[Tóm tắt báo cáo] Kỹ thuật nhuộm Shibori và dự án thử nghiệm tại xã Bản Hồ tỉnh Lào Cai

Chủ nhật - 15/05/2022 23:18
Hình ảnh trong dự án nhuộm shibori tại xã Bản Hồ, Lào Cai (do sinh viên Đàm Triệu Thảo Linh cung cấp)
Hình ảnh trong dự án nhuộm shibori tại xã Bản Hồ, Lào Cai (do sinh viên Đàm Triệu Thảo Linh cung cấp)
Công trình nghiên cứu khoa học sinh viên đạt giải Nhì cấp trường năm học 2021-2022
Sinh viên thực hiện:
 Đàm Triệu Thảo Linh
Lớp: QH-2019-X-NB
Khoa: Đông phương học
GVHD: PGS.TS Phan Hải Linh

Tóm tắt: 
Bài viết tập trung tìm hiểu về kỹ thuật nhuộm shibori truyền thống của Nhật Bản và dự án thử nghiệm hướng dẫn kỹ thuật này cho bà con dân tộc Tày xã Bản Hồ, tỉnh Lào Cai. Phương pháp nghiên cứu sử dụng trong bài là phương pháp tổng hợp phân tích tài liệu, phương pháp nghiên cứu trường hợp, phương pháp phỏng vấn sâu. Nguồn tài liệu về nhuộm shibori được tham khảo từ sách nghiên cứu bằng tiếng Anh, các trang web tiếng Nhật của các công ty, hiệp hội nhuộm shibori của Nhật Bản và một số tài liệu đã được dịch sang tiếng Việt. 
Shibori (絞り) là cách gọi chung của kỹ thuật nhuộm có nhiều công đoạn, trong đó quan trọng nhất là công đoạn chuẩn bị vải trước khi nhuộm, với các thao tác buộc, gấp, khâu, ép, quấn... trên vải. Trong đó buộc (shibori) là thao tác tiêu biểu nhất. Những phần vải được thực hiện những thao tác này sẽ giữ nguyên màu vải mộc sau khi nhuộm tạo nên một thế giới họa tiết, hoa văn độc đáo và nổi bật trên nền màu nhuộm. 
Shibori được đánh giá là một trong những kỹ thuật nhuộm truyền thống lâu đời nhất của Nhật Bản với lịch sử hơn 1300 năm. Từ chỗ là những sản phẩm phục vụ đời sống của giới quý tộc cung đình thời Nara – Heian (VIII-XII), vải nhuộm shibori đã nhanh chóng được giới võ sĩ ưa chuộng trong thời trung thế (XII-XVI) và trở thành nguồn cảm hứng cho các làng nghề dệt nhuộm phục vụ tầng lớp thị dân thời Edo (XVI-XIX). Trong thời cận hiện đại, nhuộm shibori đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, nhưng từ thập niên 1990 đến nay được quan tâm do yếu tố thủ công và thân thiện môi trường. Hiện nay ở Nhật Bản đã phát hiện khoảng hơn 100 kỹ thuật nhuộm shibori, trong đó có một số kỹ thuật cơ bản là kanoko (鹿の子), miura (三浦), kumo (蜘蛛), nui (縫い), arashi (嵐) và itajime (板締め)... Sản phẩm được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm shibori đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như mỹ nghệ, thời trang, thiết kế nội thất… ở Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt có một làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống ngay tại Việt Nam - xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhờ sự hỗ trợ của dự án thử nghiệm do Công ty TNHHTM Thổ cẩm Lan Rừng thực hiện từ năm 2019 đến nay, đã và đang áp dụng kỹ thuật shibori lên các sản phẩm thổ cẩm địa phương. Dự án đã cân nhắc đến các đặc điểm của địa phương trong quá trình truyền bá kỹ thuật nhuộm của Nhật Bản nhằm tạo ra các sản phẩm thể hiện bản sắc riêng. Mặc dù còn nhiều vấn để cần tiếp tục nghiên cứu và cải thiện (như chất liệu vải để nhuộm, độ bền của màu nhuộm tự nhiên, dụng cụ tạo hoa văn…) nhưng dự án nhuộm shibori ở xã Bản Hồ đã mở ra hướng phát triển mới cho địa phương. 
Vốn từng được trải nghiệm nhuộm vải tại Mai Châu, Hòa Bình năm 2019 và tự thực hiện kỹ thuật nhuộm shibori tại nhà, người viết cảm nhận được tinh thần của shibori đó là “không có đúng sai trong shibori, quan trọng là làm và thử nghiệm”. Nói cách khác, chỉ có làm và thử nghiệm thật nhiều sẽ giúp ta tìm ra cách tạo ra những hoa văn mới, bởi shibori là kỹ thuật của đam mê và sáng tạo, không ràng buộc trong bất kỳ một công thức, một kiểu, một phương pháp, thao tác cố định nào. Các cách buộc, khâu, gấp, ép, quấn... tùy vào cảm hứng của người thực hiện có thể biến hóa muôn màu, muôn hình dạng, dáng vẻ... Tất cả đều nhờ đôi bàn tay tỉ mỉ, điêu luyện, khéo léo và sự sáng tạo không giới hạn của những người nghệ nhân nhuộm vải tạo nên. Qua tìm hiểu tài liệu về kỹ thuật này tại Nhật Bản và bước đầu điều tra về thực trạng người dân xã Bản Hồ đã và đang áp dụng kỹ thuật shibori lên các sản phẩm thổ cẩm hiện nay, người viết cho rằng kỹ thuật shibori hoàn toàn có thể áp dụng tại các làng nghề nhuộm truyền thống ở Việt Nam, và cùng với sự kết hợp các kỹ thuật như thêu dệt thổ cẩm vốn có của địa phương thì sẽ tạo nên nhiều loại hình sản phẩm cực kỳ sáng tạo và độc đáo. 

Từ khóa: nhuộm Shibori, thổ cẩm, dự án thử nghiệm, xã Bản Hồ - Lào Cai, Việt Nam, Nhật Bản

Một số hình ảnh trong dự án nhuộm shibori tại xã Bản Hồ, Lào Cai 
(hình ảnh do sinh viên Đàm Triệu Thảo Linh cung cấp)

 
dda7109de7fe3ca065ef
Người dân địa phương áp dụng kỹ thuật nhuộm shibori lên các sản phẩm thổ cẩm
144f8d8379e0a2befbf1
Sinh viên Đàm Triệu Thảo Linh (đứng ngoài cùng, bên trái ảnh) cùng các du khách nước ngoài trải nghiệm nhuộm vải
10981157e5343e6a6725
Sản phẩm của sinh viên Đàm Triệu Thảo Linh khi áp dụng kỹ thuật nhuộm shibori

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây