Lần thứ hai ông đến Việt Nam, ông Antony Blinken dành thời gian gặp gỡ và trò chuyện với sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - những nhà đổi mới và sáng tạo tài năng và giàu hoài bão. Họ là những người có trách nhiệm quyết định sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Ông chỉ ra những thách thức mà thế giới ngày này đang phải đối mặt như các vấn đề về kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, bệnh dịch, làn sóng di cư… Những thách thức này nằm ngoài khả năng giải quyết của bất kỳ chính phủ nào. Nó buộc các nước phải phối hợp và hợp tác với những cách thức mới, trách nhiệm mới, với những công cụ, giải pháp và tri thức nằm ngoài chính phủ. Trong cuộc đấu tranh với những thách thức này, thế giới cần đến thế hệ trẻ với tầm nhìn, thế mạnh và sự sáng tạo, đam mê của họ.
Theo ông Antony Blinken “Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào khác đều cần đổi mới, sáng tạo nhiều hơn nữa. Đó là lý do mà theo tôi, chúng ta cần có một không gian mới để thúc đẩy sáng tạo, để tất cả các quốc gia, mọi người dân có thể đẩy mạnh những nguyên tắc và lợi ích như vậy”. Để làm được điều này, giới trẻ cần được tạo điều kiện để có những kỹ năng cần thiết, được sáng tạo và khởi nghiệp thành công trong một thế giới mà tất cả người dân đều có cơ hội để theo đuổi những khát vọng, đam mê, cũng như vươn lên trở thành người xuất sắc. Đặc biệt, thanh niên cần được khuyến khích tư duy phản biện, hoài nghi thế giới xung quanh.
Trong bài diễn văn của mình, ông cũng đề cao vai trò của giáo dục và chia sẻ thông tin về những hoạt động hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Phía Mỹ đã hợp tác với Trường ĐHKHXH&NV để đào tạo một đội ngũ cán bộ hoạt động về công tác xã hội. Cuối năm nay, Trường Đại học Fulbright Việt Nam sẽ được thành lập tại TP Hồ Chí Minh theo mô hình của Hoa Kỳ. Mỹ đã có những hỗ trợ cho Việt Nam về giáo dục mầm non, giáo dục cho người dân tộc thiểu số, đổi mới giáo dục… Chương trình PEER - một chương trình nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Mỹ - cũng được triển khai để thúc đẩy, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong 10 nước có số sinh viên đông nhất theo học tại Hoa Kỳ.
Trước những đổi mới và mở cửa kinh tế Việt Nam, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ và nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, “nhiệm vụ cần quan tâm là nâng cao năng lực kinh tế, phát triển kinh tế và tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh”. Ông cho rằng điều này là khả thi, nhất là khi có sự ra đời của hiệp định TPP mà Việt Nam là một trong các thành viên. Đây là một hiệp định toàn diện liên quan tới tiêu chuẩn an toàn lao động, đổi mới sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ chiếm 40% GDP toàn cầu. Hiệp định TPP sẽ tạo thuận lợi cho việc trao đổi thương mại, hợp tác và chia sẻ ý tưởng một cách tự do, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để có một nền kinh tế phát triển dựa trên kỹ thuật số, giúp người dân có thể khởi nghiệp, giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội bình đẳng hơn để kinh doanh tại Việt Nam trong tất cả các ngành.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng quyền được bày tỏ chính kiến, giúp giới trẻ nói lên những suy nghĩ của mình. Thúc đẩy quyền tự do cơ bản cũng như quyền con người là điều kiện tiên quyết để có được một xã hội đổi mới, sáng tạo, tự do. Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức tôn giáo cũng như xã hội dân sự.
Ông đặc biệt khẳng định rằng một hệ thống đổi mới, sáng tạo cần chú trọng việc kết nối với thế giới bên ngoài. Trên cơ sở đó, Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng hợp tác mạnh mẽ và toàn diện với nhau trên diễn đàn toàn cầu, chẳng hạn như các hoạt động gìn giữ hoà bình, phòng chống buôn bán động vật hoang dã, an ninh, năng lượng, cứu nạn, cứu trợ thiên tai, biến đổi khí hậu… Quan hệ giữa hai nước ngày càng chặt chẽ hơn trong lĩnh vực hàng hải, cứu trợ, cứu nạn cũng như đào tạo lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, chống tội phạm xuyên biên giới và đảm bảo an ninh hàng hải và ổn định trong khu vực.
Về những vấn đề trong khu vực, những tranh chấp ở biển Đông cũng là một vấn đề được nhắc tới trong bài phát biểu của ngài Thứ trưởng. Theo ông, Trung Quốc đang có những hành động cải tạo đảo trên Biển Đông và điều đó đặt ra nhiều câu hỏi về ý đồ của nước này ở Biển Đông - một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Luật pháp quốc tế thúc đẩy quyền tự do hàng hải của tất cả các nước trên thế giới, dù lớn hay nhỏ. Do đó, “chúng tôi muốn Trung Quốc trỗi dậy một cách hoà bình và tuân thủ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế”.
Trước khi kết thúc bài phát biểu của mình, ông Antony Blinken cũng đề cập đến chuyến thăm của tổng thống Barack Obama tới Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Đây sẽ là cơ hội tốt thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chặt chẽ với Việt Nam. Từ đó, trên cơ sở chia sẻ những giá trị, nguyên tắc chung, những hợp tác sắp tới sẽ tìm ra những giải pháp mới ứng phó với các thách thức cho Việt Nam như xoá đói giảm nghèo, bệnh dịch... cũng như việc thúc đẩy một trật tự hoà bình trong khu vực dựa trên pháp quyền, giải quyết các tranh chấp theo hướng hoà bình, tất cả vì sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
(ĐPH)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn