Công trình nghiên cứu khoa học sinh viên đạt giải Nhì cấp trường năm học 2021-2022
Sinh viên thực hiện: Đỗ Thị Huệ, Lã Thị Việt Chinh
Lớp: QH-2019-X-TQ
Khoa: Đông phương học
GVHD: ThS. Trần Trúc Ly
Tóm tắt: Trong nhiều năm trở lại đây, cùng với sự bùng nổ của thời đại công nghệ số, ngành giải trí ở Trung Quốc đã trải qua thời kỳ hoàng kim với sự phát triển vừa nhanh chóng vừa đem về nguồn thu nổi bật bậc nhất trong nhóm ngành dịch vụ. Tuy nhiên, khi hàng loạt bê bối của nhiều nghệ sĩ trong giới được đưa ra ngoài ánh sáng cùng những hiện tượng tiêu cực xoay quanh, Chính phủ Trung Quốc đã kết hợp với các ban, ngành văn hóa và quảng bá phát thanh truyền hình đưa ra nhiều văn bản chấn chỉnh ngành giải trí với từng đối tượng, từng hành vi, kêu gọi toàn thể cùng nhau xây dựng giới giải trí quay về đúng bản chất nghệ thuật và nêu cao tấm gương đạo đức. Trước vấn đề trên, chúng tôi đã tiến hành thu thập và phân tích các văn bản do các cơ quan thuộc Chính phủ Trung Quốc đưa ra cùng các bài nghiên cứu, báo cáo liên quan đến cuộc chấn chỉnh 2021; sau đó sử dụng phương pháp liên ngành mà chủ yếu là dựa trên góc độ chính trị và xã hội để phân tích nguyên nhân, diễn biến và tác động của cuộc chấn chỉnh ngành giải trí tại Trung Quốc năm 2021. Đầu tiên, bài nghiên cứu đi giải thích một số khái niệm trong ngành giải trí và những thuật ngữ liên quan đến cuộc “chấn chỉnh” ngành giải trí Trung Quốc; nêu cái nhìn tổng quan về ngành giải trí Trung Quốc, “chiến dịch làm sạch” ngành giải trí và mối liên hệ với các sự kiện “phong sát” nghệ sĩ tại Trung Quốc năm 2021. Thứ hai, chúng tôi tìm hiểu bối cảnh diễn ra các sự kiện “phong sát” nghệ sĩ tại Trung Quốc năm 2021 dựa trên mối quan hệ của ba đối tượng (nghệ sĩ, hãng giải trí và người hâm mộ); rút ra được nguyên nhân dẫn đến cuộc chấn chỉnh ngành giải trí gồm: nguyên nhân trực tiếp (nghệ sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp và pháp luật, nhằm kiểm soát hiện tượng nghệ sĩ và chương trình kém chất lượng) và nguyên nhân sâu xa (lo ngại bất ổn và công bằng xã hội, lo ngại khuynh hướng văn hóa lệch lạc làm suy giảm sức mạnh dân tộc, nhằm củng cố quyền lực và tăng cường sức ảnh hưởng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc). Tiếp theo, bài nghiên cứu phân tích diễn biến cuộc “phong sát” nghệ sĩ tại Trung Quốc năm 2021 bằng cách đưa ra ví dụ nổi bật về các đối tượng nghệ sĩ chịu sự trừng phạt của cuộc chấn chinh theo các trường hợp: nghệ sĩ vi phạm đạo đức pháp luật, nghệ sĩ có tư tưởng chính trị và nhận thức lệch lạc, nghệ sĩ năng lực kém. Cuối cùng, chúng tôi nêu ra những tác động của cuộc chấn chỉnh ngành giải trí tại Trung Quốc đối với nghệ sĩ, các hãng giải trí và một số đối tượng liên quan khác. Có thể nói, “phong sát” nghệ sĩ là một bộ phận quan trọng và nổi bật nhất trong cuộc chấn chinh ngành giải trí. Cùng với hoạt động chấn chỉnh đối với các chương trình giải trí và cộng đồng người hâm mộ, hoạt động “phong sát” đã góp phần tạo nên thành công của cuộc chấn chỉnh ngành giải trí tại Trung Quốc năm 2021. “Phong sát” là hình thức xử lý nặng nhất dành cho các nghệ sĩ vi phạm đạo đức pháp luật, có sức răn đe mạnh mẽ đối với nghệ sĩ. Vì vậy, hoạt động “phong sát” diễn ra quyết liệt có đóng góp lớn trong việc giáo dục, định hướng nghệ sĩ tuân thủ đúng quy định pháp luật và phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Tuy nhiên, hoạt động “phong sát” chịu ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị, do vậy có thể diễn ra chưa thật sự minh bạch. Bên cạnh đó, do việc kiểm soát vi phạm của nghệ sĩ còn chưa toàn diện, hầu hết các trường hợp áp dụng hình thức “phong sát” đều được thực hiện khi những sai phạm của họ bị dư luận vạch trần nên còn mang tính thụ động.
Từ khóa: chấn chỉnh ngành giải trí, nghệ sĩ vi phạm, phong sát nghệ sĩ