Phần 1: Phần mở đầu
Nếu nhắc đến nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình, người dân Hàn Quốc sẽ nghĩ ngay đến nghệ thuật Pansori còn với người dân Việt Nam, Chèo được xem như là một trong những nét tinh hoa của văn hóa dân tộc. Pansori và Chèo là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân hai nước. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển thì những nghệ thuật truyền thống như Chèo và Pansori lại đang có nguy cơ bị mai một. Bài so sánh Pansori và Chèo này sẽ giúp mọi người hiểu sẽ giúp người đọc có cái nhìn khái quát về hai loại hình nghệ thuật này, đồng thời cho thấy điểm tương đồng và khác biệt của hai đại diện tiêu biểu của hai nền văn hóa hai quốc gia Hàn Quốc và Việt Nam.
Phần 2: Nội dung chính
2.1: Quá trình hình thành và phát triển của Pansori và Chèo
Pansori là buổi biểu diễn hát và gõ trống, được thực hiện bởi một ca nương gọi là “sorikkun” và một nhạc cônggõ trống được gọi là “gosu” (trống được gọi là “buk”). Từ Pansori là được hai từ “Pan” và “Sori” tạo thành, được hiểu là hoạt động hát kể những câu chuyện hay cốt truyện hoàn chỉnh và được biểu diễn ở nơi có đông người tụ tập. Pansori được xuất hiện vào thế kỷ thứ XVII, khởi nguồn của Pansori là những ca khúc mang tính kể chuyện của đạo Shaman phía Tây Nam bán đảo Hàn. Ban đầu lối hát này chỉ phổ biến trong tầng lớp dân nghèo của xã hội nhưng về sau tầng lớp quan lại, địa chủ rồi đến hoàng gia cũng ưa thích hình thức này.Từ thế kỷ XVIII – XIX, Pansori dần phát triển và xuất hiện thêm nhiều hình thức mới và trưởng thành hơn. Sau đó Pansori đã chia thành ba trường phái dựa vào khu vực địa lý và phong cách của nghệ sĩ biểu diễn: Một là Trường phái phía Đông ở tỉnh Jeolla được thành lập bởi nghệ sĩ Song Hung – nok mang phong cách sôi nổi, mạnh mẽ. Hai là Trường phái phía Tây tỉnh Jeolla dược Pak Yu – jon sáng lập có phong cách nhẹ nhàng, trữ tình. Ba là Cuối cùng là trường phái trung tâm do Yom Kye – dal và Kim Song – ok gây dựng nên tại tỉnh Kyonggi và tỉnh Chungchong. Năm 1961, công cuộc hiện đại hóa ở Hàn Quốc diễn ra khiến cho Pansori và các loại hình nghệ thuật truyền thống khác mất dần sự ưa chuộng ở Hàn Quốc. 7/11/2003 UNESCO công nhận Pansori là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại.
Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam. Theo PGS. Hà Văn Cầu, Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là đất tổ của sân khấu chèo. Người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ thứ 10, sau đó phát triển rộng ra vùng đồng bằng Bắc Bộ. Địa bàn phổ biến là từ tỉnh Nghệ - Tĩnh trở ra. Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế kỷ thứ 10. Qua thời gian, người Việt đã phát triển các tích truyện ngắn của chèo dựa trên các trò nhại này thành các vở diễn trọn vẹn dài hơn. Chèo thuyền bản đánh dầu sự hình thành các chủng kịch chèo, xuất hiện vào nửa sau thời nhà Trần (khoảng cuối thế kỷ XIV). Thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông không cho phép biểu diễn Chèo trong cung đình nên Chèo lại trở về với người nông dân. Tới thế kỷ XVIII, hình thức Chèo đã được phát triên mạnh ở vùng nông thôn Việt Nam và tiếp tục phát triển, đạt đến đỉnh cao vào cuối thể kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX, Chèo được đưa lên sân khấu thành thị trở thành Chèo văn minh. Trước cách mạng tháng Tám(1945) Chèo có nguy cơ bị tan rã, Sau hội nghị Bàn về văn hóa dân tộc tại căn cứ Việt Bắc năm 1951, một phong trào phục hồi nền văn hóa dân tộc, trong đó có nghệ thuật tuồng, chèo. Sau khi hòa bình lặp lại ở miền Bắc, Chèo bước vào thời kỳ hoàng kim của thế kỷ XX. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Chèo được phân chia thành 4 loại hình chính thức là: chèo sân đình, chèo cải lương, chèo chái he, chèo hiện đại. Ngày nay, khi xã hội phát triển, nhiều loại hình giải trí mới phát triển, chèo cũng như các nghệ thuật truyền thống khác mất dần sự ưa chuộng trong người dân.
2.2: Nội dung thể hiện của Pansori và Chèo
Một tiết mục Pansori do một người hát chính và một người chơi trống biểu diễn. Khi trình diễn, người hát chính thường cầm quạt và diễn tả theo hành động của nhân vật. Ngoài ra không sử dụng thêm đạo cụ nào khác. Vì đây là nghệ thuật truyền thống nên người hát chính và người chơi trống đều mặc Hanbok. Ngoài ra trong quá trình biểu diễn còn có sự tham gia của khán giả. Họ tham gia thông qua tiếng trống cùng lời phụ họa Chuimsae theo người hát chính. Ban đầu Pansori chỉ phổ biến trong tầng lớp dân nghèo của xã hội, vì thế những tác phẩm Pansori giống như những lời tâm sự của người dân, là tiếng nói phê phán giai cấp thống trị, đồng thời thể hiện mơ ước về một cuộc sống ấm no hạnh phúc, không bị bóc lột.
Trong biểu diễn Chèo, nhân vật thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn. Số lượng nhân vật cũng không cố định, mỗi nhân vật thường do một diễn viên đảm nhận. Mỗi nhân vật sẽ mặc trang phục đặc trưng cho thân phận của mình, trang phục được khai thác dựa trên những trang phục thường ngày mộc mạc, giản dị. Trong khi biểu diễn Chèo, mỗi diễn viên thường sử dụng những đạo cụ riêng theo nhân vật diễn xuất nên số lượng cũng không cụ thể. Ngoài ra trong khi biểu diễn còn sử dụng thêm các nhạc cụ khác như: đàn, sáo,… Cách biểu diễn Chèo cũng không cố định, từ chèo sân đình phát triển lên chèo cải lương, chèo chái hê, chèo hiện đại cách thức biểu diễn lại thay đổi một vài yếu tố.
Phần 3: Biện pháp bảo tồn và phát triển Pansori và Chèo.
Chính phủ Hàn Quốc đã có một số biện pháp bảo vệ và phát triển Pansori như: phát triển mạng lưới thông tin, nâng cao nhận thức của công chúng đặc biệt là giới trẻ; đưa Pansori lên biểu diễn trong các chương trình của quốc gia như giao lưu văn hóa với quốc gia khác…; phát triển Pansori theo phong cách mới theo hướng hiện đại, tiếp cận gần với giới trẻ;…
Chính phủ Việt Nam cũng đã quan tâm và có những chính sách để bảo vệ và phát triển Chèo như: sắp xếp lại tổ chức và cơ cấu của đoàn chèo, nhà hát chèo một cách ổn định; động viên, khuyến khích các nghệ nhân viết chèo, hát chèo tiếp tục cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà đồng thời truyền dạy lại cho thế hệ sau; bảo lưu, phát triển các làng chèo truyền thống;…
Phần 4: Kết luận
Pansori và Chèo đều là tinh hoa trong văn hóa nghệ thuật truyền thống của hai quốc gia Hàn Quốc và Việt Nam. Trong quá trình hình thành và phát triển, mặc dù phải trải qua những thăng trầm nhưng Pansori và Chèo vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Để bảo vệ tinh hoa của văn hóa dân tộc, chính phủ hai quốc gia cần có những biện pháp thiết thực hơn, đồng thời mỗi người dân cũng cần có nhận thức đúng đắn và có những hành động để bảo vệ và phát triển Pansori và Chèo.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hoài - K58 Hàn Quốc học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn