Ngày 13/10/2018, Khóa học “Tìm hiểu cộng đồng châu Á” khai giảng tại Trường ĐHKHXH&NV. Khóa học do One Asia Foundation tài trợ.
Khóa học được tổ chức hàng năm và nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Khoa Đông phương học (PGS.TS. Lê Đình Chỉnh phụ trách) và One Asia Foundation từ năm 2013. Khóa học gồm các chuỗi bài giảng nhằm trang bị kiến thức cho sinh viên Khoa Đông phương học về cộng đồng châu Á trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh chính trị. Giảng viên tham gia khóa học là các giáo sư đầu ngành của các trường đại học Việt Nam và nước ngoài.
Sau buổi khai giảng, các sinh viên đã nghe bài giảng đầu tiên do GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Nhà trường) trình bày. Bài giảng đề cập đến tầm quan trọng của khoa học và công nghệ như là động lực hàng đầu của sự phát triển cho mọi quốc gia. Diện tích, dân số hay sự phát triển lâu đời... không quyết định sự phát triển của một đất nước mà chính là trình độ phát triển của khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, một quốc gia muốn phát triển cũng phải quan tâm đến việc giảm sự bất bình đẳng xã hội, giảm sự nghèo đói. Vì nếu sự bất bình đẳng tiếp diễn thì làm giảm lòng tin xã hội, tạo sự bất ổn xã hội.
GS. Minh khẳng định, sự phát triển của khoa học và công nghệ cũng có những mặt trái khi ứng dựng của nó không vì những mục tiêu phát triển, ví dụ như sản xuất vũ khí hủy diệt hay những can thiệp y học đi ngược lại những giá trị nhân bản...
Vậy làm thế nào để ứng dụng khoa học công nghệ vào sự phát triển? Trong đó, vai trò và trách nhiệm của các trường đại học là vô cùng quan trọng. Đại học là nơi nuôi dưỡng, ươm mầm các tài năng của đất nước và là nơi phát triển trí tuệ của con người tới mức cao nhất.
Bài giảng cũng dành một thời lượng lớn đề cập đến giá trị các di sản thế giới ở Việt Nam và nhấn mạnh đến yêu cầu cần bảo tồn, khai thác và phát huy món quà mà thiên nhiên ban tặng.
Khóa học sẽ diễn ra từ tháng 10/2018 đến tháng 1/2019. Sau buổi khai giảng sẽ là các chuyên đề: Vấn đề duy trì và bảo tồn di sản văn hóa – phát triển du lịch bền vững ở Châu Á; Vai trò của thể chế và tư tưởng chính trị hướng tới xây dựng cộng đồng Châu Á: Quan điểm triết học; Bảo tồn các ngôn ngữ bản địa châu Á: Lý thuyết và Thực tiễn; Quan hệ quốc tế ở châu Á: Lịch sử và Triển vọng; Chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay; Dân số Châu Á và Việt Nam: Những vấn đề về xu hướng biến đổi; Nét đặc thù trong nghiên cứu Khu vực học hướng tới xây dựng cộng đồng châu Á; Nghiên cứu biển đảo và một số vấn đề ở châu Á.
Theo USSH
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn