Kính thưa Thầy Phan Huy Lê!
Mấy dòng ngắn ngủi trong bài viết này như một nén hương thơm của các thế hệ học trò và thầy cô giáo khoa Đông Phương học được dâng lên để ghi ơn và tưởng nhớ về thầy trong những ngày đau thương vô hạn của cả khoa, khi hay tin thầy đã về cõi vĩnh hằng.
Thưa Thầy…
Tính từ năm 1993, một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Cái tên ĐÔNG PHƯƠNG HỌC, thật vinh hạnh, đã “tạc” vào nền giáo dục Việt Nam, vào xã hội Việt Nam với một vị thế chói ngời. Đối với bạn bè khu vực và quốc tế, ĐÔNG PHƯƠNG HỌC VIỆT NAM cũng đã lưu một dấu ấn khá đậm.
Trong lịch sử phát triển của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, không còn nghi ngờ gì nữa, “thương hiệu” Đông Phương học gắn liền với tên tuổi của một “hiền triết”, một nhà khoa học lừng danh, một người thầy mẫu mực và thân thương đối với các thế hệ học trò - GS Phan Huy Lê.
Vào thời điểm 1993 khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đang từng bước thay dần “chiếc áo mới” bằng Đại học Quốc gia Hà Nội, GS Phan Huy Lê, sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng, đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép thành lập khoa Đông Phương học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ý tưởng của thầy nhanh chóng trở thành hiện thực. Và mặc dù lúc đó đã bước vào tuổi 60 nhưng GS Phan Huy Lê không quản ngại nhiệm vụ nặng nề, đã đứng ra đảm nhận vai trò chủ nhiệm khoa đầu tiên. Cho đến hôm nay, có thể khẳng định chắc chắn rằng, đó là cái PHÚC của khoa Đông Phương học. Việc thành lập và định hướng phát triển khoa Đông Phương học đã thể hiện tầm chiến lược của một học giả vừa uyên bác trong nghiên cứu khoa học vừa có tầm nhìn xa về tương lai của một ngành học mới. Chính từ định hướng sáng suốt ban đầu ấy, sau này các thế hệ lãnh đạo tiếp theo của khoa đã thực thi chiến lược phát triển khoa một cách bài bản, bền vững, để đến hôm nay ngôi nhà Đông Phương học càng ngày càng trở nên khang trang và trở thành một trong những địa chỉ có “sức thu hút” nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Công lao ấy, trước hết, thuộc về thầy – Người thắp lửa Đêm Phương Đông.
Thưa thầy! Có quá nhiều điều chúng em học được từ thầy. Còn nhớ, trong nhiệm kì làm Chủ nhiệm khoa của thầy, với uy tín của một nhà khoa học lớn, thầy đã mời được rất nhiều học giả có danh tiếng từ Học viện Ngoại giao, Viện nghiên cứu Trung Quốc, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện kinh tế - chính trị thế giới,…tham gia Hội đồng Khoa học Đào tạo và trực tiếp giảng dạy sinh viên. Trong thời kỳ “trứng nước” ấy, khi mà đội ngũ giảng viên trong khoa vẻn vẹn chưa đến một chục người, thì đó là một “chiến lược dùng người” rất thiết thực và có hiệu quả.
Có được một cơ ngơi đồ sộ như ngày hôm nay với cả 3 bậc đào tạo: Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ, chính là nhờ ở tầm chiến lược phát triển Đông Phương học Việt Nam của GS Phan Huy Lê. Xác định Đông Phương học là Khu vực học, vừa giảng dạy các ngôn ngữ bản địa vừa giảng dạy các môn cơ bản mang tính liên ngành và đa ngành, khoa Đông Phương học đã tạo ra được một sự khác biệt rõ rệt so với các khoa ngoại ngữ chuyên ngành. Định hướng chuẩn xác ấy thuộc về thầy – Thầy Phan Huy Lê kính quý của chúng em.
Là nhà khoa học có tầm ảnh hưởng quốc tế, ngay từ khi khoa mới được thành lập, GS Phan Huy Lê đã tạo ra các mối quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, v.v. Và trên cơ sở của các mối quan hệ ban đầu ấy, ngày nay Đông Phương học đã trở thành khoa “điểm sáng” về quan hệ quốc tế của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
Thầy ơi! Không ai tin thầy đã đi xa bởi trong trái tim của chúng em, hình ảnh người thầy với nụ cười đôn hậu và giọng nói ấm cúng, chân thành không bao giờ phai nhạt. Tình cảm nồng hậu, thân thiện, cách xử lí ôn hòa, thấm đậm giá trị nhân văn của thầy sẽ mãi mãi là nguồn động viên vô giá cho các thế hệ thầy và trò khoa Đông Phương học trong tương lai.
Xin vĩnh biệt thầy – Thầy Lê vô cùng yêu quý của chúng em.
MAI NGỌC CHỪ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn