai ương và rủi ro.
- Vào ngày “Junghwajol” (ngày 1 tháng 2 âm lịch, là ngày bắt đầu vụ mùa), người chủ ruộng sẽ làm bánh “Songpyeon” để tiếp đãi những người làm công theo số tuổi của họ như một lời động viên họ hãy cố gắng làm việc chăm chỉ hơn trong vụ mùa mới.
- Vào ngày “Samjitnal” (ngày thứ 3 của tháng 3 âm lịch), người ta làm bánh “Jintallehwajon” (bánh làm từ bột gạo và hoa “jintalle”) để ăn với hi vọng sẽ trừ được mọi tai hoạ trong nhà và đạt được mọi ước nguyện của mình.
2.1.3 Bánh Tteok trong các nghi lễ vòng đời: ngày sinh, cưới xin, đám ma, cúng giỗ...
Không chỉ là món ăn không thể thiếu trong các tiết của Hàn Quốc, bánh Tteok cũng luôn luôn song hành với người dân Hàn trong tất cả các sự kiện trọng đại trong cuộc đời họ như cưới xin, đám ma, cúng giỗ...Bởi thế, người Hàn Quốc có câu nói: “ 태어나 죽을 때까지 , 한국인의 삶 속엔 떡이 있었다 ” nghĩa là “từ khi sinh ra đến lúc chết đi trong đời sống của người Hàn Quốc đều có bánh Tteok”. Câu nói này có ý nghĩa bánh Tteok đã gắn liền với mỗi giây phút trong cuộc đời của người dân Hàn Quốc. Từ giây phút họ được sinh ra đến giây phút họ rời xa cõi đời, thậm chí ngay cả sau đó, bánh Tteok vẫn là món bánh không thể thiếu.
2.2. Ý nghĩa của bánh Tteok thông qua ngôn ngữ: Có thể nói trong kho tàng từ vựng tiếng Hàn, rất hiếm từ ngữ nào lại chứa đựng ý nghĩa sâu xa như từ “Tteok”.
2.2.1. Trong quán dụng ngữ: Có một số câu nói mà người Hàn Quốc thường dùng có hình ảnh bánh Tteok như:
Câu “ 일주일간안감았더니머리가떡이됐다 ” trong tiếng Hàn nghĩa là “Mái tóc không gội suốt một tuần giống như là Tteok”. Ở đây, người ta muốn so sánh mái tóc của người nào đó như bánh Tteok dính vào nhau không thể gỡ được.
Câu “ 떡주무르듯한다 ” nghĩa là “Làm như là nắn bánh Tteok”, dùng để chỉ hành động bắt người khác làm theo ý của bản thân mình…..
2.2.2. Trong tục ngữ
Chúng ta hãy cùng xem qua một số hình ảnh bánh Tteok trong tục ngữ Hàn Quốc và ý nghĩa của các câu tục ngữ này “ 떡 본 김에 제사 지낸다 ” (nhân tiện có Tteok thì tế lễ luôn). Câu tục ngữ này được dùng với ý “một công đôi việc”, đồng thời cũng khẳng định tầm quan trọng của bánh Tteok trên bàn tế lễ, chỉ cần có bánh Tteok thôi, cũng có thể làm đồ cúng để dâng lên cho thần linh và các vị tổ tiên .
3 câu tục ngữ “ 밥 먹는 배 따로 있고 , 떡 먹는 배 따로 있다 ” (có bụng dành để ăn cơm, và có bụng dành để ăn bánh Tteok), “ 떡 주고 뺨 맞는다 ” (cho bánh Tteok lại bị ăn tát) và “ 떡 달라는데 돌 준다 ” (đòi bánh Tteok lại đưa cho đá) đều được dùng chung với 1 ý nghĩa, chỉ sự vô tâm của con người.
Qua việc điểm qua một số hình ảnh bánh Tteok chứa đựng trong ngôn ngữ tiếng Hàn như trên, chúng ta có thể thấy việc có rất nhiều những câu tục ngữ liên quan đến bánh Tteok đã chứng minh tầm quan trọng của bánh Tteok trong cuộc sống sinh hoạt của người dân Hàn Quốc, và đồng thời cũng thể hiện rõ tính dân tộc sâu sắc của dân tộc.
KẾT LUẬN
Văn hóa luôn là một đề tài rộng mở, vô tận. Việc tìm hiểu về phông văn hóa của mỗi quốc gia hay mỗi vùng miền trên thế giới có lẽ sẽ không bao giờ là có giới hạn. Bởi văn hóa là sự tổng hòa, kết tinh của tri thức, trí tuệ, cũng như quan niệm, tư duy thẩm mỹ của con người, và được lưu truyền qua biết bao thế hệ. Qủa thật là như vậy. Qua chiếc bánh Tteok những ý nghĩa ẩn chứa trong chính chiếc bánh tưởng chừng như nhỏ bé này thật thú vị và đặc biệt. Thông qua đó, ta có thể hiểu thêm được phần nào về quan niệm, tư tưởng của người dân Hàn Quốc cũng như lòng tôn kính, nhân hiếu mà những người hậu thế dành cho tổ tiên, cho các thế hệ đi trước.
Tác giả: Vũ Thị Yến - K58 Hàn Quốc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn