Trao tặng hơn 3.000 cuốn sách về Đông Nam Á học của cố GS. Nicholas Tarling

Thứ ba - 20/11/2018 00:00
Trao tặng hơn 3.000 cuốn sách về Đông Nam Á học của cố GS. Nicholas Tarling
Trao tặng hơn 3.000 cuốn sách về Đông Nam Á học của cố GS. Nicholas Tarling

GS. Nicholas Tarling (1931-2017) là một sử gia, học giả chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á. Ông sinh ra ở Anh quốc, nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Cambridge và bắt đầu sự nghiệp giảng dạy về Đông Nam Á tại Đại học Awckland (New Zealand) từ năm 1965. Ông từng giữ vị trí Trưởng Khoa Nghệ thuật và Quyền Phó Hiệu trưởng của Đại học Awckland.

GS. Nicholas Tarling được coi là đại sứ khoa học của New Zealand và là cha đẻ của Đông Nam Á học. Ông đã nghiên cứu và viết về các nước Malaysia, Bắc Borneo, Philippines, Lào vào thế kỷ 18-19, đặc biệt trong liên hệ với sự can dự của nước ngoài vào các nước này. Vào những năm 1960, khi ngành học này vẫn chưa phổ biến ở New Zealand, GS. Nicholas Tarling đã cho rằng quan hệ gần gũi và chặt chẽ với Đông Nam Á là rất cần thiết cho sự phát triển của quốc gia này.

Cống hiến và ảnh hưởng lớn của GS. Nicholas Tarling đối với Đông Nam Á học được thể hiện ở: ông là thành viên kỳ cựu tại Viện Châu Á New Zealand, là người đứng đằng sau sự ra đời của Hiệp hội Nghiên cứu Châu Á New Zealand năm 1974, là Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Á New Zealand trong suốt bốn thập kỷ. Năm 2008, ông chủ trì cuộc gặp tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) với sự tham gia của đại diện các trường đại học hàng đầu Đông Nam Á như Chulalongkorn, NUS để thành lập Hiệp hội Nghiên cứu Đông Nam Á Nicholar Tarling.

GS. Nicholas Tarling còn là một nhà hoạt động xã hội và một nhà văn. Năm 2016, người ta tính được rằng ông đã viết trên 50 cuốn sách, không kể hàng trăm bài viết và các tham luận khoa học.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) - người có mối quan hệ gần gũi với nhà khoa học chia sẻ: GS. Nicholas Tarling là một người cá tính và là một giảng viên xuất sắc. Giáo sư đã có liên hệ với Việt Nam trong một thời gian dài, nhưng không thăm Việt Nam thường xuyên vì hồi đó còn chiến tranh. Sau đó, Nhà trường có cơ hội kết nối với Giáo sư thông qua các hoạt động thúc đẩy Đông Nam Á học tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Cuối năm 2007, GS. Nicholas Tarling đã bày tỏ nguyện vọng tặng Trường một bộ 3.000 cuốn sách sau khi ông qua đời và “ông muốn có sự nối tiếp những gì ông đã viết về Đông Nam Á”.

Phát biểu vinh danh nhà khoa học tận tụy và tài năng, Đại sứ Wendy Matthews ca ngợi những đóng góp của ông cho ngành Đông Nam Á học ở New Zealand trước hết là ở “tầm nhìn và đam mê”: “Ông gần như đã thay đổi nhận thức của New Zealand với Đông Nam Á học”. Không chỉ thành lập Hiệp hội Nghiên cứu Châu Á New Zealand mà chính vai trò của ông tại Khoa Nghệ thuật đã định hình nên ngành Đông Nam Á học và khuyến khích các đồng nghiệp, sinh viên quan tâm tới ngành này.

Đại sứ Wendy Matthews cho rằng GS. Nicholas Tarling còn có "một cuộc đời đầy đam mê”. Nhà khoa học truyền cảm hứng cho rất nhiều người trong cộng đồng học thuật. Ông không chỉ đam mê lịch sử, mà còn có hứng thú với các loại hình nghệ thuật như diễn kịch. Ông tham gia vào các chương trình nhạc cổ điển trên sóng phát thanh, làm chủ tịch của nhiều tổ chức nghệ thuật; là một diễn viên và là người sáng lập rạp hát Mercury.

Bà đại sứ nhấn mạnh: Chúng ta hãy cùng suy ngẫm về GS. Nicholas Tarling và với tư cách là các nhà quản lý, nhà ngoại giao, nhà khoa học và các sinh viên, hãy tìm ra cách để phát huy hơn nữa tầm nhìn và đam mê của ông.

Thay mặt Nhà trường tiếp nhận món quà quý của GS. Nicholas Tarling, Giáo sư Hiệu trưởng Phạm Quang Minh phát biểu: Nguồn tư liệu phong phú và giá trị này đến với Nhà trường trong bối cảnh Đông Nam Á học đang trở thành ngành học tiềm năng và đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới. Nhà trường sẽ lưu giữ bộ sách cẩn thận và chia sẻ nguồn tri thức này đến các giáo sư, sinh viên của Nhà trường cũng như các trường đại học khác. Chắc chắn rằng tâm huyết và nỗ lực của GS. Nicholas Tarling sẽ khiến những người có liên quan hôm nay thấy cần có trách nhiệm viết tiếp về Đông Nam Á và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - New Zealand ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Theo USSH

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây