Theo các chuyên gia dân số và kinh tế, già hóa dân số là một trong những xu hướng có ý nghĩa nhất của thế kỷ 21, có tác động đến toàn bộ các khía cạnh của đời sống xã hội của thế giới và từng quốc gia. Theo Liên hợp quốc, già hóa dân số đang diễn ra ở tất cả các châu lục và các quốc gia trên toàn thế giới với tốc độ khác nhau. Già hóa dân số diễn ra trước hết ở các nước phát triển như Monaco, Nhật Bản, Đức, Italia…. Nhưng hiện nay tình trạng già hóa dân số đang tăng nhanh ở nhiều nước đang phát triển. Trong đó có Thái Lan và Việt Nam. Sự biến đổi này đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và nhiều mặt của xã hội Thái Lan và Việt Nam vì vậy việc nghiên cứu về sự già hóa dân số là cần thiết để đưa ra những giải pháp thiết thực trước tình trạng này nhằm tận dụng những cơ hội mà thách thức này mang lại để phát triển kinh tế.
Bài nghiên cứu khoa học có cấu trúc như sau:
Chương 1. Thực trạng già hóa dân số ở Thái Lan từ năm 2000 đến 2013.
Chương 2. Cơ hội và thách thức của già hóa dân số ở Thái Lan
Chương 3. Giải pháp của Thái Lan về vấn đề già hóa dân số và kinh nghiệm cho các nước đang phát triển như Việt Nam
Với phương pháp nghiên cứu là phương pháp thu thập thông tin; phân tích tổng hợp bài nghiên cứu đã đưa ra được những kết luận như sau:
Thứ nhất, thực trạng già hóa dân số ở Thái Lan diễn ra với tốc độ nhanh chóng từ năm 2000 đến 2013. Nguyên nhân của già hóa dân số là do tuổi thọ trung bình tăng và tỷ lệ sinh giảm. Đặc điểm của sự già hóa dân số ở Thái Lan là: tốc độ già hóa dân số nhanh; không đồng đều về giới tính (tỷ lệ nữ giới cao hơn khi độ tuổi ngày càng cao); già hóa dân số ở Thái Lan diễn ra không đồng đều ở các vùng của Thái Lan. Dân số già hóa nhanh chóng cùng với sự phức tạp của quá trình già hóa đòi hỏi chính phủ Thái Lan phải đưa ra biện pháp hiệu quả cho từng vùng.
Trên thực tế chính phủ Thái Lan đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp từ rất sớm trước cả khi đất nước đạt mức dân số già. Các biện pháp đó là đưa ra nhiều chính sách cho người cao tuổi và khuyến khích dân số tăng tỷ lệ sinh. Những biện pháp này của Thái Lan đã góp phần hạn chế những thách thức do già hóa dân số đem lại.
Về phía Việt Nam, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Để đối phó với tình trạng già hóa dân số diễn ra ngày một nhanh, chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người cao tuổi về chính sách bảo trợ xã hội, về chính sách giảm giá vé, giá dịch vụ chính sách chúc thọ, mừng thọ… Mặc dù đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi tuy nhiên trên thực tế người cao tuổi ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do những biện pháp này vẫn chưa được đưa vào hoạt động một cách hiệu quả và những chính sách đưa ra vẫn chưa sát thực tế. Vì vậy việc học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan là một việc cần thiết.
Từ những kết quả nghiên cứu trên em xin được đưa ra khuyến nghị về một vài giải pháp trước tình trạng già hóa dân số cho Việt Nam thông qua bài học kinh nghiệm của Thái Lan.
Bài báo cáo khoa học kết luận được rằng già hóa dân số là một thành tựu xã hội to lớn của loài người và của các quốc gia. Vì vậy các quốc gia phải có nhìn nhận đúng đắn rằng già hóa dân số không phải là một gánh nặng cho đất nước mà nó chỉ là một yếu tố sẽ làm cho gánh nặng kinh tế và xã hội trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. Với Việt Nam và Thái Lan thì để ứng phó với tình trạng già hóa dân số thì cần có sự quan tâm của cả chính phủ cùng người dân và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước.
Tác giả: Ma Thị Hồ - K58 Thái Lan học
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn